LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Đức Mẹ Mân Côi
(Lc 1, 26-38)
Trên một chuyến xe lửa về Paris, một sinh viên trẻ tuổi ngồi bên một cụ già. Chỉ ít phút sau khi đoàn tàu chuyển bánh, cụ già rút trong túi áo ra một chuỗi tràng hạt và từ từ chìm đắm trong cầu nguyện. Người sinh viên quan sát cử chỉ của cụ già với vẻ bực bội. Sau một hồi lâu, xem chừng như không còn đủ kiên nhẫn nữa, anh ta mới lên tiếng:
- Thưa ông, nếu tôi không lầm thì ông vẫn còn tin những chuyện nhảm nhí ấy chứ?
Cụ già điềm nhiên trả lời:
- Đúng thế, tôi vẫn tin. Còn cậu, cậu không tin sao?
Người sinh viên cười một cách ngạo mạn và quả quyết:
- Lúc nhỏ tôi tin, nhưng bây giờ làm sao tôi có thể tin những chuyện ấy nữa. Khoa học đã thực sự mở mắt cho tôi. Ông cứ tin tôi đi, hãy quăng chuỗi tràng hạt ấy đi, và hãy học hỏi những khám phá mới. Ông sẽ thấy rằng những gì ông tin từ trước đến giờ đều là mê tín dị đoan cả.
Cụ gia bình tĩnh hỏi người sinh viên:
- Cậu vừa nói về những khám phá mới của khoa học. Cậu có cách nào giúp tôi hiểu được điều này không?
Người sinh viên hăng hái đề nghị:
- Ông cứ cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gởi đến cho ông một quyển sách. Ông sẽ tha hồ đi vào thế giới của khoa học.
Nghe vậy, cụ già bèn rút trong túi áo ra một tấm danh thiếp và trao cho cậu sinh viên. Đọc qua tấm danh thiếp, cậu sinh viên bỗng xấu hổ đến tái mặt và lặng lẽ rời sang toa khác. Bởi vì trên tấm danh thiếp ấy có ghi: “Louis Pasteur viện nghiên cứu khoa học Paris”.
***
Louis Pasteur là một nhà bác học thời danh của viện nghiên cứu khoa học Paris. Cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông gắn liền với việc cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện với tràng chuỗi Mân Côi. Ngược lại, con người sống trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay chỉ đề cao tính thực dụng, đề cao những gì mang lại hiệu quả cụ thể, tức thời, giải đáp những nhu cầu cuộc sống. Vì thế, người ta dễ lơ là với việc cầu nguyện, cho rằng cầu nguyện chẳng mang lại cái gì cụ thể cho cuộc sống, chỉ thấy mất thời giờ, nếu không muốn nói đó là chuyện nhảm nhí, mê tín dị đoan.
Vậy đâu là lý do giúp chúng ta tiếp tục cầu nguyện, cách riêng là cầu nguyện với kinh Mân Côi?
Lý do trước tiên đó là: Qua cầu nguyện giúp chúng ta nhận biết được thánh ý Chúa trong cuộc đời mình.
Lắm khi chúng ta thấy Đức Maria quá cao xa vì tràn đầy những ơn chúng ta không hề có mà quên rằng Mẹ cũng là một tín hữu bước những bước gập ghềnh qua sa mạc cuộc đời.
Là một người Dothái đạo đức, chắc hẳn, Mẹ thừa biết những lời ngôn sứ trong Cựu Ước tiên báo về một phụ nữ sẽ sinh con và người con của bà sẽ là Đấng Cứu Thế, nhưng làm sao Mẹ có thể nghĩ rằng, người phụ nữ diễm phúc đó chính là Mẹ. Thế nên chúng ta dễ hiểu khi Mẹ tỏ ra băn khoăn khi Sứ Thần Thiên Chúa truyền tin Mẹ chính là người phụ nữ đó: “Việc đấy xảy đến thế nào, vì tôi không biết đến người nam” (Lc 1,34).
Nhưng qua lời giải thích của Sứ Thần, Mẹ đã ngoan ngoãn nói lời “Xin vâng”, mặc dù Mẹ không hiểu hết con đường mình sắp đi, bởi có biết bao trắc trở, khó khăn, mờ tối… Mẹ sẵn sàng phó mình để tay Chúa dẫn đưa, vì xác tín rằng: chẳng có gì Thiên Chúa không làm được. Lời xin vâng đó chỉ có thể xuất phát từ một tâm hồn luôn luôn cầu nguyện và chiêm ngắm Lời Chúa.
Qua cầu nguyện giúp chúng ta có thể thực thi ý Chúa.
Có thể nói, tiếng “xin vâng” của Mẹ trong ngày Sứ Thần truyền tin mở đầu cho một chuỗi xin vâng làm nên cuộc đời “người nữ tỳ của Chúa”. Mẹ Xin vâng khi cùng thánh Giuse đưa con trẻ trốn sang Ai-cập; Mẹ xin vâng khi nghe lời cụ già Simêon loan báo về thân phận của con trẻ và của chính Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được tỏ lộ” (Lc 2,35). Có lẽ lời xin vâng khó khăn nhất đối với Mẹ, là khi đứng dưới chân thập giá lặng nhìn xác con chịu treo. Có người mẹ nào cầm lòng được khi ở vào hoàn cảnh của Mẹ? Nhưng Mẹ vẫn can trường đón nhận tất cả để thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ. Và để làm được hành động phi thường như vậy, không thể nào không phát xuất từ một tâm hồn luôn luôn kết hợp với Chúa trong lời cầu nguyện như Đức Mẹ.
***
Cuộc sống hôm nay luôn đặt chúng ta trước những chọn lựa. Làm sao để có thể chọn “xin vâng” theo thánh ý Chúa là điều không hề đơn giản.
Có thể, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận xin vâng khi cuộc sống được yên ổn, công việc làm ăn luôn “thuận buồm xuôi gió”. Thế nhưng, sẽ khó khăn biết mấy, nếu như đó lại là lời mời gọi phải chấp nhận nhận những thiệt thòi, thậm chí khổ đau. Những lúc gia đình gặp những thử thách gian nan, những khi vợ chồng “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, những khi bạn bè, đồng nghiệp gặp mâu thuẫn, bất đồng, những khi tình yêu bị phản bội… liệu ta có thể nói lời xin vâng như Đức Mẹ?
Sở dĩ Mẹ có thể vượt qua được những sóng gió thử thách trong cuộc đời là vì Mẹ đã cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa qua việc lắng nghe và sống trong tình hiệp thông với Ngài.
Học nơi tấm gương của Mẹ, chúng ta cũng hãy luôn sống trong tình hịêp thông với Thiên Chúa qua việc tham dự Thánh Lễ, cử hành các Bí tích và qua những giờ kinh gia đình, cách riêng là qua việc đọc và suy ngắm kinh Mân Côi.
Sẽ không có lời cầu nguyện đích thực khi chúng ta chưa dám sáp nhập toàn bộ con người và cuộc đời mình vào mối liên hệ với Thiên Chúa. Cũng không thể có việc lần chuỗi Mân Côi đích thực khi chúng ta chưa dấn mình cùng với Đức Maria vào nẻo đường của Thiên Chúa.
Ước gì, trong hành trình của chúng ta hôm nay, cho dù có gặp nhiều gian nan, trắc trở, nhưng chúng ta hãy tin tưởng rằng, cùng với Chúa Giêsu, Đấng đã hứa sẽ ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, còn có người Mẹ Rất Thánh của Người là Đức Trinh Nữ Maria. Tin tưởng như thế, sẽ giúp chúng ta tiếp tục can đảm, dấn bước ra đi loan báo Tin Mừng bằng đời sống chứng tá, yêu thương và phục vụ.
Lạy Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi, xin phù giúp chúng con. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 139 | Tổng lượt truy cập: 707,900