Bài 12 - Gia đình và vấn đề Di dân

  • 14/08/2021
  • Bài 12 - Gia đình và vấn đề Di dân

    Bài 12
    GIA ĐÌNH VÀ VẤN ĐỀ DI DÂN
    “Các người cũng khách ngoại kiều” (Xh 22,21)


    1. Tại sao di dân là một vấn đề gây tranh cãi?
    Người ta có thể có nhiều lý do phải rời bỏ quê hương: tình trạng dân chúng nghèo nàn và đau khổ, thiếu tự do và dân chủ, bị đàn áp chính trị cũng như các cuộc xung đột và chiến tranh ở nước nguyên quán, hoặc chỉ đơn giản là mong muốn được sống ở một nơi khác hoặc nền văn hóa khác. Ngoài các di dân sống hợp pháp tại các quốc gia mà họ nhập cư, cũng còn có nhiều “ngoại kiều bất hợp pháp”, những người thường phải sống ‘chui’ vì họ không được phép cư trú. Cuộc sống của những người này thường mang nặng nỗi lo sợ bị phát hiện, bị bắt giữ và bị trục xuất. Vì vậy, đôi khi họ bị tước đoạt các quyền cơ bản. Người không có phép cư trú thường không dám tìm sự chăm sóc y tế, không dám phản kháng lại tình trạng bóc lột trong lao động, hoặc không dám cho con đi học – họ quá sợ hãi bị phát hiện và bị trục xuất. Nhưng Giáo Hội tuyên bố hoàn toàn rõ ràng: Ngay cả những người không được phép cư trú vẫn có các quyền con người mà không được từ chối họ.

    Tâm niệm: Con người lệ thuộc nhau mỗi ngày một chặt chẽ hơn và dần dần lan rộng trên toàn thể thế giới, vì thế công ích… ngày nay mỗi lúc một nới rộng tầm phổ quát hơn và do đó bao hàm những quyền lợi và nghĩa vụ của toàn thể nhân loại. Bất cứ nhóm xã hội nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các nhóm khác, hơn thế nữa, phải tôn trọng công ích của toàn thể gia đình nhân loại (Công đồng Vatican II, GS 26).

    2. Di dân cần được đối xử như thế nào để theo kịp sự thống nhất của gia đình nhân loại?
    Thường thì di dân bị các nước đuổi ra, không tiếp nhận ngay cả khi hành động như thế có nghĩa là vi phạm nhân quyền. Vì vậy, nhiều người bị chết đuối khi đi từ châu Phi tới châu Âu hay sau khi đến, được đưa đến các trại có điều kiện xuống cấp hoặc thường bị trả về mà không được cứu xét đầy đủ các yêu cầu pháp lý của họ. Tuy nhiên, là các Kitô hữu, phải coi những người này không chỉ là công dân của một quốc gia mà lúc nào cũng là các thành viên của gia đình nhân loại. Sở dĩ như vậy vì đây là trách nhiệm đạo đức phải cung cấp nơi trú ẩn cho những người mà ở nước nguyên quán của họ bị bách hại hay phải chịu hoạn nạn khủng khiếp. Người ta không rời bỏ quê hương của họ mà không có lý do. Bao lâu không có sự hợp tác quốc tế thực sự cho sự phát triển công bằng của mọi quốc gia, thì người dân sẽ còn phải tìm cách di dân sang các nước khác tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn.

    Tâm niệm: Giờ phút quan trọng nhất luôn là hiện tại; con người quan trọng nhất là người hiện đang đối diện với mình, và hành động quan trọng nhất là tình yêu (MEISTER ECKHART: 1260-1328).

    “Em ngươi ở đâu…?” Ngày nay không ai cảm thấy mình trách nhiệm về điều ấy; chúng ta đã mất ý thức trách nhiệm huynh đệ. Chúng ta rơi vào thái độ giả hình của vị tư tế và người phục vụ tại bàn thờ, mà Chúa Giêsu đã nói đến trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân lành: chúng ta nhìn người anh em dở sống dở chết bên vệ đường, có lẽ chúng ta nghĩ: tôi nghiệp hắn, và chúng ta tiếp tục đi, chúng ta nghĩ đó không phải là nhiệm vụ của mình; và chúng ta cảm thấy an tâm, mình hợp luật rồi (ĐGH PHANXICÔ, Lampedusa 08/7/2013).

    - Chúng ta đều là ngoại kiều, hầu như ở khắp mọi nơi (Đề can dán khẩu hiệu của châu Âu)

    - Mọi khách đến đan viện phải được đón tiếp như Chúa Kitô vì chính Người đã nói: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước.” (Mt 25:35). Phải tỏ lòng tôn trọng xứng hợp với từng người, nhất là những người phục vụ Tin Mừng và khách hành hương (THÁNH BÊNÊĐICT THÀNH NORCIA: 480-547), Tu Luật).

    3. Giáo hội Công giáo dấn thân trong lĩnh vực này như thế nào?
    Trong nhiều năm, trên toàn thế giới, Giáo Hội Công Giáo luôn ủng hộ di dân, gồm cả nhóm những ngoại kiều “không có giấy tờ” hoặc “bất hợp pháp”. Bằng việc làm như vậy, Giáo Hội đã đưa ra sự chọn lựa ưu tiên người nghèo và những kẻ bị thiệt thòi, bị gạt ra bên lề và bị lãng quên giống như Chúa Giêsu. Giáo huấn Công giáo có thể được tóm tắt bằng một số điểm chính yếu. Trước tiên, người ta có quyền di trú để giúp cho bản thân và gia đình họ. Thứ hai, các quốc gia có quyền chấn chỉnh biên giới của họ. Thứ ba, những người tị nạn và người tạm dung cần phải được bảo vệ. Thứ tư, nhân phẩm và nhân quyền của di dân bất hợp pháp cần được tôn trọng. Về điểm cuối cùng này, như các giám mục Mỹ và Mexicô đã tuyên bố: “Bất kể tình trạng pháp lý của họ, các di dân, giống như tất cả mọi người đều có nhân phẩm cố hữu, nên họ phải được tôn trọng. Thường thì họ phải chịu những luật lệ nhằm trừng phạt và đối xử khắc nghiệt từ các viên chức thực thi luật ở cả nước tiếp nhận và nước chuyển tiếp. Các chính sách của chính phủ nhất thiết phải tôn trọng các quyền con người cơ bản” (Strangers No Longer Together On the Journey of Hope – Không Còn Là Người Xa Lạ – Cùng Nhau Trên Hành Trình Hy Vọng – Thư Mục Vụ Di Dân của HĐGM Hoa Kỳ và Mexicô [2003], số 38;. x. 35-37). Chỉ giúp các trường hợp cá nhân thôi thì chưa đủ, mà nhiệm vụ của Giáo Hội là cần thúc đẩy các nhà lập pháp thông qua các luật nhân đạo hơn.

    Tâm niệm: Những người di dân và tị nạn không phải là những con tốt trên bàn cờ của nhân loại. Họ là những trẻ em, phụ nữ và đàn ông rời bỏ hoặc bị bó buộc rời bỏ gia cư của họ vì nhiều lý do khác nhau, họ có chung một ước muốn chính đáng là được biết, được sở hữu, và trên hết là được là một hữu thể trọn vẹn hơn. Thật đáng ngạc nhiên trước con số những người di cư từ lục địa này sang lục địa khác, cũng như những người di chuyển trong nội địa quốc gia hoặc những vùng địa lý của họ. Thực tại di cư… cần phải được nhận định và xử lý cách mới mẻ, công bằng và hữu hiệu. Trên hết, nó đòi phải có sự cộng tác quốc tế và một tinh thần liên đới, cảm thông sâu xa (ĐGH PHANXICÔ, Sứ điệp Ngày Thế Giới Di Dân và Người Tị Nạn, 05/8/2013).

    - Tình trạng pháp lý bất thường không thể để cho di dân bị mất phẩm giá, vì họ được phú bẩm cho các quyền bất khả xâm phạm, mà các quyền ấy không thể bị vi phạm cũng như không thể bị làm ngơ (ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, (1920- 2005), Sứ điệp Ngày Thế giới Di dân, năm 1996, p. 2).

    Khi có ngoại kiều cư ngụ với các ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng ức hiếp nó. Các ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; các ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Ai Cập. Ta là CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi (Lv 19:33-34).

    - Nếu tôi mơ về Giáo Hội thì đó là giấc mơ về những cánh cửa mở cho ngoại kiều là những người ăn, nói, và có mùi khác khác. Tôi muốn sống, không phải trong một pháo đài mà những người khác không thể đặt chân vào, mà đúng hơn là trong một ngôi nhà với nhiều cánh cửa. Một ngôi nhà mà ta sở hữu chỉ cho bản thân mình thôi làm ta hẹp hòi và ngột ngạt. Mỗi vị khách mang theo vào nhà cái gì đó mà chính ta không có (DOROTHEE SÖLLE).

    Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con ẩn náu bên Ngài. Xin cứu vớt và giải thoát con khỏi tay mọi người đang đuổi bắt (Tv 7:2).

    4. Tại sao Kitô hữu phải dấn thân xã hội?
    “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4:8), và “Bác ái là tâm điểm trong giáo huấn của Giáo Hội về xã hội” (ĐGH Bênêđictô XVI, CiV 2). Tuy nhiên, là Kitô hữu còn có nghĩa nhiều hơn là chấp nhận các xác tín và các giá trị đặc biệt. Điểm cốt lõi của Kitô hữu là sự gặp gỡ con người của Chúa Kitô. Tìm Chúa trong “người bé nhỏ nhất” trong anh em chúng ta (Mt 25:40), theo Chúa đích thực là noi gương Chúa Giêsu (Thomas à Kempis) là con đường hoàn thiện nhất của Kitô hữu. Chúa Giêsu tôn trọng tự do và phẩm giá của kẻ tội lỗi và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Chính Chúa Giêsu là → Chương trình hoạt động xã hội của Giáo Hội. Giáo huấn xã hội Công giáo chỉ là sự phát triển có hệ thống về những gì đã hiện hữu trong sự viên mãn nơi Chúa Giêsu Kitô: Con người đã được tái khám phá trong phẩm giá độc đáo của mình (nhân vị), con người đã được giải thoát khỏi lòng tham và tội lỗi và tìm kiếm phục vụ tha nhân (tình liên đới), chú tâm đến (công ích) “phúc lợi cho thành” (Gr 29: 7), cũng như một xã hội trong đó các nhóm và các cộng đồng có thể tự do phát triển trong hòa bình và công lý (tính bổ trợ) – đó là tầm nhìn cao quý.

    Tâm niệm: Tôi không thể nghĩ đến yêu thương mà không cần phải hòa đồng, và trên hết là chia sẻ tất cả những nỗi đau đớn và khó khăn, tất cả những nỗi khổ cực của cuộc sống. Sống cách thoải mái và giàu sang nhàn hạ nhờ vào của cải của mình khi người anh chị em nghèo khó, đau khổ, và sống khổ sở vì lao động khó nhọc – Lạy Chúa, con không thể, con không thể yêu thương như thế (CHARLES DE FOUCAULD: 1858-1916).
    - Các cuộc cách mạng trong lịch sử đã làm thay đổi hệ thống chính trị và kinh tế, nhưng không cuộc cách mạng nào đã thực sự làm thay đổi trái tim con người. Cuộc cách mạng đích thực là cuộc cách mạng thay đổi cuộc đời triệt để, cuộc cách mạng ấy được Chúa Giêsu Kitô mang đến bằng Sự Phục Sinh của Người. Hơn nữa, ĐGH Bênêđictô XVI nói về cuộc cách mạng này rằng “nó là sự biến đổi vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”. Chúng ta hãy nghĩ về điều sau: nó là sự biến đổi vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, nó là cuộc cách mạng đích thực, chúng ta là những nhà cách mạng, và hơn nữa, chúng ta là những nhà cách mạng của cuộc cách mạng này. Vì chúng ta đã chọn con đường biến đổi cao quý nhất này trong lịch sử nhân loại. Ở thời đại ngày nay, nếu các Kitô hữu không dám lội ngược dòng thì không phải là Kitô hữu (ĐGH PHANXICÔ, 17/6/2013).

    5. Đâu là đường hướng Kitô giáo chung sống hòa hợp?
    Nếu “quyền lực” là tâm điểm, thì các xã hội có cấu trúc theo nguyên tắc “Lẽ phải thuộc kẻ mạnh”. Tất nhiên, đó không phải là đường lối của Kitô giáo; theo nguyên tắc ấy, như vậy thì cuộc sống với nhau trong xã hội trở thành sự đấu tranh sinh tồn. Nếu “việc làm” được tôn lên như đỉnh cao ý nghĩa trong sự chung sống của xã hội, thì mọi người sớm cảm thấy rằng họ bị khai thác như một cái máy vô nghĩa và bị bắt làm nô lệ. Thiên Chúa không muốn chúng ta coi “vận may” hay “sung túc” như lợi ích cao nhất của mình. Như thế thì cuộc sống sẽ giống như một trò đỏ đen thường ủng hộ những kẻ gian lận; chúng ta sẽ hoạt động theo bản năng, theo xu thế và áp đặt đủ mọi loại giới hạn lên chính mình để ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra. Học thuyết xã hội Công giáo cho biết: Kế hoạch tổng thể của Thiên Chúa cho sự chung sống của con người là bác ái xã hội. Khi chúng ta sống dưới ánh sáng của Chúa, Đấng đặt để cho chúng ta và có mục đích cho chúng ta, thì chúng ta là con của chung một Cha, là anh chị em với nhau. Vậy thì lòng biết ơn, ý nghĩa và trách nhiệm sẽ quyết định cuộc sống riêng tư và cuộc sống chung của chúng ta. Một nền văn hóa tôn trọng lẫn nhau sẽ diễn ra. Khi ấy lòng tin, sự an ủi và niềm vui trong cuộc sống trở nên có ý nghĩa. Bác ái xã hội vượt qua thái độ bàng quan, thiếu quan tâm đến con người, tạo ra sự gắn kết cảm xúc trong xã hội, và mang đến ý thức xã hội mà thậm chí còn vượt khỏi ranh giới giáo phái.

    Tâm niệm: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:43-45).

    Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ con! Ngài biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả (Tv 139:1-3).

    Bài viết liên quan