NGƯỜI TRẺ HÔM NAY: ƠN GỌI VÀ SỰ PHÂN ĐỊNH
Lm Giacôbê Trần Trường Sơn
WGPNT (28.6.2020) - “Này người thanh niên, tôi bảo anh: Hãy trỗi dậy!” (Lc 7, 14) là chủ đề được Đức Thánh Cha Phanxicô gợi lên, giúp người trẻ sống trọn vẹn một năm (năm 2020). Chủ đề này thật hữu ích vì nội dung chủ đề là nền tảng của Lời Chúa, giúp người trẻ dễ dàng đón nhận và trở thành kim chỉ nam cho đời sống đức tin, nhất là khi niềm tin của người trẻ gặp thử thách. Nhờ niềm xác tín này, họ mạnh mẽ đứng lên và ra khỏi những gì đã và đang cản bước họ tiến tới những ước mơ, chạm đến những hoài bão và đạt được mục đích mà họ đã đặc ra. Trong ý hướng này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi người trẻ trước tiên cần xác định cho đúng ơn gọi của mình, phân định và chọn lựa cho phù hợp để có thể dấn thân hết mình. Chính khi hiểu được ý nghĩa của một cuộc sống có định hướng, người trẻ mới có thể dấn thân cách nhiệt huyết cho Giáo Hội và xã hội mà không sợ bị lạc lối. Trên hành trình dấn thân vì lý tưởng, người trẻ cũng được mời gọi trở nên những nhân tố có khả năng truyền cảm hứng cho người khác bằng tinh thần của Đức Kitô phục sinh.
Cùng với sự chăm sóc tận tình và những bước đồng hành gần gũi của Giáo Hội, hy vọng lời mời gọi “Hãy trỗi dậy” như ngọn lửa mới đốt lên trong trái tim người trẻ nhiệt huyết Tông đồ, để họ tự tin thắp lên “Ngọn lửa Phục Sinh” giữa môi trường sống và trở nên những người tiên phong mở đường, làm chứng nhân cho Đức Kitô Phục Sinh bằng niềm xác tín sâu xa của mình. Nhờ đó, người trẻ sẵn sàng nói lên tiếng nói của mình với thế giới rằng: Lời mời gọi “Hãy trỗi dậy” mang ý nghĩa Phục Sinh mới thật đem lại sức sống và niềm hạnh phúc đích thực cho người trẻ trên hành trình sống hôm nay.
Tông huấn “Đức Kitô đang sống” với hai chương 8 và 9 là một định hướng cho việc đồng hành và phân định ơn gọi với nội dung dễ hiểu và phù hợp với tinh thần Tin Mừng dành cho mọi người nói chung và cho người trẻ nói riêng, bằng những hướng dẫn ngắn gọn, súc tích và rõ ràng nhưng không kém phần bén nhạy với thực trạng và những biến động mà người trẻ đang phải đối diện. Tông huấn cũng mang lại cho người trẻ những thông điệp lớn, giúp người trẻ cảm nhận sâu xa sự nâng đỡ và sẻ chia khi họ đang nằm trong dòng chảy của xã hội hôm nay. Như một cuộc đột phá mới, Tông huấn tìm ra những nguyên nhân sâu xa, giúp người trẻ phản tỉnh và can đảm lội ngược dòng để minh chứng giá trị Tin Mừng qua sự hiện diện của Đức Kitô cách sống động ngay giữa dòng chảy như đang muốn cuốn trôi những giá trị căn bản trong đời sống đức tin hôm nay.
Vì vậy, sứ vụ đồng hành với người trẻ luôn là chiều kích mục vụ cần thiết và cấp thiết, bởi chiều kích quan trọng này là một đóng góp không nhỏ trong việc củng cố và xây dựng nên nền tảng vững chắc cho Giáo Hội và xã hội trong tương lai bằng những phiến đá tâm hồn đầy nhiệt huyết Tông đồ.
Tông huấn “Đức Kitô đang sống” với chủ đề “Ơn gọi và sự phân định” được tóm gọn trong chương 8 và chương 9, mở ra một định hướng chung cho mọi người, cách riêng cho người trẻ trước những loay hoay và nghi ngại. Tông huấn này cũng dành cho những ai đang thi hành sứ vụ lãnh đạo dân Chúa, quan tâm đến ơn gọi và việc đồng hành, giúp thăng tiến người trẻ. Nhờ những hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và xác tín của Tông huấn, Giáo Hội được thống nhất trong cùng một đường hướng mục vụ phù hợp với tinh thần của Tin Mừng dành cho người trẻ hôm nay.
I. ƠN GỌI CỦA NGƯỜI TRẺ - CỤ THỂ, SỐNG ĐỘNG VÀ HIỆN HỮU
1. Lời mời gọi làm vinh danh Thiên Chúa
Trong tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người và trong kế hoạch đầy yêu thương của Ngài, mỗi người đều có một vị trí rất riêng[1]. Chúa mời gọi từng người và đặc biệt là người trẻ làm sao để nhận ra sự độc đáo trong ơn gọi này nơi cuộc sống hiện tại của họ. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: ơn gọi mà Thiên Chúa dành cho người trẻ được cụ thể bằng một tiếng gọi, tiếng gọi này phải là một tiếng gọi cụ thể, sống động và đầy hiện hữu như chính hình ảnh của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa Nhập Thể làm người và ở giữa nhân loại. Chỉ khi người trẻ nhận ra sự hiện diện cách sống động của Ngôi Lời Nhập Thể, cảm nhận sự gần gũi thân tình của Đức Kitô trong cuộc sống và sẵn sàng chia sẻ với Ngài những gánh nặng thập giá trong cuộc đời, người trẻ mới hình dung cách mà họ cần đáp trả tiếng gọi của Chúa dành cho họ cụ thể và sống động thế nào.
Tông huấn “Đức Kitô đang sống” số 249 nói rằng: khi người trẻ sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi cũng chính là lúc họ sẵn sàng mở ra một mối tương quan với Đức Giêsu và sẵn sàng bước vào một tiến trình đạo luyện chính mình cho phù hợp với mối tương quan ấy.
Đức Thánh Cha gọi đây là con đường nên thánh, nên thánh trong ý thức nỗ lực hoàn thiện mình. Ý thức trở nên giống Chúa từng ngày trong những nỗ lực của bản thân là một trong những cách thế để người trẻ làm vinh danh Chúa. Tất nhiên, trên con đường này, người trẻ cần đến ơn Chúa và sự mạo hiểm của bản thân, bất chấp mọi rủi ro.
Vì biết rằng con đường nên thánh của người trẻ không dễ dàng, họ luôn cần ơn Chúa và những nỗ lực không ngừng của bản thân, nên Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ hãy đan kết cuộc đời mình với cuộc đời của Đức Giêsu bằng con đường phục vụ[2]. Nhờ việc phục vụ tha nhân, người trẻ đem lại niềm vui Tin Mừng đến cho những người họ có dịp gặp gỡ. Qua những công việc mà người trẻ dấn thân phục vụ, họ có dịp thể hiện hình ảnh của Đức Giêsu trong cung cách phục vụ, trong sự nhiệt huyết chu toàn trách nhiệm và trong sự xả thân giúp đỡ người khác. Những nghĩa cử ấy như là cách mà hình ảnh Đức Giêsu được giới thiệu đến với mọi người qua từng người trẻ. Trong Tông huấn “Đức Kitô đang sống”, Đức Thánh Cha muốn giới thiệu con đường phục này như là cách thế giúp người trẻ sống và làm vinh danh Chúa.
“Giờ đây, cha muốn nói đến ơn gọi hiểu theo nghĩa đen là một lời mời gọi thi hành sứ vụ phục vụ tha nhân. Chúng ta được kêu gọi tham dự vào công trình tạo dựng của Ngài bằng cách góp phần xây dựng thiện ích chung với những khả năng chúng ta đã nhận được”[3].
Đây quả là một thách thức lớn mà không phải tất cả người trẻ đều có thể đạt tới. Quả vậy, con đường phục vụ là con đường mà Đức Kitô đã đi qua, con đường ấy vẫn còn hiện diện và sống động giữa trần thế hôm nay qua Giáo Hội, qua các bí tích và qua những nghĩa cử bác ái, những xả thân vô vị lợi mà con người thực hiện nhằm làm vinh danh Chúa trong đời sống hằng ngày. “Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống là giá chuộc cho nhiều người.” (Mc 10,45). Để thể hiện chiều kích này, người trẻ trước tiên cần tự tin vào chính mình và đặt niềm tin ấy vào trong kế hoạch của Đức Kitô Phục sinh, vì Ngài luôn là động lực lớn nhất cho người trẻ sống tinh thần “trỗi dậy”, vươn lên đạt đến mục đích của mình.
Chính vì tuổi trẻ đại diện cho một tầng lớp người có tiềm năng, nhiều người trong số họ luôn nuôi dưỡng những khao khát và ước mơ để có cơ hội cống hiến hết khả năng của mình, mang lại cho xã hội và Giáo Hội một tương lai tươi sáng hơn. Thế nên, Đức Thánh Cha luôn đặt nơi người trẻ hôm nay một niềm hy vọng, để trên hành trình chinh phục khó khăn tiến đến mục đích, họ quảng đại cống hiến tài lực của mình vì lợi ích chung. Ngài mong muốn người trẻ hiểu rằng: khi họ ý thức làm vinh danh Chúa qua việc phục vụ tha nhân bằng những khả năng Chúa ban, cũng chính là lúc mà họ đang được tham dự vào chương trình tạo dựng của Thiên Chúa[4].
Như thế, bất cứ khi nào người trẻ ý thức làm việc với ý hướng sâu xa này, thì những cống hiến của họ với mục đích mang lại lợi ích chung không chỉ đơn thuần là một công việc tốt mà nó trở nên một của lễ sống động dâng lên Chúa. Khi được tham dự vào công trình tạo dựng của Thiên Chúa và trở nên của lễ, chính là lúc người trẻ tự mình khắc họa lại cách sống động cuộc đời của Đức Giêsu - Ngôi Hai Nhập Thể làm người. Đây là một trong những ý nghĩa sâu xa của công việc mà có thể người trẻ chưa từng nghĩ đến. Đây cũng chính là con đường giúp người trẻ làm vinh danh Chúa và cũng là con đường nên thánh mà Đức Thánh Cha đã đề cập trong Tông huấn “Đức Kitô đang sống”. “...Và cha muốn nhắc lại lời mời gọi nên thánh theo một phương cách thực tiễn cho thời đại chúng ta, một thời đại chất chứa nhiều rủi ro, thách đố và cơ hội”[5].
Để có thể bước trên hành trình này, Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ đừng ngần ngại mở ra một mối tương quan gần gũi và thân tình với Đức Giêsu, nhận ra sự hiện diện và đồng hành của Ngài luôn bên mình để được soi sáng, được cảm thông chia sẻ và được trợ lực mọi nơi mọi lúc, nhất là trong những lúc họ gặp thử thách, họ nghe được tiếng Chúa như một lời trấn an, cảnh tỉnh giữa những sóng gió ấy. “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6, 50). Vậy, mối tương quan nào Đức Thánh Cha muốn mời gọi người trẻ thiết lập với Đức Giêsu?
2. Lời mời gọi kết bạn với Đức Giêsu
Ắt hẳn ai trong chúng ta cũng nhận ra nơi tình bạn một giá trị nhất định và bất cứ ai cũng đã từng trải qua những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình bạn, đều cảm nhận rằng: sự chân thành và thân tình luôn là những yếu tố đặc trưng để tạo nên một tình bạn lý tưởng. Đức Giêsu đã không ngần ngại mời gọi người trẻ mở ra mối tương quan thân tình với Ngài bằng tình bạn để họ cảm nghiệm trọn vẹn hơn sự gần gũi mà Ngài muốn dành cho họ như cách Chúa Giêsu khiêm tốn ngỏ lời với các môn đệ. “Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi các con là bạn hữu...” (Ga 15,15).
Có lẽ hơn ai hết, Đức Thánh Cha đã sống mối tương quan tình bạn với Đức Giêsu và cảm nhận sâu xa mối thân tình này, ngài mời gọi người trẻ kết bạn với Chúa Giêsu với mong ước đưa họ vào mối thân tình được thể hiện bằng hai chiều kích: tình yêu mến và tình bằng hữu[6]. Ngài mời gọi người trẻ đừng ngần ngại kết bạn với Đức Giêsu để có cơ hội đáp lại tiếng gọi của Ngài với trọn niềm hạnh phúc và bình an. Tình bạn mà Chúa Giêsu mở ra với con người không phải là mối tương quan ích kỷ hay chiếm hữu mà là mối tương quan mở ra những chia sẻ và trao ban.
Cuộc sống con người hôm nay luôn tạo ra nhiều mối tương quan với nhiều mục đích khác nhau. Người trẻ hôm nay cũng không ngoại lệ. Càng ngày, người trẻ càng được mời tham gia vào những mối tương quan với những lời mời hấp dẫn, mới mẻ, mang lại lợi ích cá nhân, khiến họ dễ biến mình thành những con người chạy theo lối sống thực dụng. Người trẻ dễ có khuynh hướng chọn lựa theo những lợi ích trước mắt mà không thể lường trước những hậu quả về sau. Giữa những lời mời thực dụng đầy hấp dẫn này, người trẻ như bị lấn át để tìm cách đánh đổi mối tương quan mà họ đã thiết lập với Đức Giêsu, khiến họ không còn thời gian và không gian dành cho Ngài.
Làm sao để người trẻ tránh rơi vào những vòng xoáy nguy hiểm này, Đức Thánh Cha nói đến tính dứt khoát trong sự chọn lựa và tính triệt để trong sự từ bỏ[7]. Dứt khoát và triệt để ở đây có thể hiểu cụ thể như là cách người trẻ mạnh dạn nói “không” với những mối tương quan không mang lại niềm hạnh phúc đích thực. Với những tương quan khó lường, ngài kêu gọi sự hiệp nhất của những người trẻ có cùng chí hướng, mời gọi họ can đảm nắm chặt tay nhau, lội ngược dòng với những trào lưu, những lối sống không định hướng, không lý tưởng, không mục đích và không có trách nhiệm với tương lai. Bằng cách này, họ chứng minh cho những người trẻ cùng thời biết rằng: Niềm tin vào Đức Kitô phục sinh là điểm tựa vững chắc nhất và được kết bạn với Đức Giêsu là một niềm hạnh phúc bất diệt cho họ.
Chính khi mở ra một tình bạn với Đức Giêsu, người trẻ như đang mở ra một kế hoạch, một định hướng, một lý tưởng và một cuộc sống có mục đích cho chính mình, hướng cuộc sống của cá nhân mình trở nên nguồn cảm hứng cho tha nhân, minh chứng sự trẻ trung đầy nhiệt huyết và đầy năng lượng bằng những mối tương quang lành mạnh theo mẫu tương quan tình bạn mà họ đã mở ra với Đức Giêsu. Sống trong tình bạn với Đức Giêsu, người trẻ như được ngụp lặn trong sự sống của Ngài, như cách diễn tả của Thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi mà là chính Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
3. Lời mời gọi trở nên nhân chứng cho Đức Giêsu
Trở nên nhân chứng của Đức Giêsu là một con đường nên thánh. Quả vậy, hành trình sống của người trẻ mở ra nhiều con đường nên thánh khác nhau. Người trẻ hôm nay dễ bị nhầm lẫn giữa việc tìm cho mình một con đường nên thánh phù hợp để âm thầm đáp trả và việc lấy những thành tích đạo đức để khẳng định sự thánh thiện của mình. Chính vì sự nhầm lẫn này mà người trẻ không còn nhận ra giữa việc biến những suy nghĩ và hành động của mình trở nên một loại trang sức trước mặt con người thay vì biến cuộc đời mình thành một của lễ dâng lên Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục chỉ ra cho người trẻ một con đường nên thánh căn bản mà ai cũng cần phải đi qua, đó là nên thánh bằng cách chọn cho mình một công việc để tìm kế mưu sinh và bằng con đường xây dựng một gia đình để đi tìm hạnh phúc[8]. Ngài cho rằng đây là hai mảnh đất tốt để người trẻ gieo hạt giống đời mình vào với hy vọng một mùa bội thu những hoa quả thiêng liêng. Nơi hai môi trường này, một đàng người trẻ có cơ hội khẳng định năng lực và sự đóng góp của mình cho xã hội và cho tình yêu. Nhưng đàng khác, họ có dịp chứng minh được ý nghĩa và mục đích cao cả bằng sự hiện hữu của họ trong môi trường hiện tại, để thấy rằng: những nỗ lực và đóng góp của họ không chỉ là những đóng góp bình thường nhưng bằng những khả năng chuyên môn và những sáng kiến trong công việc và trong tình yêu, họ mang cho cuộc sống một tầm cao mới là việc nối dài công trình tạo dựng của Thiên Chúa và tiếp nối việc sáng tạo của Ngài. “Để thực hiện ơn gọi riêng của mình, chúng ta cần phải phát huy, đẩy mạnh và làm tăng triển tất cả những gì là chính mình. Đây không phải là phát minh, sáng tạo con người mình một cách tự phát từ con số không, nhưng là khám phá chính mình trong ánh sáng của Chúa và làm cho đời sống mình sinh hoa kết quả...”[9].
Thật vậy, qua môi trường làm việc, người trẻ chứng minh tính hữu ích của mình với những cộng sự, hướng đến chiều kích mục vụ nhờ ý thức sâu xa việc mang lại niềm vui và hạnh phúc cho những người xung quanh. Từ đó, họ thêm xác tín về sự hiện diện của chính mình là một kế hoạch yêu thương mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho tha nhân. Xác tín này giúp họ nhìn nhận rõ nét hơn về ơn gọi của mình và cũng nhận ra giá trị tương tự nơi ơn gọi của tha nhân. Nhờ đó, người trẻ có thêm động lực để phát triển hết những khả năng Chúa ban, mang lại hữu ích cho chính họ và cho tha nhân như là cách mà họ sinh lợi từ những nén bạc Chúa trao theo đúng ý Ngài muốn.
Cũng thế, khi tìm được một người yêu lý tưởng và được sống chết trong tình yêu, người trẻ ý thức mang đến sự bình an, niềm hạnh phúc và sẵn sàng vượt qua những chướng ngại trong cuộc sống để mang đến một tình yêu trọn vẹn cho người mình yêu.[10] Nhờ đặc niềm tin vào Thiên Chúa, người trẻ xây dựng cho mình một hôn nhân Công giáo và nhờ đón nhận ân sủng từ bí tích hôn nhân, họ nhìn nhận đời sống tính dục không còn là một sự chiếm hữu đầy ích kỷ, cũng không còn là một sự thỏa mãn thân xác như cách kéo dài cuộc sống. Nhưng trong tình yêu hôn nhân, hành vi tính dục thật sự là một món quà cao quý Chúa ban cho hai con người, đưa dẫn họ trở thành những con người hiến thân trọn vẹn cho người kia để nối dài công trình sáng tạo của Thiên Chúa giữa trần gian bằng việc truyền sinh.
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 147 | Tổng lượt truy cập: 709,126