Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói : “Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhìn vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái. Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra. Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói : “Trước đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao ? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả” (Aesop).
***
Nhà tu đức học nổi tiếng người Ấn Độ là cha Anthony de Mello đã nói: “Không có niềm vui nào lớn hơn là khi không có một lý do nào để buồn phiền và không có một của cải nào lớn hơn là khi bằng lòng với điều mình đang có”.
Vâng, bằng lòng với những gì mình đang có là bí quyết để có thể sống hạnh phúc, thế nhưng trong thực tế, khi càng giàu có, con người lại càng muốn có nhiều hơn và đó chính là giềng mối của mọi thứ bất hạnh của con người. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã giúp chúng chúng ta có cái nhìn đúng đắn về của cải qua dụ ngôn “người phú hộ giàu có”.
Thái độ của Chúa Giêsu đối với của cải.
Tại sao Chúa lại lên án ông phú hộ ? Phải chăng là vì ông ta quá giàu?
Trước tiên, chúng ta phải khẳng định rằng: Giàu có không phải là tội. Khi dựng nên con người, Thiên Chúa không hề muốn con người phải sống trong cảnh nghèo nàn và lạc hậu, trái lại, Ngài ước mong cho chúng ta được sống và sống một cách dồi dào sung mãn, như lời Đức Giêsu đã khẳng định: “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Thứ đến, Chúa Giêsu không hề khinh ghét của cải, bởi vì chính Ngài cũng đã lao động để làm ra của cải. Nhưng điểm khác biệt là ở chỗ, Ngài không bao giờ để cho của cải chi phối, thống trị mình. Ngài đã từ chối không làm phép lạ hoá đá thành bánh khi bị ma quỷ cám dỗ trong hoang địa, nhưng lại không do dự làm cho bánh hoá nhiều để nuôi dân chúng.
Trong cuộc đời công khai, Chúa Giêsu luôn tỏ ra thương xót những kẻ nghèo hèn và cùng khốn, tuy nhiên, Ngài cũng có những người giàu ở bên cạnh, chẳng hạn như Giakêu, như Giuse Arimathia. Ngài cũng đã vào nhà ông Simon - một người biệt phái giàu có…
Vậy đâu là lý do Chúa Giêsu lên án ông nhà giàu này ? Thưa là bởi vì ông ta là một người ích kỷ, chỉ lo cho chính bản thân mình mà không hề nghĩ đến người khác.
Có lẽ không dụ ngôn nào nhiều chữ "mình" như trong dụ ngôn này: "Hoa màu của mình, kho lẫm của mình, thóc lúa và của cải của mình, linh hồn của mình" - Đó là những chữ mà người ích kỷ hay dùng đến. Ông nhà giàu không hề nhìn xa hơn thế giới của mình. Mọi chương trình của ông chỉ luẩn quẩn trong thế giới riêng của ông ta. Ông coi tiền của như mục đích duy nhất của đời sống. Đối với ông, tiền bạc chính là vật bảo đảm vững bền những khát vọng của con người. Thế nhưng ông không hiểu được rằng: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì chẳng được ích lợi gì."(x.Lc 12,21).
Cũng một ý tưởng như vậy, tác giả Thánh vịnh 49 cho hay: "Chúng cậy vào của cải, lại vênh vang bởi lắm bạc tiền, nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình, và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa. Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời …" (49,7-9). Giàu có mà keo kiệt, mà ích kỷ thì cũng chẳng giúp ích gì cho cuộc sống mai hậu của họ, bởi vì: “Ba tấc đất mới thật là nhà. Nơi họ ở muôn đời muôn kiếp”
Mọi sự phù hoa rồi cũng sẽ qua, chỉ tình yêu thương mà con người dành cho nhau là luôn còn mãi. Đó cũng là thông điệp mà tác giả sách Giảng Viên trong bài đọc thứ nhất cho chúng ta hay: “Phù vân quả là phù vân. Quả thế, có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Điều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại hoạ”. (Gv 1, 2,21-22).
Vậy đâu là thái độ của chúng ta đối với của cải ?
Châm ngôn Lamã có câu: "Tiền bạc khác nào nước biển, ai càng uống nó thì càng khát thêm”. Của cải vật chất là những phương tiện cần thiết cho cuộc sống của mỗi người, nhưng đồng thời, nó cũng là phương tiện để chúng ta thực hành lòng bác ái yêu thương.
Của cải chỉ trở nên xấu xa bất chính khi vì nó mà người ta chà đạp, bóc lột kẻ khác, hay khi người ta sử dụng nó một cách ích kỷ, không đem chia sẻ cho những kẻ khó nghèo.
Vậy để tránh được những hấp dẫn làm cho ta nên mù quáng bởi của cải, chúng ta cần phải biết khôn ngoan. Khôn ngoan để biết rằng: Mình không phải là chủ vĩnh viễn của của cải, vì một ngày nào đó, mình sẽ phải ra đi với hai bàn tay trắng. Khôn ngoan để không cho của cải làm chủ được mình, bởi vì hạnh phúc đích thực của con người không do tiền của mang lại mà do chính ở thái độ làm chủ của con người đối với của cải. Và sau cùng, khôn ngoan để luôn ý thức rằng: Của cải trần thế không phải là cứu cánh của đời người, mà Thiên Chúa mới là phần gia nghiệp đích thực của cuộc đời ta.
***
Lạy Chúa, xin dạy con đừng chỉ thu tích của cải cho riêng mình, nhưng biết mở rộng tâm hồn để trao ban cho người khác. Xin cho chúng con niềm vui khi được chia sẻ vì biết rằng: chỉ tích trữ những kho tàng nơi Thiên Chúa, kho tàng ấy sẽ không bao giờ mất được. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 145 | Tổng lượt truy cập: 708,090