Trong tập “Những ngụ ngôn của Ê-xốp” có một câu chuyện kể về cuộc tranh cãi giữa mặt trời và gió. Hai nguồn năng lượng này cãi nhau xem ai mạnh hơn ai. Tình cờ một hôm, có một người mặc áo choàng đang đi trên đường, mặt trời liền thách thức gió: “Nếu ai làm cho người kia cởi chiếc áo choàng ra mau hơn thì là người thắng cuộc”. Gió ta chẳng những đồng ý mà con quyết định ra tay trước. Chàng gió bèn thổi tới tấp, nhưng càng thổi thì người kia càng giữ chặt lấy chiếc áo choàng vì sợ nó bay mất. Cuối cùng, kiệt sức, gió ta đành phải chịu thua. Lúc đó mặt trời mới ra tay. Mặt trời chiếu toả hết sức nóng của mình. Lạ lùng thay, chỉ trong mấy phút, người nọ nóng quá phải cởi bỏ chiếc áo choàng ra.
Cuối câu chuyện, Ê-xốp kết luận rằng: “Bạn có thể thành công nhờ sự dịu hiền, dễ thương hơn là nhờ bạo lực”.
***
“Dịu hiền và dễ thương” – đó cũng là đức tính của các vị mục tử mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn giới thiệu cho chúng ta.
Trước tiên là hình ảnh người mục tử trong Cựu Ước. Có lẽ không ai hiểu được vai trò và tầm quan trọng của người mục tử cho bằng những người dân du mục tại Israel. Mục tử đích thực phải là người biết chăm lo cho đoàn chiên của mình, thậm chí ông sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cho đoàn chiên.
Từ hình ảnh rất gần gũi trong thực tế cuộc sống đó, Thiên Chúa đã tự nhận mình chính là Vị mục tử. Ngài phán với dân chúng qua miệng ngôn sứ Êdêkiel rằng: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Israel, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được. Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Israel” (Ed 34,11-14).
Không chỉ chăm sóc mà Thiên Chúa còn lo lắng cho đoàn chiên, như người mẹ hiền chăm bẵm cho đứa con thơ của mình: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34,16). Chính vì thế mà khi bước đi dưới sự chở che của Chúa, dân Israel đã hân hoan ca lên rằng: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi… Có Chúa ở cùng tôi, tôi sợ gì ai nữa…” (Tv 22, 1;4))
Hình ảnh người mục tử lại được tái hiện một cách rõ nét hơn trong Tân Ước qua con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô - Vị Mục Tử nhân lành.
Quả vậy, với một trái tim nhân hậu, Ngài chạnh lòng thương đám dân nghèo bơ vơ vì họ như đoàn chiên không người chăn dắt.
Trái tim đó đã thổn thức trước cái chết của đứa con trai duy nhất của người đàn bà góa thánh Naim cũng như của Ladarô - người bạn của Ngài.
Trái tim đó rung lên khi nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh, bị đui mù, què quặt, bị bại liệt hay quỷ ám… và Ngài đã ra tay để chữa lành cho họ.
Trái tim ấy đã cảm thông với những người tội lỗi, và Ngài đã đến cùng ăn cùng uống với họ để có thể cảm hóa họ trở nên con người tốt, như Mađalêna - người phụ nữ ngoại tình; như Giakêu – viên trưởng ty thuế; như Phêrô - vị Tông Đồ trưởng.
Tình yêu Thiên Chúa có lúc trở nên “nghịch lý” xét theo cách hiểu của con người. Có lẽ chẳng có một nhà kinh doanh nào lại tính toán theo kiểu đánh đổi 99 để lấy 1. Thế nhưng đó lại là điều Thiên Chúa đã làm. Không những bỏ 99 con chiên ngoài đồng hoang để đi tìm 1 con chiên lạc, mà Ngài còn quả quyết rằng: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).
Tình yêu của Vị Mục Tử Giêsu không chỉ dừng lại ở đó, mà Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu bằng việc hiến thân mình làm của lễ để đền thay tội lỗi cho chúng ta: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
***
Mỗi lần mừng lễ Thánh Tâm Chúa, là một lần nhắc nhở chúng ta về lòng nhân hậu và bao dung của Thiên Chúa dành cho tất cả và từng mỗi người chúng ta. Qua đó, Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy biết học nơi Ngài: Hãy yêu thương hết mọi người.
Thế giới hôm nay, bên cạnh những người có cuộc sống sung túc, vẫn còn quá nhiều người bất hạnh, thiếu vắng tình thương. Bên cạnh những lành lặn còn quá nhiều những người đau khổ, tật nguyền… Hơn lúc nào hết, lời từ Thánh Tâm Chúa lại tha thiết mời gọi mỗi người tín hữu chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau, như chính Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Người Kitô chúng ta được kêu gọi để tiếp tục các phép lạ của Chúa Giêsu và trở nên các dấu chỉ hy vọng, cùng nhau hoạt động để biến đổi thế giới chúng ta với tình thương và sự quan tâm đến người khác. Như lời Thánh nữ Têrêsa Avila: “Đức Kitô giờ đây không có thân xác, nhưng có thân xác của chúng ta; Người không có đôi tay, nhưng có đôi tay của chúng ta; Người không có chân nhưng có đôi chân của chúng ta. Đôi mắt của chúng ta là đôi mắt mà qua đó lòng thương cảm của Đức Kitô nhìn đến thế giới. Đôi chân của chúng ta là đôi chân mà trên đó Đức Giêsu bước đi để thi hành các việc tốt lành. Đôi tay của chúng ta là đôi tay mà qua đó Người tiếp tục thi hành các phép lạ trong thế giới hôm nay”.
Lạy Thánh Tâm dịu hiền Chúa Giêsu! Xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim của Chúa. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 113 | Tổng lượt truy cập: 708,962