Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXV Thường Niên C

  • 09/10/2022
  • Người quản gia bất lương

    Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi: “Ngài có muốn mua gì không?”. Mạnh Thường Quân trả lời: “Ngươi xem thứ gì nhà chưa có thì mua”. Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”. Rồi chẳng tính vốn lời, đem văn tự ra đốt sạch. Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân: “Nhà ngài không thiếu gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài”. Về sau Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đấy nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên: “Đó hẳn là cái ơn nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước”.

    Nghe chuyện này, có lẽ mọi người đều đồng ý với Mạnh Thường Quân rằng Phùng Nguyên thực là người quản lý trung thành và khôn ngoan. Trung thành vì ông đã biết cách làm lợi cho chủ. Khôn ngoan vì ông biết nhìn xa trông rộng, đầu tư vào những chương trình có ích lợi lâu dài. Nhờ sự khôn ngoan của Phùng Nguyên, Mạnh Thường Quân đã vượt qua được những khó khăn gian khổ.

    ***

    Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng kể về câu chuyện của một người quản lý bất lương. Nhưng nếu không đọc kỹ đoạn Tin Mừng này, nhiều người trong chúng ta lầm tưởng rằng, Đức Giêsu có ý dạy người ta cách làm ăn bất chính khi Ngài khen ngợi người quản gia đã dùng thủ đoạn để lừa bịp ông chủ của mình.

    Thực ra, đây chỉ là cách hành văn của thánh Luca, ngài thường dùng một câu chuyện để đưa đến một bài học. Câu chuyện là phụ, còn bài học là chính. Chúng ta chỉ biết người quản gia bị mang tiếng là đã phung phá sản nghiệp của chủ và bị cho nghỉ việc.

    Trước cái tin bất ngờ như sét đánh này, anh đã tính toán, giảm bớt số nợ của những người đã vay mượn ông chủ, biến họ trở thành người bạn, những kẻ sau này sẽ giúp đỡ anh. Cư xử như vậy là bất lương đối với chủ, nhưng đó lại là sự khôn ngoan của thế gian. Chúa Giêsu khen ngợi sự khôn ngoan đó vì Ngài thấy con cái thế gian đã khôn khéo hơn con cái sự sáng. Ngài không khen ngợi việc làm của người quản gia, vì anh ta là kẻ bất lương, nhưng Ngài phải nhận rằng anh ta là một kẻ khôn khéo và lanh lợi. Trong khi đó, trên bình diện Nước Trời, người ta lại không lanh lợi và khôn khéo như vậy. Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta hai bài học.

    Trước tiên, chúng ta chỉ là những người quản lý của Thiên Chúa

    Điều đó có nghĩa là tất cả những gì chúng ta có đều là do Thiên Chúa ban cho; từ sức khỏe, tiền bạc, tài năng, cơ hội... Vậy nên chúng ta phải biết sử dụng sao cho đúng với ý thánh ý Chúa là người chủ đích thực của tất cả những thứ đó.

    Thêm vào đó, người quản lý không chỉ biết giữ của cho chủ, nhưng còn phải biết sinh lời những gì mà chủ đã trao cho phó cho mình.

    Thứ đến, người quản lý, thì cần phải khôn ngoan và trung tín

    Đây là hai đức tính tối cần của người quản lý. Quả vậy, nếu người quản lý chỉ trung tín mà thiếu khôn ngoan, anh ta chỉ đơn thuần là một người bảo vệ không hơn không kém. Còn nếu như chỉ khôn ngoan mà không trung tín, anh ta sẽ trở thành người phản chủ hoặc ít ra là người làm thiệt hại của chủ.

    Người quản lý trong dụ ngôn hôm nay tỏ ra là người khôn ngoan. Anh ta đã ranh mãnh trong việc dùng tiền bạc của chủ để mua lấy một tương lai an nhàn sung sướng. Thật ra, anh ta “khôn” nhưng không “ngoan”, thêm vào đó, anh ta còn thiếu đi sự trung tín, vì anh ta đã làm một việc gian dối để thu lợi một cách bất chính cho mình. Có lẽ vì anh ta đã “không trung tín trong việc nhỏ nên cũng không trung tín trong việc lớn”, vì vậy anh ta đã bị chủ đuổi việc.

    Trong thời buổi “kinh tế thị trường” hôm nay, người ta rất chú trọng đến việc “đầu tư” nghĩa là bỏ vốn để sinh lời. Đồng tiền được “xoay vòng” là đồng tiền sinh lợi nhuận. Đó là định luật của kinh tế. Vì thế, nếu biết tính toán khôn ngoan thì nhờ vốn liếng bỏ ra, người ta có thể trở nên giàu có. Cũng vậy, với “định luật Nước Trời”, người ta có thể dùng của cải trần thế để đầu tư vào hạnh phúc vĩnh cửu mai sau. Nghĩa là, người ta có thể dùng tiền bạc phi nghĩa ở đời này để mua lấy kho tàng hạnh phúc Nước Trời. Tuy nhiên, người ta chỉ có thể mua được hạnh phúc Nước Trời bằng những “đồng bạc biết cho đi”. Bởi vì, chúng ta không trở nên giàu có với những điều mình đã nhận lãnh, mà là với những điều mình đã trao ban.

    ***

    Qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để trở thành người quản lý khôn ngoan và trung tín của Thiên Chúa. Chúa đã trao cho chúng ta biết bao ân huệ để chúng ta biết sinh lợi cho phần rỗi đời mình, cũng như làm lợi cho anh em. Nếu chúng ta biết quản lý những ân huệ đó một cách trung thành và xứng đáng, chúng ta sẽ được Thiên Chúa trao cho kho tàng hạnh phúc vĩnh cửu. Còn nếu chúng ta trở thành một người quản lý bất trung, chúng ta sẽ đánh mất chính mình và cũng đánh mất luôn cả những người anh em nữa. Nhưng “cái mất” lớn nhất là “đánh mất Thiên Chúa” là cội nguồn của niềm hạnh phúc mà ta hằng khát khao.

    Xin được mượn lời bài hát “Tất cả là Hồng Ân” để khép lại bài chia sẻ này: “Tất cả là Hồng Ân Chúa, nên con có gì mà giữ riêng mình. Tất cả do Chúa thương ban, nên con chỉ là người quản lý thôi. Con sẽ là tôi tớ tín trung, khi mỗi ngày con biết chia sẻ. Con mãi là đầy tớ bất trung, khi ân huệ Ngài con giữ cho riêng mình”.

    Cầu chúc cho cộng đoàn chúng ta luôn là người đầy tớ khôn ngoan và trung tín, để trong ngày sau hết, chúng ta vui mừng nhận được lời chúc phúc của Thiên Chúa: Hỡi những người đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào dự tiệc Nước Trời là nơi đã dành sẵn cho các ngươi từ thuở đời đời. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan