Chia sẻ Lời Chúa - Thứ Năm Tuần Thánh

  • 14/05/2022
  • Tình yêu bị phản bội

     

    “Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con !” (Tv 41,10).

    Lời Thánh vịnh 41 trên đây thốt lên quả là chua xót, mà có lẽ chỉ ai đã và đang bị người thân phản bội, mới hiểu hết ý nghĩa của nỗi đau này. Đó cũng chính là trường hợp của Chúa Giêsu mà Bài Tin Mừng (Ga 13, 1-15) hôm nay thuật lại. Bình thường, bị người khác phản bội đã là đều đáng buồn. Thế nhưng, vẫn chưa buồn cho bằng khi bị phản bội bởi chính những người mình thân yêu nhất.

    “Vạn tuế Con Vua Đavít, chúc tụng vua Trước tiên, Chúa Giêsu bị phản bội bởi chính người Dothái - những người được kể là đồng bào với Người. Chỉ vì ghen tương, đố kỵ, mà họ sẵn sàng kết án tử cho Đức Giêsu. Chúng ta cùng nhớ lại khi Đức Giêsu vinh hiển tiến vào thành thánh Giêrusalem, dân chúng ra đón Người với cành lá trên tay và tung hô rằng: Israel”. Thế nhưng chỉ ít ngày sau đó, cũng những con người ấy, lại giơ hai tay lên để đòi: “Đóng đinh nó (Đức Giêsu) vào thập giá”. Thật là: Dòng đời đổi trắng thay đen.

    Không chỉ bị những người Dothái phản bội, Đức Giêsu còn bị phản bội bởi chính những môn đệ của mình. Để có được 30 đồng bạc – cái giá của một người nô lệ thời bấy giờ - Giuđa sẵn sàng bán đứng người Thầy của mình. Rồi Phêrô, người vẫn được Chúa Giêsu tin tưởng dẫn đi theo mình trong những giờ phút quan trọng, cũng phản bội Thầy bằng cách chối: “không biết Thầy”. Còn các môn đệ khác, mặc dù không đứng ra trối bỏ Thầy cách công khai, nhưng khi Thầy gặp cơn nguy biến thì lại âm thầm bỏ trốn. Thật đúng như lời ca dao xưa rằng: “Khi vui thì vỗ tay vào. Đến khi hoạn nạn thì nào thấy ai”.

    ***

    Sau khi nghe bài Tin Mừng hôm nay, có thể rất nhiều người trong chúng ta tỏ ra bất bình với cách hành xử của các môn đệ. Trước tiên, chúng ta bất bình với Giuđa: Tại sao lại bán Thầy, trong khi anh đã từng là người quyết định “Bỏ mọi sự mà theo Thầy”. Dù thế nào đi chăng nữa, thì anh cũng là người đã từng theo sát Thầy, đã từng nghe biết bao lời hay lẽ phải từ môi miệng Thầy thốt ra. Hơn thế nữa, Thầy đâu có tội tình gì, có chăng, cũng chỉ là vì quá thương anh?

    Chúng ta trách Phêrô: Tại sao một người môn đệ được Chúa Giêsu tin tưởng trao cho trách vụ làm tông đồ trưởng, thế mà ông vẫn đang tâm chối Thầy. Mọi ngày ông vốn là người tính tình cương trực và quả cảm, thế mà chỉ trong một đêm, ông đã chối Thầy tới ba lần.

    Chúng ta giận các môn đệ - những người được Chúa cưu mang, nâng đỡ; những người được kể là thân tín nhất - đáng lý ra, trong những giờ phút nguy kịch, các ông phải làm một điều gì đó cho Thầy của mình. Đàng này, không những chẳng giúp được Thầy, các ông còn chạy trốn hết, chỉ còn lại duy nhất một mình môn đệ Gioan…

    ***

    Nếu cứ suy nghĩ theo cách như vậy, chúng ta có thể có thêm nhiều lý do nữa để trách cứ các môn đệ. Thế nhưng, khi ngẫm lại, chúng ta bỗng thấy giật mình. Ở đâu đó trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng mang dáng dấp của các môn đệ hôm nay.

    Chúng tôi, các linh mục, nam nữ tu sỹ, những người quyết định dâng hiến cuộc đời cho Chúa để phục vụ cộng đoàn. Thế nhưng, nhiều lúc, không ít người trong chúng tôi vẫn tỏ ra bất trung, khi chưa chu toàn trách vụ được trao phó, đấy là chưa kể đến việc đi ngược lại những gì mình đã cam kết với Chúa và với cộng đoàn trong ngày được thánh hiến hay ngày khấn dòng.

    Những người sống đời hôn nhân gia đình, mặc dù đã cam kết một đời thủy chung để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt cuộc đời, nhưng thử hỏi, mấy ai giữ trọn được lời cam kết ấy !

    Biết bao người vợ, đáng lý phải là người tề gia, nội trợ, quán xuyến công việc gia đình, để chăm lo cho chồng, cho con, thế nhưng suốt ngày chỉ toàn gây mâu thuẫn bất hòa bằng những lời chua ngoa, gắt gỏng.

    Biết bao người chồng, đáng lý phải là trụ cột gia đình, phải vun vén cho hạnh phúc của vợ và các con, thế nhưng lại chỉ rượu chè bê tha, về nhà chửi vợ mắng con, làm tan nát hạnh phúc gia đình.

    Biết bao người con đã tỏ ra bất trung, khi chưa thực sự chu toàn bổn phận thảo hiếu trong gia đình. Thay vì phải chăm sóc, phụng dưỡng cho cha mẹ, thì lại tỏ ra dửng dưng, lạnh nhạt trước những bậc đã từng sinh thành và dưỡng dục mình nên người.

    ***

    Vậy ra, chúng ta cũng chẳng hơn gì các môn đệ ! Vâng đúng như vậy. Sự yếu đuối và bất trung là thân phận của con người, nhưng cho dù tình người có đổi thay theo năm tháng, thì tình Chúa vẫn luôn son sắt thủy chung. Tình yêu ấy, hôm nay được thể hiện qua việc, Đức Giêsu đã tự nguyện cúi xuống để rửa chân cho các môn đệ - một hành động vẫn được coi là của một người đầy tớ. Một sự hoán đổi ngôi vị. Người đáng được phục vụ thì lại trở nên người phục vụ. Như lời thánh Giáo phụ đã từng nói: “Thiên Chúa làm người để con người được làm con Thiên Chúa” là vậy.

    Thế nên, việc phục vụ nhau, rửa chân cho nhau không đơn thuần chỉ là một lời khuyên nữa, nhưng là một lệnh truyền.“Nếu Thầy là Chúa và là Thầy mà còn phải rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Vậy làm sao để đáp đền tình yêu ấy? Thưa, chúng ta hãy rửa chân cho nhau, nghĩa là hãy trở nên những người phục vụ nhau trong khiêm nhường. Đó chính là điều mà Đức Giêsu - vị thầy của chúng ta - đã muốn như vậy:

    Học nơi Chúa Giêsu, mỗi người trong chúng ta cũng hãy trở nên người phục vụ kẻ khác. Ước gì từng người chúng ta đừng phản bội lẫn nhau chỉ vì những mối tình bất chính, những đam mê tội lỗi, nhưng biết sống cao đẹp qua đời sống trung tín, thuỷ chung. Ước gì tình yêu như Thầy Giêsu sẽ làm cho các gia đình luôn ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trong tình Chúa, tình người, nhất là trong năm Hiệp Hành này. Amen!

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Nguồn: gioitre-tnttgptb.org

    Bài viết liên quan