Bài 2: Giáo lý viên là ai?

  • 12/05/2022
  • Giáo lý viên là ai?

    I. GIÁO LÝ VIÊN

    Giáo lý viên là người tín hữu, được Hội thánh trao cho sứ mệnh giúp những người chưa nhận biết Chúa Kitô và các tín hữu, được nhận biết, yêu mến và đi theo Chúa Kitô.

    Trong việc dạy giáo lý, chỉ một mình Chúa Kitô là người giảng dạy. Những người khác có làm việc giảng dạy cũng chỉ là những phát ngôn viên của Ngài, để Ngài dùng miệng họ mà giảng dạy. Mối bận tâm thường xuyên của người giáo lý viên phải là thông truyền giáo lý và đời sống của Đức Kitô, qua việc giảng dạy và thái độ của mình (x. DGL 6).

    II. GIÁO LÝ VIÊN LÀ NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?

    Từ cái nhìn của Thánh Bộ Truyền Bá Phúc Âm đã nêu ở trên, ta có thể nói:

    1. Giáo lý viên là người yêu mến và gắn bó với Đức Kitô đến độ muốn nói cho người khác biết và yêu mến Chúa Kitô.

    2. Giáo lý viên là người đón nhận Lời Chúa, vì không biết Lời Chúa thì không thể biết Đức Kitô. (x.1 Ga 1,1-3).

    3. Giáo lý viên là người yêu mến Giáo hội (x. Mt 28,19-20; 1 Tm 2,3-4).

    4. Giáo lý viên là người sống cho con người (x. 1 Cr 19,23).

    5. Giáo lý viên là người có tinh thần của Đức Maria, người đón nhận và trao ban Lời Chúa.

    Trên đây là một số phác hoạ về con người giáo lý viên, bên cạnh đó người giáo lý viên cần nuôi dưỡng đời sống tâm linh bằng việc:

    - Tham dự thánh lễ hằng ngày nếu được, để nuôi mình bằng "Bánh Hằng Sống"

    - Suy niệm hằng ngày, đặc biệt là suy niệm Lời Chúa trong một thái độ chiêm ngắm và đích thân đáp trả điều mình lĩnh hội. Kinh nghiệm cho thấy, ngay cả đối với giáo dân, việc suy niệm đều đặn cũng như việc đọc Kinh Thánh hằng ngày giúp chỉnh đốn đời sống và bảo đảm một sự tăng trưởng hài hòa về đời sống tâm linh.

    - Cầu nguyện riêng để nuôi dưỡng sự hiệp thông với Thiên Chúa, giữa những công việc bề bộn hằng ngày, cách riêng cần chú ý tới việc sùng kính Đức Maria.

    - Thường xuyên lãnh nhận bí tích Hoà giải để thanh luyện tâm hồn và gia tăng nghị lực cho tâm hồn.

    - Tham dự các buổi tĩnh tâm để giúp chính mình và cộng đoàn có được một đà tiến mới. Chỉ khi nào biết nuôi dưỡng đời sống nội tâm bằng việc cầu nguyện thường xuyên và chân thành, người giáo lý viên mới có thể đạt tới mức độ trưởng thành tâm linh mà vai trò của họ đòi phải có.

    III. SỨ MỆNH CỦA NGƯỜI GIÁO LÝ VIÊN

    1. Giáo lý viên thi hành sứ mệnh chính thức trong Giáo hội

    Công việc được uỷ thác cho giáo lý viên bên ngoài có vẻ bình thường, nhưng thực ra là một công cuộc cơ bản, thiết yếu để xây dựng và mở rộng nước Thiên Chúa. Những việc quan trọng thường được chuẩn bị một cách âm thầm, giáo lý viên phải tin vào sứ mệnh của mình.

    2. Đây là sứ mệnh có tính chất siêu nhiên

    - Siêu nhiên tự nguồn gốc: là chính sứ mệnh mà Chúa Cha đã trao cho Chúa Giêsu, Chúa Giêsu lại trao cho Giáo hội, và Giáo hội đã ủy thác lại cho giáo lý viên qua Giám mục và Cha xứ (Ga 20,21).

    IV. GIÁO LÝ VIÊN CẦN CÓ NHỮNG GÌ?

    1. Nhân cách trưởng thành

    Giáo lý viên có nhân cách trưởng thành là người biết sống với tha nhân.

    2. Đức tin trưởng thành

    Giáo lý viên có đức tin trưởng thành là người biết sống với Chúa.

    Tóm lại, người giáo lý viên là người trưởng thành về nhân bản và đức tin.

    a) Nhân bản: tâm lý và xã hội

    - Về tâm lý

    + Trí dục: phải có một trình độ văn hóa tối thiểu.

    + Tâm hồn, tình cảm: phải đủ tư cách, đức tính để có thể được gọi là một người chín chắn và đứng đắn.

    + Hiền lành: giáo lý viên là người rao giảng Lời Chúa, nên cần phải mặc lấy sự hiền lành và khiêm hạ của Đức Kitô để dễ cảm thông và tha thứ.

    + Quảng đại phục vụ và hy sinh, như thánh Gioan Boscô nói: "Nếu vì lợi ích của các linh hồn, tôi sẵn sàng hy sinh đến liều lĩnh".

    - Về xã hội

    + Tương quan xã hội: Cần có mối tương quan xã hội rõ ràng với nghề nghiệp ổn định hoặc chuẩn bị bước vào nghề.

    + Khả năng giao tế: biết diễn tả một cách tự nhiên thoải mái rõ ràng qua lời nói, cử chỉ…, biết ứng xử đúng cách, lịch sự và vui vẻ vơí mọi người.

    b) Đức tin

    - Hiểu biết: phải có một cái nhìn toàn diện, đầy đủ, mạch lạc và sống động về đức tin Kitô giáo.

    - Sống đạo đức: những hiểu biết về đức tin trên phải thực sự phản ánh trong đời sống bản thân: sống điều tôi hiểu, hiểu điều tôi sống.

    V. CHUẨN BỊ VỀ GIÁO LÝ VÀ SƯ PHẠM GIÁO LÝ

    - Giáo lý viên nên có kiến thức về Thánh Kinh, Thần học, Phụng vụ, Bí tích, Luân lý, Giáo hội…

    - Giáo lý viên nên có kiến thức về tâm lý và sư phạm, biết mình dạy ai? Dạy cái gì? Dạy như thế nào?

    Bài viết liên quan