Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm C

  • 14/05/2022
  • Ta là mục tử tốt lành

    Vào năm 1943, xảy ra vụ năm người lính Đức bị phục kích và bị sát hại gần thành phố Chani, miền bắc nước Ý. Vì thế, viên chỉ huy Đức Quốc Xã liền ra lệnh bắt 50 người thế giá nhất của thành phố đem đi xử bắn để dạy cho dân thành một bài học.

    Đức Cha chính và Đức Cha phó đã cố gắng can thiệp nhưng không hiệu quả gì. Tất cả 50 người đều bị trói, bị bịt mắt và xếp thành hàng dài. Thế rồi giây phút đen tối nhất đã đến. Tiếng còi hụ vang lên báo hiệu nhắm súng. Đức Cha chính xin viên chỉ huy một đặc ân cuối cùng là được ôm hôn từng người sắp bị hành quyết. Ngài tìm cơ hội cho các nạn nhân được xưng tội để giao hoà với Chúa. May mắn thay, lời thỉnh cầu này được chấp nhận.

    Nhưng cũng thật lạ lùng, bởi vì sau đó hai vị giám mục đã không trở về chỗ cũ, trái lại các ngài đã đứng vào hàng ngũ những người bị xử bắn. Đức Cha chính đã lên tiếng nói với viên chỉ huy: Không phải chỉ có 50 người, nhưng tất cả là 52 người chúng tôi. Ông còn quyết định bắn chúng tôi, thì xin hãy ra lệnh. Xin Thiên Chúa tha thứ cho ông.

    Vừa dứt lời, bỗng từ bầu khí nặng nề của chết chóc vang lên tiếng reo hò, bởi vì các khẩu súng đang nhắm bắn đều hạ xuống. Thế là cả chủ chăn lẫn đoàn chiên đều thoát khỏi những viên đạn của tử thần.

    Hôm đó từ pháp trường trở về, mục tử cũng như đoàn chiên đều sung sướng hát lời thánh vịnh: Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, Ta tưởng mình như giữa giấc mơ...

    ***

    Hình ảnh của hai vị mục tử sống hết mình vì đoàn chiên mà chúng ta vừa nghe trên đây, đã phản ánh phần nào gương mặt của vị Mục Tử mẫu mực là Chúa Giêsu Kitô.

    Nếu ai đã từng đi ngang qua những miền đất của người du mục, mới hiểu được mối tương quan mật thiết giữa người mục tử và đoàn chiên của mình là thế nào. Về cơ bản, người mục tử của Dothái cũng giống như những người chăn vịt hay chăn trâu, chăn bò ở Việt Nam. Tuy nhiên, có một điểm khác biệt là, người chăn chiên gần như ăn ở với đoàn chiên của mình. Ban ngày người mục tử dẫn đoàn chiên tới những nơi có đồng cỏ xanh và dòng nước mát. Ông đứng đó canh chừng cho đoàn chiên ăn. Đêm đến, người mục tử lùa chiên về ràn chiên và ông ngủ luôn ở đó để canh cho đoàn chiên của mình. Chính vì sự gắn bó đó mà người chăn chiên thuộc tên cũng như biết rõ tình trạng từng con chiên của mình. Ông sẵn sàng bỏ ra cả ngày trời để chăm sóc cho những con chiên bị đau yếu, hay đi tìm những con chiên bị lạc đàn, thậm chí, ông có thể hy sinh cả tính mạng để bảo vệ đoàn chiên. Có lẽ vì thế mà chủ chiên và đoàn chiên có một mối tương giao đặc biệt: chủ chiên biết rõ từng con chiên và đoàn chiên chỉ nghe theo lời của người chăn dắt mình.

    Người chủ chiên đích thực khác hẳn với những người chăn chiên thuê. Bởi thay vì toàn tâm toàn ý lo lắng cho đoàn chiên, những người chăn thuê chỉ làm qua loa chiếu lệ cho xong chuyện. Họ sẵn sàng bỏ đoàn chiên khi có nguy biến hay có thú dữ tấn công.

    Từ hình ảnh hết sức thực tế đó, Chúa Giêsu đã tự ví mình như Đấng chăn chiên nhân lành, sẵn sàng sống chết để bảo vệ đoàn chiên. Người không chỉ chăm bẵm cho đàn chiên của mình được ăn no nê, nhưng còn lo lắng cho chúng được sống một cách dồi dào và sung mãn, như chính Chúa Giêsu đã nói: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

    Ở đây còn có một điểm khác biệt rõ rệt giữa Chúa Giêsu và những mục tử thông thường, đó là việc Người đảm bảo cho đoàn chiên của mình có sự sống đời đời - điều mà không một người chăn chiên nào trên trần gian này có thể làm được: “Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28).

    ***

    Lời của Chúa Giêsu hôm nay khiến chúng ta được an ủi biết bao, vì Người đã hứa rằng: không bao giờ chúng ta phải diệt vong và không ai cướp được chúng ta khỏi bàn tay Chúa. (x.Ga 10,28).

    Thế nhưng để được như vậy, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta hai điều kiện, đó là phải biết “nghe” tiếng chủ chiên và đi “theo” sự hướng dẫn của chủ chiên: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27).

    Giữa những xao động của dòng đời ngược xuôi, giữa những ồn ào ngay từ trong chính tâm hồn mỗi người, thì việc nghe được tiếng Chúa quả là một điều không dễ dàng chút nào. Cũng như đàn chiên dễ bị cuốn hút bởi những thảo nguyên bao la và những dòng suối trong lành mà đôi khi quên cả lối về, mỗi chúng ta cũng dễ bị lôi cuốn bởi những hấp dẫn của cuộc sống này, mà đôi lúc rời xa Chúa lúc nào cũng chẳng hay.

    Không thiếu những gia đình ngày trước, khi mà kinh tế còn eo hẹp, nhưng trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười, vợ chồng con cái sớm tối quây quần bên nhau để đi thờ, đi lễ. Thế mà nay, đời sống gia đình có phần “dễ chịu” hơn, có khi còn khá giả nữa là khác, thì ngay cả đến giờ kinh sớm tối trong gia đình chúng ta cũng chẳng giữ cho trọn được. Chúng ta có cả một nghìn lẻ một lý do để biện hộ cho mình, rằng: Chẳng qua cũng chỉ vì cuộc sống mưu sinh…, chúng con còn phải lo lắng làm ăn, chẳng có đủ thời giờ để gặp gỡ Chúa hay để lo lắng những việc đạo đức như xưa nữa, mong Chúa thông cảm... Thời gian đến với Chúa còn chẳng đủ, thì thử hỏi làm sao có thể “nghe” tiếng Chúa nói, chứ đừng mong là “đi theo” Ngài.

    ***

    Chúa Giêsu - Vị chủ chiên đích thực của tất cả chúng ta - vẫn đứng đó chờ đợi chúng ta. Người mong chờ nơi chúng ta một sự đáp trả, bằng việc lắng nghe và bước theo Người.

    Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội cũng mời gọi tất cả những người trong vai trò là lãnh đạo, ông chủ, hay ít ra là những người chủ gia đình… cũng hãy có trái tim nhân hậu như Chúa Giêsu mục tử, để có thể yêu thương tất cả mọi người, cách riêng là những người được trao phó cho chúng ta. Amen.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Nguồn: gioitre-tnttgptb.org

    Bài viết liên quan