Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật IV Thường Niên C

  • 14/05/2022
  • Thân phận ngôn sứ

    Mục sư Martin Luther King, là một trong 10 người của thế kỷ 20, được tạc tượng trên Great West Wall của Điện Westminster tại Luân Đôn, nơi ghi dấu những vĩ nhân của nhân loại. Không những thế, Mục sư King là người Mỹ đa đen đầu tiên và có lẽ là người duy nhất hiện nay được nước Mỹ nói riêng và nhân loại nói chung tôn kính với những công lao thúc đẩy sự tiến bộ về nhân quyền nhằm chống lại tình trạng nghèo đói, nô lệ và đối xử bất công đối với người da đen tại Mỹ trong thập niên đầu của thế kỷ 20.

    Hoạt động tranh đấu cho quyền bình đẳng của Mục sư King đã mang về cho ông Giải Nobel Hòa Bình năm 1964. Mục sư King còn được coi là người đã tiếp tục cổ xúy tinh thần đối đầu bất bạo động bằng lòng khoan dung của Mahatma Gandhi trong phong trào vận động dân quyền tại Hoa Kỳ.

    Tuy nhiên, ông đã bị ám sát khi mới 39 tuổi, đang khi ông chuẩn bị tổ chức một cuộc tuần hành nhằm bảo vệ quyền lợi của những người lao động. Có lẽ, những người thuộc phe quá khích cho rằng, họ không thể chấp nhận được chuyện bình đẳng giữa người da đen và da trắng. Và đó là lý do họ đã ám sát ông.

    ***

    Bị kỳ thị, hắt hủi, thậm chí thủ tiêu chỉ vì đấu tranh cho hạnh phúc của cộng đồng âu cũng là thân phận của các vị ngôn sứ.

    Từ trường hợp của ngôn sứ Giêrêmia

    Ông sống vào thời kỳ dân Do Thái đang bị băng hoại từ bên trong và bị quân đội ngoại bang đe doạ từ bên ngoài. Tình thế như vậy làm cho ông rất đau xót vì ông yêu mến tổ quốc và đồng bào của mình. Có lẽ vì thế, Chúa đã kêu gọi ông làm tiên tri cho quê hương mình.

    Thế nhưng lần nào được kêu gọi ông cũng đáp lại một cách miễn cưỡng vì ông biết rằng làm tiên tri nơi xứ sở mình là điều rất khó. Nhưng rồi ông cũng phải rao giảng cho dân chúng con đường sống còn duy nhất là phải canh tân đời sống, quay trở lại với Ngài. Nghe ông rao giảng như thế, dân chúng đã nổi giận và căm ghét ông, đến nỗi có lần ông đã bị đánh đòn, có lần ông đã bị bỏ vào trong một cái bao, thậm chí có lần ông đã bị xô vào đống phân.

    Đức Giêsu - vị ngôn sứ của Thiên Chúa

    Chúa Giêsu cũng đã cảm nhận được những khó khăn khi lãnh nhận sứ mệnh làm tiên tri ngay trên quê hương mình. Như chúng ta đã thấy Chúa Giêsu khởi sự công việc rao giảng của Ngài. Thoạt đầu, Ngài đã gây được hứng khởi nơi người nghe. Thánh Luca viết về những hoạt động của Ngài trong lúc này như sau: “Danh tiếng Ngài lan tràn cả miền chung quanh. Ngài giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng”.

    Nhưng cũng chính thánh Luca đã cho chúng ta thấy một cách sống động rằng ngay từ điểm khởi đầu này, lời giảng dạy của Chúa Giêsu đã tạo nên những chống đối. Tin Mừng theo thánh Luca (4,21-30) ghi lại rằng, những người làng Nadarét sau khi đã ca ngợi Ngài, thì họ bắt đầu thắc mắc về Ngài. Họ bàn tán: “Ông này hẳn không phải là con bác thợ mộc Giuse hay sao?” Và từ thắc mắc, họ đi đến chỗ căm thù, thậm chí còn muốn thủ tiêu Ngài, như lời thánh Luca đã viết: “Mọi người trong hội đường đều đầy lòng căm phẫn, họ đứng dậy, đuổi Ngài ra ngoài thành và điệu Ngài lên tận triền núi, nơi thành họ được xây cất, cố ý xô Ngài xuống cho chết”.

    Qua đoạn Tin Mừng này, chúng ta lại nhớ tới lời mở đầu của Tin Mừng theo thánh Gioan: “Ánh sáng đã chiếu soi trong u tối, nhưng u tối không tiếp nhận ánh sáng. Ngài đã đến nhà nhưng gia nhân đã không tiếp nhận Ngài”.

    Thái độ từ chối và chống đối của người Dothái, không phải chỉ xuất phát từ những tình cảm hời hợt bên ngoài, nhưng bắt nguồn từ một lựa chọn căn bản giữa ánh sáng và u tối, giữa yêu thương độ lượng và hận thù ích kỷ.

    Dân làng Nadarét đã tỏ ra cứng lòng, không tin những điều Ngài giảng dạy. Sở dĩ như vậy là vì họ đã quá quen thuộc với bản thân Ngài, gia đình Ngài nên mới có thái độ “Gần chùa gọi bụt bằng anh”. Tuy nhiên, có một điều thật đáng buồn, đó là: tại Nadarét, Chúa Giêsu bị chống đối không phải bởi những người ngoại đạo, mà bởi những người có đạo, bị oán ghét không phải bởi kẻ thù địch, mà bởi những người họ hàng thân thích.

    ***

    Tâm tình và thái độ của những người làng Nadarét của thánh Luca, cũng như những gia nhân không tiếp đón Ngài của thánh Gioan, phải chăng là tâm tình và thái độ của mỗi người tín hữu chúng ta. Bởi vì mặc dù đã biết Chúa mà nhiều lúc chúng ta vẫn không tin Chúa. Mặc dù nhận lãnh những ơn lành của Chúa mà nhiều lúc chúng ta vẫn lăng nhục và thù ghét Chúa. Mặc dù đã được Chúa thứ tha, mà nhiều lúc chúng ta vẫn xua đuổi Chúa ra khỏi cuộc đời mình.

    ***

    Và vai trò ngôn sứ của mỗi chúng ta

    Lời Chúa hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta về vai trò ngôn sứ mà chúng ta đã lãnh nhận trong ngày chịu phép Rửa Tội.

    Giữa những đảo điên của cuộc sống trần thế, giữa những nghi ngờ, toan tính, dối trá, lọc lừa… thế giới hôm nay đang rất cần những vị ngôn sứ để gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh…

    Và đương nhiên, trong thân phận ngôn sứ, làm sao chúng ta có thể tránh khỏi những chống đối, thậm chí cả những bắt bớ, giam cầm, tù tội. Bởi vì như lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: Nếu thế gian ghét các con, thì hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước.

    Có lẽ, bất cứ ai cố gắng sống đúng danh hiệu người Kitô hữu đều hiểu được những lời nói trên có giá trị như thế nào? Tuy nhiên, cho dù chúng ta có bị ghét bỏ, có bị nhạo cười, nhưng cũng đừng vì thế mà từ bỏ nếp sống lương thiện và trong sạch của mình. Lý do thật đơn giản vì Chúa đã từng nói với chúng ta: “Người ta không đốt đèn rồi để dưới đáy thùng nhưng đặt trên giá đèn. Cũng thế, ánh sáng của các con phải toả ra trước mặt mọi người để họ nhìn thấy việc thiện các con làm mà ngợi khen Cha các con ở trên trời.

    Cùng cầu chúc cho mọi người tín hữu luôn biết thực thi lời Chúa dạy, để đời sống của chúng ta sẽ là những lời chứng hùng hồn về một Thiên Chúa nhân hậu và giàu tình yêu thương. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Nguồn: gioitre-tnttgptb.org

    Bài viết liên quan