ĐỒNG HÀNH CÙNG BẠN TRẺ TRONG GIA ĐÌNH
GIÁO DỤC BẠN TRẺ TRƯỚC “VĂN HÓA” NẶC DANH
Lm. Giuse Đỗ Mạnh Thịnh
ĐCV. Thánh Giuse Xuân Lộc, tháng 8 năm 2021
Bạn thân mến,
Khi nghe nói đến từ “nặc danh”, bạn dễ hình dung đến những lá thư nặc danh có ý tố cáo hay đe dọa, những cuộc điện thoại tống tiền và những hành vi khủng bố trong đêm tối của những nhóm đòi nợ thuê như tạt sơn, đổ máu thú vật hay rác rưởi hôi thối vào nhà nạn nhân. Sự thường, những hành vi đó được thực hiện nặc danh – người thực hiện luôn muốn giấu mặt. Những hành động như vậy ít nhiều bị coi là có tính tội phạm.
“Văn hóa” nặc danh ngụ ý rằng trong thời đại toàn cầu hóa và bùng nổ truyền thông hiện nay, tình trạng nặc danh len lỏi vào cuộc sống của nhiều người, cách riêng bạn trẻ; nó được người trẻ đón nhận một cách “vô tư” như một thứ văn hóa. Hay nói cách khác, bạn trẻ ngày nay dễ tham gia, và hòa mình vào một đám đông như trong một phong trào hay một sự kiện, ở đó một đàng bạn họa theo những trào lưu tư tưởng và thực hành, những khuynh hướng thời đại mà mình yêu thích mặc cho những điều đó trái ngược với những giá trị mà mình đã được biết đến; đàng khác bạn dùng chính sự xa lạ, vô danh trong đám đông như “lá chắn” cho những dự định hay những hành vi sai trái. Bên cạnh đó, ngày nay sự hình thành các “cộng đồng mạng” cũng trở nên rất phổ biến, nơi mà bạn có thể dễ dàng bị lôi cuốn theo ảnh hưởng của đám đông: sự định hướng về tư tưởng và cảm xúc.
Trước viễn cảnh đó, qua bài viết này, tôi muốn chuyển đến bạn lời nhắn nhủ: mỗi người có phẩm giá riêng của mình; tất cả chúng ta được mời gọi sống và hoàn thiện phẩm giá con người từng ngày (Mt 5,48) để xứng đáng là “hình ảnh của Thiên Chúa”, đồng thời biết nhìn nhận cùng một phẩm giá đó nơi người khác. Như vậy, mỗi bạn thực sự có trách nhiệm giáo dục chính mình trước sự tấn công “ngọt ngào” của “văn hóa” nặc danh. Bạn nhớ rằng mỗi người sống cuộc đời của mình. Chúng ta không suy nghĩ, nói và hành động theo cảm xúc của đám đông, hoặc sự ảnh hưởng tiêu cực của một vài cá nhân. Chúng ta cũng không thể trưởng thành nhân cách và xác định căn tính của mình nhờ một tâm thức ẩn mình – vô danh hay nặc danh – trong một loại đám đông nào đó.
Bài viết gồm hai phần chính. Phần thứ nhất sẽ đề cập đến một trong những hình thức nặc danh phổ biến và những tác hại của nó, đó là “nặc danh trong đám đông”: đám đông vật lý-tâm lý (the physic-psychological crowd) và đám đông trực tuyến (the online crowd). Phần thứ hai gợi lên một ý thức tự giáo dục mình theo tinh thần Kitô giáo, điều đó có thể giúp các bạn trẻ đương đầu trước làn sóng “văn hóa” nặc danh này: sống làm sao để con người thực sự là người hơn – như “hình ảnh của Thiên Chúa”.
Mục lục 1.1. Đám đông vật lý-tâm lý (the physic-psychological crowd) 1.2. Đám đông trực tuyến (the online crowd) 2. HƯỚNG ĐẾN VIỆC GIÁO DỤC BẢN THÂN |
Như chúng ta đã đề cập từ những dòng đầu tiên: sự nặc danh ngày càng trở nên thịnh hành trong nhiều khía cạnh của đời sống, ví dụ thư điện tử nặc danh (email), điện thoại nặc danh, lập những tên ảo trên mạng xã hội (nick ảo), đến sự vô danh giữa những môi trường văn hóa xa lạ, sự tham gia một sự kiện xã hội, các nhóm hay phong trào. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của bài viết này, chúng ta tìm hiểu một trong những hình thức khá phổ biến ngày nay của “văn hóa” nặc danh, đó là nặc danh trong đám đông.
Nặc danh trong đám đông ngụ ý về tình trạng một cá nhân, bị hay được “hòa mình” vào trong một đám đông, mất dần ý thức cá nhân và sự tự chủ trong việc kiểm soát các hành vi, lời nói, hay tư tưởng, và phai mờ căn tính cá nhân do sự ảnh hưởng của những gợi ý, định hướng, tinh thần và cảm xúc của đám đông.
Chúng ta sẽ đề cập đến hai loại hình đám đông khá phổ biến ngày nay dễ cuốn hút bạn: đám đông vật lý-tâm lý và cộng đồng mạng xã hội.
Trước hết, theo khía cạnh tâm lý và xã hội, chúng ta nói đến đám đông vật lý (the physical crowd) như sự đồng hiện diện cụ thể của nhiều cá nhân, trong đó có sự biến mất của cá tính có ý thức, đồng thời, tình cảm và tư tưởng được định hướng theo một chiều nhất định, ví dụ khi bạn cảm thấy mình như được tự do thể hiện cá nhân, hành động mạnh mẽ khác thường, bớt đi những e dè và nghi ngại, giữa một đám đông như khi tham gia vào đoàn “đi bão”, một buổi trình diễn ca nhạc của các “sao” mà bạn yêu thích.
Đám đông tâm lý (the psychological crowd) là sự tương đồng giữa các cá nhân về cùng một định hướng hay cùng một bản sắc xã hội, như khi ta nói về người dân của một đất nước hoặc thành viên của một phong trào; họ hình thành đám đông dù các cá nhân sống rải rác thậm chí cách xa nhau về địa lý, ví dụ những người thuộc phong trào chống phân biệt chủng tộc được gọi là Black Lives Matter (BLM), hay cộng đồng LGBT (viết tắt chữ cái đầu của các từ trong tiếng Anh: Lesbian–người đồng tính nữ, Gay–người đồng tính nam, Bisexual–người lưỡng tính, Transgender–người có giới tính [tâm lý] khác với giới tính được xác định khi sinh [sinh lý], thường được gọi tắt là người chuyển giới), họ có thể là người Mỹ, Anh, Ấn Độ, hay người Việt Nam ....
Vấn đề được đặt ra là, đối với nhiều cá nhân trong những đám đông đó, có thể diễn ra sự mất dần của tinh thần tự chủ, cá tính có ý thức, và cả căn tính con người (căn tính có thể được hiểu như là: người nước nào, tôn giáo, nghề nghiệp gì, nền tảng giáo dục tri thức và đạo đức, như nói đến một linh mục Việt Nam, một luật sư Pháp, hay một sinh viên thuộc một xứ đạo miền quê Việt Nam).
Ví dụ, vì công việc, vì cuộc sống, một sinh viên công giáo phải đến và sống giữa một xã hội khác xa về văn hóa, tôn giáo và phong tục, hay khi bạn sinh viên đó tham gia trong một tổ chức, một phong trào. Một đàng, anh ta có thể phấn đấu để hấp thụ những điều hay và đạt được những thành công nhất định, mà vẫn giữ được căn tính của mình; đàng khác, anh ta chọn cách thức sống nặc danh giữa tập thể đó, theo nghĩa, vì không ai biết và cũng chẳng muốn để ai biết bản thân, như thế anh ta cảm thấy “tự do” hơn trong những xu hướng sống cá nhân, bất chấp đó là những điều trái ngược với nền tảng đạo đức và tôn giáo mà chính anh ta đã được giáo dục và thấm nhuần. Hoặc chính bạn tham gia vào đoàn “đi bão” mừng chiến thắng của tuyển bóng đá VN, ở đó bạn thực hiện những hành vi mà chính mình chưa từng thực hiện bao giờ: bạn gào thét, cởi áo vẫy như vẫy cờ, lạng xe đầy phấn kích bất chấp nguy hiểm và luật giao thông.
Cũng vậy, một giáo lý viên, một thiếu niên, cũng như nhiều người khác, say mê và đón nhận một cách có chủ ý hay vô tình những trào lưu tư tưởng, cách thức nói năng và những thực hành trong cuộc sống của những thần tượng ca nhạc và màn ảnh, sau đó quay lại phê phán hay bỏ đi chính những giá trị Kitô giáo và truyền thống, điều đã làm nên căn tính và bản chất của mình.
Khi “hòa mình” vào đám đông, bạn dễ dàng bị lệ thuộc tâm thức, sự kích thích, hoặc sự lan tỏa cảm xúc từ đám đông đến độ mất dần ý thức cá nhân và sự tự chủ trong tư tưởng, lời nói và hành vi. Đó là lý do mà Gustave Le Bon trong tác phẩm Tâm Lí Học Đám Đông (2006), nhận định: “Có những tư tưởng, tình cảm chỉ nảy sinh hay chỉ biến thành hành động ở những cá nhân khi cá nhân ấy nằm trong đám đông, bởi vì, trong đám đông các cá nhân dễ bị gợi ý, dễ bị lây nhiễm cảm xúc, và lây nhiễm đến mức cá nhân rất dễ dàng hy sinh quyền lợi riêng.”[1] Như thế, có thể nói được rằng nhân cách có ý thức và căn tính cá nhân của con người đã bị biến dạng trong đám đông.
Đó có thể là lý do, như trên website Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, ngày 7.10.2020, tác giả Lm. Phêrô Nguyễn Hùng Hải gọi là những thách đố về luân lý cho những bạn trẻ di dân, như là: thực trạng sống chung và tình dục trước hôn nhân, tránh thai và nạo phá thai, quan hệ đồng tính.[2] Thực sự, trước khi những thực trạng này có thể xảy ra, các cá nhân đã có tâm thức nặc danh trong đám đông: không còn bị dòm ngó bởi những người quen biết, không còn hạn chế bởi gia đình hay dư luận hàng xóm và xứ đạo, và bạn hào hứng sống với “xu hướng mới” (bắt trend) mà mình cũng như nhiều người khác yêu thích. Tác giả nhận định lý do: “Giới trẻ di dân hiện nay, rời xa gia đình, họ chưa thấm nhuần một nền giáo dục căn bản và vững chắc về cả văn hóa và đức tin.” Vì thế, khi đối diện với thế giới hiện đại, với các trào lưu văn hóa và tư tưởng xem ra “mới”, “lạ”, họ để lộ ra những lỗ hổng rất lớn về phương diện nhân bản và tâm linh, họ dễ dàng hòa mình vào trong dòng chảy đó như một “cá nhân vô danh đầy nhiệt thành”.
Đan cử trường hợp một bạn thanh niên Á Châu sang Ý học nghề đóng giày. Anh ta là người được giáo dục tốt trong môi trường học thuật tiên tiến và tinh thần gia đình ở quê nhà. Tuy nhiên, sau một thời gian sống trong một môi trường “khác” như nước Ý, một đàng, anh ta đã thích và chọn cách hiện hữu vô danh trong xã hội đó; đàng khác, anh ta thấy mình như được thuộc về cộng đồng người đồng tính Âu Châu, trong “cộng đồng” đó anh ta tự do sống với khuynh hướng tính dục đồng tính của mình: đã sống với một cậu thanh niên người Ý như “hôn nhân”, bất chấp sự phản đối từ gia đình ở xa. Những vấn đề tương tự cũng không phải là hiếm gặp trong cộng đồng những di dân, sinh viên Việt Nam đi lao động hay du học ở nước ngoài.
Thực sự, khi bị cuốn vào trong dòng chảy ý thức của đám đông vật lý-tâm lý, từng bước, từng bước bạn bị hòa tan vào tinh thần của đám đông: tính bốc đồng, tính dễ bị gợi ý, sự lây nhiễm cảm xúc nhất là những cảm xúc và ý tưởng tiêu cực và sai trái về mặt luân lý, cũng như sự bất bao dung. Điều đó có thể dẫn bạn đến những hành vi tiêu cực, cực đoan hoặc tội phạm. Như vậy, sẽ rất khó khăn cho bạn để có thể định hướng cuộc đời theo một hướng tích cực, có ý thức và tự chủ. Đó là lý do mà tác giả Le Bon đã nhận định: “Đám đông là đồ chơi của mọi kích thích bên ngoài và phản ánh những biến đổi không ngừng của chúng.” Bạn là thành viên của đám đông thì nhiều khả năng bạn cũng bị ảnh hưởng và mang tính cách của đám đông. Trong khi, tác giả Philip Zimbardo, mượn hình ảnh Kinh Thánh, đã gọi sự lây nhiễm cảm xúc tiêu cực là hiệu ứng Lu-xi-phe: nói về sự lây nhiễm và tác động tiệm tiến của điều xấu, nó có thể dễ dàng làm thoái hóa ngay cả những nhân cách tốt của một con người – để giải thích lý do tại sao: “Mặc dù hầu hết mọi người đều tốt trong phần lớn thời gian, nhưng họ có thể dễ dàng bị dụ dỗ tham gia vào những gì thường được coi là hành động xa lạ với bản ngã, phản lại xã hội, hủy hoại người khác”[3].
Thứ đến, theo Le Bon, khái niệm về đám đông không phải bao giờ cũng bao hàm sự hiện diện đồng thời của nhiều cá nhân. Thực vậy, ngoài đám đông tâm lý như đã đề cập ở phần trên, ngày nay có một loại đám đông khác khá thịnh hành được gọi là cộng đồng mạng hay đám đông trực tuyến. Theo tác giả Carsten Stage, đám đông trực tuyến, là sự kết hợp cảm xúc và sự đồng bộ hóa tương đối của công chúng liên quan đến một mạng lưới trực tuyến cụ thể. Theo đó, các công nghệ truyền thông ngày nay có thể hoạt động như những công cụ cho phép hình thành đám đông, bằng cách lan truyền và điều chỉnh những ảnh hưởng cũng như cảm xúc[4].
Không ai có thể phủ nhận rằng truyền thông, cách riêng là các nền tảng mạng xã hội, có nhiều mặt tích cực và xây dựng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ nói đến một khía cạnh khác của nó. Truyền thông mạng cũng hình thành nên một dạng “đám đông”. Trong đó bạn dễ dàng tham gia như một thành viên, cảm thấy bị cuốn hút và hành động như một “thói quen”: “mở” điện thoại hay máy tính, chia sẻ ý kiến và cảm xúc của mình không do dự. Như thế, càng ngày ý thức, sự tự chủ cá nhân càng trở nên lệ thuộc. Bạn không làm chủ được thời gian sử dụng mạng (online) cũng như ý thức cá nhân và ý chí tự do của mình trong suy nghĩ và quyết định hành vi. Như thế cũng được coi là nặc danh trong đám đông.
Ví dụ, khi bạn tham gia vào một diễn đàn mạng, trở nên thành viên của một “đám đông” nào đó, ví dụ Hội những người thích tổng thống D. J. T., Hội người yêu thích bà NPH, hay thành viên của các chat room liên quan đến khiêu dâm hoặc bạo lực… trong đám đông đó bạn “tự do” tìm kiếm khoái cảm nhục dục, bạn cảm thấy dễ dàng biểu đạt sự yêu thích, tỏ ra sự thần tượng, đồng thời, biểu lộ mạnh mẽ sự giận ghét, thậm chí là những đe dọa và xúc phạm một “cách khác thường” đối với những ai dám nói ngược với điều mà bạn yêu thích. Hơn nữa, bạn bị kích bởi lượt người xem (views), số lượng người theo dõi (followed), người đăng nhập vào tài khoản của bạn (subscribers) và bởi những dấu thích (like), đến độ một cách vô thức bạn như bị “dính chặt” vào các công cụ truyền thông thông minh trong mọi nơi và mọi lúc; bạn tìm một điều gì đó để viết ra như trạng thái (status), cảm xúc (feeling), ý kiến (comments), và những điều được viết ra là tầm phào, kém giá trị nhân văn, hoặc nói xỏ nói xiên ai đó.
Điều nguy hiểm là các bạn chỉ việc mở điện thoại, ipad hay vi tính là có thể tham gia vào cộng đồng mạng bằng việc nhấn (click), ở đó, bạn chẳng thấy khó khăn gì trong việc bày tỏ ý kiến của mình qua vài ký tự vắn tắt theo kiểu “công dân mạng” thường dùng, hay chọn một biểu tượng nào đó để bày tỏ ý kiến như
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 143 | Tổng lượt truy cập: 708,177