Bài 10 - Người trẻ dấn thân xây dựng tự do, công bằng và dân chủ

  • 14/08/2021
  • Bài 10 - Người trẻ dấn thân xây dựng tự do, công bằng và dân chủ

    BÀI 10
    NGƯỜI TRẺ DẤN THÂN
    XÂY DỰNG TỰ DO, CÔNG BẰNG VÀ DÂN CHỦ

    1. Tự do có ý nghĩa gì?

    Tự do đặt con người lên trên loài vật và theo nghĩa nào đó, thậm chí còn làm cho con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Sự tự do đích thực không phải là khả năng có thể chọn bất cứ cái gì mình muốn, thiện hay ác, mà đúng hơn là khả năng chọn điều tốt. Chỉ có con người tự do mới có thể chịu trách nhiệm. Là con người tự do khiến cho con người độc đáo. Trong phạm vi khả năng, người ta có thể tự do lựa chọn nghề nghiệp và ơn gọi của mình; con người có thể đi đây đi đó, chọn cái này hoặc để cái kia qua một bên. Đó là quyền cơ bản của con người mà việc thực hiện quyền này không được hạn chế mà không có lý do hợp lý. Với sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận, con người phải được nói lên tư tưởng tôn giáo, chính trị và văn hóa của riêng họ cách tự do. Mọi người đều có thể tự do bày tỏ ý kiến của riêng mình. Để điều này xảy ra được, cần phải có một trật tự pháp lý nhằm bảo đảm sự tự do của con người và bảo vệ điều này không bị sức ép của người khác lạm dụng quyền tự do.

    Tâm niệm: “Điều lớn lao nhất được ban cho con người là sự lựa chọn, đấy là tự do” (Soren Kierkegaard).

    2. Con người cần tự do đến mức nào?

    Tự do là một giá trị cơ bản. Được tự do và hành động một cách tự do là quyền căn bản của con người. Chỉ khi tôi tự do quyết định tôi mới hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Chỉ con người tự do mới có thể hướng đến Thiên Chúa trong yêu mến và đáp lại với Ngài. Chỉ trong tự do con người mới có thể định hướng phát triển cuộc sống xã hội và cá nhân của mình. Tự do của con người không biết bao lần bị giới hạn bởi những hoàn cảnh chính trị, xã hội, tài chính, pháp luật, hoặc thậm chí cả văn hóa. Đó là sự bất công lớn đã tước đoạt sự tự do của con người hay hạn chế sự tự do ấy một cách bất công; tình trạng này làm tổn thương phẩm giá con người và cản trở con người phát triển nhân bản.

    Tâm niệm: “Tự do là tự do nói rằng hai cộng hai bằng bốn. Khi tự do được công nhận, thì mọi thứ khác sẽ có theo” (George Orwell).

    3. Con người tự do thế nào?

    Con người tự do, nhưng sự tự do của con người có mục đích. Về cơ bản sự tự do tồn tại để ta có thể làm cho những gì thực sự thiện ích với sự hiểu biết và ý chí tự do của mình. Về phương diện này, tự do được định hướng theo các luật tự nhiên và trật tự sáng tạo (= theo cách thế Thiên Chúa sắp đặt cho thế giới theo ý định của Ngài). Nhờ vào lương tâm của mình người ta có thể biết được sự thật đâu là thiện, đâu là ác. Đúng hơn, lương tâm giống như tiếng nói của sự thật trong con người, luật tự nhiên được khắc ghi trong tâm khảm của tất cả mọi người (Rm 2,15). Nhờ vào lý trí, người ta nhận thức được theo lương tâm của mình những giá trị nào luôn luôn tốt đẹp. Lương tâm có thể biết chắc rằng lừa dối, trộm cắp, giết người thì không bao giờ là điều thiện. Tuy nhiên, lương tâm cũng có thể sai lầm. Sự tự do không phải lúc nào cũng ngả về phía những gì là tốt lành đích thực, nhưng thường vì ích kỷ người ta chỉ muốn những gì có vẻ là tốt đẹp bên ngoài. Đó là lý do vì sao lúc nào ta cũng phải thao luyện lương tâm của mình để chính chúng ta được lương tâm hướng đến những giá trị thực sự. Tự do cũng cần phải được Chúa Kitô giải thoát để có thể thực thi những điều thiện hảo đích thực.

    Tâm niệm: “Lương tâm mà không có Thiên Chúa sẽ thành một thứ gây kinh hoàng” (FYODOR M. DOSTOEVSKY).

    4. Công bằng là gì?

    Công bằng là quyết tâm "trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân" (GLCG 1807).

    Tâm niệm: “Sự thật không tuân theo người ta, mà đúng hơn người ta phải tuân theo sự thật” (MATTHIAS CLAUDIUS, thi sĩ Đức)

    5. Có những loại công bằng nào?

    Công bằng phân phối là mối quan hệ của cộng đồng với các thành viên của nó. Loại công bằng này chia phần công bằng cho từng người hoặc từng nhóm. Công bằng pháp lý là mối quan hệ của các thành viên với cộng đồng. Loại công bằng này đòi hỏi mỗi thành viên của cộng đồng đóng góp phần của mình thích hợp. Công bằng giao hoán là mối quan hệ giữa những người ngang hàng: người bán hàng sẽ nhận được giá cả hợp lý cho hàng hóa của họ. Loại công bằng này hướng dẫn việc phân phối hàng hóa thông qua thị trường thế giới. Tất cả các loại công bằng này tạo nên công bằng xã hội. Đấu tranh cho công bằng xã hội là một phần khai triển quan trọng về công bằng pháp lý. Trong khi công bằng pháp lý liên quan với việc tuân thủ luật pháp và chính phủ thực hành chức năng theo pháp luật, thì công bằng xã hội đưa ra các vấn đề xã hội nói chung để được xem xét. Của cải trái đất này phải được phân chia công bằng. Sự chênh lệch bất công giữa các cá nhân phải được bù đắp cân xứng. Hơn nữa, phẩm giá của con người phải được tôn trọng. Đặc biệt là trong các vấn đề kinh tế, con người không thể bị hạ thấp bằng với giá trị hữu dụng của họ hay bằng với giá trị tài sản của họ. Các chính sách phục vụ cho sự nghiệp hòa bình phải mang lại công bằng theo nghĩa toàn diện, chính xác là khi có vấn đề phân phối hàng hóa công bằng (GS 29). Việc phân phối hàng hóa thông qua thị trường thế giới phải được hướng dẫn bởi điều gọi là công bằng giao hoán: người bán hàng sẽ nhận được: một mức giá phù hợp cho hàng hóa của họ.

    Tâm niệm: “Công bằng là phải trả cho người ta cái của họ và không tham của người; công bằng là xem nhẹ cái lợi riêng để giữ công bằng cho hết mọi người” (THÁNH AMBRÔSIÔ MILAN, Tiến Sĩ Hội Thánh).

    6. Tại sao chỉ công bằng thì chưa đủ?

    Tình yêu thì nhiều hơn công bằng, vì tình yêu thì "nhẫn nhục" và "hiền hậu" (1 Cr 13: 4). Ngoài công bằng còn cần có lòng nhân từ để xã hội thực sự có tình người. Công bằng xã hội chưa đủ cho cuộc sống chung với nhau, công bằng pháp lý lại càng ít hơn nữa, vì không có pháp luật nào có thể tạo ra được thiện chí giữa con người với nhau. Công bằng pháp lý chỉ có thể trừng phạt tội phạm chống lại phẩm giá con người và giúp giáo dục đức hạnh, nhưng bác ái xã hội phát sinh các sức mạnh sáng tạo vì công ích, do đó, vì lợi ích toàn diện của hết mọi người. Điều này bao gồm các cấu trúc công bằng cho phép có chỗ cho lòng thương xót. Tuy nhiên, lòng thương xót không thể như công bằng được, vì công bằng cần phải có luân lý cơ bản. Lòng thương xót người ta chỉ cần kêu xin, còn công bằng thì người ta phải đòi hỏi.

    Tâm niệm: “Sẽ không có hòa bình nếu không có tự do, sẽ không có tự do nếu không có công lý, sẽ không có công lý nếu không có tình yêu” (DAN ASSAN).

    7. Giáo Hội nói gì về vấn đề phân biệt đối xử với người khuyết tật?

    Công bằng xã hội theo học thuyết xã hội của Giáo Hội nhìn nhận, thì chỉ đạt được khi tất cả mọi người trong xã hội có thể tham gia vào các hoạt động trọng tâm về xã hội, kinh tế, chính trị, và văn hóa trong cuộc sống. Các hình thức phân biệt đối xử loại trừ bất cứ người nào tham gia vào các hoạt động này đều là điều bất công. Do đó, nhiệm vụ của Nhà nước và xã hội cũng phải tạo điều kiện để bảo đảm sự tham gia của người khuyết tật. Suy cho cùng, phẩm giá của con người không phụ thuộc vào thân xác và khả năng trí tuệ, và sự tôn trọng đối với một người không thể được định đoạt dựa trên thành tích hoặc hiệu quả.

    8. Nhân quyền là gì?

    Nhân quyền là quyền khẳng định những điều chúng ta xứng đáng được hưởng, vì bản chất của chúng ta là con người. Các quyền có thể không có được nếu những người khác không bị ràng buộc tôn trọng các quyền ấy, và điều ràng buộc họ chính là pháp luật. Vì vậy, các quyền, các nghĩa vụ và pháp luật có quan hệ với nhau. Theo lời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (Liên Hiệp Quốc, 1948) là: "một mốc lịch sử thực sự trên con đường thăng tiến luân lý của nhân loại" (02/10/1979).

    Tâm niệm: “Nhân quyền sẽ càng được tôn trọng nhiều hơn, chứ không ít đi nếu các quyền này có thể được coi là quyền thiêng liêng” (G.K. CHESTERTON).

    9. Cụ thể nhân quyền là những quyền gì?

    Nhân quyền cơ bản là quyền được sống, quyền này có ngay từ lúc mới thụ thai, vì từ thời điểm đó sinh linh mới đã ở tình trạng của một người riêng biệt. Một quyền con người khác là quyền tự do ngôn luận. Kế đến, là quyền kiếm sống cho bản thân và gia đình bằng công việc của mình mà không ai có thể bị từ chối. Quyền kết hôn và lập thành một gia đình, quyền có con và đích thân nuôi con cái, cũng là một quyền của con người. Quyền tự do chọn tôn giáo và thực hành tôn giáo là một quyền con người rất quan trọng, và không được có bất kỳ sự ép buộc nào trong các công việc thuộc tôn giáo.

    Tâm niệm: “Khởi từ niềm xác tín rằng có một Thiên Chúa Đấng Tạo Hóa, đã gợi nên ý tưởng về nhân quyền, ý tưởng về sự bình đẳng của mọi con người trước luật pháp, sự nhìn nhận về tính bất khả xâm phạm nhân phẩm ở mỗi con người và sự hiểu biết về trách nhiệm của mọi người đối với các hành động của họ” (ĐGH BÊNÊĐICTÔ XVI).

    10. Quyền và nghĩa vụ liên quan với nhau như thế nào?

    Một người hưởng dùng nhân quyền thì đồng thời cũng phải thừa nhận nghĩa vụ và trách nhiệm đối với người khác. Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII nêu ý kiến trong thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris, 30): "Chỉ biết đòi quyền lợi không, mà quên những nghĩa vụ của mình, hay không chu toàn những nghĩa vụ đó, thì giống như dùng tay này xây dựng ngôi nhà mà tay kia lại phá đi."

    Bài viết liên quan