Viết cho giới trẻ: “Hôm nay Ta phải ở lại nhà anh” (Lc 19,5)

  • 09/05/2022
  • “Hôm nay Ta phải ở lại nhà anh” (Lc 19,5)

     

    Chưa bao giờ mà các thành phố lớn, những con đường lớn, những quãng trường lớn …lại vắng vẻ tiêu điều như hôm nay. Hoang vắng như chưa từng có, chưa từng thấy ở một nền văn minh công nghiệp hóa hiện đại hóa của hành tinh này.

    Chưa bao giờ các nhà thờ công giáo đóng cửa, không có Thánh lễ, thế mà nay lại cửa đóng then cài, nhất là trong Tuần Thánh, tuần cao điểm làm nên sự sống còn của niềm tin!

    Và dĩ nhiên, chưa bao giờ người trẻ hoang mang lúng túng như lúc này, không việc làm, không còn những buổi gặp gỡ, không giảng đường hay lớp học, ngay cả tình yêu đôi lứa cũng “cách li” qua chiếc khẩu trang trắng bệch!

    Mất mát thật nhiều và nhiều biết bao!

    Thế đấy, và nhiều người trẻ rơi vào trạng thái bồng bềnh mất phương hướng, nhiều người không biết làm chi cho hết ngày, nhiều người đứng lên nằm xuống ủ ê xanh xao, nhiều người quay sang rượu chè cờ bạc!   

    Thế đấy, con virút Covid-19 làm đảo điên mọi sự, kể cả cuộc sống tươi đẹp đang lên của người trẻ!

    Thế nhưng con virút vẫn là con virút, không có não, không có cả tế bào, chỉ là “những sinh vật ở bên lề của sự sống”, làm sao có thể dập tắt được ngọn lửa nhiệt huyết yêu thương và quảng đại vốn có nơi người trẻ được.

    Hoàn cảnh chỉ làm chùn chân và nốc – ao những người trẻ không biết đứng dậy thôi! Hoàn cảnh lúc này mời gọi chúng ta hạn chế ra ngoài, để tránh sự lây lan tàn khốc của con virút, nhưng chúng ta lại được tự do đi vào trong, thênh thang với cõi lòng, nơi chỉ có Chúa với ta, ta với Chúa.

    Một dịp để cảm nghiệm Thiên Chúa muốn ở nhà với chúng ta thế nào. Một dịp để ta có trải nghiệm như Gia kêu, khi Chúa nói: “Hôm nay ta phải ở lại nhà anh” (Lc 19,5) 

    1. Chúa đang ở nhà với chúng ta ! Đó là sự thật rất thực!

    Những ngày này là những ngày lặng thinh và lặng thầm, không gian im ắng tĩnh mịch, lòng người cũng trầm xuống lắng sâu.

    Bầu khí sợ hãi nhường chỗ cho tâm tình kết hiệp với Đấng Chí tôn chí ái đang ở nhà mình, qua Thánh lễ trực tuyến, qua tràng hạt mân côi, qua lời kinh tiếng hát vang vang từ cha từ mẹ, từ anh chị em mình.

    Người trẻ “xa nhà” lâu nay, ra ngoài nhiều hơn ở nhà, nay có dịp lắng đọng tâm tư, cùng gia đình nhận ra sự hiện diện thân thương quý báu của Chúa. Nhận ra Người vẫn ở bên đời ta, dù trôi nổi lấm lem đến mấy, dù bội bạc bất trung đến mấy, dù sa lầy gục ngã thảm thương đến mấy! Chúa vẫn hiện diện, vẫn ở đó,  vẫn muốn ôm choàng chúng ta vào lòng, để thì thầm: “Chính Thầy đây! đừng sợ.” (Mc 6, 45-52)

    2. Chúa đang ở nhà với chúng ta và mời ta hoán cải!

    Tình yêu nào cũng đòi sự trao ban và hy sinh, đó mới là tình yêu đích thực. Chúa ở nhà với chúng ta, nên mời ta thêm lần nữa trao ban và hi sinh. Dám cho đi điều mình từng gắn bó, dám hy sinh điều mình cho là tốt đẹp, nhưng không đẹp với Đấng là Tình yêu, nên hoán cải, đổi đời chính là động thái hoàn hảo nhất để trao ban và hy sinh có dịp lên  ngôi.  

    Đúng vậy, điều đầu tiên Chúa Giêsu trao gửi cho con người khi đến trần gian là sứ điệp hoán cải: “Hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Cái chết của Ngài trên Thập giá không phải là cái chết của một nhà ái quốc hay cách mạng, nhưng là để đền bù tội lỗi con người. Bởi vậy mà có cuộc đời của bất cứ vị thánh nào lại không bắt dầu bằng lòng sám hối, ăn năn, nghĩa là ý thức sâu xa về tội lỗi của mình. Nhưng sám hối không chỉ là ý thức về tội lỗi của mình. Có ai ý thức được hành động phản bội của mình cho bằng Giuđa Ítcariốt, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám hối, là hối hận ăn năn, nên ông đi tìm cái chết trong nỗi tuyệt vọng tột cùng. Ngược lại, Phêrô cũng đã chối Thầy, nhưng nơi ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở ý thức tội lỗi, mà biến thành tình yêu thương sâu lắng:  “Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa” (Ga 21,17). Chưa hết, tình yêu ấy kéo dài suốt cả một đời còn lại, nên sau này, trong thư thư nhất của mình, Phêrô đã dàn trải cảm nghiệm sám hối mà được tha của mình qua câu nói nổi tiếng: “Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi” (1Pr 4, 8).

    Hôm nay, Chúa đang ở nhà với chúng ta, và mời gọi người trẻ đi vào nơi hoang địa của nội tâm mình để ăn năn sám hối. Cuộc chiến cam go nhất chính là cuộc chiến với bản thân. Địch thù ẩn núp ngay trong bản thân mình chứ không ở đâu xa. Triết gia Hy Lạp Platon đã nói: “Chiến thắng bản thân mới chính là chiến thắng hiển hách nhất”.

    Không đi ra ngoài được lúc này, chúng ta khởi đi vào trong, nơi cõi lòng mình để ngẫm nghĩ, để nhìn lại, để quyết tâm. Để thấy là ngày nay, người ta nói nhiều về việc khủng hoảng đức tin vào Chúa, nhưng trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người sẽ không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, tình thương của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Như một tỉ lệ thuận: càng cảm thấy mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu thương. Vậy hãy đứng dậy người bạn trẻ, Chúa không thua lòng quảng đại của bạn bao giờ!

    3. Chúa đang ở nhà với chúng ta và mời chúng ta vui lên vì Chúa là “niềm vui của tuổi xuân” (Tv 43,4)

    Không gì sung sướng cho bằng khi ta mắc lỗi vì vụng dại, mà được tha thứ. Bài ca “xin chừa” đi theo ta…suốt cả tuổi đời lầm lỗi, ngu ngơ. Phải! Chúng ta cố gắng sống tốt lành, hòa hợp với những người xung quanh, yêu mến Chúa và tha nhân, không hoang nghịch! Ai cũng thích vậy, mong vậy. Nhưng rồi lầm lỗi cứ chạy theo đời mỗi người, càng thêm tuổi càng thấy mình có tội,  càng cố gắng, càng hay lỗi phạm như lời thánh Phaolô trải nghiệm “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.”(Rm 7,19) Và ngài khẳng định là “do tội vẫn ở trong tôi.” (Rm 7,19) 

    May thay, Chúa Giêsu – khuôn mặt của Thiên Chúa, đang ở nhà ta, lại là người được nói đến như “một người đón tiếp phường tội lỗi” (Lc 15,2), người được mệnh danh là giàu lòng thương xót (Lc 15,4-31)

    – giàu lòng thương xót nên hết lòng tìm kiếm. Người luôn nghĩ tới, lo lắng, đi tìm…cho bằng được, dù chỉ một con. Chúa yêu chúng ta cách riêng tư, không chung chung, không đại trà. Đúng là chúng ta có một Thiên Chúa yêu thương những đứa con không yêu Ngài!!!

    – giàu lòng thương xót nên hết lòng tha thứ. Thật đáng vui và sung sướng vì được tha thứ (Lc 15,10). Không tha thứ thì không còn là Thiên Chúa nữa. Dẫu cho ta có tội lỗi thế nào thì cũng không ngăn cản được tình yêu của Thiên Chúa. Đúng là một Thiên Chúa có trái tim không ngủ yên khi chưa tha thứ cho con mình  lầm lỡ!!!

    – Cuối cùng, vì giàu lòng thương xót  nên tìm hết cách phục hồi địa vị là con yêu dấu cho kẻ hư thân mất nết. Chỉ cần gắng gượng đứng dậy, cất bước lên đường trở về với Chúa thì cho dù ta có xưng thú, Thiên Chúa cũng chẳng để ta nói hết câu, nhưng sẽ phục hồi cho chúng ta phẩm giá là con ngay lập tức. (x. Lc 15,22-24). Đúng là một Thiên Chúa có trái tim không ngủ yên khi chưa ôm chúng ta vào lòng và gọi là con ơi!

    Vậy sao lại không vui! Chúa là niềm vui của tuổi xuân xanh mà!!! Bây giờ ta mới ngộ ra: rằng giới trẻ được yêu thương nhiều quá!  

    – Đức Thánh Cha nào cũng yêu người trẻ, người trẻ chiếm một chỗ đứng tầm cao trong trái tim vị cha chung. Những gì làm được cho người trẻ, ngài đều hết mình: những tổ chức, những giáo huấn, những linh đạo, tất cả đều muốn cho người trẻ hiểu và nhận ra là Thiên Chúa yêu họ.

    – Đức Tổng Giám mục giáo phận cũng rất yêu người trẻ. Giới trẻ tổ chức, giới trẻ sinh hoạt là có Ngài: cùng ca hát, cùng nắm tay nhảy múa, và không khi nào thiếu quà tặng giới trẻ! Hạt thành phố ngày 19/1; Hạt Hương phú ngày 29/1; Hạt Hương Quảng Phong ngày 30/1;  Hạt Quảng trị ngày 26.12…. Đâu đâu, Đức Tổng cũng hiện diện, và mời gọi người trẻ TGP Huế sẽ là thành phần chủ lực, đi đầu các phong trào để giáo phận ngày một thăng tiến mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn trong tương lai. Ngài mong ước các bạn trẻ mạnh dạn thể hiện đức tin, bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của mình, trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh cho mọi người”.

    Đúng như câu chủ đề của Năm Thánh mừng 170 năm TGP được thành lập “Chúa là niềm vui tuổi xuân” (Tv 43,4). Đức Tổng mơ về một giáo phận trẻ trung, trẻ trung trong tầm nhìn và sứ mạng, trẻ trung trong nếp suy nếp nghĩ, trẻ trung trong phong cách sống đạo và giới thiệu Chúa cho anh chị mình. Đúng là tâm thế của người trẻ chiếm một chỗ đứng  lớn trong cái tâm cái tầm của vị chủ chăn giáo phận.

    Vậy thì hôm nay đây, hỡi các bạn trẻ, chúng ta phải hạn chế ra ngoài, đúng rồi, nhưng đi vào trong thì hoàn toàn tự do, như Đức Thánh Cha Phanxicô thân yêu của chúng ta nhắn nhủ: “Trong những ngày này chúng ta cần phải cầu nguyện nhiều hơn, chúng ta hãy cầu nguyện bằng đức tin, sự kiên trì và lòng can đảm. Chúa sẽ không làm chúng ta thất vọng, đôi lúc chúng ta cần phải chờ đợi nhưng không thất vọng. Đức tin, bền chí và lòng can đảm.” (Bài giảng tại nhà nguyện Thánh Marta ngày 23/03).

    ***

    Để đóng lại vài sẻ chia thân thương trong những ngày Tuần Thánh đáng nhớ này, xin mời các bạn trẻ đọc câu chuyện dưới đây:

    “Một buổi tối ở bộ lạc người da đỏ, già làng ngồi giảng cho cháu trai nghe về cuộc chiến bên trong mỗi con người trong suốt cuộc đời họ.

    Ông nói: “Nghe này cháu của ta, luôn có một cuộc chiến giữa hai con sói bên trong mỗi chúng ta”.

    “Một con là Ác – Nó đại diện cho sự giận dữ, ganh ghét, đố kỵ, đau buồn, hối hận, tham lam, kiêu căng, tội lỗi, oán hận, mặc cảm, giả dối, tự ti và bản ngã.

    Một con khác là Thiện – Nó đại diện cho niềm vui, hòa bình, tình yêu, hy vọng, sự yên bình, khiêm tốn, lòng tốt, sự nhân từ, đồng cảm, rộng lượng, sự thật, lòng từ bi và đức tin”.

    Người cháu suy nghĩ về những gì ông nói rồi hỏi: “Vậy con nào chiến thắng ạ?”.

    Câu trả lời của già làng rất đơn giản: “Cháu cho con nào ăn thì con đấy thắng”.

     

    Viết chiều thứ năm Tiệc Ly của Chúa

    Linh mục Đa Minh Phan Hưng

    Bài viết liên quan