Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Phục Sinh năm C

  • 13/05/2022
  • “Này Simôn, con Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”

    Học hỏi Phúc âm: Chúa nhật 3 Phục Sinh năm C

    1.  Trong Tin Mừng Gioan, từ chương 1 đến chương 20, có chỗ nào nói rằng các môn đệ làm nghề đánh cá không? Đọc Ga 21, 1-3. Nhóm môn đệ này gồm những ai? Nhóm này có “người môn đệ Chúa yêu” không?

    2.  Đọc Ga 21, 1-3 và cho thấy nhóm bảy người này đã có một tình bạn thân thiết.

    3.  Tìm những điểm chung trong hai mẻ cá ở Lc 5, 4-6 và Ga 21, 6.

    4.  Các môn đệ không sao kéo nổi (Ga 21, 6). Kéo là việc của ai? Đọc Ga 6, 44; 12, 32. Tự sức các môn đệ có kéo được không? Đọc Ga 15, 4-5.

    5.  Ai là người nhận ra Đấng phục sinh đầu tiên? Đọc Ga 20, 7-8. Khi nhận ra, anh ấy làm gì?

      Khi Phê-rô nhận ra, anh ấy làm gì? Các môn đệ khác làm gì? Tại sao có sự khác biệt như vậy?

    6.  Đọc Ga 21, 9-10. Khi dọn bữa sáng cho các môn đệ, Đức Giêsu phục sinh đã đem lại cho họ những điều gì? Tại sao Ngài lại cần cá các ông mới bắt được?

    7.  Đọc Ga 21, 14. Hai lần tỏ mình trước của Đức Giêsu là những lần nào?

    8.  Thánh Phêrô có được Chúa Giêsu tha thứ tội chối Thầy chưa? Đọc Ga 21, 15-17. Đâu là điều kiện để trở nên người mục tử lãnh đạo trong Giáo hội?

    GỢI Ý CẦU NGUYỆN: Bạn học được gì từ cách cư xử của Chúa Giêsu phục sinh với các môn đệ? “Theo Chúa Giê su” có dễ không? Đọc Ga 21, 18-19.

    PHẦN TRẢ LỜI

    1. Khác với các Tin Mừng Nhất lãm, Tin Mừng Gioan (chương 1-20) không hề nói đến việc các môn đệ Chúa Giêsu làm nghề đánh cá. Nhưng chương cuối của Tin Mừng này (chương 21 là một chương được thêm vào sau) lại kể chuyện nhóm môn đệ của Chúa Giêsu gặp nhau ở biển hồ Ti-bê-ri-a để cùng nhau đi đánh cá (Ga 21, 1-3). Đứng đầu là Simon Phêrô, rồi đến Tôma, Nathanaen, hai người con ông Dê-bê-đê, và hai môn đệ khác nữa. Cả thảy bảy người. Trong bảy người này có “người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” (Ga 21, 7). Theo truyền thống xưa, người môn đệ Đức Giêsu yêu mến chính là Gioan, một trong hai người con của ông Dê-bê-đê.
    2. Sau cuộc Khổ nạn của Thầy, họ trở về vùng Galilê, trở về làng quê của họ ở quanh biển hồ Ti-bê-ri-a (cũng gọi là hồ Galilê hay Ghen-nê-xa-rét), vì Thầy Giêsu đã hẹn gặp các môn đệ ở đó (Mt 26, 32; Mc 14, 28; x. Mt 28, 7; Mc 16, 7). Biển hồ Ti-bê-ri-a là nơi Thầy Giêsu đã gọi các môn đệ đầu tiên, nơi có nhiều kỷ niệm thầy trò. Đây là một nhóm bạn thân thiết. Họ “ở với nhau” (Ga 21, 2). Chỉ cần Simôn nói: “Tôi đi đánh cá đây”, họ hiểu ngay đây là một lời mời của ông, và họ đã đáp lời, muốn “cùng đi với ông”. Họ đã cùng nhau vất vả suốt đêm mà không được gì. Cùng ở, cùng đi, cùng làm việc, cùng chia sẻ một thất bại: đó là những kinh nghiệm mà nhóm bạn này đã trải qua.
    3. Chúa Giêsu phục sinh đứng trên bờ nhưng họ không nhận ra. Câu hỏi của Ngài chạm vào nỗi đau của họ, vì quả thực họ đã hoàn toàn thất bại sau một đêm đánh cá (Ga 21, 5). Khi họ vâng phục Chúa, thả lưới bên phải thêm một lần nữa, thì họ được một mẻ cá kinh khủng: lưới đầy ắp cá, không thể đưa cá lên thuyền được, đành kéo lưới cá dưới nước mà chèo vào bờ (Ga 21, 6.8). Mẻ cá này làm ta nhớ đến mẻ cá ở Lc 5, 4-6. Có những điểm tương tự trong cả hai trình thuật: các môn đệ vất vả suốt đêm mà không được gì, vào buổi sáng họ đã vâng lời Thầy thả lưới, và lập tức họ được một mẻ cá lớn không ngờ. Mẻ cá ở Luca làm lưới suýt rách, cá được đưa lên hai thuyền đầy ắp, đến gần chìm (Lc 5, 6.7). Như thế cả hai mẻ cá đều vừa nhiều, vừa chẳng tốn công gì. Các môn đệ đã vâng lời và lập tức có phép lạ.
    4. Mẻ cá lớn đến mức các ông không thể “kéo” nổi (Ga 21, 6). Trong Tin Mừng Gioan, Động từ “kéo” (helkein) đã được dùng hai lần khác. Cha là Đấng “kéo” từng người đến với Chúa Giêsu (Ga 6, 44). Chúa Giêsu khi chịu giương cao trên thập giá sẽ “kéo” mọi người về với Ngài (Ga 12, 32). Khả năng “kéo” là khả năng của Thiên Chúa. Không có Chúa, chúng ta không thể sinh trái (x. Ga 15, 4-5), cũng không kéo được nhân loại về với Chúa.
    5. “Người môn đệ Đức Giêsu yêu mến” là người đầu tiên nhận ra người đàn ông đứng trên bãi biển là Thầy Giêsu (Ga 21, 7). Khi nhận ra Ngài, anh nói với Phêrô: “Chúa đó!” Sau đó, ta không thấy anh ấy làm gì hay có phản ứng gì nữa. Có lẽ anh giữ thái độ trầm lặng suy tư về những điều xảy ra. Còn Phêrô, khi nghe giới thiệu “Chúa đó”, ông đã khoác áo vào và nhảy xuống biển. Phêrô có phản ứng nồng nhiệt hơn. Ông háo hức gặp lại Thầy. Ông vội bơi vào bờ có lẽ vì thuyền kéo lưới cá đi chậm quá. Ông sợ Thầy đi mất. Không rõ các môn đệ khác có nghe lời giới thiệu “Chúa đó !” hay không, chỉ thấy họ tiếp tục chèo thuyền vào bờ, kéo theo mẻ cá lớn. Chúng ta thấy các ông có những phản ứng khác nhau, tùy tính khí, hoàn cảnh mỗi người, nhưng tất cả đều yêu mến Thầy. Nếu tất cả đều bắt chước phản ứng của Phêrô thì rất phiền!
    6. Chúa Giêsu phục sinh đã dọn bữa sáng cho các môn đệ. Có bánh và cá được nướng trên than hồng. Dù thuộc về thế giới trên cao, Chúa Giêsu vẫn quan tâm đến chuyện dưới đất. Bữa sáng trên bờ biển đem lại cho các ông nhiều điều mà họ đang cần: sự ấm áp của than hồng, thức ăn sau một đêm vất vả, sự hiện diện thân thương của vị Thầy đã chết nay đang sống, Thầy trò hạnh phúc ngồi quanh đống lửa… Tuy Chúa đã có cá nướng rồi, nhưng Ngài vẫn đòi các ông đóng góp bằng chính cá các ông mới bắt được (Ga 21, 10), để bữa ăn là của mọi người.
    7. Đây là lần thứ ba Chúa Giêsu tỏ mình cho các môn đệ sau khi được phục sinh. Hai lần tỏ mình trước là ở Ga 20, 19-23 và Ga 20, 24-29. Cả ba lần đều cho các môn đệ (không kể lần hiện ra cho chị Maria Mác-đa-la ở Ga 20, 11-18).
    8. Chúa Giêsu phục sinh nướng cá và bánh, và ngồi với các môn đệ bên đống lửa, điều đó cho thấy Ngài đã tha thứ cho các ông tội bỏ Thầy rồi. Sau bữa ăn, Ngài đã hỏi ông Simôn ba lần về tình yêu, và đã nghe ông tuyên xưng ba lần về tình yêu đối với Thầy, như thế là Đức Giêsu đã tha thứ cho Simôn tội chối Thầy ba lần trong dinh thượng tế rồi (Ga 18, 16-17.25-27). Hơn nữa Ngài còn giao cho ông sứ mạng chăn dắt đàn chiên của Ngài (Ga 21, 15-17).

    Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

    Nguồn: tgpsaigon.net 

    Bài viết liên quan