Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 6 Phục Sinh năm C

  • 20/05/2022
  • Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.

     

    Lời Chúa: Ga 14,23-29

    23 Đức Giê-su đáp: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.25Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

    27 Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.28 Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em". Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.

     

    Câu hỏi:

    1.  Đức Giêsu nói những lời trong bài Tin Mừng này trong bối cảnh nào?

    2.  Đọc Ga 14, 21 và 14, 23. Hai câu này có những điểm giống nhau nào? Và có những khác biệt nào?

    3.  Khi nào thì những lời hứa của Đức Giêsu trong Ga 14, 21.23 được thực hiện?

    4.  Đức Giêsu nhắn nhủ tuân giữ các điều răn (câu 21) hay tuân giữ lời (câu 23). Điều răn nào hay lời nào vậy?

    5.  Theo Cựu Ước, Thiên Chúa ngự ở đâu? Đọc thêm Ga 2, 19-21. Bây giờ Thiên Chúa ngự ở đâu?

    6.  Đọc Ga 14, 26. Thánh Thần là ai? Thánh Thần làm gì cho người tín hữu? Thánh Thần có dạy điều gì mới lạ so với lời dạy của Chúa Giêsu không?

    7.  Có những điều gì Đức Giêsu nói ở Ga 14, 26-29 nay đã được ứng nghiệm ở Ga 20, 11-29?

    8.  Chúa Cha cao trọng hơn Thầy: phải hiểu câu này như thế nào cho đúng?

    GỢI Ý CẦU NGUYỆN: Chúng ta đang ở cuối mùa Phục sinh. Chúa Phục sinh đã thay đổi gì trong cuộc sống của tôi? Tôi có được hưởng niềm vui và bình an của Ngài không, hây tôi vẫn xao xuyến, sợ hãi?

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Bài Tin Mừng hôm nay vẫn nằm trong phần những lời Đức Giêsu từ biệt các môn đệ trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. Cuộc chia ly sắp đến chắc chắn sẽ là một thử thách lớn đối với họ. Đức Giêsu sẽ không còn ở gần các môn đệ về mặt thể lý như xưa, nhưng thực ra Ngài vẫn ở lại với họ (Ga 14, 23). Hơn nữa, Thánh Thần là Đấng Bảo trợ cũng sẽ đến với họ (Ga 14, 26). Đức Giêsu ra đi nghĩa là về lại với Chúa Cha, bởi đó Ngài khuyên các ông đừng mất bình an, đừng xao xuyến hay sợ hãi (Ga 14, 27), nhưng hãy vui và tin tưởng (Ga 14, 28-29).
    2. Hai câu Ga 14, 21 và 14, 23 có nhiều điểm giống nhau, và đôi điểm khác nhau. Có một sự đảo ngược trật tự, dù ý nghĩa như nhau: “Ai có các điều răn của Thầy và tuân giữ chúng, người ấy là kẻ yêu mến Thầy” (Ga 14, 21) // “Ai yêu mến Thầy, người ấy sẽ tuân giữ lời Thầy” (Ga 14, 23). Kết quả của tình yêu đối với Thầy là: “người ấy sẽ được Cha của Thầy yêu mến” (Ga 14, 21) // “Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy” (Ga 14, 21.23). Có sự khác biệt trong phần cuối của hai câu 21 và 23: “Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ chính mình cho người ấy” (Ga 14, 21) // “Chúng Ta (=Cha và Thầy) sẽ đến với người ấy và làm nhà bên người ấy” (Ga 14, 23).
    3. Trong Ga 14, 21, Đức Giêsu hứa “sẽ tỏ chính mình cho người ấy.” Còn trong Ga 14, 23 Ngài hứa “Cha Thầy và Thầy sẽ đến và làm nhà bên người ấy.” Có thể nói, Đức Giêsu đã thực hiện lời hứa này khi Ngài hiện ra với các môn đệ sau khi Ngài được phục sinh. Các lần hiện ra là những lần Ngài tỏ mình cho các ông (x. Ga 21, 1.14). Các lần hiện ra cũng là những lần Ngài đến với các ông (x. Ga 20, 19.26).
    4. Đức Giêsu nhắc nhở các môn đệ “tuân giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14, 15.21). Trong Ga 13, 34, Đức Giêsu lại nói về “một điều răn mới” mà các ông phải giữ, đó là điều răn yêu thương nhau như Thầy đã yêu họ. Ngài đòi họ phải tuân giữ lời của Ngài (Ga 14, 23). Tuân giữ Lời của Thầy là thực hành Lời Thầy mời gọi: “anh em cũng phải rửa chân cho nhau” và “anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14-15). Vậy có thể nói việc mỗi người tuân giữ Lời hay các điều răn của Thầy là việc rất quan trọng. Các môn đệ yêu thương và phục vụ nhau dẫn đến tình yêu khắng khít của họ với Chúa Cha và Chúa Giêsu, và dẫn đến việc Cha và Con ở lại nơi từng người môn đệ. Tâm hồn người ấy sẽ trở nên nhà của Thiên Chúa, trở nên như thiên đàng, nơi Thiên Chúa ngự trị (Ga 14, 23).
    5. Cựu Ước thường quan niệm Thiên Chúa ở trên trời. Các thiên thần ở Belem ca hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời.” Trong Kinh Lạy Cha, ta cũng thấy Đức Giêsu dạy ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Còn ở dưới đất, người Do-thái coi Đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự. Khi đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền thờ, Đức Giêsu đã gọi Đền thờ Giêrusalem là “nhà của Cha tôi” (Ga 2, 16). Đền thờ dưới đất là “nhà của Thiên Chúa.” Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn nói đến một ngôi đền thờ khác, đó là đền thờ trong tâm hồn của từng tín hữu biết tuân giữ các lời của Thầy. Ngài nói đến chuyện Cha của Thầy và chính Thầy sẽ đến, sẽ làm nhà nơi người ấy (Ga 14, 23). Như thế Thiên Chúa bắt đầu cư ngụ trong tâm hồn tín hữu ngay từ đời này rồi. Thiên đàng đã bắt đầu từ trần gian rồi, tuy nhiên, chúng ta vẫn chờ một thiên đàng trọn vẹn và bền vững hơn ở đời sau, nơi chúng ta được ở với Chúa Giêsu mãi mãi (Ga 12.32; 14, 2-3; 17, 24).
    6. Đức Giêsu nhận mình là Đấng được Chúa Cha sai phái (Ga 14, 24). Hơn nữa, nhân danh Chúa Giêsu, Chúa Cha còn sai phái một Đấng khác, đó là Chúa Thánh Thần, là Đấng Bảo trợ (paraklêtos, Ga 14, 26). Đấng Bảo trợ sẽ là Đấng bênh vực, nâng đỡ, bảo vệ các môn đệ, khi Chúa Giêsu không còn ở bên các ông, nhưng về trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Hơn nữa, nhiệm vụ của Đấng Bảo trợ hay Thánh Thần, là “dạy anh em mọi sự và làm anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26). Như vậy Thánh Thần là một vị Thầy tiếp nối công việc dạy dỗ của Thầy Giêsu. Nhưng Thánh Thần không dạy những điều khác lạ với những gì Thầy Giêsu đã dạy. Thánh Thần nhắc nhớ lời dạy dỗ của Thầy Giêsu để giúp các ông hiểu sâu hơn, và từ đó đưa các ông đi sâu hơn vào mầu nhiệm.
    7. Ở Ga 14, 26-29 Đức Giêsu nói nhiều điều: Ngài đi và Ngài đến với các môn đệ (Ga 14, 28), Chúa Cha sẽ sai phái Thánh Thần đến cho các môn đệ nhân danh Thầy (Ga 14, 26), Ngài ban bình an cho họ, ngay lúc họ xao xuyến và sợ hãi (Ga 14, 27), các môn đệ sẽ vui mừng vì Thầy đi đến cùng Chúa Cha (Ga 14, 28). Tất cả những điều trên ta đều gặp thấy trong Ga 20, 11-29. Ta thấy Chúa Giêsu đến với các ông (Ga 20, 19.26), Thánh Thần được ban (Ga 20, 22), bình an được chúc ba lần (Ga 20, 19.21.26), các môn đệ có xao xuyến và sợ hãi (Ga 20, 19), sau đó lại vui mừng (Ga 20, 20), vì Thầy Giêsu lên cùng Chúa Cha (Ga 20, 17).
    8. “Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28). Chúa Giêsu là Ngôi Lời, là Con Một Thiên Chúa và là Thiên Chúa Con (Ga 1, 1-18), đồng bản thể với Chúa Cha, và ngang hàng với Chúa Cha. Nhưng Ngài đã được Chúa Cha sai xuống thế làm người, mang lấy phận người như chúng ta, và mang tên Giêsu (Ga 1, 14). Trong tư cách là người được Chúa Cha sai, Đức Giêsu chấp nhận ở vị thế thấp hơn Chúa Cha, và hoàn toàn vâng phục Chúa Cha trong mọi sự. Đó là mầu nhiệm tự hạ của Chúa Giêsu, dù Ngài vẫn luôn ngang hàng với Chúa Cha (Pl 2, 6-11).

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

     

    Bài viết liên quan