Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXII Thường Niên C

  • 09/09/2022
  • Bài học khiêm nhường

    Bài đọc thứ nhất mà cộng đoàn chúng ta vừa nghe được trích từ sách Huấn Ca - một cuốn sách được viết vào khoảng thế kỷ thứ II trước Chúa Giêsu. Có thể nói, đây là một sưu tập những lời khôn ngoan của bậc minh triết nhằm mục đích răn dạy con người ở mọi thời đại và mọi lĩnh vực trong đời sống.

    Một trong những chủ đề lớn mà sách Huấn Ca đưa ra đó là lời dạy về sự khiêm nhường: “Đừng tìm những điều khó quá đối với con, những điều vượt sức con, con đừng xét tới”. (Hc 3,21).

    Tác giả sách Huấn Ca cho rằng, sở dĩ người ta không thể khiêm nhường là bởi vì họ luôn đi tìm hay mơ tưởng những điều vượt quá sức của mình. Họ không ý thức được thân phận thụ tạo của mình, những giới hạn và bất toàn của bản thân, nên cho dù đã có được những giá trị nhất định, nhưng họ vẫn cảm thấy chưa bao giờ thỏa mãn cả.

    Cũng theo tác giả sách Huấn Ca, giá trị của con người không hệ tại ở vị trí xã hội (anh là ai, làm được những gì) nhưng bắt nguồn từ sự kính sợ Chúa. Sự kính sợ ở đây không phải là khiếp sợ nhưng là sự tùng phục những huấn lệnh mà Thiên Chúa đã truyền ban. Thế nên tác giả khẳng định rằng: “Người hèn mọn mà khôn ngoan vẫn có thể ngẩng đầu”; “Hãy tự hào một cách khiêm tốn và tự trọng đúng với giá trị của con” (Hc 10, 27-11,1).

    Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 14,1.7-14) hôm nay, qua việc chấn chỉnh lại cái thói háo danh của những người Pharisiêu và giới chức Do-thái, Chúa Giêsu cũng dạy cho chúng ta bài học về sự khiêm nhường khi Ngài khẳng định: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên." (Lc 14,11).

    Xưa nay, con người ngoài việc vất vả để mưu sinh thì việc tìm cách để khẳng định bản thân cũng như bảo vệ quyền lời của mình cũng là một nhu cầu không kém phần quan trọng. Sở dĩ người ta tranh giành nhau quyền lực, người ta chém giết nhau để bảo vệ chiếc ghế của mình cũng không ngoài mục đích muốn khẳng định bản thân, muốn uy tín của mình được người ta đề cao và coi trọng.

    Người thiếu khiêm nhường thường coi kẻ khác chẳng ra gì. Họ nhìn người khác bằng con mắt khinh chê. Đó cũng là thói xấu mà những người Pharisiêu thường mắc phải. Đã rất nhiều lần trong Tin Mừng, Chúa Giêsu kết án họ vì thói xấu này: Khốn cho các ngươi, hỡi những người kinh sư và Pharisiêu giả hình, các người ăn chay cốt để người ta biết… các người thích ngồi chỗ nhất trong hội đường, thích ngồi ghế đấu trong đám tiệc… thế nhưng các người chỉ như những mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ hoà nhoáng trong khi bên trong toàn những xương xẩu mục nát gớm ghiếc… (x.Mt 23,13-28).

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu lại lên án những người Pharisiêu về thói xấu này: "Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng : 'Xin ông nhường chỗ cho vị này.' Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói : 'Xin mời ông bạn lên trên cho.' Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. (Lc 14,8-10).

    ***

    Bài học mà Chúa Giêsu dạy những người Pharisiêu hôm nay cũng là lời Ngài nhắc nhở mỗi chúng ta. Chúng ta biết rằng : Cội người của sự kiêu ngạo là xa lìa Thiên Chúa, chỉ biết đến bản thân, khinh thường trật tự Thiên Chúa đã thiết lập. Thế nhưng người khiêm nhường thì khác hẳn.

    Khiêm nhường là nhận biết thân phận thụ tạo của mình: những gì tôi có và cả con người tôi, đều bởi Chúa.

    Khiêm nhường là đón nhận đời mình như quà tặng Chúa ban, và dâng lại đời mình cho Chúa như một quà tặng.

    Khiêm nhường cũng là nhìn nhận sự thật về mình: tôi chưa hoàn hảo, tôi có nhiều giới hạn, tôi cần được tha nhân nâng đỡ, góp ý...

    Sự khiêm nhường đích thực còn phải đi đôi với tình bác ái và tinh thần phục vụ.

    Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã không dạy chúng ta bài học gì khác ngoại trừ bài học về sự khiêm nhường: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29).

    Không chỉ rao giảng, mà chính Chúa Giêsu đã làm gương cho chúng ta về điều này khi Ngài tự nguyện cúi xuống rửa chân cho các môn đệ như một người tôi tớ, mặc dù Ngài là Chúa và là Thầy: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”.

    ***

    Có lẽ, ngày hôm nay, sự hiền lành và khiêm nhường không còn được đánh giá cao như trước, bởi vì bạo lực được phổ biến và có mặt khắp nơi, trên báo chí cũng như trên phim ảnh và truyền hình. Thêm vào đó, những quy luật “Mạnh được yếu thua”, “Cá lớn nuốt cá bé” gần như là tất yếu, thì lời giảng dạy của Chúa Giêsu về đức hiền lành và khiêm nhường, quả thực rất khó được chấp nhận, nếu không muốn nói là chướng tai và ngược đời.

    Vì thiếu khiêm nhường, mà một số thiên thần đã trở thành ma quỷ; vì thiếu khiêm nhường, mà ông bà Nguyên Tổ đã sa ngã phạm tội chống lại Thiên Chúa; vì thiếu khiêm nhường, mà loài người chia rẽ nhau tại Baben, và còn biết bao nhiêu câu chuyện bị thương của sự thiếu khiêm nhường vẫn xảy ra hàng ngày quanh chúng ta. Tuy nhiên, sự hiền lành và khiêm nhường vẫn luôn luôn cần thiết đối với chúng ta. Hiền lành và khiêm nhường để có được sự ấm êm trong gia đình, để có được sự hòa thuận trong xóm làng và rộng hơn, để có được hòa bình trên thế giới.

              Hiền lành và khiêm nhường là bài học xưa như trái đất, nhưng để thực hành lời dạy của Chúa, đòi hỏi chúng ta phải hy sinh nhiều. Vậy mỗi khi khó thực hiện lời dạy này, chúng ta hãy nhìn lên thập giá Chúa Giêsu, nơi đó sẽ dạy cho chúng ta biết chúng ta phải làm gì. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan