Huyền nhiệm ơn gọi

  • 17/08/2021
  • Thật khó khăn để biết chính xác rằng chúng ta có ơn gọi tu trì hay không; bởi vì ơn gọi là một mầu nhiệm. Thiên Chúa không nắm lấy các em và lôi các em đi, nhưng Ngài dùng những phương tiện thông thường để cho các em biết Ngài đang gọi các em. Đây luôn là việc nhiệm mầu và có tính cách riêng tư đối với mỗi người các em. Thiên Chúa luôn tôn trọng các em và đối xử với các em như những con người tự do.

     

    Dẫn nhập

    Mỗi người đều được Thiên Chúa kêu gọi. Ơn gọi là tiếng gọi yêu thương của Chúa cho con người và Chúa mời gọi các em đáp lại tình yêu đó. Chính Thiên Chúa gọi các em và Người mong một ngày nào đó các em nghe được tiếng Người. Hơn nữa, khi Ngài mời gọi các em vào một bậc sống nào, thì Ngài cũng trao cho các em một sứ mệnh, để hoàn tất theo khả năng của các em. Vì thế, mỗi người trong các em ngồi đây là một ơn gọi đặc biệt trước mặt Chúa, không ai giống ai cả. Vậy, để có một ơn gọi, phải có hai yếu tố: yếu tố ân sủng của Thiên Chúa và yếu tố đáp trả của con người. Nếu thiếu một trong hai yếu tố thì không thể có ơn gọi được.

    Theo cái nhìn của Giáo Hội, từ “ơn gọi” có nhiều ý nghĩa khác nhau. Ở đây, Chị chia sẻ cho các em ơn gọi chung và chính yếu

    I. ƠN GỌI CHUNG VÀ CHÍNH YẾU

    Có 3 ơn gọi chung và chính yếu: ơn gọi làm người, ơn gọi làm Kitô hữu và ơn gọi sống đời thánh hiến.

    1. Ơn gọi làm người

    Ơn gọi làm người là ơn gọi đầu tiên và là nền tảng của mọi ơn gọi tự nhiên. Ơn gọi làm người đã được các triết thuyết, các hệ tư tưởng, các nền văn hóa nói tới. Làm người là một con đường dẫn tới sự hoàn thiện. Con người luôn phải chiến đấu với thói hư tật xấu của mình để trở thành người hơn. Nhưng làm người, theo nghĩa tích cực nhất, là làm người trong mối tương quan với Thiên Chúa. Con người phải tôn kính và tuân theo sự sắp đặt quan phòng của Thiên Chúa, vì Ngài là nguồn gốc của mọi luật lệ đạo đức.

    Mẹ Têrêsa Calcutta đã có một định nghĩa về cuộc đời:

    Cuộc đời chính là cái đẹp, hãy chiêm ngưỡng.

    Cuộc đời chính là điều may mắn, hãy đón nhận.

    Cuộc đời chính là niềm hạnh phúc, hãy tận hưởng.

    Cuộc đời là một bản nhạc, hãy ca vang.

    Cuộc đời còn có nghĩa là bổn phận, hãy hoàn thành nó. Cuộc đời còn có nghĩa là một lời hứa, hãy gắng giữ lời. Cuộc đời còn có nghĩa là một sự cố gắng không ngừng nghỉ, hãy nỗ lực. Nếu cuộc đời là một cuộc chạy đua, hãy cố gắng hết mình. Nếu cuộc đời là một trò chơi, đừng ngần ngại hãy cứ tham gia. Nếu cuộc đời là một nỗi buồn phiền, hãy tìm cách vượt qua. Nếu cuộc đời là một tấm bi kịch, hãy đồng ý đương đầu. Và nhất là, cuộc đời là một giấc mơ, hãy biến giấc mơ thành hiện thực.

    Có một viên sỏi kể về nguồn gốc của mình: “Tôi vốn là một tảng đá khổng lồ trên núi cao, trải qua bao năm tháng dài đăng đẳng bị mặt trời nung đốt, người tôi đầy vết nứt. Tôi vỡ ra và lăn xuống núi, mưa bão và nước lũ cuốn tôi vào sông suối. Do liên tục bị va đập, lăn lộn, tôi bị thương đầy mình. Nhưng rồi chính những dòng nước lại làm lành những vết thương của tôi. Và tôi trở thành một hòn sỏi láng mịn như bây giờ”.

    Cuộc đời không bao giờ chỉ là nỗi đau, cũng chẳng khi nào chỉ toàn hạnh phúc. Vượt qua được gian khổ, vượt qua những cuộc thử thách, vượt qua được những nỗi đau là các em đã tự làm hoàn thiện chân dung mình. Sự va đập của cuộc sống chẳng có gì đáng sợ phải không các em? Người ta thường nói: Phương pháp để nhìn một cầu vòng bảy sắc thật rõ là nhìn nó qua một cơn mưa.

    Vậy, nếu có ai hỏi: điều gì là quan trọng trong ơn gọi làm người, các em sẽ trả lời thế nào? Nếu chúng ta hỏi một người trong cơn đói, đó sẽ là thực phẩm. Với một người đang lạnh, đó sẽ là hơi ấm. Và nếu một ai đang cô đơn, chắc chắn sẽ là sự gần gũi với người khác”.

    Nhưng, “con người không chỉ sống bằng bánh. Mọi người đương nhiên cần thực phẩm, cần sự cảm thông. Nhưng có điều gì rất khác mà tất cả các em đều cần: đó là biết các em là ai và các em sống để yêu ai?”. Câu trả lời đối với các em đó là: các em được gọi để là người Kitô hữu và để yêu mọi người.

    Với tư cách là một con người, các em đều được mời gọi trở thành một người tốt và sống tốt đời sống mình. Bởi vì mọi người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (St 1,27). Lời mời gọi tới sự tốt lành được viết trong trái tim mỗi người. Lời mời gọi này tiềm ẩn trong ơn gọi làm người. Thế nên, bất cứ ai là người, dù ở đâu, quốc tịch nào, chủng tộc nào… đều được mời gọi trở thành một người đích thực, một người tốt.

    Nhưng làm sao để trở thành một người tốt? Các em trở thành một người tốt nhờ việc cố gắng sống các nhân đức luân lý và nhân bản: đó là những nhân đức mà các em học được và rèn luyện nhờ những cố gắng của mình: khôn ngoan, công bình, can đảm, tiết độ, tính vị tha, quảng đại, ngay thẳng, thật thà, trung thành và thương người… Nhất là các em sống theo tiếng nói lương tâm ngay thẳng: làm lành, lánh dữ. Đó là luật tự nhiên mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong lòng mỗi người. Vậy, muốn trở nên một người tốt, chúng ta phải sống theo luật tự nhiên.

    1. Ơn gọi làm Kitô hữu

    Ơn gọi thứ hai và cũng là nền tảng cho mọi ơn gọi siêu nhiên là ơn gọi làm Kitô hữu. Thiên Chúa không chỉ là điểm khởi đầu của cuộc sống chúng ta, Ngài còn là nguồn mạch và đích điểm của đời sống chúng ta. Thật vậy, qua phép Rửa tội, chúng ta được tái sinh trong Chúa Kitô, từ bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới, cùng vác thập giá với Người để rồi cùng được hưởng vinh quang với Người. Đây là ơn gọi căn bản và phổ quát, vì là ơn gọi đầu tiên và là ơn gọi chung cho mọi Kitô hữu. Ơn gọi này là ơn Chúa ban cho chúng ta cách nhưng không, là một món quà vô giá mà không phải ai cũng nhận được.

    Mỗi người chúng ta được Chúa kêu gọi là để sống với Ngài và để được Ngài sai đi (x. Mc 3,13-15). Đây là ơn gọi đức tin, ơn gọi nên thánh. Khi lĩnh nhận phép Rửa, các em được Thiên Chúa mời gọi trở thành những người Kitô hữu, trở thành một người môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Trở thành một người Kitô hữu là trở nên một vị thánh. Bởi thế, Công Đồng Vatican II quả quyết: Mọi Kitô hữu được mời gọi nên thánh (x. LG 39-42). Mục đích của đời sống Kitô hữu là trở thành những vị thánh. Và các em trở thành những vị thánh qua việc hằng ngày sống tốt các nhân đức đối thần: TIN, CẬY, MẾN.

    Cha Timothy Dolan là một linh mục ở Mỹ, được Tòa Thánh chọn làm Tổng Giám mục một giáo phận lớn và quan trọng ở Mỹ. Sau khi nhậm chức, một nhà báo hỏi ngài rằng: “Thưa ngài, khi trở thành một Tổng Giám mục như thế, ngài đã tìm được mục đích trong Giáo Hội rồi phải không?” Nhưng ngài trả lời “Không!” Và Ngài giải thích: “Mục đích của đời tôi là trở thành một vị thánh, và để trở thành vị thánh là một hành trình dài phải theo đuổi. Bây giờ nhiệm vụ của tôi như là một Tổng Giám mục, là mời gọi các linh mục, các tu sĩ nam nữ và giáo dân của giáo phận này trở thành những vị thánh”. Các em cũng thế, hãy là trở thành những vị thánh và giúp người khác trở nên thánh.

    1. Ơn gọi trở thành một nữ tu Mến Thánh Giá thánh thiện

    Khi được Chúa chọn làm nữ tu của Chúa trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp, các em được mời gọi sống thánh thiện theo tinh thần Mến Thánh Giá. Sự thánh thiện các em hướng tới không phải là một ý niệm trừu tượng, nhưng nó phải nằm trong cuộc sống, nghĩa là sự thánh thiện được diễn tả trong mọi sinh hoạt của đời sống hằng ngày. Khi theo đuổi con đường hoàn thiện của đời thánh hiến, các em chẳng chút tự hào về những gì bên ngoài nhưng chỉ cốt làm sao cho tâm hồn luôn được xinh đẹp và trong sáng. Vẻ đẹp này chính là vẻ đẹp thiêng liêng của tâm hồn. Để củng cố và giữ gìn vẻ đẹp thiêng liêng, các em cần đến những liệu pháp thiêng liêng, đó là thực thi cách tốt nhất các việc thiêng liêng theo luật dòng và chuyên cần luyện tập các nhân đức. Đây là những phương thế giúp các em giữ gìn vẻ đẹp thánh thiện của người nữ tu Mến Thánh Giá: đơn sơ, hiền lành và dễ thương.

    Có nhiều con đường nên thánh và cũng có nhiều cách nên thánh. Là những người yêu Mến Thánh Giá, Chúa muốn các em nên thánh qua linh đạo của Hội Dòng đòi hỏi. Con đường nên thánh này biểu lộ nơi mỗi các em với những công việc đơn sơ của một ngày sống. Muốn thực hiện tốt con đường nên thánh trong ơn gọi của mình, các em phải dấn thân mạnh mẽ vào những công việc mà các em đang đảm nhận, trong các mối tương quan đối với Chúa với mọi người, để các em sống vui tươi hơn, nhân đức hơn và thánh thiện hơn. Hơn nữa, sự thánh thiện là một hành trình mà các em phải cố gắng nỗ lực tiến bước mỗi ngày, là việc các em phải thực hành suốt đời như Đức Cha Lambert đã làm gương cho chúng ta. Vì sự trọn lành là một sức mạnh tinh thần mà các em phải kiên trì mới tập luyện được.

    Quả thật, nên thánh là bổn phận của mọi Kitô hữu và cũng là bổn phận thiết yếu của những người thánh hiến. Hiến chế về Giáo Hội nói: “Với ơn Chúa, những người thánh hiến phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận”. Như vậy, sự thánh thiện của người nữ tu Mến Thánh Giá không phải là điều mà tự sức các em có thể thủ đắc được, nhưng là do chính Đức Kitô ban cho các em, nhờ vào sự thánh thiện của Người. Tuy nhiên, nếu các em chỉ thụ động đón nhận sự thánh thiện của Đức Kitô, mà không làm gì cả thì chưa đủ. Vì thế, phải nỗ lực bắt chước Chúa bằng cách luyện tập cách ăn nết ở sao trở nên giống Chúa, như lời thánh Phêrô kêu gọi: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: hãy sống thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (1Pr 1,15-16).

    Là những người mang trong tâm hồn lý tưởng ơn gọi sống đời thánh hiến, các em cần ý thức giá trị ơn gọi chứng nhân giữa đời, và sống thật tốt đời sống của mình, để qua đó, Giáo Hội được phát triển bằng chính sự hấp dẫn của những con người thánh thiện. Để làm được điều này, các em rất cần đến ơn Chúa trợ giúp, để có thể kiên vững trên con đường luyện tập nhân đức. Việc luyện tập nhân đức trước hết là tập sống với Chúa, lấy Chúa làm trung tâm, là người chi phối mọi sinh hoạt của các em. Bởi vì chỉ trong Chúa, các em mới thực sự trở nên người tốt, và có khả năng diễn tả sự thánh thiện qua đời sống của mình. Hơn nữa, việc thực thi các nhân đức làm cho các em nên giống Chúa khi các em sống với Người, lắng nghe tiếng Người, hiểu biết thánh ý Người và thực thi công việc của Người trong cuộc sống hiện tại. Một đời sống thật sự gần Chúa sẽ chiếu tỏa hương thơm thánh thiện đến cho mọi người. Vì, “Hương của hoa bay theo chiều gió. Còn hương nhân đức vượt gió khắp tung bay”.

    II. TÌM HIỂU ƠN GỌI TU TRÌ

    Thật khó khăn để biết chính xác rằng chúng ta có ơn gọi tu trì hay không; bởi vì ơn gọi là một mầu nhiệm. Thiên Chúa không nắm lấy các em và lôi các em đi, nhưng Ngài dùng những phương tiện thông thường để cho các em biết Ngài đang gọi các em. Đây luôn là việc nhiệm mầu và có tính cách riêng tư đối với mỗi người các em. Thiên Chúa luôn tôn trọng các em và đối xử với các em như những con người tự do. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người và Ngài muốn các em sử dụng lý trí của mình để nhận thức về ơn gọi của chính mình. Vậy, có ba dấu hiệu căn bản của một ơn gọi tu trì: có lòng ao ước, có động cơ thúc đẩy và có sự thích hợp.

    1. Có lòng ao ước

    Trước tiên, để tìm hiểu xem các em có ao ước sống ơn gọi không, các em cần tự hỏi xem mình có ý thích, có hướng chiều vể ơn gọi đó không? Tôi có cảm thấy say mê, thỏa mãn, vui mừng hay có những tình cảm tích cực tương tự như thế khi nghĩ về ơn gọi đó không? Các em cần nghiêm túc xét mình như thế, bởi vì Chúa không muốn thu hút các em về một ơn gọi mà lại đi ngược với ý muốn của các em. Vì nhiều người nghĩ rằng họ muốn đi tu, bởi vì Thiên Chúa muốn như vậy. Nếu họ không làm theo ý Chúa, họ sẽ bị phạt hoặc sẽ gặp bất hạnh. Thiên Chúa không hành động theo cách đó. Ngài lôi kéo các em theo chiều hướng tự nhiên của các em. Nếu các em có chiều hướng về một ơn gọi nào đó, đó là một dấu hiệu tốt. Thiên Chúa tôn trọng tự do của các em và Ngài muốn lôi cuốn các em.

    1. Có động cơ thúc đẩy

    Ao ước không thôi chưa đủ, các em cần có thêm những dấu hiệu khác nữa. Dấu hiệu thứ hai là muốn sống đời sống đó vì những lý do chính đáng. Đây là vấn đề “động cơ thúc đẩy”. Vậy, động cơ nào làm tôi quan tâm và ưa thích? Có hai lý do:

    • Tinh thần tích cực: muốn phục vụ Chúa cách trực tiếp, muốn biết và yêu Chúa nhiều hơn, muốn hoàn toàn sống cho Chúa và tha nhân,… Đây thực sự là những động cơ tốt đẹp. Chúng dựa trên đức tin, động lực tinh thần, chứ không phải là những ao ước tự nhiên.
    • Vụ lợi hoặc ích kỷ: muốn được người khác kính trọng, có nhiều cơ hội để thăng tiến, cuộc sống được bảo đảm,… Không ai có thể nói mình có động cơ trong sáng trong tất cả những công việc mình làm. Thường có sự pha trộn giữa những động cơ tốt và những động cơ xấu trong cuộc sống của các em. Cũng có những động cơ pha trộn như thế trong việc ao ước sống đời tu trì, nhưng động lực hướng dẫn ban đầu phải thật sự trong sáng và vô vị lợi. Thật không dễ dàng để nhận thức về những động cơ của các em. Bởi đó, các em cần cầu nguyện để biết được thánh ý Chúa, và cần có người để giúp các em nhận định rõ hơn.
    1. Có sự thích hợp

    Dấu hiệu thứ ba là sự thích hợp. Đó là khả năng để sống đời tu, sống một cách thoải mái, vui vẻ, rộng lượng. Các em phải thích hợp với đời sống đó và đời sống đó phải thích hợp với các em. Đây là những đức tính tự nhiên và siêu nhiên giúp các em tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong đời dâng hiến. Đi tu là tu cả con người. Ơn thánh không cản trở hay thay thế bản chất tự nhiên của các em, nhưng chỉ thăng hoa và thánh hóa nó. Bản chất tự nhiên của các em không chết đi và với thời gian có thể bùng lên. Bởi đó, việc nhận định ơn gọi cần căn cứ vào những khả năng đạo đức, tâm lý và thể lý. Giáo luật điều 642 nhấn mạnh đến yếu tố sức khoẻ, tính tình thích đáng và có đủ các đức tính của sự trưởng thành. Nhiều người thích đời tu nhưng lại không thể sống thích hợp với đời tu được. Cũng vậy, có nhiều em thích hợp với đời tu, nhưng lại không muốn bước vào con đường đó, vì không bị đời tu thu hút. Thiên Chúa tôn trọng tự do của mỗi người và tôn trọng cái cách mà họ là.

    Để xác định ơn gọi của mình, các em phải có cùng lúc ba dấu hiệu căn bản trên. Tuy nhiên, các em vẫn phải tìm hiểu và suy xét kỹ, vì nhiều khi “thấy vậy mà không phải vậy”. Chẳng hạn:

    • Thích sống đời sống độc thân: có thể là dấu hiệu của ơn gọi tu trì, nhưng các em phải tìm hiểu xem động lực của việc thích sống độc thân là gì? Đó có phải là vì thích sống khép kín và lập dị? Hay là không thích những người chung quanh? Đời tu là dâng hiến, là cho đi, là phục vụ, nên không thể chấp nhận lối sống đó được.
    • Thích cầu nguyện: cũng có thể là dấu hiệu của ơn gọi, nhưng phải tìm hiểu xem nguyên nhân nào thúc đẩy các em cầu nguyện. Có phải vì các em sống cô đơn, không bạn bè, không có người tâm sự, không biết chia sẻ cùng ai nên các em cầu nguyện để tìm nguồn an ủi? Đời tu là tận hiến cho Thiên Chúa, sống thân tình với Ngài, chứ không phải là nơi tìm an ủi cho bản thân.
    • Nhút nhát, sợ trách nhiệm, sống dựa vào người khác, nên muốn tìm đến đời sống tu như một nơi nương tựa, bảo đảm cho cuộc sống. Đó không phải là dấu hiệu của một ơn gọi.

    Quả thật, ơn gọi là một ân huệ đặc biệt Thiên Chúa ban cho một số người nào đó. Chúa có nhiều cách để gọi các em mà các em không thể ngờ tới được. Điều quan trọng là các em cần phải ý thức và sống theo ý Chúa. Ơn gọi tu trì là một đặc ân nhưng không của Thiên Chúa, nên các em cần tìm hiểu, khám phá và nuôi dưỡng ơn gọi đó. Ngoài ra, các em còn cần dựa trên những yếu tố chính của một ơn gọi tu trì như sau:

    • Có một niềm tin tưởng mạnh mẽ vào Giáo hội và giáo huấn của Giáo hội.
    • Yêu thích đời sống cầu nguyện.
    • Sẵn sàng từ bỏ và hy sinh theo bước Chúa Kitô.
    • Sống vị tha và có khả năng hiến thân phục vụ tha nhân, nhạy cảm trước những nhu cầu của thời đại.
    • Có ý chí vươn lên, khắc phục mọi khó khăn hiện tại trước những đòi hỏi của Tin mừng.
    • Có tinh thần đối thoại, cởi mở và biết lắng nghe tha nhân.

    III. SỰ ĐÁP TRẢ ƠN GỌI

    Tất cả các em đều phải kiên trì tìm ra ơn gọi cho cuộc đời của mình, như phần quan trọng nhất của thánh ý Chúa.

    Ơn gọi chính là một huyền nhiệm, là sự gặp gỡ giữa tự do của ơn Chúa và sự tự do đáp trả của các em. Các em có toàn quyền tự do để đáp lại lời mời gọi của Chúa. Khi dựng nên chúng ta, Chúa không hỏi ý kiến chúng ta. Ngài dựng nên chúng ta vì Ngài yêu thương, Ngài muốn điều tốt đẹp cho chúng ta. Ngài ban cho chúng ta điều qúi giá nhất, đó là sự tự do. Nhưng khi muốn cứu chuộc chúng ta, Ngài cần sự cộng tác của chúng ta, Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta. Vì tự do, chúng ta có thể phản bội Ngài, chống lại Ngài. Sự tự do lựa chọn này luôn tạo ra những giằng co, thử thách, những hy sinh đắng cay và đôi khi cả những tủi nhục. Vậy, để biết đáp trả thánh ý Chúa, các em luôn phải tỉnh thức và sẵn sàng, cầu nguyện và biết lắng nghe.

    1. Tỉnh thức và sẵn sàng

    Các em không thể biết trước được khi nào Chúa mời gọi các em và mời gọi như thế nào. Chúa có thể gọi các em bước theo Ngài vào bất cứ lúc nào trong đời, và bằng nhiều cách khác nhau, tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Tỉnh thức và sẵn sàng sẽ giúp các em đọc ra được những dấu chỉ, những tiếng gọi thầm kín và nhẹ nhàng của Chúa ngay trong cuộc sống hằng ngày.

    Tỉnh thức và sẵn sàng nghĩa là khi Chúa đến, các em gặp được Ngài; khi Ngài gọi: “Hãy theo Ta”, các em nghe được tiếng gọi đó cách huyền nhiệm và “lập tức” đáp lại. Thật vậy, không thiếu những dấu chỉ, những lời gọi mời trong đời sống của các em. Vì thế, tỉnh thức để có thể nghe và hiểu được tiếng Chúa gọi, sẵn sàng để đáp lại một cách quảng đại, không do dự. Hơn nữa, muốn tỉnh thức và sẵn sàng, các em cần phải biết cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa.

    1. Cầu nguyện và lắng nghe

    Cầu nguyện là yếu tố then chốt để biết được thánh ý Chúa. Ơn gọi phát xuất từ Thiên Chúa. Do đó, cầu nguyện để có thể nghe được tiếng gọi của Ngài. Đây là điều kiện không thể thiếu cho một người luôn tỉnh thức và sẵn sàng trước tiếng gọi của Chúa. Dụ ngôn “10 cô trinh nữ” (x. Mt 25,1-13) cho thấy nếu muốn luôn tỉnh thức và sẵn sàng, thì phải luôn dự trữ dầu đầy bình. Dầu ở đây chính là lời cầu nguyện: khi không còn dầu, đèn sẽ tắt; khi không cầu nguyện, con tim sẽ khô héo. Khi cầu nguyện, các em lắng nghe được tiếng Chúa nói.

    Cầu nguyện thực sự là tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự. Bởi đó, để gặp được Chúa và nghe được tiếng Người, các em cần phải liên lỉ cầu nguyện. Khi cầu nguyện liên lỉ, các em sẽ sống kết hợp mật thiết với Chúa. Và nhờ đó, các em càng nghe rõ tiếng Người gọi các em, cũng như biết rõ được ý định của Người. Khiêm tốn lắng nghe tiếng Chúa, các em sẽ nghe được tiếng của Người.

    Các em cần cầu xin Chúa Thánh Thần, Ngài là nguồn gốc mọi ơn gọi và đặc sủng, để xin Ngài mở lòng trí các em, giúp các em luôn tỉnh thức và sẵn sàng, để nghe được tiếng Chúa  và đáp trả tiếng mời gọi của Ngài.

    Kết luận

    Không có một ơn gọi hay một bậc sống nào là dễ dàng cả. Ơn gọi nào cũng đòi hỏi phải bỏ mình, hy sinh và dấn thân. Khi biết được Chúa gọi các em, dù các em cảm thấy bất xứng và yếu hèn, các em cần can đảm, tin tưởng và phó thác vào Chúa, vì “ơn Chúa luôn đủ cho chúng ta” (2Cr 12,9). Các tông đồ ngày xưa là những con người quê mùa chất phát, nhưng Thiên Chúa đã tuyển chọn, để trở thành những sứ giả loan báo Tin Mừng. Thiên Chúa đã tuyển chọn những con người tầm thường, để làm nên những công trình tuyệt tác của Ngài. Như vậy, chúng ta mới nhận thức được rằng đó chính là công trình của Thiên Chúa chứ không phải do người phàm, vì đối với Thiên Chúa không có gì là không thể.

    Đức Cha Lambert khuyên nhủ con cái mình: “Hỡi các nữ tu của cha, chắc hẳn các con thấy được rằng ơn gọi của mình cao trọng dường nào và các con đã chết đi đối với thế gian, nghĩa là đối với các giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để từ nay chỉ sống bằng những châm ngôn, những thực hành và bằng chính đời sống của Chúa Giêsu Kitô”.

    Đức nguyên Giáo Hoàng Benedictô XVI cũng viết: “Ngày nay vẫn vậy, sống trong cộng đồng các môn đệ là Giáo Hội, Chúa Giêsu Kitô kêu gọi đi theo Người”. Ngài cũng đặc biệt mời các bạn trẻ “Hãy trau dồi nét hấp dẫn nơi các giá trị, các mục tiêu nâng cao, các chọn lựa triệt để, để có thể phục vụ tha nhân theo Chúa Giêsu”.

    Trong sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô có viết: “Vào ngày được dành riêng để cầu nguyện cho ơn gọi này, tôi kêu gọi tất cả anh chị em Kitô hữu hãy ý thức trách nhiệm của mình đối với việc chăm sóc và biện phân các ơn gọi”.

    Dịp bế mạc Ngày Giới Trẻ Á Châu lần thứ 7 diễn ra tại Yogyakarta, Indonesia, hướng về Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 34, diễn ra tại Panama vào năm 2019, Đức Thánh Cha khuyến khích các bạn trẻ noi gương Đức Maria là môn đệ thừa sai, can đảm đáp lại ơn gọi của mình và mời gọi các bạn trẻ nhìn lên Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, như là “mẫu gương của người môn đệ thừa sai, thân thưa với Đức Mẹ như với mẹ mình và luôn tin tưởng vào lời chuyển cầu yêu thương của Mẹ. Như thế, khi các bạn trẻ tìm cách theo sát Chúa Giêsu Kitô hơn, thì giống như người thiếu nữ trẻ Nazareth, họ cũng thực sự làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn và để lại dấu ấn làm nên lịch sử”. Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các bạn trẻ ở khắp Châu Á ngày càng chú tâm lắng nghe lời Chúa kêu gọi và đáp lại ơn gọi của mình với đức tin và lòng dũng cảm.

    Nữ tu Cécilia Trần Thị Thanh Hương

    Bài viết liên quan