Lạy Chúa, này con đây

  • 09/05/2022
  • Lạy Chúa, này con đây
    Caption

    Một nhà thờ trong một ngôi làng nhỏ nước Đức bị tàn phá vì đệ nhị thế chiến. Khi dọn dẹp nhà thờ, người ta tìm thấy trong đống gạch đổ nát cây thánh giá Chúa chịu đóng đinh bị gãy mất một cánh tay. Có người đề nghị mua một cây thánh giá mới để thay thế cây thánh giá cũ bị hư hại. Sau khi bàn luận, họ quyết định giữ lại bức tượng cũ, nhưng khắc thêm vào đó dòng chữ: “chúng con là cánh tay của Chúa”.

    Vâng, Chúa đang rất cần đôi tay, đôi chân, tiếng nói, quả tim và cả con người chúng ta. Chúa đang cần có các mục tử tốt lành để chăm sóc đoàn chiên của Ngài trên khắp thế giới. Ngài thiết tha mời gọi bạn trẻ: vừa thánh thiện say mê Thiên Chúa, vừa quảng đại hiến thân phục vụ mọi người cách hảo tâm vô vụ lợi, dẫn đưa người ta đến với Chúa là nguồn sống thật.

    Ai đã thực sự gặp được Chúa Giê-su, thì luôn luôn háo hức giới thiệu cho người khác.

    Hạnh phúc của Gioan Tẩy giả, của Anrê, Philipphê, Maria Mađalêna, của phụ nữ Samari… là được thấy Chúa, đi giới thiệu và đem người khác đến với Chúa. Đó là một sợi dây chuyền của ơn gọi tông đồ truyền giáo: “Điều chúng tôi đã nghe, đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Chúng tôi loan báo cho anh em, để anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi,…với Chúa Cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Người” (1 Ga 1,1.3). Nếu các môn đệ tông đồ Chúa xưa không nhanh nhẹn nhiệt thành hăng say ra đi rao giảng Tin Mừng, thì làm gì có được Hội Thánh đông đảo như hiện nay trên khắp thế giới?

    Hôm nay, Giáo Hội nhìn lên Chúa Giê-su với danh hiệu Chúa “là Mục tử tốt lành”, “mục tử lành nghề”, “mục tử giỏi, chuyên nghiệp”. Ngài là “Chúa Chiên Lành”: biết từng con chiên, yêu thương, chăm sóc con chiên. Ngài chấp nhận hy sinh mọi sự, kể cả mạng sống mình vì đàn chiên. Đàn chiên đó là Giáo Hội, là tất cả chúng ta, những người đã được rửa tội và tin yêu Chúa.

    Ngài thiết tha mời gọi: “Anh em hãy ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái “(Ga 4,35). Đồng lúa cần có người chăm sóc; đến mùa cần có thợ gặt, máy gặt…

    Ðây là vấn đề sống còn của Giáo Hội. Nhiều nơi trên thế giới đang thiếu linh mục trầm trọng.

    Dịch bệnh do Covid-19 vừa qua đã tạo thêm thảm họa. Riêng tại nước Ý đã có gần 120 linh mục, tại nước Tây Ban Nha có trên 70 linh mục, chưa kể các nữ tu ở nhiều quốc gia, vì quảng đại hiến thân phục vụ các bệnh nhân, đã hiến thân chịu chết. Số linh mục nữ tu vì thế ngày càng giảm sút. Chúa đang cần các mục tử tốt lành để thay mặt Ngài, tiếp tục công việc nuôi dưỡng, chăm sóc, phát triển đoàn chiên của Ngài trong thế giới. Đó là các Giám mục, Linh mục, tu sĩ và tông đồ thừa sai. Được Chúa gọi, để đi gọi kẻ khác về cho Chúa. Chính các vị là những cánh tay nối dài của Chúa, để tiếp tục công trình cứu chuộc trần gian. “Vắng bóng một linh mục đích thực là một thảm họa không tên” (Madeleine Delbrêl). Một giáo xứ vắng bóng linh mục trong 20 năm, hậu quả thật khủng khiếp: ở đó người ta sẽ thờ lạy các thú vật (cha thánh Gioan Maria Vianê).

    Lấy đâu ra thợ gặt? Các Linh mục tu sĩ hiện đang ở đâu? Chớ lầm tưởng rằng tại Tòa Giám Mục đang có sẵn các linh mục. Chớ nghĩ lầm rằng tại các tu viện đang đầy ắp các tu sĩ. Cứ viết đơn, cứ trình thỉnh nguyện, tức khắc có ngay cha sở, chị sở!

    Không phải thế! Vậy thì các linh mục (tương lai), các nữ tu (tương lai) hiện đang ở đâu?

    – Thưa, đang ở trong gia đình ông bà anh chị em, đang ở trong giáo xứ chúng ta đây. Mỗi gia đình là một chủng viện; mỗi giáo xứ, mỗi họ đạo là một tu viện; mà ông bố là cha giám đốc, bà mẹ là chị bề trên…Gia đình, giáo xứ, họ đạo là những mảnh đất màu mỡ, có nhiệm vụ gieo cấy, ươm mầm, trồng tỉa, chăm sóc các ơn gọi tu trì tận hiến. Hằng tuần, ông bà anh chị em có thói quen tốt lành dâng cho Chúa tiền oi, hương hoa, trái quả, thì giờ, công sức phục vụ nhà Chúa. Thế nhưng không gì đẹp lòng Chúa, làm Chúa vui thích, cho bằng dâng con cái, cháu chắt, đi tu tận hiến cuộc đời cho Nước Chúa và phục vụ các linh hồn.

    Muốn con cháu đi tu, ông bà cha mẹ phải TU trước: tu thân, tích đức, luyện tính. Cây tốt sinh trái tốt. Cây xấu không thể sinh trái tốt được (x Mt 7,17-18). Kinh nghiệm ngàn đời trong Giáo Hội: mọi ơn gọi Linh mục, tu sĩ… đều phát xuất từ những gia đình và cộng đoàn “chuyên cần nghe Lời Chúa, hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự thánh lễ và không ngừng cầu nguyện “(x Cv 2,42); hăng say năng nỗ làm việc tông đồ tại giáo xứ, và truyền giáo tại thôn làng phường xã mình đang sống. Gia đình là cái nôi của ơn gọi linh mục và đời sống thánh hiến: Gia đình là trường mẫu giáo, từ đó trong tương lai sẽ có các linh mục, tu sĩ, cha mẹ và tín hữu tốt lành. Nếu con cái được giáo dục đúng cách, chúng sẽ dễ dàng đáp trả ơn gọi tận hiến vì Nước Trời. Quý vị phụ huynh hãy truyền đạt các giá trị Phúc Âm cho con cái bằng việc huấn luyện vững chắc về mặt nhân bản và Kitô, phá vỡ sự suy đồi đạo đức của người trẻ trong xã hội.

    Các con thiếu nhi thân mến,

    Hạnh phúc quý nhất, niềm vui lớn nhất của các gia đình công giáo là có con cháu được chọn gọi làm Linh mục, nữ tu… Các con hãy cho ông bà cha mẹ niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao cao quý ấy, bằng cách ngay bây giờ, chúng con sống làm sao, học hành thế nào, để sau này được Giáo Hội chọn gọi vào chủng viện, tu viện, để được huấn luyện đào tạo thành Linh mục, tu sĩ. Các con hãy ý thức rằng: “Chẳng có lý tưởng nào cao đẹp đáng hy sinh cuộc đời cho bằng hiến thân cho Chúa Ki-Tô vì Nước Trời” (Thánh Gioan Phaolô II).

    Ngày Lễ Lá tại Đền Thờ Thánh Phêrô (ngày 5.4.2020), khi suy niệm về tai họa do siêu virus Covid-19 gây ra cho nhân loại, ĐTC Phanxicô mời gọi mọi người khám phá thấy : cuộc sống sẽ chẳng là gì nếu thiếu đi việc giúp đỡ tha nhân.

    Hướng về các bạn trẻ, Ngài nói một cách thực tế và xác đáng về tình yêu: “đừng sợ dấn thân, đừng sợ trao tặng. Các con hãy nhìn vào các anh hùng thực sự, xuất hiện trong những ngày này: họ không phải là những người có danh tiếng, tiền bạc, thành công. Đúng hơn, họ là những người tình nguyện hiến thân, dấn thân hy sinh, để phục vụ người bệnh. Họ cảm thấy được Chúa mời gọi, để đặt cuộc sống của chính mình vào cuộc đời tha nhân. Các con đừng ngại tiêu hao cuộc sống mình vì Chúa và cho người khác, các con sẽ tìm thấy sự sống! Sự sống là một món quà, món quà ấy chỉ nhận được bằng cách cho đi chính mình. Niềm vui sâu xa nhất lớn lao nhất, là nói “có” với tình yêu, không nói kiểu “nếu”, không nói kiểu “nhưng”. Chính Chúa Giêsu đã sống như thế, đã làm như thế vì chúng ta, cho chúng ta “.

    Ước gì mỗi chúng con noi gương ngôn sứ Isaia, có đôi tai biết lắng nghe, có quả tim quảng đại hiến dâng và đôi môi mau mắn đáp lại tiếng Chúa kêu mời: ”Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi “(Is 6,8).

     

    Phạm Ngọc

    Bài viết liên quan