Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXVI Thường Niên C

  • 09/10/2022
  • Bức tranh cuộc đời

    Nếu để ý một chút, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy những hình ảnh tương phản trong bức tranh Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe. Trước tiên là cảnh cuộc sống đời thường: "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta” (Lc 16,19-21). 

    Cảnh cuối cuộc đời: “Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn”. (Lc 16, 22).

    Những hình ảnh tương phản nói trên đã phản ánh một sự thật mà xưa nay ai trong chúng ta cũng đều ý thức được - Cuộc đời của con người là một chuyến đi về với vĩnh cửu. Cho dù vinh hoa quyền quý, hay nghèo khó cơ bần, rồi cuối cùng con người cũng bị chi phối bởi cái chết. Cái chết sẽ là dấu chấm hết cho tất cả những nỗ lực, những cố gắng cũng như những dự tính trong tương lai. Ý thức được điều đó, tác giả Thánh Vịnh 149 đã phải thốt lên rằng: “Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp”. (Tv 149, 10-12).

    Cũng trong tâm tình đó, nơi bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Amốt đã không ngần ngại lên án những kẻ sống sa hoa trên mồ hôi nước mắt của người khác bằng những lời lẽ thật đanh thép như sau: “Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on, và sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri, họ là những nhà lãnh đạo của dân, đứng đầu các dân, khiến nhà Ít-ra-en phải đến cầu cạnh. Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng”. (Am 6, 1a,4).

    Khi trông vào bức tranh tương phản như vậy, nhiều người không khỏi thắc mắc: Ông nhà giàu kia đâu có tội tình gì đâu; ông ta đâu có đánh đập người hành khất Ladarô, có chăng ông ta chỉ “ngày ngày yến tiệc linh đình” với chúng bạn. Ông ta có tiền thì ông ta có quyền tiêu xài tùy ý, tại sao phải lên án ông ta? Giàu có đâu phải là một cái tội ?

    Đúng như vậy. Nếu như chỉ đọc thoáng qua, chúng ta có thể tỏ ra thương cảm cho ông nhà giàu. Đúng là ông nhà giàu đã không hề đánh đập anh nghèo Ladarô, ông ta cũng không hề tỏ ra khinh miệt hay sai gia nhân xua đuổi. Tuy nhiên, tội của ông ta là ở chỗ: ông ta đã không quan tâm đủ tới anh nghèo Ladarô, nói đúng hơn là tội vô tâm. Ông đã khép cửa lòng, đã ung dung hưởng thụ quyền sở hữu “hợp pháp”, đã không chấp nhận chia sẻ điều mình có dư thừa. Ông nhà giàu hẳn đã thấy Ladarô, nhưng đã sống như thể không có anh ta, vì ông chỉ biết vun cho hạnh phúc của bản thân mình.

    Còn về phía Ladarô, không phải vì nghèo mà anh được lên thiên đàng, nhưng là vì anh vẫn bình thản với cuộc sống vốn dĩ đầy khó khăn đối với anh. Cho dù anh đã bị đẩy xuống đến tột cùng, làm bạn với những con chó, anh vẫn không thất vọng về cuộc đời, không oán trời oán đất, nhưng vui lòng chấp nhận thân phận mình. Chính vì thái độ chấp nhận đó mà anh đã được đền bù xứng đáng, anh được giải thoát khỏi khổ đau đời này và an hưởng hạnh phúc đời đời trong hạnh phúc thiên đàng.

    Có một thực tế thật đáng buồn là, dường như khi cuộc sống càng văn minh, thế giới càng phát triển thì hố ngăn cách giữa người giàu và kẻ nghèo lại càng sâu hơn và rộng hơn, con người càng ít quan tâm tới nhau hơn. Xưa kia, nơi làng quê, từ đầu làng cho tới cuối xóm, người ta đều biết rõ nhau, nhưng ngày nay, có thể hai phòng chung cư liền kề nhau, người ta không hề biết người hàng xóm của mình là ai. Tháng 10 năm 2011, báo chí Trung Quốc đăng tải sự việc bé Duyệt Duyệt 2 tuổi ở Trung Quốc bị xe cán 2 lần và bị 18 người qua đường phớt lờ khi em đang ở trong tình trạng nguy kịch, đã gây chấn động và tạo nên một làn sóng phẫn nộ về sự vô cảm của người Trung Quốc nói riêng, và con người thời hiện đại nói chung. Tại con người lại có thể càng ngày càng ít quan tâm đến nhau như vậy?

    Người ta có thể vô tâm do hoàn cảnh khách quan mang lại. Cuộc sống hôm nay có quá nhiều điều khiến người ta phải lo lắng. Do công việc luôn đầu tắt mặt tối, khiến người ta không có đủ thời giờ để quan tâm đến người khác. Đôi khi quá quan tâm đến ai đó, có thể bị xem là “xen vào chuyện riêng tư của người khác”. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực Internet đã khiến cho thế giới trở nên một mái nhà, nhưng cũng là mối nguy cơ làm cho con người trở nên khép kín, họ thích sống với thế giới ảo hơn là với thế giới thực bên ngoài…

    Người ta cũng có thể vô tâm vì những lý do chủ quan. Như sự ích kỷ của bản thân; do cửa lòng mình luôn khép kín, hay ít ra không đủ rộng để mở ra với người khác. Có thể sự vô tâm đến ngay từ chính những thành viên trong gia đình. Và như vậy, sự dửng dưng đối với những người ngoài cũng là điều không mấy khó hiểu.

    Bức tranh của sự phân cấp giữa người giàu và kẻ nghèo xảy ra thời Chúa Giêsu, cũng là bức tranh mà chúng ta vẫn gặp thấy ngày hôm nay. Nếu người ta bắt gặp những chiếc xe hơi đắt tiền chen chân ở các khu đô thị rực rỡ ánh đèn, thì đâu đó trong xã hội vẫn có những gia đình một ngày 2 mẹ con chi tiêu không quá 10 ngàn đồng bạc; nếu báo chí rùm beng những bữa tiệc của các đại gia tiêu tốn hàng trăm triệu đồng cho một đêm vui, thì ở một góc nào đó tối tăm nơi phố nghèo, vẫn có những người dân quần quật từ sáng đến tối chỉ mong có được 5-7 chục ngàn đồng.

    Sự vô cảm sẽ vẫn còn tồn tại nếu con người vẫn còn quy hướng về bản thân, vẫn chọn phương thức sống cho mình và vì mình. Mối tương quan giữa người với người chỉ thật sự vững bền khi chúng ta biết tìm lại ý nghĩa của lòng nhân hậu, từ bi thương xót và nối kết nhau trong tình yêu Thiên Chúa. Khi làm một công việc bái ái cho ai, đừng nghĩ rằng tôi đang ban phát hồng ân, ban phát tình yêu của tôi cho bạn, nhưng hãy nghĩ rằng tôi làm điều đó vì cả hai chúng ta đều đáng thương như nhau trước mặt Chúa.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan