Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống

  • 08/09/2022
  • Thánh Thần Chúa đổi mới mặt địa cầu

    Chúa Thánh Thần mặc dù là Ngôi Ba Thiên Chúa, nhưng dường như lại ít được ai biết tới; kể cả trong phụng vụ cũng như trong đời sống thường nhật của người tín hữu. Đối với không ít người Công Giáo, Chúa Thánh Thần như một Đấng xa lạ, thậm chí, Ngài chẳng có ảnh hưởng gì mấy tới đời sống của chúng ta. Nhưng không vì thế mà làm giảm đi vai trò vô cùng quan trọng của Ngài trong công trình sáng tạo, cứu độ và trong các hoạt động của Giáo Hội.

    Chúa Thánh Thần trong công trình sáng tạo

    Ngay từ lúc khởi đầu, Thánh Thần Chúa đã bay là là trên mặt nước. Ngài ban sinh khí và sức sống cho các loài thọ tạo. Ngài làm cho muôn loài muôn vật trở nên sinh động. Qua việc Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi Ađam, Ngài đã ban cho ông nguồn sức sống, để từ con người đầu tiên đó, Thiên Chúa ban sự sống cho loài người qua muôn thế hệ.

    Chúa Thánh Thần trong công trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô

    Có thể nói, cuộc đời Chúa Giêsu được phủ đầy bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Ngay từ giây phút đầu tiên trong lòng mẹ, Đức Giêsu đã được đầy tràn Thánh Thần: “Ngài thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần. Khi lãnh nhận phép rửa của Gioan, Ngài đã được Thánh Thần ngự xuống.

    Chính Chúa Thánh Thần đưa Đức Giêsu vào hoang địa để ăn chay 40 đêm ngày và chịu ma quỷ cám dỗ. Chúa Thánh Thần đã đồng hành cùng với Đức Giêsu trong suốt hành trình truyền giáo. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Đức Giêsu đi lên Giêrusalem để bước vào cuộc khổ nạn. Chúa Thánh Thần an ủi Đức Giêsu trong vườn cây dầu, giữa lúc cuộc chiến nội tâm đang ở chỗ cam go nhất. Và đương nhiên, Chúa Thánh Thần ở cùng Đức Giêsu khi Ngài chịu muôn cực hình đau thương. Theo Tin Mừng Gioan, trước khi trút hơi thở cuối cùng, Đức Giêsu kêu lớn tiếng rồi “trao lại Thần Khí” - được hiểu là Ngài trao lại Thần Khí cho Chúa Cha, Đấng đã ban Thần Khí cho Ngài.

    Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội

    Không chỉ có mặt trong công trình tạo dựng từ lúc khởi đầu và trong công cuộc cứu độ của Đức Giêsu, Chúa Thánh Thần còn hoạt động một cách đắc lực hơn trong Giáo Hội, đặc biệt kể từ khi Đức Giêsu về trời.

    Sách Công Vụ Tông đồ thuật lại rằng: Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên đầu các Tông Đồ dưới hình lưỡi lửa. Kể từ giây phút đó, các ông đã được Ngài đổi mới: Từ những con người nhát đảm sợ sệt, các Tông Đồ trở nên những người mạnh bạo. Thay vì phải run rẩy trong căn phòng đóng kín cửa, các ông mạnh dạn mở tung cửa để loan báo Tin Mừng Đức Kitô Phục Sinh. Từ những con người quê mùa, chất phác, các ông đã làm cho hàng ngàn người hiện diện, thuộc đủ mọi quốc gia, có thể hiểu được tiếng thổ âm của mình, đến nỗi chính họ cũng cảm thấy sửng sốt. Trong bài giảng đầu tiên của ông Phêrô, 3000 người đã được rửa tội. Vậy bởi đâu các Tông Đồ có thể có được những thành quả vượt trí tưởng tượng như vậy, nếu không phải là do quyền năng của Chúa Thánh Thần?

    ***

    Chúa Thánh Thần trong đời sống của người tín hữu hôm nay

    Khi nói tới Chúa Thánh Thần, đôi khi không ít người trong chúng ta có cảm tưởng, Ngài là Đấng ở tận nơi xa lắc xa lơ nào đó, nhưng thực ra, Ngài là Đấng vô cùng gần gũi với chúng ta. Ngài chính là Đấng mà Đức Giêsu đã hứa ban cho chúng ta trước khi về trời: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Mặc dù chúng ta không nhìn thấy Ngài nhưng qua những hoạt động của Ngài ghi dấu nơi Giáo Hội, chúng ta luôn xác tín rằng: Ngài luôn ở bên chúng ta.

    Theo thánh Phaolô Tông Đồ, sở dĩ chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, cũng nhờ bởi Chúa Thánh Thần (x.Rm 8,15). Nhờ Ngài mà chúng ta biết cầu nguyện và nếm được sự ngọt ngào của Lời Chúa. Nhờ Ngài mà Hội Thánh vẫn được canh tân liên tục bằng những luồng gió bất ngờ, những lôi cuốn mạnh mẽ không sao cưỡng lại: Như trường hợp Công đồng Vaticanô II chẳng hạn.

    Nhìn lại lịch sử với những thăng trầm, với những sóng gió, với những bóng tối của Giáo hội, đôi lúc người ta tưởng Giáo Hội đã tàn lụi. Người ta tưởng thế gian đã chiến thắng. Giáo hội của Chúa sẽ tan rã thê lương. Có những lúc kẻ cường quyền đã đè bẹp Giáo hội bằng những sắc chỉ cấm đạo, bằng những án tử hình ghê rợn, nhưng bạo chúa nào rồi cũng qua đi, trong khi, Giáo hội vẫn tồn tại.

    Có những lúc đoàn chiên Chúa như trong cảnh bơ vơ, tan tác, thiếu vắng bóng dáng chủ chăn, nhưng Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội qua các vị mục tử là các Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám mục, các linh mục…

    ***

    Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Giáo hội vì vẫn có bóng Thánh Thần che phủ trên hành trình Giáo hội. Giáo hội không thuộc về con người, nên cường quyền, thế quyền và thế lực của ma quỷ không thể làm cho Giáo hội biến chất hay hư hoại.

    Thế gian luôn thù ghét Giáo Hội. Thế gian luôn tìm cách phân chia Giáo Hội. Nhưng Chúa Thánh Thần sẽ là mối dây hiệp nhất Giáo Hội như Ngài đã hiệp nhất các Tông Đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần.

    Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo hội chứng tỏ rằng: Giáo Hội không tồn tại bởi những con người cụ thể. Giáo Hội càng không phát triển dựa vào tài trí một con người nào đó. Mà Giáo Hội luôn được lớn mạnh vì có sức sống thần linh của Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động trong Giáo hội.

    Hiệp dâng Thánh Lễ Hôm nay, chúng ta cũng hãy khiêm tốn nài xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời mỗi người chúng ta để sống theo những gì hợp với thánh ý Chúa.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan