"Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người."
Lời Chúa:
1Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, 2và hỏi: "Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người." 3Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. 4Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. 5Họ trả lời: "Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: 6"Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen dân Ta sẽ ra đời".
7Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. 8Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: "Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người." 9Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. 11Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. 12Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình.
Học hỏi:
Bạn biết gì về con người của vua Hêrôđê ? Tại sao vua này lại xao động khi nghe tin Đức Vua dân Do-thái mới sinh? Đọc Lc 2,1-3. Tại sao vua này lại hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao xuất hiện? Đọc Mt 2,7.
Vào thời xưa, người ta tin rằng khi có một vị đại vương hay một vĩ nhân chào đời, trên bầu trời sẽ xuất hiện dấu hiệu gì? Đọc sách Dân số 24,1-17.
Bạn biết gì về các nhà chiêm tinh? Họ đại diện cho ai? Tại sao trước đây họ được gọi là Ba Vua? Đọc Tv 72,10-11 và Isaia 60,3-6.
Mục đích của các nhà chiêm tinh khi lên đường là gì ? Có mấy động từ bái lạy trong đoạn Tin Mừng này? Đâu là ý nghĩa của cử chỉ bái lạy ? Đọc Mt 4,9-10; 14,33; 15,25; 28,9.17.
Tìm những đoạn văn nói về ngôi sao trong bài Tin Mừng này? Bạn có tin thực sự có một ngôi sao đặc biệt như vậy không?
Để các nhà chiêm tinh gặp được vị Tân Vương, họ đã phải chuẩn bị và cố gắng như thế nào? Họ có lòng tin lớn không?
Nhờ đâu mà các nhà chiêm tinh gặp được Vua của người Do-thái?
8. Khi kể lại chuyện các nhà chiêm tinh đến bái lạy , thánh Mát-thêu muốn truyền đạt cho chúng ta thông điệp quan trọng gì? Đọc Mt 12,21; 28,19-20.
GỢI Ý SUY NIỆM: Thiên Chúa có muôn ngàn cách để dẫn đưa người chưa biết Chúa đến với Ngài. Theo bạn, việc thờ cúng tổ tiên hay làm nghiên cứu khoa học có thể là những con dẫn đến Chúa không?
PHẦN TRẢ LỜI
Vua Hêrôđê này là Hêrôđê Cả, là cha của Hêrôđê Antipas người giết Gioan Tẩy giả (Mt 14,3). Hêrôđê Cả không phải là người Do-thái, do Rôma đặt lên, thực sự cai trị vùng Giuđêa từ năm 37 trước công nguyên. Ông qua đời năm 4 trước công nguyên. Bởi đó người ta cho rằng Đức Giêsu đã sinh ra vài năm trước đó. Ông này có chứng hoang tưởng. Ông sợ những ai có thể chiếm ngôi vua của ông nên đã giết nhiều người, thậm chí giết các con trai của mình và bà vợ người Do-thái. Không thấy có tài liệu lịch sử nào nói về việc ông giết con trẻ ở Bêlem, nhưng đối với một người tàn bạo như ông, chuyện đó có thể đã xảy ra. Chúng ta hiểu tại sao ông hoảng loạn khi nghe tin một vị tân vương của người Do-thái mới chào đời (Mt 2,3).
Ngày xưa, người ta coi bầu trời đêm như một cuốn sách mở ra. Các nhà chiêm tinh là những người chuyên môn, nên có thể đọc được cuốn sách ấy. Người ta tin rằng khi một vĩ nhân hay một vị đại vương chào đời, sẽ có sự xuất hiện một ngôi sao mới, một ngôi sao khác thường. Trong sách Dân số, dưới sự linh hứng mạnh mẽ của ĐỨC CHÚA, một ngôn sứ dân ngoại là Bi-lơ-am (hay Balaam) đã tuyên sấm về sự xuất hiện của một vì sao: “Tôi thấy… một vì sao xuất hiện từ Gia-cóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ítraen” (Ds 24,17). Lời sấm này thường được hiểu là ám chỉ về một vị vua Mêsia thuộc dòng Đa-vít.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, có một số vị từ Phương Đông đến bái yết Hài Nhi Giêsu mà họ tin là Vua dân Do-thái mới sinh ra. “Phương Đông” ở đây là các vùng Arabia (Ả-rập), Babylon (Irak), Media, Persia (Iran). Các vị trong bài Tin Mừng (magoi) hẳn là những nhà chiêm tinh, có khả năng quan sát các vì sao trên bầu trời, từ đó họ khám phá những dấu hiệu cho thấy sự chào đời của một vị tân vương. Các nhà chiêm tinh đại diện cho dân ngoại và cho giới trí thức, khoa học thời bấy giờ. Trước đây, ta quen gọi các vị này là Ba Vua, coi họ như những vị vua vì dựa trên Thánh vịnh 72,10b: “Cả những vua Ả-rập, Xơ-va, cũng đều tới tiến dâng lễ vật,” và dựa trên ba lễ vật quý giá họ đem tới là vàng, nhũ hương và mộc dược để khẳng định là có ba vị.
Các nhà chiêm tinh đã làm một hành trình lâu dài, qua hàng ngàn cây số. Có thể họ đi từ Persia (Iran) đến tận đất Ítraen, dưới sự dẫn đường của ngôi sao lạ. Họ vào thẳng thủ đô là Giêrusalem để hỏi thăm về vị vua mới của người Do-thái. Họ nói rõ mục đích của cuộc hành trình vất vả này, đó là đến để bái lạy vị vua mới (Mt 2,2.11). Đối với họ, vị vua mới này có tầm quan trọng không chỉ cho người Do-thái, mà còn cho cả thế giới. Tin Mừng Mát-thêu thường dùng động từ bái lạy (proskuneô) để diễn tả lòng tôn kính đặc biệt. Bái lạy là phủ phục dưới chân, đôi khi có nghĩa là thờ phượng như lời Đức Giêsu nói với quỷ ở Mt 4,10. Các môn đệ Đức Giêsu thường bái lạy Thầy của mình (Mt 14,33; 28,9.17; xem thêm Mt 15,25).
Ngôi sao của vị tân vương có nhiều chuyển động khác nhau. Trước hết vào một thời điểm nào đó (Mt 2,7), ngôi sao này bắt đầu hiện lên (Mt 2,2), và các nhà chiêm tinh đã trông thấy, đã nhận ra (Mt 2,2.9). Có vẻ ngôi sao này đã dẫn đường cho họ đến Giêrusalem, rồi lại biến đi. Sau khi gặp Hêrôđê, họ lên đường đi Bêlem. “Và này ngôi sao họ đã thấy lúc nó hiện lên, đi trước họ, cho đến khi ngôi sao ấy đến và dừng lại trên nơi Hài Nhi ở” (Mt 2,9). Khi thấy ngôi sao, họ vui mừng khôn xiết (Mt 2,10). Nhiều người cho rằng vì sao này có thực, coi đây là một sao chổi (comet), một ngôi sao cực sáng (supernova) hay một giao hội của nhiều hành tinh. Tuy nhiên, theo lối mô tả trên đây của Mát-thêu, chúng ta thấy khó có ngôi sao nào chuyển động như vậy. Bởi đó, ta nên hiểu ngôi sao này theo nghĩa bóng. Ngôi sao tượng trưng cho một dấu hiệu đặc biệt Thiên Chúa ban, nhằm giúp những nhà chiêm tinh ngoại giáo đến gặp vị Vua mới sinh là chính Con Thiên Chúa.
Chắc chắn, các nhà chiêm tinh đã chuẩn bị cẩn thận cho chuyến đi xa này, chấp nhận vất vả hiểm nguy. Họ khao khát, hy vọng gặp vị vua mới sinh. Khi gặp được Ngài trong một ngôi nhà ở Belem, chứ không phải trong cung vua ở Giêrusalem, họ vẫn tin và khiêm tốn bái lạy, dâng lên những lễ vật quý giá của nước mình. Lòng họ đầy ắp niềm vui mãn nguyện của người tìm kiếm và đã tìm thấy.
Để gặp được vị Tân Vương, các nhà chiêm tinh đã dùng kiến thức và sự khôn ngoan của mình để nhận ra ngôi sao lạ trên bầu trời. Họ thấy và hiểu ý nghĩa của hiện tượng mà người khác không thấy, không hiểu. Và họ đã can đảm lên đường. Nhưng để gặp được vị Vua, họ còn cần kiến thức của giới lãnh đạo Do-thái giáo, cần ánh sáng của Lời Chúa để có thể gặp Vua ở Belem (Mica 5,2).
Qua bài Tin Mừng, thánh Mát-thêu muốn cho thấy Tin Mừng không chỉ dành cho dân Do-thái, nhưng cho cả mọi dân tộc, mọi người, cả người giàu có, trí thức và quyền lực. Ai cũng có cơ may gặp được Con Thiên Chúa nếu chấp nhận lên đường, buông bỏ mọi sự, và tận tâm tìm kiếm chân lý. Thiên Chúa có những ngôn ngữ riêng để mặc khải cho từng người, từng dân tộc.