Bài 11: Chuẩn bị và diễn tiến một giờ Giáo lý

  • 12/05/2022
  • Chuẩn bị và diễn tiến một giờ Giáo lý

    A. CHUẨN BỊ

    1. Soạn bài

    Soạn bài là soạn những gì mình sẽ trình bày trong giờ giáo lý, để giúp các học viên hiểu và sống điều học hỏi. Khi soạn bài giáo lý cần:

    - Phải nắm vững chương trình của năm học mà ta đảm trách và toàn bộ chương trình huấn giáo.

    - Phải suy gẫm và sống Lời Chúa mà ta sẽ thông truyền cho các học viên: đọc bản văn Lời Chúa và kiểm thảo đời sống.

    - Tìm ý chủ lực của bài dạy.

    - Xác định tâm tình, thái độ sống và điểm áp dụng.

    - Tìm những kinh nghiệm cụ thể thích hợp để khai triển và áp dụng ý chủ lực.

    - Tìm trong môi trường sống, Kinh Thánh, sinh hoạt phụng vụ … Phần này quan trọng vì nó quảng diễn bài giáo lý.

    - Soạn lời nguyện và những sinh hoạt thích hợp.

    - Chuẩn bị các trợ huấn, dụng cụ cần thiết và thích hợp như: hình ảnh…

    - Soạn chương trình sơ lược giờ giáo lý và phân chia nhiệm vụ cho những người cộng tác (nếu có).

    2. Sửa soạn khung cảnh

    Trước khi bắt đầu giờ dạy, giáo lý viên tới trước để sửa soạn nơi học giáo lý. Điều kiện cơ sở bên ngoài rất quan trọng để tạo điều kiện cho việc đón nhận Tin mừng. Nơi học giáo lý phải sạch sẽ, trật tự, trang nghiêm và thoải mái.

    B. DIỄN TIẾN BÀI GIÁO LÝ

    I - ỔN ĐỊNH

    1. Đón tiếp

    - Các giáo lý viên vui vẻ, tươi cười đón tiếp từng phụ huynh (nếu có) và từng em vào lớp học, thăm hỏi phụ huynh các em về gia cảnh, làm quen với từng em, cốt sao cho các em thấy mình được yêu thương và nhập cuộc với mọi người, mau chóng thoát khỏi tâm trạng sợ sệt, xa lạ…

    - Đến giờ, giáo lý viên chủ nhiệm chào các em và tự giới thiệu mình và các bạn giáo lý viên khác (nếu có). Giáo lý viên cũng nên giới thiệu tổng quát các học viên (tổng số bao nhiêu, nam - nữ bao nhiêu) với tâm tình vui vẻ và (vỗ tay) chào nhau.

    2. Thánh hoá

    Giáo lý viên chủ nhiệm hướng dẫn các học viên đứng nghiêm trang, khoanh tay, mắt nhìn lên tượng Chúa (nếu có) hoặc hướng lên bàn Lời Chúa, làm dấu Thánh giá, cùng đọc kinh Lạy Cha, hoạc hát một bài…

    3. Ôn lại bài cũ

    4. Giới thiệu bài mới

    II – NGHE LỜI CHÚA

    1. Dẫn Lời Chúa

    Bằng một kinh nghiệm sống hay một câu chuyện, giáo lý viên dẫn các học viên vào tâm tình và thái độ đón nghe Lời Chúa: con người lĩnh hội từ những gì cụ thể chung quanh trong đời sống thường ngày, từ đó mới có thể hiểu được những gì trừu tượng, linh thiêng, nhất là đối với tuổi thơ. Đặc tính của phần này là cái gì cụ thể, dễ hiểu, gây hào hứng thích thú đối với các học viên.

    2. Công bố Lời Chúa

    Đức Gioan Phaolô II trong Tông huấn  Dạy  giáo lý đã nói: "Ở trung tâm khoa dạy giáo lý phải có Chúa Giêsu thành Nazareth. Người là Con Một tự Cha mà đến, tràn đầy ân sủng và chân lý. Người là đối tượng khoa dạy giáo lý" (số 5). Vì thế, Lời Chúa phải được công bố và đón nhận trong giờ giáo lý.

    3. Bài giảng

    Đi từ Lời Chúa vừa được công bố, giáo lý viên trình bày nội dung giáo lý bằng ngôn ngữ thích hợp với các học viên, bằng những câu chuyện, những hình ảnh, những câu hỏi đáp đơn sơ… giáo lý viên luôn nhớ là trình bày giáo lý của Chúa Giêsu, chứ không trình bày ý kiến cá nhân mình. Đây là phần đóng góp chủ yếu của giáo lý viên vào việc truyền thông giáo lý cho các em.

    Bài giảng là phần chính của lớp học giáo lý. Trình bày nội dung của phần giáo lý. Bài giảng phải đồng thời phải đạt được 2 mục tiêu:

    - Trình bày đề tài của bài học. Ví dụ: “Chúa Giêsu quyền phép”. Mỗi bài giáo lý chỉ trình bày một chủ đề duy nhất, không được pha trộn với chủ đề khác.

    - Khơi gợi tâm tình tôn giáo tương ứng với đề tài bài học. Ví dụ: “Cảm phục Chúa Giêsu”.

    Bài giảng phải theo phương pháp qui nạp, đi từ một sự kiện hay một câu chuyện cụ thể để rút ra một kết luận, một bài học, và áp dụng vào một vấn đề giáo lý đang trình bày. Vì thế muốn soạn thảo bài giảng phải tìm một sự kiện, hay một câu chuyện cụ thể làm khởi điểm, để trình bày đề tài và khơi gợi tâm tình tôn giáo.

    Ví dụ: “Chúa Giêsu làm sóng gió yên lặng” (Mt 4,35-41)

    - Đề tài: Chúa Giêsu quyền phép

    - Tâm tình: Cảm phục Chúa Giêsu

    - Khởi điểm: Chúa Giêsu làm sóng gió yên lặng

    Một khi xác định được 3 điểm này thì soạn bài giảng tương đối không khó. Bài giảng dài hay ngắn tuỳ theo lứa tuổi và tuỳ theo hình thức mình dùng:

    - Nếu giảng viên độc thoại thì ngắn hơn, nếu đối thoại với các học viên thì dài hơn.

    - Khi theo cách độc thoại, bài giảng không được quá 7 phút đối với các em 7 tuổi và không được quá 15 phút đối với các em 12 tuổi.

    Sức chú ý của các em có giới hạn, giáo lý viên phải khai thác tối đa khoảng thời gian này, bằng cách cắt bỏ những dư thừa, phụ thuộc, sắp xếp các ý tưởng mạch lạc và chọn những kiểu nói dễ hiểu.

    4. Cầu nguyện

    Giờ giáo lý không phải là giờ học như các môn học khác: toán, văn, sử… nhưng là giờ các em tiếp xúc với Chúa Giêsu. GẶP GỠ, HIỆP THÔNG với Chúa Giêsu thành Nazareth, Đấng đã sống và dạy chân lý đó. Do đó, sau khi các học viên lắng nghe và hiểu Lời Chúa, giáo lý viên dẫn các học viên đến cầu nguyện.

    III - NHỚ LỜI CHÚA

    Đây là lúc giúp các học viên nhớ nội dung chính yếu của bài học giáo lý. Các học viên cố gắng thuộc ngay tại lớp giáo lý sau khi đã hiểu tương đối. Các học viên học một lời Kinh Thánh và những câu hỏi-thưa.

    1. Ghi bài: giáo lý viên cho các học viên chép bài học

    2. Tâm niệm

    IV - SỐNG LỜI CHÚA

    1. Sinh hoạt

    Giáo lý viên có thể tùy nghi sử dụng các hình thức sinh hoạt cho hợp với ý chính của bài giáo lý và tâm lý các học viên.

    2. Thực hành

    Để sống giáo lý, giáo lý viên cố gắng gợi ý giúp học viên thực hiện một hành vi, một việc tốt thích hợp với bài giáo lý. Trong sách học viên có ghi điều thực hành, đây chỉ là đề nghị. Giáo lý viên cần xem xét thực tế của môi trường và tâm lý để gợi lên những việc làm thiết thực.

    V - KẾT THÚC

    Khi hết giờ giáo lý, giáo lý viên căn dặn học viên vài điều cần thiết về việc học bài, sống bài giáo lý… Sau đó tất cả nghiêm trang đứng dạy tạ ơn Chúa với lời kinh ngắn:

    - Kinh sáng danh

    - Hoặc một kinh khác hay lời cầu nguyện tự phát

    Giáo lý viên cũng nên tập cho các em biết chào giáo lý viên, và giáo lý viên cũng vui vẻ chào lại.

    Bài viết liên quan