Người Môn Đệ với Lý Tưởng và Khát Vọng

  • 17/08/2021
  • Theresa Hài Đồng Giê-su đã khát bỏng nên thánh bằng con đường thơ ấu mà Chị đã khám phá trong Tin Mừng, để nên vị thánh bé bỏng của Chúa, một Thiên Chúa tình yêu. Chị dốc toàn lực để không có giây phút nào mà không có sự hiện diện của Chúa trong lòng Chị. Hai mươi bốn xuân xanh, Chị đã trở thành vị đại thánh, với danh hiệu “Tiến sĩ Giáo Hội”. Một nữ tu Dòng Kín mà làm Bổn Mạng các xứ Truyền giáo.

    Mến tặng các Tân Khấn sinh 2021

    • Lời Mở

    Qua cuốn sách tựa đề “Những Người Môn đệ Chúa sai đi”, của Lm. Frank S. Salmani, tôi đọc qua một phần của chương I: “Lý Tưởng và Khát Vọng”. Tôi nghĩ ngay đến các Tân Khấn Sinh, những Em đã can đảm, kiên cường tiến lên, bước tiếp bước ngoặt lịch sử của đời mình – cam kết theo Chúa Ki-tô cứu độ. Tôi mạo muội suy nghĩ và đưa ra chủ đề “Người Môn Đệ Với Lý Tưởng Và Khát vọng” dành riêng cho các Em. Mục đích chủ đề là nêu lên vai trò người tu sĩ, môn đệ thân tín của Đức Ki-tô, là những người Chúa chính thức chọn và sai đi để tiếp nối sứ vụ cứu độ của Người: “Chính Thầy đã chọn các con, và cắt cử chúng con ra đi, sinh được hoa trái” (Ga 15,16).

    Chúng ta cùng tìm hiểu – thế nào là “Lý tưởng” và “Khát vọng”?

    Theo Từ điển tiếng Việt, “Lý tưởng” là những nguyên tắc, những giá trị, những ước vọng cao đẹp mà chúng ta phải tích cực cách tuyệt đối để theo đuổi như một mục tiêu (TheoWikipedia và Wiktionary tiếng Việt). Để dễ hiểu, chúng ta có thể nói: lý tưởng chính là mục đích cao đẹp mà chúng ta hết lòng theo đuổi để đạt cho được.

    * Trong hành trình đời tu, hẳn quý Em ước mong được sống trong một tu viện thánh thiện, chị em yêu thương nhau chân thật, thi nhau tập tành nhân đức, tha thiết kiếm tìm những hy sinh bé bỏng dâng kính Chúa mỗi phút giây như Chị Thánh Theresa nhỏ; luôn khích lệ, đỡ nâng nhau trong sứ vụ tông đồ; phục vụ, giúp đỡ nhau khi đau yếu, bệnh tật phần xác; ủi an, cầu nguyện và đồng hành giúp nhau vượt qua những khó khăn, những thánh giá thử luyện trong đời tu. Đó là niềm hạnh phúc tuyệt vời. Như thế, hạnh phúc là cái đích mà chúng ta phải hết sức nỗ lực để đạt được. Vậy, để đạt được lý tưởng của người môn đệ Chúa, thì luôn đòi hỏi phải hết sức và liên lỉ tu luyện, để chúng ta đạt mục tiêu mà Thầy Chí Thánh đã đề ra.

    *Thứ đến, “Khát vọng” hay khát mong, xin mượn lời Thánh vịnh 41, 2 để minh hoạ:

    “Như nai rừng mong mỏi tìm về suối nước trong, hồn con cũng khát mong tìm về Ngài, ôi! Lạy Chúa!” (Tv 41,2).

    Sự khát mong này đòi hỏi nơi người môn đệ của Chúa phải luôn nóng bỏng, vì nó chính là động cơ không thể thiếu, thúc đẩy họ vượt qua mọi khổ nhọc để đạt tới lý tưởng, tới đích điểm Thầy đề ra.

    Theresa Hài Đồng Giê-su đã khát bỏng nên thánh bằng con đường thơ ấu mà Chị đã khám phá trong Tin Mừng, để nên vị thánh bé bỏng của Chúa, một Thiên Chúa tình yêu. Chị dốc toàn lực để không có giây phút nào mà không có sự hiện diện của Chúa trong lòng Chị. Hai mươi bốn xuân xanh, Chị đã trở thành vị đại thánh, với danh hiệu “Tiến sĩ Giáo Hội”. Một nữ tu Dòng Kín mà làm Bổn Mạng các xứ Truyền giáo.

    Ý thức cùng đích cuộc đời chúng ta là nên thánh, nên đồng hình đồng dạng với Thầy Chí Thánh Giê-su, chúng ta phải liên lỉ nuôi dưỡng khát vọng và thực hiện khát vọng đó từng giờ, từng giây mới mong đạt được lý tưởng.

    Giờ đây, chúng ta sẽ đi vào chủ đề “Người Môn đệ với Lý tưởng và Khát vọng”.

    I. NGƯỜI MÔN ĐỆ

    1. Thế nào là người môn đệ của Chúa

    Môn đệ là người học trò của một người thầy đáng kính (Từ điển Việt-Việt). Đức Giê-su đã kêu gọi các môn đệ: “Hãy theo tôi”. Người môn đệ của Chúa là người bước theo sát bước chân của Thầy, hay nói cách chính xác, là bước vào chính bước chân của Thầy, đến độ căn tính của người môn đệ là phải nên đồng hình đồng dạng với Thầy. Bởi vậy, họ phải đón nhận và thi hành mọi huấn lệnh Thầy đề ra, và tích cực rèn luyện.

    2. Người môn đệ với lý tưởng và khát vọng

    a) Tại sao Chúa Giê-su lại chọn các ngư phủ làm môn đệ đầu tiên?

    Để đạt được lý tưởng và khát vọng, người môn đệ phải chấp nhận rèn luyện trong gian khổ. Cụ thể họ từng dạn dày sương gió, quen chịu giá lạnh giữa biển khơi; từng trải qua những đêm tối giữa sóng gió; không sợ đói, không sợ rét, không sợ bão tố cuồng phong, không sợ cảnh chơi vơi giữa ba đào. Nói chung, họ có khả năng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và nghịch cảnh để đạt cho bằng được nguyện vọng và lý tưởng của mình. Họ là những người đã hết tâm hết lực với công việc họ đang làm. Và hơn thế nữa, khi chấp nhận theo Chúa, họ là những người dám buông bỏ tất cả với sự rỗng không và đặt cuộc sống còn lại trong sự phó thác tuyệt đối vào Thầy.

    Đó là những phẩm chất của người môn đệ Chúa Giê-su. Chính nơi họ, Người đã thể hiện quyền năng trên những gì mà nhân loại coi họ là thấp kém. Vì đường lối Thiên Chúa khác với đường lối con người. Điều Ngài cần nơi họ không phải là cái đang là, mà là cái sẽ là. Họ tầm thường vì mang nhiều khiếm khuyết, nhưng với ơn Chúa, họ sẽ làm nên được những việc phi thường (Mỗi ngày một tin vui). Vâng, mười hai Tông đồ yếu kém về mọi mặt, thế mà đã thay đổi được cả một đế quốc Rôma và cả thế giới sau này nữa. Quả thật, khi Chúa còn sống bên cạnh, các ông còn quê mùa, hay sợ sệt, tham vọng tầm thường, và khi Chúa chết, các ông bỏ trốn vì sợ liên lụy. Thế mà, ngay sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, trong biến cố ngày Lễ Ngũ Tuần, các ông trở nên can đảm, khôn ngoan, và với một đức tin vững mạnh vào quyền năng Thiên Chúa và tin Chúa ở với các ông, hỗ trợ các ông. Sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy: Từ đó, các ông đã dám đấu lý với hết mọi bậc người, ra tù vào khám vì danh Chúa, và các ông đã xây dựng Nước Chúa ngay tại nơi đế quốc đã từng tiêu diệt Thầy mình và cả các ông nữa. Các ông đã trở thành những dụng cụ hữu hiệu trong bàn tay Thiên Chúa toàn năng, Ngài làm được mọi sự Ngài muốn.

    Các ông là những người đầu tiên được Chúa chọn gọi làm môn đệ của Người, làm những trụ cột nòng cốt để xây dựng Hội Thánh (x. Lm. Giuse Đinh Lập Liễm, Đà Lạt).

    b) Họ phải trở nên “muối cho đời” (Mt 5,13)

    Đức Giêsu xác định lý tưởng cho các môn đệ: “Anh em phải là muối cho đời”. Đó là một khẳng định về sứ mạng và mục đích cho họ. Trong sách Xuất Hành chúng ta cũng thấy sự định hướng rõ rệt của Thiên Chúa với dân Người tuyển chọn: “Còn các ngươi, các ngươi sẽ là một vương quốc tư tế cho Ta và một dân tộc thánh” (Xh 19,6). Đức Chúa đã chọn dân Ngài giữa các dân nước và xác định tư cách của họ, Đức Giêsu cũng đã chọn các môn đệ trong loài người và Người xác định sứ mạng cho họ thật rõ ràng: “Anh em sẽ là muối cho đời”, “Hãy nên thánh như Cha anh em là Đấng Thánh (Mt 5, 48). Họ phải sống đúng tinh thần “Tám Mối Phúc Thật” (Mt 5, 1-11). Đức Thánh Cha Phanxico đã xác tín: “Các Mối Phúc là căn tính của người Kitô hữu – đó là tấm thẻ căn cước của chúng ta – bởi vì các Mối Phúc vẽ lên dung nhan của chính Chúa Giêsu cùng lối sống của Người”. Thực hiện Tám Mối Phúc này, đòi hỏi các môn đệ luôn phải lội ngược dòng.

    Quả thực, trong Các Mối Phúc, đề cao sự phân định rõ ràng, sự chọn lựa quyết liệt, nhằm nhấn mạnh giá trị của sự “từ bỏ”, sự “tự huỷ” bản thân để nên môn đệ đích thực của Thầy. Đây là điều kiện tiên quyết, là điều kiện hàng đầu Thầy Chí Thánh đòi hỏi: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình” (Mt 16, 24).

    Trong xã hội của nền kinh tế thị trường này, một xã hội choáng ngợp sự hưởng thụ vật chất mà người môn đệ dám bình tâm đón nhận tinh thần “nghèo khó”, chấp nhận cội nguồn của mình là đất bụi, là hư không, là “không có gì”; một xã hội cạnh tranh mạnh được yếu thua, mà ta lại thanh thản với lối sống “hiền lành”, dễ bị coi thường; hoặc “khao khát nhân đức trọn lành”; và trong một xã hội lãnh cảm, ta lại chọn sống “lòng thương xót”; giữa một xã hội tôn thờ giới tính, một xã hội đang tục hoá, ta lại quyết “sống trong sạch”. Đức Thánh Cha Phanxico xác định: Chúa Giêsu nói với những người sống theo các mối phúc – Người nghèo khó, người hiền lành, người xây dựng Hoà bình, người bị bách hại, họ chính là “muối cho Đời”.

    Những nét đẹp khả ái này phải được khởi đi từ bước chân người môn đệ, bước chân ấy đã đi vào đúng bước chân của Thầy khi bình tâm chấp nhận “huỷ mình”. Bao lâu chúng ta còn bị “cái tôi” đeo bám, tất yếu không thể đi trong hành trình tu trì. Muốn sống cuộc sống hạnh phúc viên mãn, nhiệt tâm trong sứ vụ cứu độ anh chị em, chúng ta phải rắp tâm đi vào con đường “bỏ mình”, “hủy mình ra không”, vì thực chất chúng ta là hư không, là “không có gì”. Thánh Phao-lô đã tả chân về Thầy kính yêu:

    Đức Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nhất thiết phải duy trì địa vị ngang hàng Thiên Chúa, Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, sống trong kiếp phàm nhân, sống như người trần thế. Người đã vâng lời cho đến chết và chết trần trụi trên thập giá” (Pl 2, 1-6).

    c) Họ phải là “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14-16)

    Môn đệ Đức Kitô được thông dự vào sự sáng của Thiên Chúa, như Môsê khi xuống núi mặt ông phản chiếu ánh sáng của Gia-vê Thiên Chúa khi ông tiếp cận với Người. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định: “Hội Thánh là phản ánh ánh sáng của Đức Ki-tô” (x. GLHTCG 748). Bởi đó, người Kitô hữu, nhất là người tu sĩ hiện diện ở đâu, đòi buộc họ phải toả ra ánh sáng huy hoàng của sự thánh thiện. Từ đó, chúng ta cũng có thể khẳng định, chúng ta được tháp vào trong thế gian như một nguồn ánh sáng từ Đức Kitô toả ra cho tất cả mọi người, họ có thể công bố: “Ai thấy tu sĩ là thấy Chúa Giê-su” (x. Ga 14, 6-14).

    Do ơn gọi, người môn đệ phải thông chia ánh sáng thánh đức cho người khác. Họ không được thiếu ánh sáng, và càng không được thiếu trách nhiệm – họ phải tạo được ảnh hưởng tốt trong cộng đoàn và nhất là môi trường sứ vụ. Ánh sáng đây là ánh sáng của “một đời thánh thiện”. Đức Giêsu đã đề cập đến: Thiên Chúa là tình yêu, nên mục tiêu ngày phán xét: Thiên Chúa sẽ xét hỏi chúng ta về tình yêu với anh chị em (Mt 25,31-46); đồng thời, Người dậy các môn đệ sống tinh thần Tám Mối phúc (Mt 5,3-11). Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người hãy trở nên những Kitô hữu đích thực: sống yêu thương và đem Thiên Chúa tình yêu đến cho anh chị em, đem ánh sáng đức tin cho mọi người thân cận và cho nhân loại.

    Là người môn đệ được sai đi, từ bản chất của nhiệm vụ, chúng ta phải như ánh sáng và muối cho người khác. Chính các “việc tốt lành, thánh thiện trong cuộc sống người tu sĩ” thực hiện mỗi ngày giúp chúng ta nên muối và ánh sáng. Việc thực thi các huấn thị của Chúa, những cam kết của chúng ta, phải được chúng ta coi là nhiệm vụ lớn phải rèn luyện. Từ đó, chúng ta phải chịu trách nhiệm về sự thẩm thấu những giá trị của muối và Ánh Sáng Tin Mừng. Như thế, xuyên qua đời sống chúng ta, sự chân thật, thánh thiện sẽ có sức thúc bách và lôi cuốn mọi người thấy được Thiên Chúa, nhận được niềm vui và tình yêu của Người.

    II. NGƯỜI MÔN ĐỆ SỐNG LÝ TƯỞNG VÀ KHÁT VỌNG

    Thánh sử Mac-cô kể rằng:

    “Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

    Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được” (Máccô 10, 17-27).

    Người thanh niên là người tốt, anh giữ được những điều luật thật hoàn hảo. Chúa tỏ ra rất hài lòng về anh. Anh có khát vọng nên hoàn thiện hơn nữa, thế nhưng khát vọng của anh ta có đủ mạnh không, khi Chúa đề nghị anh: “hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi”. Phản ứng của anh: “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải”.

    Chính từ đó, chúng ta lượng giá: khát vọng nơi anh không có sức vươn tới lý tưởng. Hay nói cách khác, anh không có lý tưởng, hoặc lý tưởng của anh rất mờ nhạt, yếu ớt. Chính vì vậy, lời yêu cầu của Chúa chạm vào cái điểm tựa giả tạo rất riêng của anh là của cải. Chạm vào “cái tôi” làm chủ của cải, bám sát anh. Nó trở thành vật cản khó gỡ trong hành trình nên thánh.

    Với con đường nên hoàn thiện, đòi một tinh thần quyết liệt, khao khát đến cháy bỏng một nguyện vọng cao đẹp, một giá trị chân chính. Khát vọng này phải trở nên như hơi thở, như nhu cầu sống của mình, để dốc toàn tâm tập rèn, mới hy vọng đạt mục tiêu, chứ đâu phải chuyện hờ hững, lơ mơ như thế mà nên hoàn thiện, nên một chứng nhân đủ toả sáng mà làm chứng cho Thầy trong môi trường của mình.

    Thánh Luca kể về một người thu thuế tên là Gia-kêu. Ông là thủ lãnh, là Tổng cục thu Thuế, nên ông là một người rất giàu có, và đầy quyền lực, bản thân ông không thiếu gì, nhưng ông chỉ có một khao khát được gặp Chúa Giê-su, mà ông được nghe – Ngài là vị ngôn sứ tuyệt vời, chứa chan tình thương.

    Nghe biết, Chúa Giê-su sẽ đi qua Giê-ri-cô, nhưng dân chúng quá đông, ông lại lùn, nên ông đã leo lên một cây sung bên vệ đường. Do lòng khao khát mãnh liệt, với sự thành tâm được gặp Đức Giêsu, nên ông chẳng còn nghĩ tới sĩ diện, ông đã làm bất cứ điều gì, miễn ông gặp được Người.

    Đứng trên cây sung, Giakêu đang trố mắt nhìn xuống Đức Giêsu, và lạ lùng, chính Đức Giêsu cũng mặc nhiên ngước mắt lên nhìn ông. Mãnh lực nào? Đức Giêsu lên tiếng gọi: “Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại nhà ngươi”. Một lời kêu gọi bất ngờ đối với Giakêu, vì Ngài gọi riêng tên ông, nhưng đối với Chúa thì không. Ta nhận thấy Đức Giêsu biết rõ con người của ông, chứ không phải là một cuộc gặp gỡ tình cờ, ngẫu nhiên, Chúa đã gọi đúng tên ông như đã quen biết ông từ lâu rồi. Chúa tỏ ý muốn vào nhà thăm và ở lại với ông như người bạn thân. Thực ra, chính Chúa thấu suốt và đáp lại khát vọng của ông. Gia-kêu thì quá sung sướng đến sững sờ. Thật quá lòng ước mơ. Ông đã vội vã tụt xuống, mời Đức Giêsu vào nhà và tiếp đãi rất ân cần. Ông đã đón nhận được tình thương chứa chan của Chúa. Trước tình thương này, ông đã bày tỏ cõi lòng: sẵn sàng chia nửa phần tài sản cho kẻ khó và đền bù gấp bốn cho những ai ông đã làm hại. Vì thế Đức Giêsu đã tuyên bố: “Hôm nay, nhà này được ơn cứu độ” (Lc 19,8).

    Lòng khao khát mãnh liệt, với hành vi quyết tìm gặp Chúa, Gia-kêu đã khiến Chúa đáp lại: là đi tìm gặp ông như một kế hoạch đã định trước. Và ông đã thực sự gặp gỡ được Người và đã được ơn hoán cải. Hiện tượng dân chúng đi theo Chúa rất đông nhưng tất cả họ đã không chạm được Chúa. Tiếng xầm xì: “Ông này vào ngụ nơi nhà người tội lỗi”. Tâm trạng này cho thấy họ còn xa Chúa lắm.

    Mac-cô cũng kể về một bà già còng lưng mắc bệnh loạn huyết 12 năm. Đã tán gia bại sản nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Khi nghe biết Chúa đi ngang qua và đến nhà ông Trưởng Hội đường để cứu sống con ông đã chết. Dân chúng chen chúc đi theo rất đông để xem phép lạ. Bà già tin tưởng tuyệt đối và khát khao, được chạm vào gấu áo Chúa để được khỏi bệnh. Bà đã hết sức len lỏi để chạm được gấu áo Chúa. Tức khắc, máu cầm ngay và bà đã khỏi bệnh. Chúa Giê-su hỏi: “Ai đã chạm vào ta, vì từ ta có một năng lực phát ra”. Các môn đệ cằn nhằn, dân chúng chen chúc Thầy vậy mà Thầy còn hỏi “Ai chạm vào ta”. Bà già đã đến thú nhận với Chúa. Người an ủi bà: đức tin của con đã cứu chữa con.

    Quả thật, chỉ một tấm lòng chân thành khao khát Chúa, Chúa mới cho gặp. Người ta đã chen lấn Chúa, nhưng đã không ai chạm được vào Chúa, chỉ trừ người đàn bà tin tưởng mãnh liệt, khao khát chạm được Chúa, để được khỏi bệnh và bà đã được như lòng ước mong.

    Trên con đường nên thánh thiện, nếu ta không hết lòng khao khát và nỗ lực tập luyện mỗi ngày với định hướng rõ ràng – đi tu là tôi đi theo Chúa, Đấng chịu đóng đanh, thì ta không thể nên người thánh được. Và hệ quả tất nhiên, khi hành trình đời tu gặp trắc trở, rắc rối, ta sẽ bị đánh gục thê thảm.

    * Thay lời kết

    Đại dịch covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu; đặc biệt trên Quê Hương Việt Nam thân yêu của chúng ta. Hãy quên đi những gì nơi bản thân ta, những thứ đeo bám làm cản trở “Khát vọng” vươn tới “Lý tưởng” của người tu sĩ – là Phục Vụ anh chị em đang quằn quại trong cơn dịch bệnh, thổi sinh khí đức tin vào Thiên Chúa cho họ, để họ hưởng được niềm hạnh phúc đích thực đời này và đời sau.

    Tôi xin phép được lấy tư tưởng của Cha Frank S. Salmini làm lời kết:

    Khi Chúa Giêsu nói, “Ai muốn theo Thầy phải bỏ mình”, thì tiếng “hãy theo” có ý nghĩa đối với mỗi người mỗi khác. Chúng ta cần đặt mục tiêu của chúng ta cao lên. Chúa Giêsu biết thân phận con người vốn yếu đuối, nhưng Chúa không bao giờ, và không bao giờ làm yếu đi sứ điệp của Người. Khi chúng ta hạ thấp lý tưởng và kỳ vọng nơi chúng ta, đó là lúc chúng ta hạ thấp dòng sông để hạ cây cầu xuống. Điều ấy cho ta thấy vì sao có tình trạng xuống dốc các giá trị và luân lý trong xã hội. Và bản thân chúng ta không thể thánh thiện được. Vì chúng ta vẫn cứ tự bảo rằng, luật ấy nặng quá, luật ấy đòi hỏi nhiều quá nên không nỗ lực trong khi mức đòi hỏi phải cố gắng tuyệt đối. Chúng ta biết rằng, khi chúng ta hạ thấp dòng sông, thì phẩm chất đời tu chúng ta luôn luôn phải chịu thiệt thòi.

    Quả vậy, nếu chúng ta nhắm tới các tinh tú trên trời, thì ít ra trên thực tế chúng ta sẽ đạt tới mặt trăng. Nhưng, nếu chúng ta chỉ nhắm đạt tới mặt trăng mà thôi, có thể chẳng bao giờ chúng ta rời khỏi mặt đất. Lần kia, tôi đọc thấy một bảng hiệu ghi “Nếu bạn nhắm vào cái rỗng không, bạn bắt buộc phải đụng phải cái rỗng không”.

    Vâng, không có một tu sĩ đích thực hay một Nhà Dòng thánh thiện, nếu không có những lý tưởng, những ước mong và tinh thần trách nhiệm cao với ơn gọi, với các linh hồn và với Giáo Hội. Một tu sĩ không khao khát thánh hoá bản thân để đạt được mức thánh thiện trọn hảo, tất không bao giờ trở thành chứng nhân cho Thầy như ơn gọi Thầy đòi buộc. Chúng ta hãy đặt ra cho mình lý tưởng cao nhất, những khao khát rất mực tốt lành, Chúa sẽ đến hỗ trợ chúng ta, vì: “Những gì con người không làm được, thì đối với Thiên Chúa đều có thể” (Mc 10, 27). Chúa Giêsu đã tỏ ra rất thực tế đối với anh thanh niên giàu có. Chúa biết, khuynh hướng duy vật của anh ta luôn luôn cản trở anh vươn lên. Nếu anh không chịu buông ra cái khuynh hướng ấy, thì anh không thể trở thành con người viên mãn.

    Môsê gặp Chúa thường xuyên. Khi ông ở trên núi suốt 40 đêm ngày, lúc xuống mặt ông quá chói sáng vì ông đã được phản chiếu ánh sáng từ nơi Thiên Chúa, đến độ dân xin ông lấy khăn che mặt. Hãy khao khát ẩn sâu trong Chúa như thế để khát vọng mỗi ngày mỗi mãnh liệt hầu đạt tới lý tưởng theo Chúa cách viên mãn Em nhé!

     

    Nữ tu Theresa Nguyễn Thị Mừng, O.P

    Bài viết liên quan