Gia đình - hai tiếng gọi thiêng liêng, gần gũi mà hầu hết mỗi người sinh ra và lớn lên đều luôn trân quý. Gia đình theo nghĩa Tiếng Anh là FAMILY, nó được ghép từ những chữ cái đầu của câu: Father and Mother, I Love You!!! Có nghĩa gia đình là nơi có bố, mẹ và con cái yêu thương nhau.
I. DẪN NHẬP
Gia đình - hai tiếng gọi thiêng liêng, gần gũi mà hầu hết mỗi người sinh ra và lớn lên đều luôn trân quý. Gia đình theo nghĩa Tiếng Anh là FAMILY, nó được ghép từ những chữ cái đầu của câu: Father and Mother, I Love You!!! Có nghĩa gia đình là nơi có bố, mẹ và con cái yêu thương nhau. Từ khi còn nhỏ, có lẽ hầu hết chúng ta đều biết bài hát: Ba Ngọn Nến Lung Linh của nhạc sĩ Ngọc Lễ.
Ba là cây nến vàng
Mẹ là cây nến xanh
Con là cây nến hồng
Ba ngọn nến lung linh A
Thắp sáng một gia đình.
Gia đình gia đình
Ôm ấp những ngày thơ
Cho ta bao kỷ niệm thương mến
Gia đình gia đình
Vương vấn bước chân ta đi
Ấm áp trái tim quay về
Lung linh lung linh tình mẹ tình cha
Lung linh lung linh cùng một mái nhà
Lung linh lung linh cùng buồn cùng vui
Lung linh hai tiếng gia đinh...
Quả thật, gia đình là nơi ôm ấp biết bao kỷ niệm thân thương trong trái tim mỗi người và là nơi gắn kết mỗi thành viên nên một trong ngôi nhà ấm cúng, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Trong thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các giám mục trong Hội nghị thường niên vào tháng 10/2019 tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Hải Phòng đã đề nghị chương trình mục vụ giới trẻ trong 3 năm (2020-2022). Kết thúc năm mục vụ giới trẻ đầu tiên 2020 với chủ đề: Đồng Hành Với Người Trẻ Hướng Tới Sự Trưởng Thành Toàn Diện và năm mục vụ giới trẻ thứ hai 2021 đặt trọng tâm vào việc Đồng Hành Với Người Trẻ Trong Đời Sống Gia Đình. Bài viết này sẽ thảo luận những phương thế giúp các bạn trẻ trưởng thành trong đời sống gia đình qua việc sống căn tính Kitô giáo, trưởng thành trong tự do - trách nhiệm, và hiểu - bảy tỏ ngôn ngữ tình yêu.
1. Định nghĩa Tuổi Trẻ
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô định nghĩa tuổi trẻ là “ân sủng và là quà tặng mà các bạn cần đón nhận với lòng biết ơn và sống sung mãn, chứ không lãng phí, hãy phát huy các khả năng Chúa ban để trở nên một người trưởng thành toàn diện” (Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 134). Tuổi trẻ là một phúc lành cho Giáo Hội và là chủ thể phản ánh Đức Kitô trong lòng thế giới. Tuổi trẻ là hiện tại và là tương lai của thế giới (Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 64). Vì thế, người trẻ phải làm phong phú Giáo Hội và xã hội qua việc nên thánh, sống đức ái trong gia đình và ngoài xã hội - “hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời” (Tông huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 50).
Theo tâm lý học, Tuổi trẻ (Emerging adulthood) là giai đoạn chuyển tiếp giữa tuổi thanh thiếu niên và người lớn, khoảng độ tuổi từ 18 đến 25. Tuổi trẻ là thời gian khám phá và thử nghiệm đặc thù cá nhân, tình yêu, công việc, và ơn gọi (độc thân, lập gia đình, đi tu hay sống chung). Tuổi trẻ là tuổi của những hoài bão, mơ ước, định hướng, cùng những tham vọng. Có rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan ảnh hưởng đến sự phát triển đặc thù nhân cách của các bạn trẻ, chẳng hạn như tính cách, lối tư duy cá nhân, cũng như gia đình, làng xóm, giáo xứ, trường học, và xã hội bên ngoài.
Tuổi trẻ là thời gian dành nhiều cho công việc và tình yêu, đôi khi dành rất ít thời gian cho những thứ khác. Ở giai đoạn này của cuộc đời, các bạn trẻ vẫn tiếp tục tự hỏi mình: TÔI là ai? Và băn khoăn không biết ‘TÔI như vậy đã đủ để là tôi chưa?' Tuổi trẻ tiếp tục mơ mộng về cuộc sống, sự nghiệp, và tương lai. Họ suy nghĩ chín chắn hơn và dần sống thực tế hơn. Tuy nhiên, có không ít các bạn trẻ do gặp nhiều thất bại trong việc học tập, nghề nghiệp và tình cảm, đã phải mất thời gian khá lâu, và có khi lâu hơn những gì họ nghĩ, để có thể tìm thấy một chỗ đứng trong xã hội người lớn, và có một cuộc sống ổn định. Tình dục và tình yêu là những đam mê mạnh mẽ trong cuộc đời của tuổi trẻ. Nếu tình yêu và tình dục được thỏa mãn, họ cảm thấy chúng như là thiên thần ánh sáng; nhưng khi không được như mong muốn, họ cảm thấy chúng như kẻ thù của sự đau khổ. Các bạn trẻ có lẽ sẽ không bao giờ hiểu hết tình yêu của bố mẹ cho tới khi họ lập gia đình và trở thành bố mẹ khi có con đầu lòng.
Theo học thuyết tâm lý xã hội phát triển của Erik Erikson, tuổi trưởng thành (từ 19-40 tuổi) là giai đoạn con người có nhu cầu được gần gũi thân mật và phát triển tương quan tình yêu (Intimacy). Thành công trong giai đoạn này dẫn tới các mối quan hệ được thoả mãn. Nhu cầu thân mật gần gũi là yếu tố cấu thành nên căn tính của hôn nhân: 2 trở nên 1. Đây là lý do mà phần đông các bạn trẻ thường lập gia đình ở giai đoạn này. Tuy nhiên, nếu nhu cầu gần gũi thân mật và các quan hệ tình yêu không được đáp ứng, các bạn trẻ sẽ cảm thấy lẻ loi, cô đơn và cô lập (Isolation). Có thể nói, các bạn trẻ bước vào cuộc sống hôn nhân gia đình một phần là do nhu cầu yêu và được yêu người bạn đời của mình.
2. Dấu hiệu đánh giá sự trưởng thành ở Tuổi trẻ
Dấu hiệu trưởng thành ở tuổi trẻ là: có công việc ổn định, độc lập về tài chính, có tinh thần trách nhiệm với những hành động của mình, và có khả năng làm chủ cảm xúc. Họ có thể sống tự lập và tự lo cho bản thân. Theo tục ngữ Việt Nam, 3 việc lớn rất hệ trọng đánh dấu sự trưởng thành của một người đàn ông là “Tậu trâu, cưới vợ, và làm nhà.” Tậu trâu tức là người trẻ phải có phương tiện sống và làm việc, có nghề nghiệp phù hợp với khả năng và sở thích. Cưới vợ là bước đầu để xây dựng một gia đình hạnh phúc mà trước đó người trẻ cần biết suy nghĩ kỹ trước khi chọn người bạn đời vì họ sẽ sống cả đời với nhau (quá trình XEM-XÉT-LÀM). Làm nhà không chỉ ngụ ý là một ngôi nhà, nơi để sống “an cư, lạc nghiệp”, mà nhà ở đây còn có ý chỉ những thành tựu của cả cuộc đời. Người Việt Nam quan niệm các bạn trẻ cần phải chú tâm xây dựng di sản con người hơn là di sản vật chất.
Tương tự, người nữ trưởng thành cũng cần có sự nghiệp, có gia đình và cùng chung tay xây dựng ngôi nhà tổ ấm thân thương của mình. Ông cha ta từng nói: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm.” Ngày nay, việc xây nhà và xây tổ ấm là công việc của cả đàn ông và đàn bà trong gia đình. Xã hội ngày càng bình đẳng, phụ nữ và nam giới đều đi làm ngoài xã hội và tạo thu nhập cho gia đình ổn định. Do đó, việc chăm sóc gia đình như làm việc nhà, chăm con, nấu ăn, đi chợ... mà trước đây ta thường nghĩ dành cho phụ nữ thì một người đàn ông sống có trách nhiệm của thời đại mới cũng có thể chung tay với vợ cùng làm để cho mái ấm gia đình thêm ấm cúng và vui vẻ. Một khi đôi bạn trẻ đặt đời sống gia đình trên nền tảng tình yêu thì họ có thể vượt qua những định kiến xã hội về vai trò của mình và có thể chung tay chia sẻ những trách nhiệm trong gia đình với nhau.
3. Bản chất Hôn nhân Công Giáo
Hôn nhân là sự kết hợp của các cá nhân về mặt tình cảm, xã hội, hoặc tôn giáo một cách hợp pháp. Theo luật hôn nhân và gia đình ở Việt Nam, hôn nhân là kết quả của tình yêu nam nữ, là sự kết hợp hoàn toàn tự nguyện giữa người nam và người nữ dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng nhau. Nó được xác lập khi đôi nam nữ có đủ điều kiện kết hôn và tiến hành đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền. Trong khoản 1, điều 3 của Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Chính vì vậy, khi một người nam và một người nữ kết hôn, họ trở thành vợ chồng theo luật tự nhiên.
Ngoài việc tuân theo luật hôn nhân gia đình của xã hội, các bạn trẻ Công Giáo trước khi chuẩn bị kết hôn đều được mời gọi tham dự học Giáo Lý Hôn Nhân. Khóa học này giúp họ gia tăng sự hiểu biết về giáo lý Công Giáo và áp dụng chúng trong đời sống hôn nhân gia đình của mình sau này. Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, hôn nhân Công Giáo là bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội Thánh, cùng ban ơn giúp họ sống xứng đáng trong ơn gọi của mình. Hôn nhân Công giáo có hai đặc tính: 1) đơn nhất, nghĩa là một vợ một chồng; 2) bất khả phân ly, nghĩa là trung thành yêu thương nhau trọn đời. Bí tích Hôn phối ban ơn giúp các đôi vợ chồng yêu thương nhau, như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, kiện toàn tình yêu tự nhiên, củng cố sự hiệp nhất bất khả phân ly, và thánh hoá họ trong đời sống siêu nhiên.
4. Đường hướng mục vụ với các bạn trẻ
Đồng hành cùng các bạn trẻ trong đời sống gia đình là giúp họ hình thành một lối sống liên đới và hiện diện với người khác trong đời sống gia đình. Mục đích của việc đồng hành là giúp các bạn trẻ luôn có sự suy tư và hiểu rõ về những gì họ đã, đang, và sẽ làm. Bản chất của việc đồng hành cùng các bạn trẻ giúp họ hướng tới sự trưởng thành toàn diện và sống trọn vẹn những tiềm năng mà Chúa đã trao ban cho họ. Bên cạnh đó, đồng hành để giúp các bạn trẻ có khả năng làm chủ bản thân, tìm kiếm sự thật của chính bản thân mình và thế giới xung quanh. Từ đó, các bạn trẻ có thể trở thành các chủ thể chủ động thay vì là những người thụ phụ và cô lập trong các mối quan hệ. Đồng hành cùng các bạn trẻ theo hướng như vậy sẽ khích lệ họ đi từ những gì họ cảm thấy và suy nghĩ, đến cách họ đưa ra quyết định và hành động. Nói cách khác, đồng hành cùng các bạn trẻ trong đời sống gia đình là giúp họ luôn ý thức, suy tư và hành động dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần để họ luôn cảm thấy mình yêu và được yêu; và giúp họ tìm thấy ý nghĩa và động lực trong đời sống ơn gọi gia đình của mình.
Điều quan trọng đối với việc đồng hành với các bạn trẻ trong đời sống gia đình đó là giúp họ nhìn nhận vai trò của tôn giáo và đời sống tâm linh trong cuộc sống của họ. Theo mẫu gương người Samari nhân hậu đã làm (Lc 10, 29-37), mỗi người Kitô hữu được mời gọi thực hành lòng yêu mến tha nhân, yêu người thân cận như chính mình (Lv 19, 18), nhất là những người nghèo khổ, cô thế cô thân, bị bỏ rơi. Đồng hành cùng các bạn trẻ như vậy là giúp các bạn trẻ sống hạnh phúc hơn trong ơn gọi của họ qua việc tìm kiếm và sống các giá trị Chân-Thiện-Mỹ; để giúp họ sống Tin-Cậy-Mến vào Thiên Chúa và Giáo Hội. Từ đó, các bạn trẻ có thể trở thành những cánh tay nối dài của Thiên Chúa trong việc xoa dịu các vết thương thể lý, tinh thần và tâm linh cho những người thân trong gia đình và xã hội.
II. ĐỒNG HÀNH CÙNG CÁC BẠN TRẺ TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
Gia đình là nền móng và là tế bào của xã hội. Ngay từ khởi nguyên, Thiên Chúa tạo dựng con người là những hữu thể của xã hội. Thiên Chúa không muốn con người sống cô độc mà muốn con người sống hiệp thông với nhau trong một gia đình. Trong những trang đầu của Kinh Thánh Cựu Ước về tạo dựng, Thiên Chúa tạo dựng muôn loài và Ngài cho con người quyền cai quản vạn vật trên vũ trụ. Tuy nhiên, Chúa thấy A-đam vẫn còn cảm thấy thiếu vắng và chưa thoả mãn. Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 1:18). Thiên Chúa đã thấu hiểu tâm trạng của A-đam, Ngài động lòng thương, liền rút một cái xương sườn của A-đam ra khi ông đang ngủ và làm thành một người đàn bà tên là E-va, rồi đưa đến cho A-đam. Thấy vậy, A-đam đã mừng vui khôn tả xiết và thốt lên: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2: 23). Thiên Chúa đã đặt E-va cạnh A-đam để làm bạn đồng hành: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 1: 24). Và theo nguồn Kinh Thánh, vì tình yêu thương của Thiên Chúa, A-dam và E-va đã trở thành gia đình đầu tiên do chính Thiên Chúa tạo nên.
Gia đình là nền móng của xã hội và mọi tổ chức sắp đặt trong xã hội đều bắt nguồn từ gia đình. Giáo Hội nhìn nhận gia đình là cộng đồng tự nhiên đầu tiên, là trọng tâm của đời sống xã hội có những quyền lợi đặc biệt; là nơi đời sống con người bắt đầu và cũng là nơi những mối quan hệ đầu tiên giữa người với người phát triển (DOCAT, số 114). Vì gia đình có tầm quan trọng lớn lao như vậy nên Giáo Hội nhìn nhận gia đình là một thể chế được hình thành trên nền tảng thánh thiêng, do chính Thiên Chúa thiết lập. Để có một gia đình an vui, hạnh phúc không phải là điều dễ dàng vì có một tác giả ẩn danh đã từng khẳng định: “Không một gia đình nào là hoàn hảo... vẫn có cãi vã, vẫn có chiến tranh, thậm chí là sự lạnh lùng trong một thời gian rất dài, nhưng cho đến cuối cùng, gia đình vẫn là gia đình... nơi tình yêu luôn luôn hiện hữu.” Do đó, các bạn trẻ hãy lấp đầy “ngôi nhà” của mình bằng tình yêu, nó sẽ trở thành một gia đình ấm áp và hạnh phúc.
Trong cuốn sách Con Đường Đơn Giản (A Simple Path), Mẹ Têrêsa đã nhận định: “Người nghèo không chỉ là những người đói ăn, mà là đói được nhìn nhận mình là con người. Họ đói khát được sống có nhân phẩm và được đối xử như chúng ta được đối xử. Họ khao khát tình yêu của chúng ta” (tr. 58). Quả thực, cái nghèo của thế giới ngày nay không chỉ là thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu thuốc để chữa các bệnh hiểm nghèo, mà còn là cái nghèo do con người vì thiếu vắng tình yêu, không được quan tâm, không được chú ý và do cô đơn, tuyệt vọng. Các bạn trẻ trong đời sống gia đình ngày nay có lẽ không phải đối diện nhiều với cái nghèo thể lý như thời bố mẹ và các thế hệ trước, mà là cái nghèo tinh thần và tâm linh do thiếu vắng tình yêu. Để đồng hành cùng các bạn trẻ trong đời sống gia đình, tôi xin gợi ý một số cách thức dựa trên cái nhìn tâm lý và thần học để giúp các bạn trẻ hạnh phúc và trưởng thành trong đời sống gia đình, cũng như có thêm nghị lực và can đảm để đối diện với những thách thức và xung đột trong cuộc sống.
1. Sống căn tính Kitô Giáo
Gia đình là nơi mỗi thành viên cảm thấy mình được yêu thương vô điều kiện. Nét đặc biệt này về gia đình giúp các thế hệ cùng chung sống được nhìn nhận, chấp thuận và tôn trọng vì phẩm giá của họ chứ không chỉ dừng lại ở những gì họ có hay có thể làm cho người khác. Ý thức thuộc về gia đình như vậy được đặt nền tảng trên phẩm giá cao quý của con người: được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa (St 1, 27) và là con yêu dấu của Thiên Chúa (Lc 3, 22). Từ thủa xưa, Thiên Chúa đã nói với chúng ta rằng:
“Ta đã yêu ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Jeremiah 31:3).
Vì con người có thể tương giao với Thiên Chúa và biết nghĩ đến những điều vượt trên chính mình nên trong quan hệ gia đình và xã hội, con người có thể cởi mở và tỏ lòng tôn trọng người khác. Chính trong sự nhận biết và đối thoại với người khác mà con người có thể hiểu biết và gần gũi chính mình và Thiên Chúa hơn.
Tuy nhiên, nhiều khi trong cuộc sống, do bị ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa vật chất và chủ nghĩa hưởng thụ, nhiều người ngày nay có khuynh hướng nhìn nhận người khác theo những khả năng họ có thể làm hay những gì họ có mà không nhìn nhận được nhân phẩm họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Henri J.M. Nouwen, một linh mục Công Giáo, giáo sư đại học và là tác giả nối tiếng thế giới trong bài chia sẻ “Là con Ta yêu dấu” (Being the Beloved) đã chỉ ra ba tiêu chí mà nhiều người ngày nay thường đánh giá mình và người khác:
- Tôi là những gì tôi có thể làm được. Ví dụ: tôi có thể đánh đàn, dạy học, chơi thể thao, có công ăn việc làm, làm từ thiện.
- Tôi là những gì tôi có. Ví dụ: tôi có của cải, có người thân trong gia đình, một cái nhà biệt thự, xe máy, điện thoại...
- Tôi là những gì người khác nói và nghĩ về tôi. Ví dụ: người khác nói tốt về tôi thì tôi vui; nói xấu về tôi thì tôi buồn.
Những cách nhìn nhận trên liên quan đến những nhu cầu sống còn của con người, và có rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta. Henri Nouwen cho rằng đó là ba sự sai lầm khi nhận định đặc thù phẩm giá con người. Chính cách nhìn nhận và đánh giá con người như vậy là một trong những yếu tố dẫn đến sự rối loạn trong đời sống gia đình, khiến cho một số thành viên trong gia đình trở thành nạn nhân. Chẳng hạn có bạn trẻ khi bước vào đời sống gia đình cảm thấy mình không được tôn trọng, bị coi thường do mình chưa có một công việc ổn định hay chưa có tài sản gì do gia đình khó khăn, vất vả. Rồi khi có con, những bạn trẻ mang mặc cảm này có thể chuyển dịch cho con cái mình. Họ có khuynh hướng đánh giá con mình bằng việc phải làm được việc này việc kia, phải học tốt, đạt điểm cao, và phải có thành quả tốt trong học tập cũng như các sinh hoạt khác. Nếu con cái họ không đạt được như bố mẹ mong muốn thì chúng cảm thấy buồn sầu và mặc cảm vì không làm hài lòng bố mẹ và những người thân. Con cái họ dần hình thành nhân sinh quan và thế giới quan theo kiểu đánh giá mình và người khác dựa trên những gì họ có thể làm được và có. Họ sống lệ thuộc vào lối suy nghĩ, đánh giá của người khác nên luôn cảm thấy mình bị động và bi quan.
Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ bị mất định hướng sống do làm ăn thua lỗ, hay do bị thiên tai lũ lụt. Họ mất tất cả mùa màng và tài sản riêng của mình. Chẳng hạn như các nạn nhân ở các tỉnh phía Bắc và Trung Trung Bộ ở Việt Nam phải trải qua những cơn bão số 5, 6, 7, 8, 9 trong năm 2020 vừa qua. Bão gây ra mưa lớn, và các trận lũ lớn trong lịch sử, gây ra nhiều vụ sạt lở rất nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng nhiều người. Ước tính thiệt hại về kinh tế là khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó riêng thiệt hại do bão số 9 là hơn 10.000 tỷ đồng; 80 người chết và mất tích. Nhiều gia đình đã mất mát hết, không có thể làm được gì nữa. Đứng trước tình cảnh đó, chúng ta suy tư thế nào về thân phận con người? Nếu chúng ta sống nhân sinh quan cho rằng căn tính con người dựa vào khả năng, chức vụ người đó có thể làm gì; con người dựa vào những gì họ có và dựa vào những gì người khác nghĩ hay nói về mình thì hỏi rằng chúng ta sẽ sống thế nào trong hoàn cảnh mất mát và thiệt hại do lũ lụt, thiên tai gây ra? Có phải chúng ta chẳng còn gì vì chúng ta đã mất tất cả? Đứng trước cái chết của mình và người thân, chúng ta vẫn băn khoăn với câu hỏi: Chúng ta thực sự là ai? Và tại sao chúng ta lại ở đây trên trái đất này?
Là những bạn trẻ Kitô giáo, chúng ta cần sống niềm tin của mình như thế nào? Làm sao chúng ta sống phẩm giá của mình là những con yêu dấu của Thiên Chúa trong hoàn cảnh mất mát và đau khổ như vậy? Nếu chúng ta đánh giá con người theo bề ngoài, dựa vào khả năng có thể làm gì và có gì sẽ dễ dẫn đến tình trạng kỳ thị, cạnh tranh, đố kỵ, và huỷ diệt. Kitô giáo quan niệm con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Chúng ta là những con người có “ngôi vị,” tức là chúng ta có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa (Imago Dei) (St 1, 26-27). Đó là phẩm giá của con người chúng ta. Henri J.M. Nouwen đã khẳng định: “Chúng ta không phải là những gì chúng ta làm, chúng ta không phải là những gì chúng ta có, chúng ta không phải là những gì người khác nghĩ về chúng ta. Chúng ta cần trở về nhà và sống tuyên xưng sự thật: Tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên tôi.”
Trong đời sống gia đình, các bạn trẻ cần luôn tôn trọng ngôi vị của người bạn đời của mình cũng như con cái mình, và cả các em bé nhỏ cùng những người cao niên ốm đau bệnh tật... vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa. Đây là căn tính căn bản của người Kitô hữu. Dù chúng ta có cảm nghiệm được căn tính của mình hay không, chúng ta thuộc về Thiên Chúa từ thủa đời đời. Ngược lại, nếu cư xử với người khác dựa trên sắc đẹp, sự giàu có, trí thức, sức khoẻ, màu da sẽ có khuynh hướng dẫn tới sự phân biệt, thiếu tôn trọng trong đời sống gia đình. Gia đình sẽ cảm thấy an vui, hạnh phúc khi họ sống tốt căn tính Kitô giáo và tôn trọng hình ảnh của Thiên Chúa trong mỗi thành viên của gia đình mình.
2. Sống trưởng thành trong tự do và trách nhiệm
Tuổi trẻ là thời gian con người sống tự lập hơn, suy nghĩ chín chắn hơn và dần sống thực hơn với mình và với người khác. Họ có thể tự do quyết định nghề nghiệp, ơn gọi và các mối quan hệ tình bạn, tình yêu và gia đình. Trong sự tự do đó, chúng ta tự hỏi: Con người cần tự do đến đâu? Tự do có giới hạn không? Là những người Kitô hữu, chúng ta biết rằng tự do là giá trị căn bản. Con người có quyền được tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do chọn lựa phương tiện và mục đích sống của mình. Sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG) mục 1730 khẳng định: “Thiên Chúa tạo dựng con người là hữu thể có lý trí, ban cho họ phẩm giá của một nhân vị có khả năng khởi xướng và điều khiển hành động của mình.” Được tự do và hành động tự do là quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, một khi chúng ta được tự do quyết định, chúng ta cũng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hành vi của mình. Chỉ khi con người được sống trong tự do, họ mới có thể hướng đến Thiên Chúa trong yêu thương và đáp lại lời Ngài. Tự do có thể giúp chúng ta tạo lập đời sống cá nhân và xã hội của mình (Docat, số 56). Vậy, tự do là gì?
Nhiều người quan niệm rằng tự do là có thể làm những gì mình ưa thích, hoặc những gì mình muốn. Tuy nhiên, trong thực tế của cuộc sống, có rất nhiều điều chúng ta muốn làm nhưng không sao làm được vì do năng lực của mình còn hạn chế. Chẳng hạn như có nhiều bạn trẻ ao ước mình có thể hát hay như những ca sĩ Hồng Nhung, Bằng Kiều; hài hước như cố nghệ sĩ Chí Tài, như Hoài Linh, Việt Hương; hay muốn lập gia đình và sinh những đứa con khôn ngoan, khỏe mạnh; nhưng thiên Chúa đã không cho chúng ta tài nghệ và đặc ân đó.
Nếu tự do được định nghĩa là con người có thể làm mọi thứ mình ưa thích, thì thứ tự do đó lại không hiện hữu vì chúng ta cứ phải theo đuổi cái mình yêu thích mà mất đi sự tự do đích thực. Nhiều khi kiểu tự do đó biến ta trở thành nô lệ của những điều mình yêu thích. Chẳng hạn như nhiều bạn trẻ ngày nay do áp lực học tập, các mối quan hệ bạn bè, tình yêu và căng thẳng do bố mẹ không hiểu mình dẫn đến chuyện họ thường bị lo lắng triền miên, căng thẳng, trầm cảm nên đã tìm đến game online, các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, he-rô-in, cỏ Mỹ, cần sa... để giải tỏa cảm xúc và quên đi những cảm xúc tiêu cực. Dần dần, họ bế tắc trong sự nghiện ngập. Họ tưởng rằng mình có tự do làm điều mình ưa thích nhưng vô tình không biết mình đã phải lệ thuộc vào những thứ nghiện đó. Họ phải nuôi cơn nghiện và trở thành nô lệ cho những điều mình ưa thích, phải tốn kém thời gian và công sức, tiền của. Cuối cùng, họ phải sống lệ thuộc và mất đi sự tự do.
Qua kinh nghiệm làm tham vấn và trị liệu cho các cặp đôi trong quan hệ tình yêu và đời sống hôn nhân gia đình, tôi thấy rằng những đam mê có tính huỷ diệt đời sống tình cảm và hôn nhân gia đình là cờ bạc, rượu chè, trai gái, nghiện công việc, nghiện các chất kích thích. Nhiều người có tiền, tưởng là có tự do, muốn làm gì thì làm, nhưng một khi đã đưa mình vào những đam mê trên thì họ không còn tự do đích thực nữa. Họ phải sống dấu diếm, nói dối, gây tổn thương trong các mối quan hệ và mất niềm tin nơi người khác. Và hậu quả là nguy cơ đổ vỡ trong tình yêu và các xung đột trong hôn nhân. Có nhiều cặp đôi phải kết thúc hôn nhân của mình bằng việc sống ly thân hay ly dị. Điều này gây nhiều ảnh hưởng tâm lý đến chính các bạn trẻ và con cái của họ.
Theo quan điểm Kitô giáo, mục 1731 của Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo bàn về bản chất và phẩm giá của tự do:
“Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để hành động hoặc không hành động, làm cái này hoặc làm cái kia, nhờ đó con người có thể thực hiện những hành vi có ý thức. Nhờ có ý chí tự do, con người tự quyết định về bản thân. Tự do trong con người là một sức mạnh để tăng trưởng và trưởng thành trong chân lý và sự tốt lành. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi nó quy hướng về Thiên Chúa là diễm phúc của chúng ta.”
Như vậy, tự do theo Kitô giáo là sự tự do chọn lựa, biết các lựa chọn và hiểu rõ những hệ luỵ đến từ các lựa chọn đó. Chẳng hạn như các bạn trẻ khi phải chọn lựa nghề nghiệp và ơn gọi, nếu họ chỉ biết đôi chút về từng lựa chọn, họ sẽ dễ bị phân vân, lưỡng lự; thậm chí ngưng quyết định. Tuy nhiên, nếu họ biết rõ những điểm mạnh và điểm yếu của từng lựa chọn, thì những quyết định về nghề nghiệp và ơn gọi của họ sẽ càng dứt khoát hơn và có nhiều tự do để chọn lựa xác quyết hơn. Trước khi quyết định chọn lựa, họ cần phải cân nhắc, suy nghĩ kỹ lưỡng (làm theo các bước XEM-XÉT-LÀM) khi phải đối diện với những lựa chọn khác nhau trước mắt.
Một điều quan trọng là tự do luôn đi đôi với trách nhiệm. Trong các quyết định, chúng ta cần lãnh nhận trách nhiệm cá nhân về hành động của mình. Chẳng hạn như chuyện quan hệ tình dục trước hôn nhân và có thai, các bạn trẻ cần làm chủ hành động của mình và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nhiều bạn gái phải cam chịu đau khổ do sự thiếu trách nhiệm của bạn trai. George Bernhard Shaw (1856-1950), nhà soạn kịch người Ai-len đã từng nói: “Có tự do đồng nghĩa với nhận trách nhiệm. Đó là lý do vì sao nhiều người e ngại tự do.” Với quyền tự do và trách nhiệm, chúng ta có thể tạo lập cuộc sống của chính chúng ta. Chính sự tự do đích thực như vậy giúp chúng ta có trách nhiệm trong việc rèn luyện bản thân, hướng tới sự trưởng thành về chân lý và sự thiện hảo.
Chúng ta có thể đạt tới sự tự do hoàn hảo khi sự tự do đó hướng chúng ta đến Thiên Chúa là Đấng Chân-Thiện-Mỹ, là Đấng toàn thiện và là nguồn hạnh phúc của mỗi chúng ta. Đức Giáo hoàng
Phan-xi-cô đã từng nói: “Không có tự do nào lớn hơn tự do để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, qua việc từ bỏ nỗ lực hoạch định và kiểm soát mọi sự đến từng chi tiết, thay vào đó để cho Chúa Thánh Thần soi sáng, định hướng, chỉ bảo, dẫn đưa chúng ta đến bất cứ nơi nào Ngài muốn” (Tông huấn Evangelii Gaudium, số 280). Chỉ khi chúng ta sống trong sự thật của lòng mình, thì sự thật sẽ giải phóng chúng ta (Ga 8, 32). Bên cạnh đó, lương tâm là nơi thánh thiêng nhất Thiên Chúa đặt để nơi mỗi con người. Lắng nghe tiếng nói chân lý cất lên từ lương tâm là chúng ta thực thi giới luật tự nhiên được khắc ghi vào tâm khảm của tất cả mọi người (Rm 2,15). Là các bạn trẻ Công Giáo, chúng ta tự suy tư hỏi mình những câu sau:
- Tôi đang sống tự do ra sao?
- Tôi có trách nhiệm với những chọn lựa trọn cuộc sống của tôi thế nào?
- Tự do có đưa tôi đến gần Thiên Chúa là Đấng Chân-Thiện-Mỹ và đem lại hạnh phúc đích thực cho tôi và gia đình tôi như thế nào?
3. Hiểu và bày tỏ ngôn ngữ Tình yêu
Để duy trì mối quan hệ lâu dài trong hôn nhân, cặp vợ chồng cần đáp ứng những nhu cầu của nhau, cần hiểu ngôn ngữ tình yêu của nhau, và từ bỏ những thói quen không lành mạnh gây rối loạn trong gia đình như: cờ bạc, rượu chè, trai gái, nghiện ngập... Bên cạnh đó, những cặp vợ chồng trẻ cần từ bỏ những niềm tin sai lầm về nhau. Chẳng hạn như nhiều người sống trong hôn nhân cố gắng thay đổi người bạn đời của mình. Điều này nhiều khi xảy ra thất bại và gây nhiều xung khắc trong hôn nhân, nhất là khi người kia chưa muốn thay đổi.
Các nhà tâm lý cho rằng, nhu cầu cảm thấy mình được yêu và được tôn trọng là một nhu cầu cảm xúc căn bản của con người. Nhu cầu yêu và được yêu được bắt đầu từ khi con người mới sinh ra, rồi theo sau là tuổi thanh thiếu niên, và tiếp tục là nhu cầu của người lớn. Để một người có được sự ổn định và quân bình về tình cảm và trở thành người trưởng thành có trách nhiệm, nhà tâm lý học Abraham Maslow trong thuyết các cấp bậc của nhu cầu (The Hierarchy of Needs) cho rằng người đó không những cần được đáp ứng các nhu cầu thể lý căn bản như ăn uống, ngủ nghỉ, và được sống trong một căn nhà an toàn, mà chúng cần được đáp ứng các nhu cầu cảm xúc và tinh thần. Đó là nhu cầu tình cảm và tình yêu, một cảm giác được thuộc về gia đình thân yêu của chúng và được yêu mến. Trong cuốn sách Năm Ngôn Ngữ Tình Yêu: Bí Mật Làm Cho Tình Yêu Kéo Dài, Gary Chapman (2010, p. 20) nói rằng: “Bên trong mỗi đứa trẻ là một bình tình cảm đang chờ đợi để được đổ đầy tình yêu. Khi một đứa trẻ thực sự cảm thấy được yêu thương, nó sẽ phát triển bình thường nhưng khi bình tình yêu bị trống rỗng, đứa trẻ sẽ cư xử sai trái. Phần lớn hành vi sai trái của trẻ em được thúc đẩy bởi sự khát khao do chiếc bình tình yêu của mình bị trống rỗng.” Như vậy, nếu đứa trẻ không được cung cấp đủ tình cảm và tình yêu, chúng có khuynh hướng không quân bình trong đời sống tình cảm và thiếu trách nhiệm với bản thân và xã hội. Lớn lên, chúng có nguy cơ gặp nhiều thử thách trong đời sống tình cảm và tương giao xã hội. Một điều tôi nhận ra trong khi làm tham vấn và trị liệu tâm lý là nhiều trẻ nhỏ có những hành vi sai trái, hư hỏng, mắc những chứng bệnh tăng động giảm chú ý (ADHD) một phần là do hậu quả của chiếc bình tình yêu bị trống rỗng. Những biểu hiện khác thường của các em là cách chúng muốn sự chú ý và quan tâm của người khác. Chúng đang tìm kiếm tình yêu mà chúng không cảm thấy có được trong cuộc sống.
Tương tự trong hôn nhân, nếu cặp vợ chồng để cho “bình tình cảm tình yêu” ở tình trạng trống rỗng sẽ là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ đổ vỡ trong hôn nhân. Nguyên nhân của thực trạng thiếu hụt tình yêu là do cặp vợ chồng không hiểu và diễn tả ngôn ngữ tình yêu phù hợp với người bạn đời của mình, dẫn đến nhu cầu thân mật, gần gũi và yêu thương của cặp đôi không được thoả mãn. Cặp đôi vẫn đau khổ và buồn phiền dù rằng ngay bên cạnh mình là người bạn đời rất mực yêu thương mình. Như vậy, để cho tình yêu hôn nhân hạnh phúc bền vững, vợ chồng cần phải hiểu và thể hiện ngôn ngữ tình yêu của mình và của người bạn đời. Trong kinh nghiệm làm tham vấn và trị liệu tâm lý hôn nhân và gia đình, tiến sĩ tâm lý học người Mỹ Gary Chapman (2010) chia sẻ 5 cách biểu tả ngôn ngữ tình yêu trong hôn nhân gia đình:
a. Dùng những lời nói khích lệ, động viên. Một cách để bày tỏ tình cảm hiệu quả và làm cho mối quan hệ hôn nhân gia đình trở nên thân mật, gần gũi đó là dùng lời nói yêu thương và có tính xây dựng. Nhà văn nổi tiếng người Mỹ Mark Twain đã từng nói: “một người có thể sống trong vòng 2 tháng nhờ vào một lời khen chân thành.” Nếu tính như vậy thì một năm chúng ta cần 6 lời khuyên chân thành để sống. Tìm ra điểm tốt, tích cực của người khác và nói lời khen, khích lệ đúng lúc, đúng chỗ đem lại nhiều hiệu quả tích cực trong các mối quan hệ. Trái lại, những lời nói xấu, gièm pha, chê bác, chỉ trích, đay nghiến là những lời nói có tính rạn nứt và có thể giết chết mối quan hệ yêu thương của ta với người khác (Ep 4: 29-32). Cha ông chúng ta vẫn luôn dạy con cái mình rằng:
Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
b. Dành thời gian cho nhau. Dành thời gian thăm hỏi và ở bên nhau trong những lúc vui buồn của cuộc sống là dấu chứng thể hiện tình yêu thương. Giá trị của thời gian bên nhau qua việc dành trọn sự chú ý và quan tâm đến người khác, chứ không chỉ đơn thuần ngồi cùng nhau và xem TV hay chơi game trên điện thoại. Càng yêu thương ai đó thì ta càng dành nhiều thời gian ở bên người ấy. Còn không yêu thương nhau thì không muốn ở bên nhau, dù chỉ là một thời gian ngắn. Chất lượng của cuộc nói chuyện và dành giờ cho nhau được thể hiện qua giao tiếp bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Chẳng hạn như giao tiếp mắt với người khác khi nói chuyện là cách thể hiện bạn dành toàn sự chú ý đến họ. Ngồi và lắng nghe người bạn của mình toàn tâm, không làm một lúc mấy việc. Và chúng ta nên lắng nghe cảm xúc đang diễn ra trong mình trong khi nói chuyện với người khác. Một điều quan trọng nữa là để ý ngôn ngữ cơ thể của người bạn đời và những người thân trong gia đình của mình vì nhiều khi ngôn ngữ cơ thể (như nước mắt, cách nhìn, nụ cười) có thể nói cho ta rất nhiều, hơn là lời nói chúng ta nói với họ. Bên cạnh đó, trong giao tiếp cần luôn có sự quân bình giữa nói và nghe. Đó là lắng nghe, chủ động bày tỏ ý kiến của mình và đặt câu hỏi để cuộc đàm thoại kéo dài, không bị ở tình trạng không có gì để nói.
c. Quà Tặng. Tặng quà là một cách biểu lộ tình yêu. Mọi người thuộc mọi lứa tuổi: già trẻ, lớn bé, gái trai mọi thời, mọi nơi đều đánh giá cao quà tặng. Quà tặng giúp người khác cảm được tình yêu thương của người khác dành cho mình. Do đó, các cặp đôi nên tận dụng những dịp đặc biệt, chẳng hạn như lì xì ngày tết, tặng quà dịp 8/3, sinh nhật, quan thầy, kỷ niệm ra trường... để tặng quà người bạn đời và người thân trong gia đình như cách thế bày tỏ tình yêu thương của mình. Tất nhiên, không phải lúc nào quà tặng mắc tiền mới thể hiện tình cảm ta dành cho người khác. Quan trọng là nói cho người nhận món quà đó đến từ đâu và ý nghĩa của nó thế nào.
d. Phục Vụ. Việc làm có thể nói lên nhiều hơn lời nói. “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gia-cô-bê 2: 17). Tương tự, tình yêu không có việc làm là tình yêu chết. Làm việc gì đó mà người khác thích là cách hiệu quả để diễn tả tình yêu. Chẳng hạn như người vợ biết chồng và các con thích ăn món bún chả Hà Nội nên đã dành nhiều giờ để nấu món đó thật ngon cho bữa ăn gia đình khiến mọi người đều cảm thấy vui vẻ và thoả mãn. Chồng và các con giúp nhau lau chùi nhà cửa; anh chị lớn giúp em nhỏ làm bài tập khó. là những việc phục vụ giúp mọi người trong gia đình hiểu biết và yêu mến nhau hơn. Điều này đặc biệt quan trọng với những người đề cao ngôn ngữ yêu thương của họ là phục vụ. Do đó, chúng ta rất cần hiểu ngôn ngữ tình yêu của người khác để có thể bày tỏ và đáp ứng nhu cầu yêu thương của họ.
e. Đụng chạm về thể lý. Tiếp xúc cơ thể qua đụng chạm thể lý như vuốt ve, vỗ vai, ôm, hôn là cách bày tỏ sự quan tâm và mức độ gần gũi của mỗi người. Đụng chạm là ngôn ngữ mà cha mẹ thể hiện tình yêu thương với con trẻ trước khi trẻ có thể hiểu được lời nói và ngôn từ của người khác. Đụng chạm thể lý với trẻ vị thành niên có phần ngại ngùng vì các cụ đã dạy: “nam nữ thụ thụ bất thân.” Tuy nhiên, một cái vỗ vai, bắt tay hay ôm hôn là cách thể hiện sự yêu thương của cặp vợ chồng và với con cái trong gia đình.
Tóm lại, mỗi người có một thứ ngôn ngữ tình yêu khác nhau. Chúng ta cần tìm hiểu ngôn ngữ tình yêu của người khác và lựa chọn nói thứ ngôn ngữ tình yêu nào mà đối tượng của ta cảm thấy thấu hiểu được tình yêu của chúng ta dành cho họ. Có như vậy, gia đình mới có thể sống vui vẻ, hài hoà, và hạnh phúc bên nhau.
III. LỜI KẾT
Mỗi bạn trẻ có thể đóng góp cho thế giới và Giáo Hội nét độc đáo riêng của mình. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khuyên nhủ các bạn trẻ: “Để cho tuổi trẻ đạt được mục đích của nó trong cuộc đời của con, thì đó phải là một thời gian của quảng đại cho đi, chân thành cống hiến, của những hy sinh gian khổ nhưng sinh hoa trái thật phong phú” (Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 108). Và mỗi khi các bạn trẻ cảm thấy yếu đuối, mệt mỏi, mất hy vọng, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khuyên nhủ các bạn trẻ hãy đến xin Chúa Giê-su để xin Ngài đổi mới mình vì Ngài chẳng bao giờ thiếu niềm hy vọng, đầy sức sống để giúp ta sống tuổi trẻ thật đáng sống mà không bị đắm chìm trong những thói hư, tật xấu, ích kỷ và những thú vui không lành mạnh (Tông Huấn Chúa Kitô Đang Sống, số 109). Khi các bạn trẻ sống căn tính Kitô giáo, sống trưởng thành trong tự do và trách nhiệm, cũng như hiểu và bày tỏ ngôn ngữ tình yêu của mình với người bạn đời và những người thân trong gia đình thì tình yêu hôn nhân và gia đình sẽ được duy trì và có thể tránh mối xung đột bất hòa trong hôn nhân.
Sách Giáo lý Giáo Hội Công Giáo viết: “Mọi biến cố và mọi nhu cầu đều có thể trở thành dịp để dâng lời tạ ơn” (số 2638). Do đó, các bạn trẻ được mời gọi sống tâm tình tạ ơn Chúa trong mọi giây phút cuộc đời mình. Khởi đi từ sống tâm tình cầu nguyện tạ ơn, chúng ta biết nhìn nhận mình được sống trong ân sủng trước, luôn cảm nghiệm sự hiện diện yêu thương của Chúa trong cuộc đời mình, mặc dù chúng ta bất xứng. Hơn bao giờ hết, chỉ khi chúng ta thật sự ý thức và cảm nghiệm mình là những con người được Chúa yêu từ thủa đời đời, chúng ta mới có thể sống tương giao tình yêu với các thành viên trong gia đình và người khác với sự tôn trọng và yêu thương họ một cách vô vị lợi như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta từ thủa đời đời. Chỉ khi chúng ta biết nghĩ và cảm nghiệm mình được yêu thương, thì chúng ta mới dễ dàng chia sẻ tình yêu thương của mình cho người khác. Lời tạ ơn Chúa và cảm ơn nhau sẽ là những món quà quý báu chúng ta dâng lên Thiên Chúa hằng ngày trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta hãy dành những thời gian quý báu, có khi là rất ngắn ngủi của mình để nói và thể hiện tình yêu thương của mình với người thân và những người chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày. Và đó là một cách giúp các bạn trẻ nên thánh trong đời sống hôn nhân và gia đình.
Trích dẫn
- Chapman, G., & Green, J. (2010). The 5 Love Languages Military Edition: The Secret to Love that Lasts. Chicago, IL: Northfield Publishing.
- Kuppers, A., & Schallengerg, P. (2016). Docat. Bản tiếng Việt: Phải làm gì? Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (2017). Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội.
- Teresa, M. (1995). Meditation from A simple path. New York: Ballantine Books.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 123 (Tháng 3 & 4 năm 2021)
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 159 | Tổng lượt truy cập: 707,803