Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XVII Thường Niên C

  • 09/09/2022
  • Cầu nguyện là tín thác vào Chúa

    Chúa Nhật tuần trước, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta về tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Tiếp nối tư tưởng đó, Tin Mừng Chúa Nhật tuần này, Chúa dạy chúng ta phải cầu nguyện như thế nào?

    Ngày nay, không ít người tín hữu, cách riêng các bạn trẻ, tỏ ra xa rời với việc cầu nguyện. Họ cảm thấy cầu nguyện không còn là việc cần thiết đối với họ. Có người còn đặt câu hỏi: Làm sao giữa những công việc bộn bề của cuộc sống, lại có thể bỏ ra hàng giờ để cầu nguyện ? Đổi lại, nhiều người tín hữu lại chăm chỉ cầu nguyện, nhưng dường như đối với họ, cầu nguyện đơn giản chỉ là “cầu xin”. Nên mỗi khi đến nhà thờ, họ chỉ tập trung vào việc xin điều nọ, xin điều kia, mà không ý thức được rằng, cầu nguyện không đơn thuần như vậy.

    Câu chuyện kể rằng: Giữa đêm khuya, một căn nhà ở nơi hẻo lánh bỗng bốc cháy. Trong cơn hoảng hốt, vợ chồng con cái đều thoát ra ngoài và bất lực đứng nhìn ngọn lửa. Rồi mọi người sực nhớ đứa con trai út mới lên năm tuổi vẫn còn bị kẹt trên gác. Phải làm gì đây? Không ai có thể đi vào được. Giữa lúc mọi người đang bấn loạn thì từ cánh cửa sổ trên gác, cậu bé thò đầu ra và kêu la thất thánh. Từ phía dưới, người cha nói với cậu: Con hãy nhảy xuống đi. Nhưng làm sao cậu bé dám làm theo lời cha, bởi vì nhìn xuống, cậu chỉ thấy khói và lửa. Cậu bé thốt lên trong tuyệt vọng: Làm sao con dám nhảy xuống vì không thấy ba. Thế nhưng người cha đã trấn an: Con không thấy ba nhưng ba thấy con. Con cứ nhảy xuống đi. Thế là với tất cả tin tưởng, cậu bé nhảy từ trên gác xuống và nằm gọn trong cánh tay của người cha.

    Thật vậy, cầu nguyện không chỉ là cầu xin, cũng không phải là bảng liệt kê ước muốn mà cầu nguyện đúng nghĩa phải là một sự tín thác, qua đó, chúng ta tôn thờ, thống hối, cảm tạ và xin ơn.

    Cầu nguyện là một sự tín thác.

    Tấm gương của tổ phụ Abraham mà Bài đọc thứ nhất tường thuật lại đã dạy chúng ta điều đó. Chúng ta ngạc nhiên, vì Abraham mặc cả với Thiên Chúa như những người bạn, chứng tỏ, tổ phụ đã có một đời sống kết hợp với Chúa một cách thâm sâu. Abraham nài nỉ Chúa không phải cho chính bản thân ngài, nhưng là cho cộng đoàn; ngài nghĩ tới lợi ích của cả một tập thể hơn là lợi ích của ngài. Ngài tin rằng, Thiên Chúa là Đấng nhân hậu và rất mực khoan dung, sẽ tha thứ cho dân.

    Là con cái Thiên Chúa, cho dầu chúng ta có như thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn luôn ở trong vòng tay của Thiên Chúa, đó là tất cả Tin Mừng Chúa Giêsu đã đem đến trong thế gian.

    Thiên Chúa luôn yêu thương con người, dù con người không biết Ngài, dù con người khước từ và phản bội tình yêu của Ngài, Ngài vẫn một mực yêu thương. Qua cuộc sống, cách cư xử và cái chết của Đức Giêsu, Ngài đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta.

    Đồng thời Chúa Giêsu cũng dạy cho chúng ta cách thức đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, đó là hãy chu toàn thánh ý của Thiên Chúa. Lời kinh Lạy Cha Ngài để lại cho Giáo Hội chính là chương trình sống của Chúa Giêsu, chính là tiếng xin vâng của Ngài đối với Chúa Cha. Từ sáng đến chiều, xuyên qua những giao tiếp và giảng dạy, Ngài luôn để lộ một cử chỉ duy nhất, đó là thuộc trọn về Chúa Cha, tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Chúa Cha. Nên khi dạy chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu không chỉ truyền lại một công thức, mà là cả cuộc sống xin vâng của Ngài.

    Thế nên, có thể nói rằng: Kinh Lạy Cha là một lời kinh tuyệt vời, vì chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, còn chúng ta là con cái của Người. Chúng ta xin Cha ban ơn không những phần xác mà cả phần hồn; chúng ta xin Cha không chỉ tha tội trong quá khứ mà còn gìn giữ cho khỏi cám dỗ ở tương lai, nên chắc chắn sẽ được Chúa Cha đón nhận.

    Sau khi đã dạy chúng ta lời kinh tuyệt vời đó, Người còn khuyên chúng ta hãy kiên nhẫn và trông cậy mà cầu nguyện.

    Cầu nguyện cần một sự kiên nhẫn.

    Kiên nhẫn trong khi cầu nguyện là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Người sẽ ban. Nếu chúng ta không nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Người muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy tình nhân ái.

    Cầu nguyện cần một sự trông cậy.

    Phải trông cậy trong khi cầu nguyện vì Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9). Chân phước Têrêxa Calcutta đã chia sẻ kinh nghiệm này như sau: “Chúng tôi có hơn một ngàn tu sĩ, và còn phải nuôi ăn hàng chục ngàn người. Thế mà, chưa bao giờ chúng tôi phải từ chối bất cứ một ai đến xin giúp đỡ. Chúa luôn can thiệp kịp thời để cho chúng tôi thấy rằng Người không bao giờ làm lơ trước lời cầu nguyện của chúng ta”.

    Do đó, cầu nguyện không có nghĩa là đọc lại một câu kinh, mà chính đi vào tâm tình và cuộc sống của Chúa Giêsu. Một người tín hữu luôn chu toàn thánh ý Thiên Chúa và luôn sống với hai chữ xin vâng hằng sẽ không ngừng kêu lên: Tôi đã cầu xin được khoẻ mạnh để làm những điều vĩ đại, thế nhưng Chúa lại ban cho tôi những bệnh tật để tôi làm những việc tốt hơn. Tôi đã xin giàu sang để được hạnh phúc, thế nhưng Chúa đã ban cho tôi sự nghèo khó để tôi được khôn ngoan hơn. Tôi đã không nhận được điều tôi kêu cầu, nhưng tôi nhận được niềm hy vọng. Những lời cầu xin mà tôi chưa từng thốt lên, tất cả đều được nhận lời. Bởi vì tất cả đều là hồng ân của Chúa.

    Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta hãy có tâm tình tín thác trong lời cầu nguyện, để nhờ đó, đời sống chúng ta luôn là lời tạ ơn Chúa không ngừng. Amen.

    Bài viết liên quan