Chúng con thân mến
Thánh lễ hôm nay được gọi là thánh lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa.
Ai chịu phép rửa và ai làm phép rửa?
1. Người làm phép rửa là Gioan Tẩy giả.
Khi nói về Phép Rửa của mình, Gioan đã quả quyết như thế này: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. (Lc 3,16)
Như vậy Gioan đã cho mọi người biết Phép Rửa của ông làm không như Phép Rửa Chúa Giêsu thiết lập sau này. Phép Rửa của Gioan là phép rửa bằng “Nước” và Phép Rửa này chỉ có một mục đích là giúp người ta sám hối để đón nhận một hồng ân mới mà ông có nhiệm vụ tiên báo trước. Đó là Phép Rửa do Chúa Giêsu thiết lập.Gioan đã nói về Phép Rửa này một cách hết sức trang trọng như thế này: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.(Lc 3,16)
Vậy thì Gioan làm Phép Rửa cho Chúa để làm gì? Có phải Chúa có tội để Gioan làm phép rửa tha tội cho Chúa hay không?
Hoàn toàn không bởi vì Chúa là Đấng thánh - Đấng vô tội cho nên không cần đến bất cứ một phép rửa tội nào cả.
Có phải Chúa cần phép rửa của Gioan để sám hối hay không? Chắc chắn cũng không bởi vì Chúa Giêsu là không có tội lỗi gì nên đâu cần đến phép rửa của Gioan để tỏ lòng sám hối.
Thế thì tại sao Chúa lại đến với Gioan và bắt ông phải làm phép rửa cho mình?
- Tại vì Chúa khiêm nhường dù không có tội nhưng cũng muốn đứng vào hàng ngũ của những người tội lỗi để từ trong hàng ngũ của những người có tội Chúa thự hiện việc cứu chuộc họ.
Có một câu chuyện tưởng tượng: một người kia bị rơi xuống hố tối tăm. Anh ta cố gắng leo lên, vượt ra khỏi cái hố, nhưng lại bị tụt xuống. Tình cờ Đức Khổng Tử đi qua, ngài nhìn xuống phố thấy anh bèn thương hại bảo:
- Thật tội nghiệp cho con, nếu con chịu khó nghe lời ta dạy bảo, thì con đâu có bị rơi xuống hố như vậy!
Nói rồi, ngài lại tiếp tục bước đi. Sau đó Đức Phật Thích Ca đi tới, Ngài cũng nhìn xuống hố thấy anh và nói:
- Thật tội nghiệp con, con hãy tự cố gắng leo lên đi, nếu leo lên được ta sẽ cho đi theo ta.
Nói rồi ngài lại tiếp tục bước đi.
Sau cùng Chúa Giêsu đi tới. Ngài nhìn xuống hố rồi nói:
- Thật tội nghiệp cho con.
Rồi Ngài nhảy xuống hố, nâng anh lên, đưa lưng cõng anh trên lưng đưa ra khỏi hố.
Đức Khổng Tử chỉ dạy điều hay lẽ phải, Đức Phật Thích Ca đã khám phá ra con đường giải thoát và kêu gọi hãy đi theo nhưng mỗi người hãy tự sức mình mà đi chứ Ngài không giúp đỡ được gì. Còn Chúa Giêsu, thì Ngài đã sẵn sàng làm người, chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc ta khỏi hố sâu tội lỗi.
- Hơn nữa qua việc đến xin Gioan làm phép rửa cho mình Chúa còn muốn nhân cơ hội này Chúa cho mọi người biết mình là ai.
Chúng con thấy sau khi được Gioan là Phép Rửa Chúa được Đức Chúa Cha xác nhận: “Đây là con yêu dấu của Ta”. Rồi con được Chúa Thánh Thần chứng nhận bằng lấy hình bồ câu đậu trên đầu Chúa.
2. Như vậy qua biến cố này, mọi người đã thấy được một Chúa Giêsu đích thực là một Thiên Chúa đã làm người. Người đã được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu chuộc loài người. Chúa đã thực hiện việc cứu chuộc đó bằng cách làm cho con người được trở thành con Thiên Chúa. Con đường Chúa làm cho con người trở thành Con Thiên Chúa là Bí tích Rửa tội bằng lửa và bằng Thánh Thần như thánh Gioan Tẩy giả nói. “Bí tích Rửa Tội “là hồng ân cao đẹp nhất và kỳ diệu nhất trong các hồng ân của Thiên Chúa.... Đây là một việc kỳ diệu chỉ có Chúa mới làm được. Như vậy bằng cách chịu Bí tích Rửa tội Chúa trả lại cho chúng ta địa vị làm Con Thiên Chúa mà vì phạm tội phản bội tổ tông loài người đã là mất.
Vâng! một hồng ân thật cao cả. Còn hồng ân nào cao quí hơn là hồng ân chúng ta được làm con Thiên Chúa. Sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thân xác của chúng ta trở nên đền thờ dâng kính Chúa Ba Ngôi. Đó là một chân lý thánh Phaolô đã dạy giáo hữu thành Côrintô (2Cor 6,16).
Vua Trajano là hoàng đế cai trị nước Rôma từ năm 98 đến năm 117. Nhà vua đã cấm đạo, và đã bắt thánh Ignatiô giám mục thành Antiochia. Tại tòa án, nhà vua đã chế nhạo đạo công giáo, rồi gọi thánh Ignatio là thằng quỉ xấu xa, thánh Ignatiô giám mục thưa lại rằng:
- Tâu đức vua, chẳng có ai gọi người mang Thiên Chúa trong mình là thằng quỉ dữ được.
Nhà vua hỏi lại:
- Vậy ông mang Thiên Chúa trong mình ư?
Thánh Ignatiô giám mục trả lời:
- Tâu đức vua, phải - tôi mang Thiên Chúa trong mình, vì những người đã chịu phép rửa tội, sống đời sạch tội, đều là đền thờ của Thiên Chúa. Bởi vậy, không hạnh phúc nào lớn lao cho bằng người công giáo, bằng được trở nên đền thờ Thiên Chúa; và cũng có gì can hệ cho con người bằng phải luôn là đền thờ cho Thiên Chúa ngự.
Nghe xong, hoàng đế Trajano đã lên án rằng:
- Ignatio thành Antiochia là người đã cậy mình vì mang Thiên Chúa trong mình nên phải điệu đến Roma, để làm của ăn cho thú dữ (Vivre: X).
Thánh nhân vui sướng như người chiến thắng vì sắp được trở về với Chúa.
Không lạ gì, Léonide là cha của nhà hiền triết Origène, đã hôn ngực con, mà nói với những người tỏ vẻ ngạc nhiên rằng:
- Tôi thờ lạy và hôn kính Thiên Chúa, đang ngự trong trái tim đứa nhỏ con tôi đã chịu phép rửa tội.
Hãy biết ơn Thiên Chúa và sống xứng đáng với hồng ân cao cả Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 46 | Tổng lượt truy cập: 709,430