25 Khi ấy, có nhiều đám đông cùng đi với Chúa Giêsu, Người ngoảnh lại bảo họ rằng: 26 "Nếu ai đến với Ta mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Ta. 27 Còn ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không thể làm môn đệ Ta. 28 Và có ai trong các ngươi muốn xây tháp mà trước tiên không ngồi tính toán phí tổn cần thiết, xem có đủ để hoàn tất không,29 kẻo đặt móng rồi mà không thể hoàn tất, thì mọi người xem thấy sẽ chế diễu người đó rằng: 30 "Tên này khởi sự xây cất mà không hoàn thành nổi". 31 "Hoặc có vua nào sắp đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên không ngồi suy nghĩ xem mình có thể đem mười ngàn quân ra đương đầu với đối phương dẫn hai mươi ngàn quân tiến đánh mình chăng? 32 Bằng chẳng nổi, thì khi đối phương còn ở xa, vua ấy sai một phái đoàn đến cầu hoà. 33 Cũng thế, bất kỳ ai trong các ngươi không từ bỏ tất cả của cải mình có, thì không thể làm môn đệ Ta".
Câu hỏi:
1. Trong bài Tin Mừng hôm nay có bao nhiêu câu "...thì không thể làm môn đệ tôi được"?
Theo ý bạn, làm môn đệ của Đức Giêsu ở thế kỷ 21 có khó không? Hẳn là bạn phải từ bỏ nhiều điều, nhưng từ bỏ điều gì là khó nhất đối với bạn?
PHẦN TRẢ LỜI
Có 3 câu “…, thì không thể làm môn đệ Tôi được” trong bài Tin Mừng hôm nay: Lc 14, 26.27.33. Qua lối nói này, Đức Giêsu cho thấy để được làm môn đệ của Ngài thì dứt khoát phải hội đủ điều kiện được nêu ra trong phần trước của câu. Đó là dứt bỏ cha mẹ, vác thập giá, hay từ bỏ mọi sự mình có. Tin Mừng Mát-thêu dùng một lối nói khác: “…thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 37-38).
Đức Giêsu vẫn đang trên đường lên Giêrusalem. Một đám đông dân chúng “cùng đi đường với Ngài” (Lc 14, 25). Qua việc Đức Giêsu “quay lại bảo họ” (Lc 14, 25) ta thấy có vẻ Đức Giêsu đi trước, còn họ là những người đang đi sau Ngài. Tuy đi sau, nhưng đám đông này chưa phải là môn đệ thực thụ của Đức Giêsu. Có thể nói, họ mới chỉ là những môn đệ tiềm năng. Muốn làm môn đệ của Đức Giêsu, trước hết cần phải từ bỏ tất cả, rồi sau đó mới thật sự đi theo (Lc 5, 11.27-28; 9, 23; 18, 22.28).
Nguyên văn câu Lc 14, 26 là: “Ai đến với Tôi mà không ghét cha mẹ, vợ con…” Bản dịch tiếng Việt đã thay động từ “ghét” bằng động từ “dứt bỏ” để tránh hiểu lầm. Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Đức Giêsu đòi người ta ghét cha mẹ (ngược với điều Ngài nói phải thờ cha kính mẹ ở Lc 18, 20). Nhưng trong ngôn ngữ của người Do-thái, “ghét” có thể có nghĩa là “yêu ít hơn” (xem Mát-thêu 10, 37-38). Trong Lc 16, 13 ta cũng thấy Đức Giêsu khẳng định: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc anh ghét chủ này mà mến chủ kia…” Ghét nghĩa là yêu ít hơn, vì không thể yêu hai chủ bằng nhau được.
Dựa trên Lc 14, 26 ta thấy Đức Giêsu đòi những kẻ muốn làm môn đệ Ngài phải có khả năng đặt Ngài lên trên cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống của mình. Họ hàng ruột thịt và mạng sống là những giá trị cao quý, nhưng Đức Giêsu là một Giá trị trổi vượt trên mọi giá trị. Người muốn làm môn đệ Đức Giêsu phải hy sinh những giá trị khác. Còn trong Lc 9, 59-62 ta thấy Đức Giêsu đòi ai muốn theo Ngài phải đặt Ngài lên trước mọi liên hệ gia đình máu mủ. Nói chung, Đức Giêsu đòi người môn đệ phải đặt Ngài lên trên và lên trước mọi thụ tạo.
Trong Lc 14, 27 Đức Giêsu đòi những kẻ muốn làm môn đệ phải có khả năng vác thập giá của mình và đi theo Ngài. Vác thập giá là hành động cuối cùng của người sắp bị đóng đinh. Người ấy phải vác thập giá của mình đến nơi hành hình. Hình phạt thập giá vừa gây ra đau đớn và cái chết, vừa làm nhục nhã ê chề. Vác thập giá chính là “ghét mạng sống” (Lc 14, 26). Họ vác theo sau Đấng đã vác thập giá đi trước mình. Môn đệ là người vác thập giá, không chỉ một lần là đủ, nhưng vác mỗi ngày (Lc 9, 23). Như thế người môn đệ phải chấp nhận một sự từ bỏ mình thường xuyên, một cái chết liên tục nơi chính mình.
Có hai dụ ngôn trong Lc 14, 28-32. Dụ ngôn thứ nhất về một người định xây tháp (Lc 14, 28-30) và dụ ngôn thứ hai về một vị vua định giao chiến với một vị vua khác (Lc 14, 31-32). Hai dụ ngôn có những nét giống nhau. Chúng đều nói đến chuyện một người muốn làm một việc khó khăn và quan trọng (xây tháp hay giao chiến). Hai người này đều “trước tiên ngồi xuống” (các câu 28 và 31) để suy nghĩ xem mình có thể hoàn thành được việc này không, có đủ tiền để xây tháp hay đủ sức để đương đầu quân địch không. Họ sợ bị chế giễu nếu để công trình xây tháp dang dở, hay sợ bị thua vì quân địch đông hơn.
Đức Giêsu kể hai dụ ngôn ở Lc 14, 28-32 để nhắc nhở những ai muốn đi theo làm môn đệ Đức Giêsu. Đây là một việc rất đòi hỏi, vì thế cần cân nhắc xem mình có đủ nguồn lực để làm công việc khó khăn này không, có đủ quảng đại để hy sinh từ bỏ những điều quý giá đối với mình không. Nói đúng hơn, mình có đủ ơn Chúa để đi con đường này không. Trong thực tế, đã có những môn đệ không thể theo Thầy đến cùng, như Giuđa Iscariốt (Ga 6, 71) hay nhiều môn đệ khác trong Ga 6, 66.
Trong Lc 14, 33 Đức Giêsu đòi “mọi người trong anh em phải từ bỏ tất cả những gì mình có” để có thể làm môn đệ Ngài. Tin Mừng Luca hay dùng từ “tất cả” để nhấn mạnh đến tính tận căn của đòi hỏi của Đức Giêsu. Ngài đòi bỏ tất cả (Lc 14, 33), bán tất cả (Lc 18, 22). Và các môn đệ cũng đã bỏ tất cả để đi theo Ngài (Lc 5, 11.28).
Chỉ Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, mới có quyền đòi hỏi chúng ta đặt mọi thụ tạo dưới Ngài.. Chỉ khi tin Đức Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể, chúng ta mới sẵn sàng đặt mọi sự dưới Ngài, và từ bỏ tất cả để được làm môn đệ của Ngài. Nhưng cũng nên nhớ, chính Ngài đã mang phận người vì chúng ta, đã vác thập giá và chết cho chúng ta.