Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 23 Thường niên năm C

  • 08/09/2022
  • Bài giảng Chúa nhật cho thiếu nhi: Chúa nhật 23 Thường niên năm C

    Thiếu nhi chúng con yêu quí,

    Chúng ta vừa nghe một đoạn Tin Mừng với những lời lẽ không được êm dịu cho lắm. Đây cha nhắc lại cho chúng con nghe một lần nữa.

     "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được."(Lc 14,26)

    "Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được"(Lc 14 27).

     "Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được"(Lc 14,32).

    Cha đố chúng con qua những lời như thế Chúa muốn nói với chúng ta điều gì?

    - Chúa muốn bảo theo Chúa thì phải từ bỏ.

    - Chúa muốn nói theo Chúa thì phải vác thánh giá.

    + Rất đúng! Hay nói một cách khác gọn nhẹ hơn, chính xác hơn đó là phải hy sinh. Muốn theo Chúa thì phải hy sinh. Sự hy sinh được cụ thể qua việc từ bỏ và vác thánh giá.

    1. Trước hết Chúa đòi chúng ta phải từ bỏ.

    Tại sao thế? Chúng con thấy cuộc đời của Chúa đã là như thế.

    Chúa từ bỏ cuộc sống trên trời để xuống thế làm người,

    Đời sống của Chúa nơi trần thế cũng là đời sống từ bỏ mọi sự. Chúa đã từng nói: "Con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu".

    Đến mạng sống của Chúa, Chúa cũng hy sinh luôn, hy sinh trong đau thương và đầy nhục nhã. Chúng con đã thấy điều đó.

    Chính vì thế mà Chúa muốn những người theo Chúa cũng phải như vậy. Làm môn đệ là phải từ bỏ đến tận cùng.

    Từ bỏ đến cùng, là từ bỏ đến cả những gì riêng tư nhất của mình. Từ bỏ chính cái tôi của mình.Có từ bỏ như thế chúng ta mới không còn bị dính bén với mọi thừ trong cuộc đời rối mới cọ tự do để theo Chúa.

    Cha mời chúng con nghe câu chuyện sau đây:

    Trong sách Sự tích của thánh Antôn tu rừng, người ta đọc được câu chuyện này:

    Một hôm có người đến muốn xin làm môn đệ của Ngài, Ngài hỏi:

    - Ở ngoài thế gian con làm nghề gì?

    - Thưa con làm nghề đan thúng.

    - Vậy con cũng hãy đan cho cha một cái thúng.

    Đan xong, đem dến cho Ngài. Ngài xem tới xem lui rồi dạy tháo ra.

     Hôm sau Ngài cũng dạy như thế – Người đó đem về đan.. rồi đem đến .. rồi cũng lại phải tháo ra.

    Bữa thứ 3 Ngài cũng dạy y như thế ……rồi lại cũng cố làm ... khi đem lại Ngài cũng lại bảo tháo ra. Anh ta bực mình cho là làm mất thời giờ vô ích. Lúc đó thánh Antôn mới nói:

    - Hỡi con, con hãy về nhà con đan thúng và làm tôi Chúa như những người khác – Còn việc con ước ao vào dòng thì không được vì con thiếu một điều cần nhất là bỏ ý riêng của con.

    Rồi chẳng bao lâu có người khác cũng xin đi tu – như lần trước: con làm nghề gì ?

    Biết là người đó làm nghề nông nên thánh Antôn dạy ra đào cho ngài một chiếc hầm vuông vắn .…mỗi bề một thước, bề mặt cũng như bề sâu.

     Người đó vui vẻ đào – Ngài lại dạy lấp đi.

    Lần 2 cũng như thế.

    Lần 3 cũng vậy... người đó vui vẻ lấp đi không có một lời than trách.

    Sau, thánh Antôn kêu người đó lại và nói:

    - Hỡi con, từ nay cha nhận con vào dòng và con hãy nhớ điều này là bao lâu con sống trong dòng việc trước hết là con phải lo thắng mình con và vâng lời cho trọn. Được như vậy con sẽ có phúc ở đời này và đời sau.

     2. Bây giờ cha nói với chúng con về điều thứ hai: vác Thánh Giá.

     Thánh giá đây không phải chỉ là cây Thánh giá bằng gỗ như cây Thánh giá ngày xưa người ta đã dùng để đóng đinh Chúa trên đó. Thánh giá đây còn phải hiểu là những gánh nặng của bổn phận, những khổ đau của cuộc sống, những thử thách vì nhiệm vụ mà một người môn đệ phải chấp nhận trên con đường theo Chúa.

     Chẳng hạn như cuộc đời của Đức Mẹ, chúng con thấy khi Đức Mẽ đã chấp nhận nhiệm vụ trở thành mẹ Chúa Cứu Thế, chúng con thấy Đức Mẹ đã phải chịu biết bao nhiêu là khổ đau, biết bao nhiêu là vất vản để chương trinh của Chúa được thực hiện.

    Rồi như Thánh Phaolô chúng con thấy, vì người đã chấp nhận làm môn đệ của Chúa, cho nên người đã phải bị tù đày vì Chúa – bị xiềng xích vì Tin Mừng.

    Tù đày có ai mà ham? Bị xiềng xích có ai mà muốn – nhưng khi cần phải chấp nhận như là một việc phải làm vì bổn phận thì thánh Phaolô đã rất vui mừng.

    Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

    Đức cha Phaolô Seitz luôn hiện diện giữa lòng giáo dân.

     Vào năm 1927, khi những trận đánh giải phóng Kontum bùng nổ ác liệt, ngài vẵn đánh xe đi cứu thương dưới làn bom. Một phóng viên ngoại quốc phỏng vấn ngài trên cảnh đổ nát hoang tàn này:

    - Đức cha không sợ sao?

    - Tôi không sợ, ngài trả lời.

    Nhưng ngẵm nghĩ một lát ngài nói tiếp “Không, tôi chưa nói đúng sự thật. Tôi sợ lắm chứ! Nhưng vì bổn phận, tôi sẵn sàng sống chết với giáo dân của tôi “.

    Đức Cha Phaolô Seitz đã vì bồn phận mà dám hy sinh. Thế cha hỏi chúng con bổn phận của chúng con hôm nay là gì?

    Chẳng cần phải suy nghĩ dài dòng, cha cũng có thể trả lời thay cho chúng con. Đó là học hành. Học hành để chuẩn bị cho mình một cuộc sống tốt hơn cho bản thân và cho cả xã hội.

    Thề giới ngày nay rất cần những con người có khả năng và đạo đức để làm cho thế giới này mỗi ngày mỗi được tốt đẹp hơn. Thế nhưng làm sao có được những con người như thế nếu ngay bây giờ chúng con không cố gắng học hành.

    Việc học hành phải là một công việc phải làm suốt đời. Đây là một bổn phận, một Thánh giá mà mỗi người chúng ta phải vác hằng ngày. Chúng con hãy nghe câu chuyện này:

    Tại trường Harvard, một đại học rất nổi tiếng của Mỹ và cả thế giới, trước một cầu thang, có một đám sinh viên năm thứ tư khoa cơ giới đang tụ tập trước cửa phòng để chuẩn bị cho môn thi cuối cùng. Họ tụ tập lại, cùng thảo luận vài phút trước khi bắt đầu thi. Trên khuôn mặt rạng rỡ của họ người ta thấy được một sự tự tin đáng nể phục. Đây là môn thi cuối cùng, tiếp theo sẽ là lễ tốt nghiệp và sẽ có việc làm tốt đẹp.

    Có vài người nhắc đến công việc của họ sau này. Người khác thì nói tới công việc mà họ muốn tìm. Ôm trong lòng hoài bão của những sinh viên năm thứ tư, họ cảm thấy trong lòng đã chuẩn bị đầy đủ để có thể chinh phục thế giới bên ngoài.

    Họ biết rằng trước mắt họ là cuộc thi không dễ dàng gì. Giáo sư nói buổi thi này họ có thể mang tập sách vào tham khảo nhưng không được trao đổi bài.

    Họ hân hoan bước vào phòng thi. Giáo sư đi phát đề. Các sinh viên vẻ mặt rất vui vì họ chú ý thấy đề chỉ có năm câu.

    Ba tiếng đồng hồ trôi qua, giáo sư bắt đầu thu bài. Các sinh viên không còn chút tự tin nữa. Trên mặt họ để lộ vẻ rất khó coi. Không ai nói với nhau câu gì, giáo sư nhìn mọi người và hỏi: "Có ai đã làm xong cả năm câu này chưa?".

    Không có cánh tay nào giơ lên.

    "Bạn nàp đã làm xong bốn câu?".

    Vẫn im lặng.

    "Ba câu? Hai câu?".

    Các sinh viên bắt đầu nhốn nháo, bất an.

    "Vậy thì ai nào? Nhất định phải có người làm xong một câu chứ?".

    Cả lớp vẫn giữ thái độ im lặng.

    Giáo sư đặt xấp bài trên tay xuống: "Đây chính là kết quả mà tôi đã dự tính từ trước. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm với các bạn, cho dù các bạn có học xong bốn năm đại học, nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề liên quan đến ngành của mình mà các bạn vẫn chưa biết, đó là vấn đề mang tính phổ biến ngày nay".

    “Sống đến già, học đến già”Trong đại dương tri thức, trí tuệ của mỗi người chúng ta chỉ là hạt cát, một giọt nước. Chúng ta cần phải lấy sự khát khao có được nguồn nước tri thức của mình, cần phải bồi dưỡng không ngừng. Nếu như bạn dừng bước thì xem như là kẻ vứt đi.

    Lm. Giuse Đinh Tất Quý

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan