Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXIV Thường Niên C

  • 09/09/2022
  • Tình yêu đi bước trước

    Thánh sử Luca không chỉ được coi là một văn sĩ tài ba với những áng Tin Mừng sâu sắc và giàu chất biểu cảm, mà ông còn được coi là tác giả viết Tin Mừng hay nhất về lòng thương xót của Thiên Chúa mà 3 dụ ngôn được kể lại hôm nay là một điển hình.

    Có lẽ không một nhà kinh doanh nào lại tính toán theo kiểu đánh đổi 99 để lấy 1 giống như người chăn chiên mà Tin Mừng thuật lại; cũng chẳng có người phụ nữ nào lại đi mời tất cả hàng xóm láng giềng đến ăn mừng khi chị ta tìm được 1 đồng bạc bị đánh mất. Chắc hẳn chúng ta không thể dùng lý luận tự nhiên để cắt nghĩa những điều tưởng chừng như nghịch lý đó, mà phải nhìn dưới cái nhìn của tác giả Tin Mừng, tức là nhận ra tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa đã dành cho loài người chúng ta.

    Tình yêu đi bước trước

    Thực vậy, ngay từ khi nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã lặn lội đi tìm con người. Trong suốt dọc dài lịch sử Cựu Ước, Thiên Chúa không ngừng lặn lội đi tìm kiếm con người như mục tử đi tìm kiếm đoàn chiên của mình.

    Hình ảnh người mục tử tận tụy với đoàn chiên được họa lại nơi chính con người của Chúa Giêsu, Đấng đã từng khẳng định: “Ta đến để chiên được sống và sống dồi dào”. Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước khi có chúng ta. Người đã cứu độ chúng ta trước khi chúng ta trở về, nghĩa là khi chúng ta còn ở trong tội lỗi. Thái độ và cách thức cư xử của Chúa Giêsu đối với những kẻ thu thuế và tội lỗi đã là một lời nói hùng hồn chứng minh cho sự thật trên.

    Tình yêu đi trước cũng chính là tình yêu vô điều kiện và hoàn toàn vô vị lợi, hoàn toàn nhằm tới hạnh phúc của người được yêu thương.

    Tình yêu tìm kiếm những gì đã mất

    Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không chỉ ngồi đó chờ kẻ có tội trở về xin lỗi rồi mới thứ tha. Nhưng chính Thiên Chúa chủ động, có sáng kiến đi tìm con người. Đó là nét độc đáo trong tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.

    Chính Chúa là người chăn chiên đi tìm con chiên bị lạc. Là người ra ngõ tìm đứa con bỏ nhà đi hoang. Cuộc đi tìm không phải dễ dàng. Người chăn chiên phải băng đồi vượt sông, luồn lách qua gai góc, dẫm đạp sỏi đá, chịu đựng nắng mưa, bất chấp thú dữ rình rập. Người phụ nữ phải thắp đèn soi vào mọi ngóc ngách trong nhà, lùa chổi vào những khe nứt nhỏ bé, kiên nhẫn moi móc tìm kiếm niềm hy vọng mong manh. Người cha phải vượt qua những thành kiến xã hội, lòng tự ái bị thương tổn, trái tim đau đớn vì yêu thương. Quả như lời Chúa Giêsu nói: “Ta đến không để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi. Con Người đến tìm và cứu vớt những gì đã hư mất”.

    Tình yêu tha thứ

    Có yêu thương thì mới đi tìm, và khi đi tìm cũng đồng nghĩa với việc Ngài đã tha thứ. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi. Người đi tìm ta trước khi ta trở về.

    Tha thứ là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa. Ta hãy đọc lại lịch sử dân Israel. Biết bao lần dân chúng phản bội, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn nhân từ tha thứ. Khi Môsê cầu nguyện trên núi, dân Do thái đã phản bội, gom góp vàng bạc đúc tượng bò mà thờ. Chúa nổi giận muốn phạt họ. Nhưng khi Môsê nài xin Chúa, Chúa đã nguôi giận mà tha thứ cho dân.

    Phaolô ghét đạo Chúa, đi tìm bắt những người theo Chúa. Nhưng Chúa đã thương hoán cải ông. Hơn nữa, Chúa còn chọn ông làm Tông đồ cho Chúa.

    Người con bỏ nhà ra đi, phung phí hết tiền của cha, nhưng người cha già vẫn yêu thương chờ đời, tha thứ hết khi nó trở về.

    Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người, nhất là người tội lỗi thực là vô biên. Sự tha thứ ấy minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lớn lao biết chừng nào.

    ***

    Lòng nhân từ của Thiên Chúa vẫn ở trong cuộc đời chúng ta. Lòng nhân từ của Thiên Chúa ví tựa như tấm lòng người mẹ, luôn yêu con bằng trái tim chứ không bằng trí óc. Và cũng chỉ có tình thương trời bể của người mẹ mới cho chúng ta hiểu nổi tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhất là đối với kẻ tội lỗi, người nghèo khó bé mọn. Vì "Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Nhưng cho dù người mẹ có quên con đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ".

    Ba dụ ngôn của Tin Mừng Luca chương 15 là câu trả lời của Đức Giêsu cho những lời phàn nàn và ganh tị của người Biệt Phái. Nhưng đó cũng là những lời cảnh tỉnh cho chúng ta hôm nay. Thông thường mỗi khi phạm tội, chúng ta có khuynh hướng khoan hồng nhân nhượng với chính mình, nhưng lại ít khoan dung với kẻ khác. Qua ba dụ ngôn này Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta về lòng thương xót vô lượng của Thiên Chúa, cho chúng ta và ngay cả cho những người chúng ta không chấp nhận trong cuộc sống của mình - những người mà chúng ta coi là con chiên lạc hay người con hoang đàng.

    Trong cuộc sống chúng ta hôm nay có biết bao người sa đọa, lầm đường lạc lối. Như người con thứ, họ cũng đã phải trả một giá khá đắt cho những sai lầm của họ. Nhưng liệu chúng ta có sẵn sàng đón nhận họ trở về? Liệu chúng ta có là những chướng ngại vật ngăn cản họ đến với Chúa Cha? Liệu thái độ xét đoán và óc phê bình của chúng ta có làm họ chùn bước để trở về với Thiên Chúa qua Hội Thánh? Liệu chúng ta có tập mở rộng lòng thương xót, đồng cảm để đón nhận họ như người anh chị em cùng một Cha trên trời?

    Lòng quảng đại và khoan dung của chúng ta là thước đo mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa. Chúng ta cần tập lòng khoan dung để có thể đón nhận người anh chị em lầm đường lạc lối với lòng thương xót, như lòng từ bi Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Và như thế, chúng ta tiếp tay với Thiên Chúa để chia sẻ sự tha thứ và hoà giải trong thế giới hôm nay. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan