Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XVI Thường Niên C

  • 09/09/2022
  • Hãy chọn lấy phần tốt nhất như Maria.

    Có thể nói, tư tưởng xuyên suốt trong Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật XVI TN C hôm nay là chủ đề PHỤC VỤ.

    Phục vụ cũng có nhiều hình thức khác nhau. Theo cách hiểu thông thường, Phục vụ là làm công việc thuộc trách nhiệm của mình đối với ai đó, như: Cán bộ phục vụ nhân dân, cha mẹ phục vụ con cái… Dù không nói ra, nhưng khi phục vụ, người ta thường muốn được người khác biết đến công lao của mình. Nhưng ở đây, Lời Chúa diễn tả việc phục vụ ở một tầm cao mới - Phục vụ nhưng không, và sự phục vụ càng có giá trị khi nó đi liền với lời cầu nguyện.

    Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng Thế nói về cung cách phục vụ của Tổ phụ Abraham. Có thể chúng ta hơi ngạc nhiên khi nghe đoạn sách Thánh này. Khi gặp những người khách lạ, tổ phụ Abraham đã làm gì? Ông lấy nước rửa chân cho khách, bảo vợ là bà Sa-ra lấy bột làm bánh, rồi ông đích thân vào chuồng bắt một con bê “mềm và ngon” giao cho đầy tớ làm thịt… (x.St 18,6-8).

    Tại sao tổ phụ Abraham lại phải hạ mình như vậy, trong khi ông đâu biết ba vị khách lạ đó là “ba người của Thiên Chúa” – là chính Thiên Chúa, theo cách nói của Thánh Kinh ? Chúng ta phải đọc đọan Thánh Kinh này trong bối cảnh của văn hóa Do-thái. Người Do-thái vốn rất hiếu khách. Không chỉ những người thân thuộc mà cả những người khách lạ, đều được họ đón tiếp một cách tận tình và chu đáo. Thiết tưởng, đó là điểm đáng chúng ta phải học tập.

    Thế nhưng, Phục vụ không chỉ bằng cách giúp đỡ người khác, mà còn là cầu nguyện với Chúa. Đó cũng là lý do tồn tại của các hội Dòng chuyên về chiêm niệm. Nhà bác học Ampère đã có một câu nói rất nổi tiếng rằng: “Con người chỉ thực sự vĩ đại khi cầu nguyện mà thôi!”.

    Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Chúa Giêsu đến Bêtania và vào nhà của chị em Mác-ta, Maria và Ladarô. Tại đây, Ngài được ba chị em đón tiếp một cách hết sức nồng hậu. Cô chị Mác-ta tỏ ra hết sức bận rộn trong việc thiết đãi Chúa. Có lẽ đối với chị, khách đến nhà là một niềm vinh hạnh cho gia chủ, hơn nữa, đây còn là một vị khách hết sức đặc biệt - Thầy Giêsu. Nên cũng như tổ phụ Abraham, cô trổ hết tài năng của mình để sửa một bữa cơm thật thịnh soạn. Thế nhưng, để đáp lại thịnh tình của Mác-ta, Đức Giêsu nói một câu xem ra làm cho chị ta hơi thất vọng: "Mác-ta ! Mác-ta ơi ! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi." (Lc 10,41-42).

    Kể ra Chúa cũng lạ, vừa mới tuần trước chúng ta nghe Chúa đề cao tấm gương phục vụ của người Samari tốt lành, hôm nay Chúa lại bảo “đừng có băn khoăn, lo lắng, bối rối nhiều chuyện quá, chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi…”. Nhưng thử hỏi, nếu như ai cũng như Maria, tức là ngồi một chỗ thì ai sẽ là người làm bữa đây ?

    Thực ra Chúa Giêsu không hề lên án cô Mác-ta. Ngài chỉ trách cô một cách nhẹ nhàng. Ý Ngài muốn nói: Trong hai việc phục vụ Chúa, thì việc ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời của Ngài vẫn là việc cần thiết và quan trọng hơn. Đây cũng là chủ đề Đức Giêsu đã nhiều lần nhấn mạnh trong Tin Mừng. “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,28). Thậm chí, Ngài còn ví người lắng nghe và đem Lời Chúa ra thực hành như những anh chị em và mẹ của Ngài nữa.

    ***

    Trong xã hội mà lối sống thực dụng đang len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống, thì việc ngồi bên chân Chúa để nghe lời của Ngài hay nói cách khác là việc cầu nguyện, xem ra không mấy hấp dẫn, thậm chí, một số người còn xem đây là một công việc vô bổ.

    Cha Anthony de Mello có kể một câu chuyện kể rằng: Hôm ấy, các đệ tử của Thầy hăng say thảo luận về nguyên nhân đau khổ của nhân loại. Người thì nói là do lòng tham vô đáy của con người thúc đẩy, kẻ thì cho là do tính ích kỷ thâm căn cố đế hoặc tính kiêu căng và óc thống trị xui khiến, một số khác cho là do sự chia rẽ chủng tộc hay tôn giáo phát sinh... Sau cùng, các đệ tử mới quay sang hỏi ý kiến Thầy. Với một giọng thâm trầm, Thầy ôn tồn nói: "Mọi đau khổ đều đến từ việc con người thiếu khả năng ngồi yên lặng một mình để lắng nghe...".

    Quả vậy, vì thiếu khả năng lắng nghe mà thế giới luôn phải sống trong cảnh bất hòa, chia rẽ. Vì thiếu lắng nghe mà vợ không hiểu được chồng, bạn bè không thông cảm cho nhau, thầy không hiểu được trò…

    Phục vụ không chỉ dừng lại ở việc lắng nghe Lời Thiên Chúa mà theo Thánh Phaolô, Phục vụ còn là “Loan báo Lời Thiên Chúa” như lời thánh nhân khẳng định trong bài đọc thứ II trích thư gửi giáo đoàn Cô-lô-xê rằng: “Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi phải rao giảng lời của Người cho trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa”. (Cl 1,25-26).

    ***

    Cuộc sống xô bồ hôm nay dễ biến chúng ta thành Mác-ta: xao động, âu lo, căng thẳng và mất kiên nhẫn. Nhiều khi, chúng ta thường lẫn lộn giữa công việc của Chúa và chính Chúa. Có lẽ chúng ta cần phải quân bình giữa làm việc và đời sống cầu nguyện, cần để cho Chúa làm việc nơi chúng ta và qua chúng ta thay vì chúng ta tự bươn chải một mình.

    Lời Chúa mời gọi cô Mác-ta, thiết tưởng, cũng là lời mà Ngài muốn nói với mỗi người chúng ta hôm nay: “Con đừng quá băn khoăn lo lắng cho cuộc sống. Hãy biết đến bên Cha mà nghỉ ngơi. Cha sẽ bổ sức cho con. Hãy chọn lấy phần tốt nhất như Maria. Đó là một kho tàng bền vững mãi mãi”.

    Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, hãy đến bên Chúa nghỉ ngơi. Để nhờ Chúa hướng dẫn, việc phục vụ của chúng ta sẽ theo đúng ý Chúa muốn và để đời sống tâm linh ta được phát triển toàn diện trong một nếp sống quân bình, như lời Chúa phán: “Tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ nâng đỡ, bổ sức cho các ngươi”.  Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan