Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XIX Thường Niên C

  • 09/09/2022
  • Hãy tỉnh thức

     

    Báo điện tử Vnexpress ngày 08/8/2013 đưa tin: “Chiều 07/8/2013, nghe thông tin bão Mangkhut ảnh hưởng tới Hải Phòng, Phạm Thanh Sơn (16 tuổi, trú tại phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền) cùng 3 người bạn đi 2 xe máy xuống bờ biển Đồ Sơn xem bão. Cả 4 người dừng lại tại bờ biển khu 1 trước khách sạn Hải Yến để xem sóng đánh. Sơn một mình chạy lại sát bờ kè và bất ngờ bị sóng cuốn xuống biển”.

    Cách đó vài ngày (02/8/2013), một chiếc canô chở 30 người khởi hành từ Tiền Giang về Vũng Tàu đã bị sóng đánh lật úp, khiến 9 người thiệt mạng. Khoan hãy bàn đến trách nhiệm của vụ lật canô này thuộc về ai, chúng ta chỉ nói về những cái chết bất ngờ xảy đến. Chắc hẳn Sơn và các bạn không hề nghĩ rằng, cái ngày đi xem bão đó lại chính là ngày cuối cùng của cuộc đời. Cũng vậy, làm sao những người công nhân đi trên chiếc canô định mệnh đó có thể biết được, hôm đó là ngày tận số của họ ?

    Và còn biết bao cái chết bất ngờ như vậy xảy ra mỗi ngày xung quanh chúng ta khiến con người không kịp trở tay. Vậy làm sao để đối phó với những cảnh huống như vậy? Tin Mừng hôm nay đã cho chúng ta câu trả lời, đó là: Hãy tỉnh thức.

    Tại sao phải tỉnh thức ?

    Dụ ngôn cho chúng ta biết “tỉnh thức để đợi chủ về”. Theo phong tục của người Do-thái, tiệc cưới thường kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc; có khi kết thúc buổi chiều, có khi mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nữa. Là người được phân công đứng gác, người đầy tớ cần phải “thắt lưng cho gọn”, có nghĩa là luôn ở trong tư thế sẵn sàng làm việc, và “thắp đền cho sẵn”, để khi chủ về thấy lối mà vào nhà. Từ những hình ảnh thực tế trong cuộc sống, dụ ngôn muốn hướng chúng ta đến việc “tỉnh thức thiêng liêng”.

    Trước tiên, chúng ta cần tỉnh thức để nhận biết lúc Chúa đến viếng thăm chúng ta mỗi ngày. Quả vậy, Ngài gặp chúng ta qua những người anh chị em mà chúng ta gặp nơi công sở, nơi trường học hãy giữa chợ đời; Ngài đến gặp chúng ta qua những thành công trong cuộc sống, và có thể, Ngài tìm gặp chúng ta ngang qua cả những thất bại trên đường đời.

    Thứ đến, chúng ta cần tỉnh thức để chuẩn bị cho ngày tận cùng của mỗi người. Như trường hợp của hai vụ tai nạn kể trên, không ai trong chúng ta có thể biết chắc chắn về giờ phút tận cùng của cuộc đời mình. Thế nên chúng ta cần khôn ngoan để sửa soạn những hành trang cần thiết cho mình trên hành trình đi về vĩnh cửu.

    Và sau cùng, tỉnh thức để đợi chờ ngày Chúa quang lâm. Ngày đó là ngày nào? Không ai biết, ngay cả Chúa Giêsu cũng không, mà chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.

    Mặc dù vẫn biết rằng, ai cũng một lần phải chết, thế nhưng, dường như con người ngày nay chỉ lo thu tích thật nhiều của cải, vội vã thụ hưởng những thú vui trần tục, như thể sẽ không bao giờ phải chết. Trong khi họ quên một điều rằng: Chúa sẽ đến một cách bất ngờ, vào lúc chúng ta không thể ngờ được.

    Tỉnh thức như thế nào ?

    Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ra rằng: "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. (Mt 12, 35-36).

    “Thắt lưng cho gọn” là lời mời gọi chúng ta cần thanh thoát với mọi hấp dẫn của trần gian này, như lời Thánh Phêrô dạy chúng ta: “Anh em đừng chiều theo những đam mê... nhưng hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em” (1 Pr 1,13-16).

    Người Kitô hữu không phi bác những thực tại trần thế, nhưng được mời gọi sử dụng chúng đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.

    Để tỉnh thức, chúng ta còn cần phải “Thắp đèn cho sẵn”. Ánh đèn ở đây không chỉ là ánh đèn Đức Tin của chúng ta, mà còn là những việc lành phúc đức chúng ta đã làm khi còn ở trần thế này. “Hãy trở nên ánh sáng cho trần gian” không là một lời mời gọi nhưng là một lệnh truyền. Làm sao có thể chiếu sáng cho người khác trong khi đèn của chúng ta đã bị hết dầu? Cũng vậy, làm sao có thể đem Chúa đến cho người khác, trong khi trong lòng chúng ta không có Chúa? Thế nên, người khôn ngoan là người phải biết luôn tỉnh thức và sẵn sàng.

    Chuyện kể rằng, tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên là Viên Thủ Trung, tu hành rất đắc đạo. Nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi của mình, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp mở ra đóng vào được. Có lần, một vị khách đến chơi trông thấy bèn ngạc nhiên hỏi: Ngài chế ra cái này dùng để làm gì?

    Nhà sư trả lời: Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết phú quí, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời chẳng biết đến cái chết là gì… Tôi thì khác, mỗi khi có việc không vừa ý, tôi cầm lấy quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên tâm trong tâm hồn ngay.

    ***

    Triết gia Platon nói một câu thật chí lý: “Ai không bao giờ nghĩ đến sự chết thì không thể biết cách sống”.

    Đối với người Kitô hữu chúng ta, niềm hy vọng cánh chung chẳng những không miễn trừ các trách nhiệm trần thế mà còn là một động lực thúc đẩy chúng ta chu toàn các trách nhiệm đó một cách tận tụy và chu đáo như người quản gia khôn ngoan và trung tín, biết quản lý và phân phát của cải cho các gia nhân.

    Chu toàn nhiệm vụ được giao phó cũng là một cách tỉnh thức và sẵn sàng chờ đón Chúa. Vì mọi công trình tốt đẹp thực hiện trong cuộc đời hiện tại sẽ được giữ lại làm chất liệu kiến tạo Nước Trời mai sau.

    “Lạy Chúa, xin cho chúng con đôi mắt rộng mở, để nhìn thấy Ngài trong từng biến cố. Xin cho chúng con đôi tai tinh tường, để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Chúa trong từng phút giây. Xin cho chúng con quả tim quảng đại, để biết chia sẻ cho tha nhân là hiện thân của Ngài” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")

    Lm. Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan