Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật V Thường Niên C

  • 14/05/2022
  • “Dạ con đây, xin hãy sai con đi”

     

    Lời mời gọi của Thiên Chúa

    Dọc dài lịch sử Cựu Ước, những Ơn gọi dường như đều bất ngờ theo cái nhìn của người đời. Quả vậy, giữa muôn người nơi miền đất lưỡng hà, Thiên Chúa đã chọn cụ già Abraham để khởi đầu cho một dân tộc mà Ngài sẽ chọn làm dân riêng của mình. Giữa những người con của Giêsê, Thiên Chúa đã chọn cậu Đavít bé nhỏ. Giữa muôn người Dothái lưu đày ở Aicập, Thiên Chúa đã chọn Môsê làm người đại diện để dẫn dắt dân của Ngài. Ơn gọi của những nhân vật mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay đề cập đến cũng bất ngờ như vậy.

    Bài đọc thứ nhất trích trong sách ngôn sứ Isaia đã tường thuật lại ơn gọi của chính ông. Ông tự nhận mình là trẻ con, ăn nói ngọng nghịu như trẻ con, nhưng trong một thị kiến, ông thấy mình được diện kiến thánh nhan Thiên Chúa. Theo quan niệm thời bấy giờ, được diện kiến Thiên Chúa, cũng đồng nghĩa với việc phải chết. Bởi vì họ nghĩ rằng, Thiên Chúa là Đấng siêu việt, nên không một phàm nhân nào có thể được thấy Thiên Chúa mà vẫn còn sống. Nhưng trái hẳn với những gì ông vẫn nghĩ, không những ông không hề hấn gì, mà đích thân Thiên Chúa đã chọn ông làm ngôn sứ cho Ngài bằng việc thánh hóa môi miệng của ông bằng than hồng để ông trở nên người loan báo lời của Thiên Chúa.

    Tin Mừng theo thánh Luca cũng thuật lại ơn gọi lạ lùng của bốn môn đệ đầu tiên và cách riêng là ơn gọi của Phêrô. Đức Giêsu đã đến với Phêrô thật tự nhiên. Giữa nhiều chiếc thuyền đang neo đậu, Ngài đã chọn thuyền của ông làm nơi giảng dạy. Sau đó Ngài mời ông thả lưới bắt cá.

    Và sự đáp trả của con người

    Trong huyền nhiệm của ơn gọi, Thiên Chúa luôn là Đấng đi bước trước, tuy nhiên, cũng cần đến sự đáp trả của con người. Thiên Chúa không bắt con người phải vâng lời một cách tối mặt, nhưng là một sự đáp trả trong tự do.

    Cứ theo lẽ thường, Phêrô có thể có nhiều lý do để khước từ. Với kinh nghiệm của người đã từng sống bằng nghề sông nước, ông biết được rằng mặc dù đánh bắt suốt đêm mà không được gì, thì làm sao có thể bắt cá ban ngày được, trong khi người đang nói với ông lại chẳng hề có chút kinh nghiệm gì về việc chài lưới! Ông cũng có thể nại lý do mệt mỏi, sau một đêm ra khơi để khước từ lời mời gọi của Đức Giêsu. Nhưng ông đã vâng lời, chỉ vì tin rằng, Đức Giêsu có thể làm một điều gì đó khác hơn.

    Tin Mừng ghi lại rằng: “Các ông đã bỏ mọi sự để theo Đức Giêsu” (Lc 5,11) - một cách diễn tả đơn sơ, khiến chúng ta nghĩ rằng, Phêrô và những môn đệ đầu tiên theo Chúa thật dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng, để dấn thân theo Chúa, Phêrô đã phải từ bỏ rất nhiều điều. Trước tiên, ông đã chấp nhận từ bỏ gia đình, bỏ lại con thuyền và biển hồ - nơi ông đã từng bao năm gắn bó. Rồi, ông còn bỏ lại sự nghiệp chài lưới để bước vào một hành trình mới mà chính ông lúc bấy giờ có lẽ cũng chỉ mơ hồ, mà không biết tương lai sẽ đi về đâu.

    Thế nhưng, kết quả của sự từ bỏ ấy đã đem lại cho Phêrô một mẻ cá lạ lùng. Mẻ cá làm Phêrô run rẩy nhận ra mình tội lỗi, và nhận ra Đấng ở gần bên. Mẻ cá bất ngờ mở đường cho một lời mời gọi mới: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ thành kẻ chài lưới người" (Lc 5,10).

    ***

    Qua câu chuyện về ơn gọi của ngôn sứ Isaia, của Phaolô và của Phêrô mà lời Chúa ghi lại hôm nay, khiến chúng ta ý thức lại ơn gọi của mình.

    Nhiều người vẫn quan niệm, ơn gọi chỉ dành cho những người sống trong bậc tu trì. Nhưng thực ra, khi bước vào cuộc đời, mỗi chúng ta đều có một ơn gọi riêng biệt. Người được gọi sống trong đời dâng hiến, người được gọi sống đời sống hôn nhân gia đình, người khác lại được mời gọi sống chứng nhân giữa đời… Tất cả những ơn gọi đó đều nằm trong chương trình của Thiên Chúa, thế nên không thể nói ơn gọi này cao trọng và quý hơn ơn gọi kia. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta có nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa để mau mắn đáp trả hay không.

    Cho dù là ơn gọi ngôn sứ như Isaia; ơn gọi làm tông đồ dân ngoại như Phaolô hay ơn gọi làm tông đồ trưởng như Phêrô… tựu trung lại cũng là để làm chứng nhân cho Chúa bằng tình yêu thương như lời bài hát “Tâm điểm yêu thương” thật ý nghĩa: “Người thời trước, người thời sau; người Do-thái hay người Hy-lạp; người sống đời tu, người sống đời thường, dù là nữ hay là nam… đều được gọi mời sống chứng nhân tình yêu, trở nên muối men trở nên ánh sáng, giúp nhau nhận ra tình Chúa trong tình người”.

    Tuy nhiên, để bước theo lời mời gọi của Chúa, đòi hỏi chúng ta trước tiên phải có một niềm tin. Niềm tin đòi chúng ta phải vượt lên trên những lối suy luận thông thường, vượt lên trên kinh nghiệm, vượt lên trên mệt mỏi của xác thân. Niềm tin đòi chúng ta sẵn sàng lao ra những chỗ nguy hiểm những chỗ nước sâu của biển đời.

    Thứ đến, để sống cho trọn vẹn ơn gọi làm môn đệ Chúa, chúng ta còn phải từ bỏ rất nhiều. Bỏ những gì chúng ta đang gắn bó. Bỏ những gì chúng ta đang kỳ vọng. Bỏ tất cả những ý riêng để Thiên Chúa có thể tự do điều khiển cuộc đời chúng ta theo thánh ý nhiệm màu của Ngài.

    Ngày hôm nay, Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện "những mẻ lưới lạ lùng”, để mời gọi chúng ta trở về với Ngài. Chúa vẫn gọi tôi ra khỏi lối mòn quen thuộc, khỏi những điều tưởng như không thể thay đổi. Tôi có sẵn sàng lên đường theo Ngài không?

    ***

    Lạy Chúa, chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon, một người đánh cá ít học và đã lập gia đình, để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội. Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh, để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

    Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con theo Chúa, sống cho Chúa, đặt Chúa lên trên mọi sự: gia đình, sự nghiệp, người yêu. Chúng con chẳng thể nào từ chối viện cớ mình kém đức kém tài. Chúa đưa chúng con đi xa hơn, đến những nơi bất ngờ, vì Chúa cần chúng con ở đó. Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon, bỏ mái nhà êm ấm để lên đường, hạnh phúc vì biết mình đang có Chúa cùng đi. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Nguồn: gioitre-tnttgptb.org

    Bài viết liên quan