Bài 9: Đường lối truyền giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu

  • 12/05/2022
  • Đường lối truyền giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu

    Canh tân nhiều khi chỉ là trở về nguồn. Mặc dầu phương pháp giáo lý ngày nay dựa trên nhiều khám phá mới về tâm lý và sư phạm, nhưng thực ra chỉ là trở về với những nguyên tắc rất đơn giản mà Chúa Giêsu đã áp dụng xưa.

    I. TRỰC TIẾP NÓI VỚI DÂN CHÚNG

    Mặc dầu tâm hồn luôn hướng về Chúa Cha và ngày nào cũng dành nhiều giờ để cầu nguyện trong thanh vắng, Chúa Giêsu vẫn là người của quần chúng.

    Bất cứ ở đâu Ngài cũng nói về Nước Thiên Chúa: trên núi, dưới thuyền, trong hoang địa, ngoài bãi biển, …

    Ngài nói với mọi hạng người: dân chúng, người biệt phái, các luật sĩ, phái Sađuxêô, người thu thuế, binh sĩ La mã, thiếu phụ Samari…

    II. TRÌNH BÀY SỐNG ĐỘNG, ĐỐI THOẠI, VỪA TẦM NGƯỜI NGHE

    Đa số thính giả của Chúa Giêsu là người bình dân chất phác, không có học, không biết chữ. Chúa đặt mình vào tầm hiểu biết của họ, nói những điều họ có thể hiểu, giải đáp những điều họ đang thắc mắc, gây hứng khởi cho người có thiện chí, mặc dầu không lẩn tránh những vấn đề khó chấp nhận.

    Chúa còn nói với dân chúng bằng chính ngôn ngữ của họ. Do đó, họ cảm thấy mình được hiểu, nghe không chán. Có lần họ kéo nhau vào hoang địa để nghe giảng. Nhiều lúc họ thú nhận “Thật chưa thấy ai giảng như người này”.

    Nếu gặp những người có học, hoặc khi họ muốn tranh luận bắt bẻ, Chúa cũng sẵn lòng lý luận, trưng dẫn bằng chứng phi bác luận điệu sai, trích dẫn Thánh Kinh và luật Môsê để thuyết phục hoặc cho thấy sự lầm lạc của đối phương.

    Chúa luôn luôn thích ứng lời giảng với tình trạng thái độ của người nghe.

    III. DỰA VÀO SỰ VIỆC CỤ THỂ ĐỂ GIẢI THÍCH MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI

    Bất cứ việc gì xảy ra trong cuộc sống thường ngày, cũng có thể trở thành dịp cho Chúa nói về Nước trời. Khi muốn dạy một chân lý cao siêu, mới lạ, khó tin, Chúa luôn lấy sự việc cụ thể, quen thuộc mượn trong đời sống mỗi người làm khởi điểm.

    - Chim trời, hoa đồng là dịp cho Chúa giảng về sự săn sóc, quan phòng của Thiên Chúa.

    - Bánh nuôi xác là hình ảnh của Bánh Hằng Sống nuôi hồn.

    - Hạt giống tượng trưng cho Lời Thiên Chúa gieo vào lòng người, và tuỳ theo đất mà mọc lên.

    - Nước Thiên Chúa giống như: hạt cải, men, tiệc cưới, vườn nho…

    Qua những hình ảnh quen thuộc như vậy, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa trở nên gần gũi với dân chúng.

    Chúa Giêsu thường dùng dụ ngôn để giảng dạy. Chân lý thường được gói gém trong một câu chuyện và là kết luận của câu chuyện. Nghe xong câu chuyện chẳng những người nghe hiểu bài học được trình bày, nhưng còn có thể tự mình rút ra bài học đó. Định nghĩa trừu tượng được thay thế bằng một câu chuyện cụ thể.

    Nghe xong câu chuyện “người con phung phá” (x. Lc 15), người ta hiểu ngay lòng Chúa yêu thương kẻ có tội.

    Đọc hết câu chuyện “nén bạc” (x. Lc 19,11-27), người ta thấy cần phải khai thác mọi ân huệ  Thiên Chúa ban.

    Theo dõi câu chuyện “người Samaritanô nhân hậu” (x. Lc 10,29-37), người ta tự mình có thể kết luận được rằng, hết mọi người là anh em, và chỉ có lòng thương xót mới nhận ra anh em mình.

    IV. ĐÚC KẾT THÀNH NHỮNG CÂU DỄ NHỚ

    Cần diễn giải chân lý, nhưng sau khi đã diễn giải phải đúc kết lại thành những câu ngắn. Diễn giải để có thể hiểu, đúc kết để có thể nhớ. Chúa Giêsu thường làm như vậy. Chúng ta tìm thấy trong Phúc Âm nhiều kết luận giản dị nhưng sâu sắc (giống như những câu ca dao trong văn chương truyền khẩu của Việt Nam). Ví dụ:

    Về cầu nguyện: “Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ thì sẽ mở cho”.

    Về khiêm tốn: “Kẻ trước hết sẽ nên sau hết, kẻ sau hết sẽ nên trước hết”, “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

    Về tinh thần phục vụ: “Ta đến để phục vụ chứ không để được phục vụ”.

    Về bền đỗ: “Kẻ được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn thì ít”.

    V. NHẮC LẠI DƯỚI NHIỀU HÌNH THỨC KHÁC NHAU

    Khi trình bày một chân hoặc một giáo lý, Chúa Giêsu thường lặp lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Như vậy, người nghe dễ nhớ, dễ hiểu nhưng không nhàm chán, vì mỗi lần nhắc lại có bổ túc thêm những khía cạnh mới. Ví dụ: có nhiều dụ ngôn cùng nói về lòng Thiên Chúa yêu thương tội nhân: Con chiên lạc; Đồng bạc đánh mất; Người con phung phá.

    VI. TIẾN TỪNG BƯỚC THEO NHỊP ĐỘ HIỂU BIẾT CỦA NGƯỜI NGHE

    Chân lý, nhất là chân lý tôn giáo, không thể làm cho hiểu hết, hiểu ngay một lần, cần có thời gian để tiếp nhận và tiêu hoá. Do đó, Chúa Giêsu mạc khải mầu nhiệm Nước Thiên Chúa từng bước; mỗi lần Ngài bổ túc, đào sâu và mở rộng thêm những điều đã dạy trước.

    Ví dụ: Ngài tỏ mình là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế, trước khi cho thấy mình là chính Con Thiên Chúa. Ban đầu Ngài cũng không nói đến thương khó và sự chết ngay vì cần phải chuẩn bị tâm hồn các Tông đồ trước đã.

    VII. TRÍCH DẪN THÁNH KINH ĐỂ MINH CHỨNG LỜI NÓI

    Những lời Thánh Kinh Chúa Giêsu thường trích dẫn giúp cho người nghe dễ tin và hiểu sâu hơn những lời Ngài giảng. Những lời đó còn minh chứng Ngài đến để hoàn tất mọi sự: những lời Ngài nói, những việc Ngài làm, vừa nối tiếp vừa thực hiện những gì đã được tiên báo trong Cựu ước. Ngài chính là Đấng thực hiện mọi lời hứa và mọi ý định của Thiên Chúa.

    VIII. KHÔNG NHỮNG TRÌNH BÀY NHƯNG CÒN CẢM HOÁ

    Khi diễn giải mầu nhiệm Nước trời, Chúa Giêsu đồng thời gợi lòng yêu thích đón nhận chân lý và sẵn sàng thay đổi cuộc sống người nghe. Có người không đón nhận Lời Ngài mời gọi như chàng thanh niên giầu có, nhưng rất đông người nghe đã được cảm hoá để đổi đời. Ví dụ: thiếu phụ Samaria (x. Ga 4), ông Giakêu (x. Lc 19,1-10), người trộm lành (x. Lc 23,39-43).

    Tóm lại: Cách thức truyền giảng Tin mừng của Chúa Giêsu thật đơn giản và linh động, nhưng sâu sắc và chứa đựng nhiều nguyên tắc sư phạm không thể bỏ qua.

    Bài viết liên quan