Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật II TN C

  • 14/05/2022
  • “Ngài bảo gì, thì cứ làm theo”

    Cuốn tiểu thuyết có tựa đề “Cơ hội của Chúa” của nhà văn Nguyễn Việt Hà được xuất bản lần đầu năm 1999 là một cuốn sách nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả. Nhà văn đã khéo léo đưa vào tất cả các chủ đề - tình yêu, tình bạn, tình anh em; các lĩnh vực - tôn giáo, chính trị, kinh tế, văn hóa; các tầng lớp xã hội - thị dân, công chức, lãnh đạo, trí thức, buôn lậu. Cuốn sách được đông đảo độc giả yêu thích, không chỉ vì lĩnh vực đa dạng, nhưng còn vì tính hiện thực, triết lý và sự sâu sắc của nó. Cuốn sách đã phản ảnh bộ mặt của cả một xã hội Việt Nam những năm đổi mới. Sau cùng, tác giả đã đưa đến kết luận rằng: "Sự cùng quẫn cuối cùng của con người đấy là cơ hội của Chúa." Có nghĩa là: Khi con người rơi vào hoàn cảnh cùng cực, vào con đường cùng không lối thoát, thì khi đó là cơ hội của Chúa, khi đó, chính Chúa sẽ ra tay.

    ***

    Có thể nói, câu chuyện về đôi tân hôn trong tiệc cưới tại Cana miền Galilêa hôm nay cũng lâm vào tình cảnh như vậy.
    Có lẽ trong cuộc đời, ai trong chúng ta cũng hơn một lần đi tham dự tiệc cưới. Đám cưới là nơi thể hiện niềm vui. Tại hội hôn, chúng ta thường thấy người ta treo chữ “Song hỷ” có nghĩa là hai niềm vui. Sở dĩ có hai niềm vui, là bởi vì nhà Trai có thêm dâu hiền, nhà Gái có thêm rể thảo. Theo phong tục của người Dothái, người ta thường tổ chức tiệc cưới kéo dài cả tuần lễ. Và đương nhiên, những người chủ cỗ phải dự trù đồ ăn thức uống đủ để phục vụ trong những ngày này. Nhưng không hiểu sao, đám cưới tại Cana lại bị thiếu rượu - Thật là một cảnh huống thật trớ trêu. Nếu có ở vào hoàn cảnh đó, chúng ta mới hiểu được sự lúng túng của đôi tân hôn đến mức nào. Thế nhưng, khi đôi tân hôn dường như đã rơi vào bế tắc thì lúc đó Thiên Chúa ra tay. 
    Tin Mừng ghi lại rằng, đây là phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu thực hiện. Qua câu trả lời của Chúa Giêsu với Đức Mẹ “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4), chúng ta biết được rằng, Ngài không hề có ý đến đây để làm phép lạ. Thế nhưng thực tế phép lạ đã được xảy ra do lời thỉnh cầu của Mẹ Maria. Quyền năng của Chúa được Người sử dụng để biểu lộ lòng nhân hậu của Người. 
    Câu nói của Mẹ với Chúa Giêsu vừa như một lời thông báo: “Họ hết rượu rồi” (Ga 2,3), nhưng hàm ý trong đó là một lời cầu xin. Mặc dù không biết Chúa sẽ làm cách nào, nhưng Mẹ tin rằng, Người có thể làm một điều gì đó để cứu cho đôi tân hôn ra khỏi tình cảnh bế tắc này. Thế nên, Mẹ đã nói với gia nhân: “Ngài bảo gì, thì cứ làm theo”.

    ***

    Rượu diễn tả niềm vui, sự nồng nàn của tình vợ chồng, tình bè bạn. Như lời Thánh Vịnh 104,15: “Chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người”. Quả vậy, còn gì buồn hơn khi mà đang lúc tiệc vui lại bị thiếu rượu. Thế nhưng, nhờ sự can thiệp kịp thời của Chúa Giêsu, đám cưới không những không thiếu rượu mà còn dư tràn rượu ngon. Ngay đến vị quản tiệc cũng tỏ ra ngỡ ngàng, đến nỗi phải thốt lên:  "Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ." (Ga 2,10).
    Khi thực hiện phép lạ này, Đức Giêsu muốn chứng tỏ rằng, Người chính là thứ “Rượu Mới” mà muôn dân đang khao khát ngóng chờ. Thứ Rượu có sức mang lại ơn cứu độ cho con người. Để từ này, ai uống rượu Người trao sẽ không còn khát nữa.
    Sự xuất hiện của Chúa tại tiệc cưới Cana hôm nay, còn muốn nói lên rằng: Thiên Chúa muốn hòa đồng với tất cả mọi người; Người không chỉ muốn đồng cảm với mọi biến cố vui buồn của con người, nhưng còn muốn đề cao giá trị của đời sống hôn nhân gia đình. Rằng: Hôn nhân không chỉ là sự kết ước giữa một người nam và một người nữ, mà còn trở thành một Bí Tích và được Thiên Chúa đóng ấn và chúc phúc.

    ***

    Người ta vẫn ví tình yêu vợ chồng như men nồng rượu mới. Thế nhưng, những ai đã và đang sống trong đời sống hôn nhân gia đình mới hiểu được rằng: để giữ cho chất “rượu tình” đó luôn mãi nồng thắm là điều không hề dễ dàng chút nào.
    Trong đời sống vợ chồng, làm sao có thể tránh khỏi những lúc và chạm, sứt mẻ. Khi mà tình cảm vợ chồng đã trở nên nhạt nhẽo, thì cũng chẳng khác nào tiệc cưới mà bị hết rượu. Cuộc sống dường như trở nên vô nghĩa. Còn gì đau khổ hơn là khi yêu nhau mà không được ở gần nhau. Nhưng cũng không gì đau khổ hơn, khi mà sống với nhau dưới một mái nhà mà như nghìn trùng xa cách, “gần nhau trong tấc gang, mà biển trời cách biệt”.
    Vậy phải làm sao để vượt ra được tình cảnh đó? Thưa, hãy học nơi đôi tân hôn hôm nay, chúng ta hãy mời Chúa đến nhà mình. Bằng việc năng  lãnh nhận các Bí Tích, tham dự các nghi thức phụng vụ, duy trì và phát huy Giờ Kinh trong gia đình. Khi đã thực sự cảm nhận được sự hiện diện của Chúa trong gia đình của mình thông qua những lời cầu nguyện, chúng ta sẽ dễ dàng lắng nghe tiếng Chúa nói với chúng ta. 
    Học nơi Mẹ Maria, chúng ta hãy biết đặt trọn niềm tin tưởng vào Chúa. Theo tính tự nhiên, chúng ta thường thích làm theo ý mình. Nếu có cầu xin Chúa thì cũng xin Chúa làm theo ý muốn của mình. “Ngài bảo gì, thì cứ làm theo” là lời mời gọi chúng ta hãy biết phó thác cuộc đời chúng ta cho Chúa, vì tin tưởng rằng: Thiên Chúa luôn làm cho chúng ta những điều tốt đẹp nhất theo ý muốn nhiệm màu của Ngài.
    Học nơi Mẹ Maria, chúng ta hãy biết quan tâm đến người khác. Trong khi cả tiệc cưới đang mải mê cuốn theo niềm vui của đôi tân hôn, chỉ mình Mẹ, với sự tế nhị của mình, Mẹ biết được, tiệc cưới đang thiếu rượu. Nếu mỗi thành viên trong gia đình biết quan tâm đến nhau, nếu mỗi thành viên trong giáo xứ biết quan tâm đến lợi ích của người khác, thì cuộc sống này sẽ đẹp hơn biết bao!
    Cầu chúc cho mỗi gia đình trong giáo xứ chúng ta luôn ý thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong mái nhà mình, để gia đình luôn đầy ắp niềm vui và những tiếng cười. Bởi vì: Cuộc đời có Chúa đậm đà. Cuộc đời vắng Chúa chỉ là nước suông.

    Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên

    Nguồn: gioitre-tnttgptb.org

    Bài viết liên quan