Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXVIII Thường Niên C

  • 09/10/2022
  • Lòng biết ơn

    Matthew Henry là một học giả Kinh Thánh lừng danh vào đầu thế kỷ 18. Một ngày kia, ông bị bọn cướp trấn lột hết tất cả và đánh cho một trận nhừ tử. Đêm hôm đó, khi trở về nhà, Henry đã ghi xuống cuốn nhật ký của ông như sau: Hãy để cho lòng ta cảm tạ ơn Thiên Chúa. Bởi vì, thứ nhất, sống mấy chục năm cuộc đời, cho đến bây giờ ta mới bị cướp; điều mà trước đây ta chưa bao giờ gặp phải. Thứ hai, mặc dầu bọn chúng cướp cái ví tiền của ta, nhưng chúng không cướp mất mạng sống của ta. Thứ ba, mặc dầu chúng nó cướp sạch những gì ta có trên người lúc đó, nhưng cũng chẳng đáng giá là bao. Và lý do cuối cùng khiến ta phải tạ ơn Thiên Chúa là bởi vì: ta là người bị cướp, chứ ta không phải là kẻ đi ăn cướp.

    ***

    Có lẽ trong xã hội chúng ta đang sống, không mấy người có thể bình tâm mà nói lên lời tạ ơn như vị học giả Kinh Thánh kể trên.

    Thật lạ lùng khi mà trong xã hội chúng ta, cách riêng là trong xã hội Việt Nam, lời cám ơn dường như đang dần trở thành một món hàng xa xỉ. Người ta sẵn sàng “sổ” ra hàng loạt những lời trách móc, lên án kẻ khác, trong khi lại thường “tiết kiệm” những lời cám ơn. Nếu nói lời cám ơn khi ta được giúp đỡ một việc nhỏ nào đó, đôi khi chúng ta lại bị coi là “không bình thường”.

    Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nêu lên cho chúng ta hai mẫu gương về lòng biết ơn của hai người phong cùi; một của viên tướng Naaman và một của người Samaria.

    Chúng ta biết rằng, thời bấy giờ nền y học chưa phát triển, nên bệnh phong cùi được kể vào một trong “tứ chứng nan y” cùng với bệnh lao, xơ gan và ung thư. Theo tục lệ của người Dothái, người bệnh buộc phải sống ngoài cộng đoàn (có thể là ở trong các nghĩa địa), họ ăn mặc rách rưới, đi đâu phải mang theo một cái chuông, khi gặp người lạ thì phải la to lên “phong cùi đây, phong cùi đây” để người khác biết mà tránh xa. Người bị bệnh phong cùi không chỉ bị những cơn đau đớn về thể xác hành hạ, mà về mặt tinh thần, họ luôn cảm thấy bị mọi người hắt hủi, xa lánh. Nghiệt ngã hơn, người bệnh còn bị cho là bị Thiên Chúa nguyền rủa, có thể vì tội lỗi của chính đương sự hoặc của cha mẹ đương sự.

    Câu chuyện được sách Các Vua quyển thứ 2 tường thuật lại về Naaman, một viên tướng chỉ huy của quân đội Aram. Chớ trêu thay, ông lại bị mắc bệnh phong cùi. Mặc dù đã tìm thầy chạy thuốc khắp nơi, nhưng đều vô hiệu. Khi được giới thiệu, ông đã sang gặp ngôn sứ Êlisa và được chữa lành. Ông đã xin được hậu tạ “người của Thiên Chúa” nhưng bị từ chối, bấy giờ ông mới xin rằng: "Thưa ngài, nếu ngài từ chối, thì xin cho phép tôi tớ ngài đây mang về một số đất vừa sức hai con lừa chở được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài ĐỨC CHÚA. (2V 5,17).

    Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay thuật lại câu chuyện về 10 người phong cùi được Chúa Giêsu chữa lành bệnh. Tuy nhiên chỉ có một người trong số họ quay trở lại để cảm ơn Chúa. Chúa Giêsu tỏ ra hết sức ngạc nhiên về điều này: "Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu. Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?" (Lc 17,17-18). Nói như vậy có nghĩa là những người còn lại đều là người gốc Dothái, những người “trong đạo”. Đây không phải là lần đầu tiên trong Tin Mừng, Chúa Giêsu công khai khen ngợi những người ngoại giáo và lên án những người vẫn tự hào mình là “con cái tổ phụ Abraham”.

    ***

    “Hãy tạ ơn Chúa trong mọi cảnh” (1Tx 5,18). Lời của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Thêsalônica thật đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Ngẫm lại, để được như ngày hôm nay, chúng ta đã nhận biết bao nhiêu ơn lành từ Thiên Chúa: Từ ơn sinh ra làm người, ơn làm con Thiên Chúa trong Giáo Hội; ơn sức khỏe, ơn bình an… Chưa hết, chúng ta còn nhận biết bao nhiêu ơn huệ từ những người thân trong gia đình như: ơn sinh thành, dưỡng dục; Để trở thành một còn người trưởng thành, chúng ta còn phải kể đến ơn của thầy cô, bè bạn… thế nhưng thử hỏi, đã mấy lần chúng ta biết nói lên lời Tạ Ơn.

    Có thể nhiều người trong chúng ta sẽ đổ lỗi cho ngoại cảnh, cho nền văn hóa hay cho việc giáo dục… Vâng đúng như vậy. Trong việc giáo dục tại Việt ột đứa trẻ quen được che chở và nhận được mọi thứ nó muốn, sớm muộn sẽ thành đứa trẻ ích kỷ, tự cho mình là số 1, và không đếm xỉa gì đến nỗ lực của cha mẹ. Cũng vậy, một con người không tự biết mình, không ý thức được mình đã nhận được biết bao những ơn huệ từ người khác, thì cũng không biết tôn trọng người khác và không biết trân trọng những gì mình đang có.Nam ngày hôm nay, dường như ở trường, người ta chỉ tập trung vào việc nhồi nhét cho học sinh thật nhiều kiến thức, mà ít ai quan tâm đến việc rèn luyện nhân cách, mặc dù khẩu hiệu vẫn hô hào rằng: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Thực tế cho thấy, m

    ***

    Mỗi thánh lễ đều là lời Tạ Ơn mà con người dâng lên Thiên Chúa - Đấng đã yêu thương ban Con Một của mình để đền tội thay cho loài người chúng ta. Tuy nhiên, lời tạ ơn chỉ thực sự có ý nghĩa, khi nó được xuất phát từ chính cuộc sống và từ một con tim chân thành. Lời tạ ơn sẽ trở thành “sáo ngữ” khi chỉ nói mà không đi đôi với thực hành.

    Lời tạ ơn đích thực, không chỉ là khi chúng ta nhận được những điều may lành, nhưng còn là lúc chúng ta gặp phải những điều không vừa ý, vấn đề ở chỗ, chúng ta có biết “đọc” được thánh ý Chúa qua những biến cố đó hay không!

    Để có thể nói lên lời tạ ơn, còn do cách nhìn của chúng ta với những biến cố cuộc đời. Thế nên, có khi cùng một biến cố không may xảy đến, với người này là một đại họa, nhưng với người khác lại là một hồng ân.

    Điều Chúa muốn chúng ta đó là: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” như bài hát “Khúc Ca Tạ Ơn” của Lm Thiên Ân: “Xin tạ ơn, con xin tạ ơn Chúa, mãi muôn đời con xin tạ ơn Chúa. Dù trần gian bao khó nguy ngập tràn, tình Ngài thương con bước đi bình an. Xin ngợi ca bao la tình thương Chúa, mãi muôn đời ca vang tình thương Chúa. Trọn niềm tin con phó trong tay Ngài, vì đời con tất cả là hồng ân”. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan