I. GIÁO LÝ VỚI THÁNH KINH
1 - Thánh Kinh là nội dung giáo lý
Giáo lý trình bày Lời Thiên Chúa, Lời Thiên Chúa chính là nội dung của giáo lý. Lời này được ghi lại trong Thánh Kinh. Do đó, Thánh Kinh là nguồn chủ yếu của giáo lý. Giáo lý càng gần Thánh Kinh bao nhiêu càng phong phú và vững chắc bấy nhiêu.
Trong Thánh Kinh, chẳng những ghi lại lời giáo huấn của Thiên Chúa, nhưng còn ghi cả những việc Chúa làm, những kỳ công Ngài đã thực hiện, những việc này cũng bộc lộ ý định của Thiên Chúa. Do đó, Thánh Kinh là Lời Chúa và cũng là nguồn mạch của giáo lý.
Tất cả những biến cố do Thiên Chúa can thiệp tạo nên một lịch sử. Lịch sử này lại nhằm thực hiện ơn Cứu độ, vì thế gọi là lịch sử cứu độ.
Nội dung của Thánh Kinh là lịch sử cứu độ. Lịch sử cứu độ là nội dung của giáo lý. Mầu nhiệm Chúa Kitô lại là trung tâm của lịch sử cứu độ. Do đó, giáo lý phải hướng về đối tượng chủ yếu là mầu nhiệm Chúa Kitô.
2. Thánh Kinh và ngôn ngữ giáo lý
- Thánh Kinh không lý luận một cách trừu tượng, không trình bày có hệ thống và không dùng những ý niệm chuyên môn của triết học.
Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa, Ngài đã nói với con người bằng chính ngôn ngữ của con người.
II - GIÁO LÝ VỚI PHỤNG VỤ
1. Phụng vụ là nguồn mạch của giáo lý
Không phải Lời Thiên Chúa chỉ được ghi chép trong Thánh Kinh. Một phần được lưu giữ lại dưới hình thức truyền khẩu. Lời Thiên Chúa còn được Giáo hội đón nhận và diễn tả trong chính đời sống của mình, nhất là trong Phụng vụ.
2. Phụng vụ là chủ đích của giáo lý
Giáo lý chuẩn bị phụng vụ hai cách:
- Trước khi cử hành phụng vụ, giáo lý trình bày ý nghĩa mầu nhiệm sẽ cử hành, các phần của nghi thức, cách thức cử hành, ý nghĩa các lời đọc và các cử chỉ.
- Trong lúc cử hành, chính chủ tế hoặc hướng dẫn viên phụng vụ cũng có thể giải thích nghi thức đang cử hành. Nếu giải thích một cách vắn tắt và cụ thể thì kết quả sẽ tốt hơn.
Giáo lý gợi lên lòng tin cậy mến, lòng tin cậy mến chỉ đạt tới chiều sâu đích thực khi mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ. Giáo lý giúp tín hữu cầu nguyện chân thành theo tinh thần và trong khuôn khổ phụng vụ. Giáo lý tạo điều kiện cho tín hữu tham dự ý thức và tích cực vào sinh hoạt phụng vụ.
3. Phụng vụ bổ túc giáo lý
Giáo lý chuẩn bị và hướng về phụng vụ, nhưng ngược lại, chính phụng vụ cũng giúp ích cho giáo lý. Phụng vụ làm cho giáo lý thành cụ thể, sống động biến sự hiểu biết bằng trí tuệ thành cảm nghiệm bằng tâm hồn. Do đó, phụng vụ có giá trị sư phạm rất lớn trong lãnh vực giáo lý.
III - GIÁO LÝ VỚI CÁC NỀN VĂN HOÁ
1. Tin mừng và văn hoá
Tin mừng được loan truyền cho con người. Nhưng đời sống con người gắn liền vào môi trường sống, thiên nhiên cũng như văn hoá. Vì thế, khi truyền giảng chân lý đức tin, Giáo hội không thể không chú trọng vào các nền văn hoá.
2. Giáo hội với các nền văn hoá
2.1. Giáo hội đến với mọi nền văn hoá
Giáo hội có tính phổ quát, Tin mừng cần được cống hiến cho mọi người và mọi dân. Kitô giáo phải đến với mọi nền văn hoá, nhưng đồng thời không lệ thuộc vào một nền văn hoá nào.
2.2. Giáo hội tôn trọng các nền văn hoá
Giáo hội luôn tôn trọng con người và các nền văn hoá, nhất là nền văn hoá ở những nơi mới bắt đầu tiếp xúc với Tin mừng.
2.3. Giáo hội tiếp nhận có chọn lọc các giá trị văn hoá
Các giá trị cao đẹp tích luỹ qua các thời đại của các dân tộc là những bông hoa tươi thắm trong vườn của Thiên Chúa. Công đồng Vaticanô II coi các tôn giáo khác là giai đoạn khởi đầu chuẩn bị xa, dẫn tới gần Kitô giáo.
2.4. Giáo hội diễn tả đức tin hợp với văn hoá truyền thống
Nội dung đức tin là một và không thay đổi, nhưng cách diễn đạt đức tin có thể thích ứng với môi trường, hoàn cảnh và thời đại.
Diễn tả Kitô giáo phù hợp với các nền văn hoá địa phương làm cho Kitô giáo trở nên gần gũi với mọi người. Tin mừng trở nên dễ hiểu và dễ được đón nhận - hơn nữa Kitô giáo ở mỗi địa phương sẽ giữ được cá tính và bản sắc của mình.
“Xây dựng trong Hội thánh một lối sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thông dân tộc” (Thư chung HĐGMVN năm 1980, số 11)
IV - GIÁO LÝ HƯỚNG VỀ CON NGƯỜI
1. Kitô giáo không hạ thấp con người
Kitô giáo suy tôn Thiên Chúa và lấy Thiên Chúa làm điểm qui chiếu mọi sự. Tuy nhiên, không vì thế mà hạ thấp con người. Trái lại, Kitô giáo tự thân có tính nhân bản: đề cao con người bằng cách gắn liền con người vào Thiên Chúa. Con người là hình ảnh và là con Thiên Chúa. Thiên Chúa được suy tôn bao nhiêu thì con người được nâng cao bấy nhiêu. “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, và vinh quang của con người là chính Thiên Chúa”(Thánh Giáo phụ…)
Hơn nữa, Tin mừng liên kết Thiên Chúa và con người trong cùng một lòng mến, đã mến Chúa thì phải yêu người, đã xúc phạm đến con người thì cũng xúc phạm tới Thiên Chúa. “Ai bảo mình yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến anh em thì người ấy là kẻ nói dối” (x.1 Ga…)
2. Kitô hữu với các trách nhiệm trần thế
2.1. Người kitô hữu sống trong trần thế, vừa được mời gọi vào Nước trời, vừa là thành viên của một xã hội trần thế, công dân của một tổ quốc.
Vì thế người kitô hữu phải thực hiện hai vận mệnh: vận mệnh trần thế (đạt tới một cuộc sống hạnh phúc dưới thế) và vận mệnh vĩnh cửu (đạt tới Nước trời mai sau). Phải chu toàn hai bổn phận: bổn phận xã hội đối với đồng loại, và bổn phận tôn giáo đối với Thiên Chúa.
2.2. Phải chu toàn cả hai bổn phận cùng một lúc.
- Không khinh chê các thực tại trần thế và lẩn tránh các trách nhiệm xã hội.
- Cũng không sao nhãng việc thực hiện vận mệnh vĩnh cửu của mình. Phải kiên trì đi cho hết đường - Đạt tới vinh quang Nước trời.
2.3. Niềm hy vọng cánh chung không miễn trừ cho kitô hữu các bổn phận hôm nay đối với xã hội trần thế: chống lại nghèo đói, bệnh tật, bất công, chiến tranh. Cần góp phần xây dựng một thế giới sung túc, công bình và huynh đệ hơn.
2.4. Người kitô hữu tiến về Nước trời, nhưng con đường tới Nước trời phải xuyên qua trần thế này. Đó là con đường bắt buộc phải đi. Hơn nữa, nếu được lòng Tin, Cậy, Mến thúc đẩy, thì việc xây dựng trần thế cũng trở thành một cách xây dựng Nước trời cho mai sau.
Giáo lý cần nhắc nhở các kitô hữu về các trách nhiệm trần thế, các bổn phận xã hội và đặt các trách nhiệm đó trong tương quan với niềm tin của mình.
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 157 | Tổng lượt truy cập: 708,286