Bài 9 - Người trẻ tích cực hoạt động nhằm nâng cao phẩm giá con người

  • 14/08/2021
  • Bài 9 - Người trẻ tích cực hoạt động nhằm nâng cao phẩm giá con người

    BÀI 9
    NGƯỜI TRẺ TÍCH CỰC HOẠT ĐỘNG
    NHẰM NÂNG CAO PHẨM GIÁ CON NGƯỜI

    1. Khi nói về con người, chúng ta muốn nói điều gì?

    Với từ "người", ta diễn tả một sự thật rằng mỗi con người có một phẩm giá bất khả xâm phạm. Con người được dựng nên theo hình ảnh của → Thiên Chúa (St 1:27). Vì vậy, con người là một thụ tạo của Thiên Chúa, biểu hiện chính Đấng Tạo Hóa mình trong công trình sáng tạo. Con người là "thụ tạo duy nhất ở trần gian được Thiên Chúa dựng nên vì chính họ" (GS 24). Là con người được Thiên Chúa dựng nên, con người không phải là sự vật, mà là người và vì thế có giá trị độc đáo. Là người, con người có khả năng tự nhận thức và suy tư về chính mình, tự do đưa ra quyết định và tham gia vào cộng đồng cùng với những người khác. Và con người được kêu gọi đáp lại Thiên Chúa bằng đức tin. Quả thực, con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, cho nên cũng có nghĩa là bao giờ con người cũng luôn tương quan với Thiên Chúa và có thể phát triển trọn vẹn tiềm năng nhân vị của mình chỉ trong Thiên Chúa.

    Tâm niệm: “Hình ảnh Thiên Chúa (Latinh: imago dei): Học thuyết xã hội này miêu tả theo Kinh Thánh (St 1,26-27) Vị trí nổi bật của con người trong tất cả các thụ tạo: con người là sinh vật có thể tương giao với Thiên Chúa. Trong tận bản tính sâu thẳm của mình, con người là một sinh vật có xã hội tính” (Gaudium Et Spes, 12).

    2. Tại sao mỗi người là một sinh vật có xã hội tính?

    Con người chỉ có thể tồn tại và phát triển với sự giúp đỡ của những người khác. Con người không những cần phải sống trong mối tương quan tốt với Thiên Chúa, mà người ta còn phải biết sống giữ gìn thận trọng mối giao hảo với những người khác. Điều này bắt đầu từ trong gia đình, rồi sau đó ảnh hưởng đến nhóm bạn hữu của mình và cuối cùng, ảnh hưởng đến cả xã hội nữa. Sự thật, nền tảng của chiều kích xã hội của con người là người ta được dựng nên thành người nam và người nữ (St 2:23). Ngay từ đầu, người nam và người nữ có cùng một phẩm giá. Bằng sự giúp đỡ và bổ túc cho nhau, họ có thể đương đầu với cuộc sống. Thiên Chúa làm cho sự hiệp nhất yêu thương giữa người nam và người nữ trổ sinh hoa trái khi được ban cho con cái. Đây là lý do tại sao gia đình là tế bào cơ bản của mọi xã hội.

    Tâm niệm: “Chúng ta công nhận rằng các sự thật hiển nhiên này là mọi người được dựng nên đều bình đẳng, được Đấng Tạo Hóa phú ban các quyền bất khả xâm phạm, trong các quyền này là quyền Sống, quyền Tự Do và quyền mưu cầu Hạnh Phúc” (Tuyên ngôn Độc lập của 13 thuộc địa thành lập Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ).

    3. Sự hợp nhất của con người chứa đựng điều gì?

    Con người có thân xác và linh hồn, nhưng đây không phải là các thực thể riêng biệt mà là một thực thể đơn nhất. Con người lúc nào cũng là sự hợp nhất gồm cả xáchồn. Chủ nghĩa duy vật coi linh hồn chỉ như một chức năng đơn thuần của cơ thể vật chất; ngược lại, chủ nghĩa duy linh lại đánh giá linh hồn quá cao đến độ xem nhẹ thân xác. Giáo Hội bác bỏ cả hai niềm tin sai lầm này. Thân xác người ta không phải là nhà tù của linh hồn, và linh hồn là phần thiết yếu của con người sống động. Nhờ vào thân xác của mình, con người được nối kết với trái đất, cho nên là một phần của thế giới tự nhiên. Với linh hồn thiêng liêng của mình, con người không những tìm thấy căn tính cá nhân của mình ("cái tôi" của mình), mà linh hồn còn chiêm ngắm Thiên Chúa và được Ngài mãi mãi nhìn đến. Linh hồn là bất tử. Nhưng cũng không bao giờ được xem thường thân xác, vì thân xác được Thiên Chúa dựng nên thành hữu thể tốt đẹp và thân xác được cho sống lại vào ngày tận thế. Chúa Giêsu nhận ra những đau khổ nơi thân xác của con người và chữa lành họ. Con người cùng một lúc vừa là hữu thể thần linh vừa là hữu thể vật chất.

    Tâm niệm: “Đừng bỏ bê linh hồn của riêng bạn. Nếu linh hồn bạn bị lãng quên, thì bạn không thể cho người khác những gì bạn có bổn phận phải cho họ. Đó là lý do tại sao bạn cũng phải dành thời gian cho chính mình, cho linh hồn của bạn” (T. Charles Borromeo).

    4. Điều gì làm cho mỗi người trở thành độc đáo?

    Mỗi con người đều độc đáo hoặc duy nhất vì mỗi người được dựng nên không thể bị trùng lặp, bởi Thánh ý Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, và con người được cứu chuộc bằng tình yêu còn lớn lao hơn nữa. Điều này cho chúng ta thấy con người có phẩm giá cao quí biết bao, và phải nhìn nhận mọi người hoàn toàn nghiêm túc và đối xử với họ bằng sự tôn trọng ưu tiên trên hết quan trọng đến thế nào. Các chế độ chính trị và các thể chế cũng phải đáp ứng các đòi hỏi như vậy trong thực tế. Họ không chỉ phải tôn trọng sự tự do và phẩm giá của con người, mà còn phải đóng góp cho sự phát triển toàn diện của mọi người. Một cộng đồng không được phép loại trừ các cá nhân hoặc toàn bộ các nhóm ra khỏi sự phát triển.

    Tâm niệm: “Nhận ra người khác là nhận ra sự thiếu thốn đói khát. Nhận ra người khác là biết cho đi. ... Chỉ lúc cho đi hay từ chối tôi mới có thể nhận ra cái nhìn của người lạ, của góa phụ và của trẻ mồ côi” (Emmanuel Levinas).

    5. Tin Mừng có đồng nghĩa với trợ giúp phát triển không?

    Trợ giúp phát triển và loan báo Tin Mừng phải đi đôi với nhau. Cùng với Phụng vụ và loan báo Tin Mừng, còn có việc bác ái – tình yêu thương thiết thực đối với tha nhân, là một trong ba hoạt động cơ bản của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội chỉ loan báo Tin Mừng trong khi dửng dưng với các điều kiện sống khốn khổ của con người, thì Giáo Hội đó sẽ phản bội Chúa Giêsu, Người đã chấp nhận chữa lành cả thể xác lẫn linh hồn của con người, nam cũng như nữ trong tình trạng cá biệt và nhu cầu xã hội của mỗi cá nhân họ. Nhưng nếu Giáo Hội chỉ cổ võ phát triển xã hội của con người thôi, mà quên đi việc kêu gọi con người hiệp thông đời đời với Chúa thì Giáo Hội sẽ hướng số phận cuộc đời con người đi đến chỗ lầm lạc, và Giáo Hội cũng sẽ coi nhẹ giá trị đời sống Kitô hữu là chi thể của Chúa Kitô trong vận mệnh xã hội của họ. Tách sứ điệp xã hội của Tin Mừng ra khỏi sứ điệp đức tin của Tin Mừng thì cũng chẳng khác nào chia tách Tin Mừng ra làm hai.

    Tâm niệm: ”Sao người ta có thể loan báo giới răn mới [đức ái] mà lại không cổ võ sự thăng tiến đích thực của con người trong công lý và hòa bình?” (Tông huấn Evangelii Nuntiandi, số 31).

    6. Học thuyết xã hội và đức tin có liên quan thế nào?

    Không phải ai hoạt động xã hội hoặc tham gia chính trị cũng đều là Kitô hữu. Nhưng một người hầu như khó có thể xưng mình là Kitô hữu nếu người ấy không dấn thân vào xã hội. Tin Mừng dẫn dắt con người cách triệt để đến chỗ dấn thân bằng tình yêu thương, công lý, tự do và hòa bình. Khi Chúa Giêsu công bố về Nước Thiên Chúa đã đến, Người không chỉ chữa lành và cứu sống các cá nhân nào đó thôi, mà hơn thế, Người còn bắt đầu thành lập một cộng đồng mới – một vương quốc của công lý và hòa bình. Trong tình trạng ấy chắc chắn chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể kiện toàn vương quốc này. Tuy nhiên, các Kitô hữu phải cùng hoạt động để kiến tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Họ cần phải xây dựng một đô thị cho con người “có tình người hơn vì đô thị ấy phù hợp với Nước Thiên Chúa nhiều hơn” (Bản Tóm Lược Học thuyết Xã hội 63). Khi Chúa Giêsu so sánh Nước Thiên Chúa với men dần dần nó sẽ làm dậy lên cả khối bột lớn (Mt 13:33), Người có ý nói đến đường lối hoạt động mà các Kitô hữu phải thực hiện trong xã hội.

    Tâm niệm: “Ai nghĩ vì mình đi nhà thờ thì là Kitô hữu là sai. Xét cho cùng, dù có đứng mãi trong gara bạn cũng chẳng thể nào thành được chiếc ôtô” (Albert Schweitzer).

    7. Giáo Hội có thể can dự vào các vấn đề xã hội sâu xa đến mức nào?

    Giáo Hội không có trách nhiệm thay thế cho Nhà nước và công việc chính trị. Đó là lý do tại sao Giáo Hội không đưa ra các giải pháp chuyên môn cho các vấn đề xã hội riêng biệt. Bản thân Giáo Hội không làm chính sách, mà đúng hơn là truyền cảm hứng cho các chính sách theo đúng tinh thần của Tin Mừng. Trong các thông điệp xã hội của Giáo Hội, các Đức Giáo Hoàng đã khai triển các chủ đề trọng tâm như: tiền lương, tài sản, và công đoàn, những điều được cho là cần thiết để giúp xây dựng một xã hội công bằng. Tuy vậy, các Kitô hữu giáo dân là thành phần thích hợp nhất nên tham gia cách cụ thể vào đời sống chính trị. Hơn nữa, nhiều Kitô hữu cam kết dấn thân cho lý tưởng Kitô giáo và đưa các sáng kiến thực tiễn vào các công đoàn, các nhóm, và các hiệp hội để vận động cho các mục đích xã hội cụ thể, ví dụ, giúp đỡ người tị nạn hay bảo vệ công nhân.

    Tâm niệm: “Khi họ đến điệu những người Cộng sản đi, tôi chẳng nói gì, vì tôi không phải là Cộng sản. Khi họ đến lùng bắt các đảng viên Dân chủ Xã hội đem đi, tôi chẳng nói gì, vì tôi không phải là người theo đảng Dân Chủ Xã Hội. Khi họ đến lôi những người hoạt động công đoàn đem đi, tôi chẳng nói gì, vì tôi không phải là đoàn viên công đoàn. Khi họ đến áp giải tôi đi, thì chẳng còn ai để có thể phản đối” (Martin Niemöller).

    Bài viết liên quan