Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng C

  • 14/05/2022
  • “Ngày Chúa đến, ngày báo oán hay ngày hồng ân?”

    Trong cuộc đời con người, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng có kinh nghiệm về sự chờ đợi. Có những sự chờ đợi trong hoang mang lo lắng, như người thí sinh chuẩn bị bước vào phòng thì. Có những sự chờ đợi khiến cho người ta phải khiếp sợ, như người tử tù chờ đến lượt mình bị đem đi hành quyết. Nhưng cũng có những chờ đợi mang lại cho con người niềm hân hoan vui mừng, đó là sự chờ đợi của em bé ngóng mẹ về chợ, sự chờ đợi của hai người yêu nhau ước mong đến ngày được sống chung dưới một mái nhà, mà người ta bảo rằng “Đợi chờ là hạnh phúc”. Truyền thuyết Việt Nam, có biết bao nhiều câu chuyện tình thật đẹp về những người vợ thủy chung, son sắt, như câu chuyện của nàng Tô Thị hay Hòn Vọng Phu, những người phụ nữ chờ chồng đi chiến dịch trở về đến nỗi hóa thành đá.

    Tình yêu càng lớn thì sự mong ngóng càng da diết. Và càng ngóng trông, thì khi gặp người mình mình ngóng, niềm vui mới thật tràn trề.

    Hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng ta chính thức bước vào Mùa Vọng. Nếu hiểu chữ Vọng ở đây là Ngóng trông, mong đợi, thì chúng ta ngóng trông mong đợi điều gì?

    Có lẽ cũng trở lại bối cảnh của dân Chúa trong Cựu Ước, chúng ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của chữ Vọng (ngóng trông, mong đợi).

    Suốt chiều dài lịch sử dân Thiên Chúa, kể từ khi lời ngôn sứ đầu tiên loan báo về việc Thiên Chúa sẽ bao cho nhân loại một Đấng Cứu Tinh, không lúc nào dân ngớt ngóng trông, mong đợi. Đặc biệt là những lúc dân sống trong cảnh áp bức, đè nén của ngoại bang, thì sự mong đợi đó lại càng trở nên cháy bỏng hơn lúc nào hết. Lời kinh “Trời cao hỡi nào gieo sương xuống, mây hãy đổ mưa, mưa Đấng Công Bình”, hay “Maranatha” (Ngài ơi hãy đến) không lúc nào ngớt trên môi miệng họ. Như lời ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất hôm nay: Giữa cảnh dân Chúa đang bị quân thù bao vây tư bề, đền thờ bị triệt phá, dân bị bắt đi lưu đày… thì ngôn sứ Giêrêmia lại loan báo rằng: Anh em đừng lo, bởi vì này đây sẽ đến ngày Thiên Chúa sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực. Trong những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Giê-ru-sa-lem sẽ an cư lạc nghiệp. Đây là tên người ta sẽ đặt cho thành:  "ĐỨC CHÚA là-sự-công-chính-của-chúng-ta !"

    Nhưng chúng ta biết rằng, lời ngôn sứ đó phải nhiều thế kỷ sau mới được thực hiện nơi con người của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Thế nhưng, cách thức Ngài đến lại quá âm thầm dưới hình hài của một trẻ thơ bé nhỏ, trong khi dân lại mong ngóng một vị vua đến trong quyền oai, người sẽ đứng lên đánh Đông dẹp Bắc, đem lại cảnh thái bình thịnh vượng về mặt vật chất cho trăm họ. Chính vì sự hiểu lầm này, mà mặc dù Đấng Cứu Thế đã đến nhưng nhân loại vẫn chưa nhận ra sự hiện diện của Ngài. “Người đã đến nhà Người, nhưng gia nhân lại chẳng nhận ra người”. Đó là mùa Vọng của dân Chúa trong Cựu Ước, thế còn mùa Vọng của chúng ta thì sao?

    Mỗi khi cử hành phụng vụ mùa Vọng, Giáo Hội lại muốn nhắc nhở chúng ta về lần đến đầu tiên của Con Thiên Chúa, và kêu gọi chúng ta chuẩn bị lần đến cuối cùng của Người. Ngày đó khi nào xảy đến, chẳng ai biết được. Nó đến bất ngờ như “chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất” (Lc. 21, 35). Thế nhưng, giữa hai lần ấy, đã có biết bao lần Người bất ngờ đến, nhưng chúng ta lại chẳng nhận ra Người. Người đến dưới hình hài của những người anh em lầm than khốn khổ; Người đến qua bộ dạng những người bình thường chúng ta vẫn gặp gỡ mỗi ngày; Người đến qua những biến cố lớn nhỏ vẫn xảy ra trong cuộc đời chúng ta… Nhưng cho dù có đón nhận Người hay không, thì Thiên Chúa vẫn cứ đến. Ngài đã đến trong trái tim nhân loại, lặng lẽ không ai ngờ, cho dù nhân thế hững hờ.

    Vậy để sống đúng tâm tình của Mùa Vọng, chúng ta phải làm gì? Thưa, như lời Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải có thái độ tỉnh thức và cầu nguyện.

    Tỉnh thức không có nghĩa là không ngủ, nhưng là không “chè chén say sưa”, tức là không quá mê mẩn những đam mê hưởng thụ đời này. Tỉnh thức không “lo lắng sự đời”, nghĩa là không quá mê say danh, lợi, thú, là những giá trị đời này. Tỉnh thức là biết chuẩn bị cho đời sau bằng cách vươn tâm hồn lên những chân trời cao thượng. Tỉnh thức là tuy còn sống ở đời này nhưng tâm hồn đã hướng về những giá trị tinh thần vĩnh cửu đời sau.

    Tiếp đến, chúng ta cần phải sống trong tâm tình cầu nguyện. Cầu nguyện vì tinh thần mau mắn nhưng xác thịt nặng nề. Nhờ có Cầu nguyện mà chúng ta biết tỉnh thức. Vì khi cầu nguyện ta tách ra khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất để vươn tới thế giới tâm linh. Nhất là cầu nguyện để xin ơn Chúa giúp. Con người phàm trần xác thịt nặng nề luôn bị trần gian lôi kéo. Chỉ với ơn Chúa giúp ta mới thoát ra khỏi vòng giam hãm của vật chất để vươn tâm hồn lên thế giới thiêng liêng.

    ***

    Thái độ trông chờ Chúa đến hẳn không phải là một thái độ thụ động, nhưng là tích cực cộng tác vào các chương trình của Ngài bằng việc chu toàn công việc bổn phận mỗi ngày.

    Giờ Chúa đến chỉ là giờ báo oán đối với những ai chưa chuẩn bị sẵn sàng, nhưng đối với những đầy tớ trung tín, giờ Chúa đến lại là thời điểm của niềm vui được gặp Ông Chủ, gặp gỡ Đấng mà bấy lâu chúng ta hết lòng yêu mến và tôn thờ.

    Vậy trong ngày khởi đầu Mùa Vọng này, Lời Chúa lại mời gọi chúng ta: Hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì ngày cứu rỗi của chúng ta đã gần tới. Đứng thẳng và ngẩng đầu lên là gì, nếu không phải là thái độ của một người tôi tớ đã sẵn sàng lắng nghe tiếng chủ, là sự dứt khoát với tội lỗi, rũ bỏ khỏi những vướng bận trần tục, những thứ đã và đang trói buộc chúng ta, để trở về với Chúa. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Nguồn: gioitre-tnttgptb.org

    Bài viết liên quan