Ngày 21/04: Thánh Anselmô, Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

  • 17/05/2022
  • Anselmô, vị Giám mục tiến sĩ Hội Thánh, thường được gọi là “Giáo Phụ kinh viện”. Ngài sống vào thế kỷ XI, xuất thân từ hàng quí tộc phong kiến: Thân phụ là vị lãnh chúa vùng Aoste và thân mẫu liên minh với dòng họ Savoie. Ngài sinh năm 1033; được hấp thụ nền giáo dục của các tu sĩ Biển Đức tại Đan Viện Aoste vào năm 1056: chính nơi đây, ngài đã tìm kiếm Chúa và dâng mình cho Người trong đời sống đan tu.

    Ngày 21 tháng 4

    Thánh Anselmô
    Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh

    I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

    Anselmô, vị Giám mục tiến sĩ Hội Thánh, thường được gọi là “Giáo Phụ kinh viện”. Ngài sống vào thế kỷ XI, xuất thân từ hàng quí tộc phong kiến: Thân phụ là vị lãnh chúa vùng Aoste và thân mẫu liên minh với dòng họ Savoie. Ngài sinh năm 1033; được hấp thụ nền giáo dục của các tu sĩ Biển Đức tại Đan Viện Aoste vào năm 1056: chính nơi đây, ngài đã tìm kiếm Chúa và dâng mình cho Người trong đời sống đan tu. Nhưng các áp lực của thân phụ buộc ngài phải từ bỏ lối sống này. Sau một thời gian đầy xao xuyến, chàng trai trẻ trốn sang Bourgogne, rồi qua Normandie. Tại đó, vào năm 1060, ngài vào Đan Viện xứ Bec, dưới sự hướng dẫn của viện phụ đồng hương Lanfranc de Pavie. Sau khi vị này được bầu làm viện phụ ở Caen, Anselmô được đề cử vào chức vụ bề trên, rồi viện phụ tại Bec năm 1079. Tại đây, ngài nổi tiếng do biệt tài thuyết giảng và các cải cách của ngài về đời sống đan tu. Theo yêu cầu của các đan sĩ, ngài viết một loạt các tác phẩm về những vấn đề tri thức và thần bí tương đối mới mẻ như: Monologion, Proslogion, .v.v. Tuy nhiên, nhân chuyến sang nước Anh, ở đó Lanfranc đang làm tổng Giám mục Giáo phận Cantorbéry, Anselmô được mời gọi thay thế ngay sau khi ngài qua đời năm 1089.

    Do cuộc xung đột về thẩm quyền cắt cữ phẩm hàm Giám mục giữa giáo triều và hoàng triều, Anselmô trở thành kẻ thù nghịch của vua Guillaume II le Roux: vua này thật sự không công nhận Đức Giáo Hoàng Urban II nên thánh nhân đã chống lại nhà vua. Trường hợp đối với vua Henry I cũng thế. Ông này ngăn cản các cuộc cải cách của ngài. Vì thế, ngài đã bị lưu đày ít nhất là hai lần vào những năm 1098 và 1103. Sau cùng, ngài được trở về Giáo phận Cantorbéry và qua đời tại đó ngày 21 tháng 4 năm 1109 hưởng thọ bảy mươi lăm tuổi.

    Thánh Anselmô đã được Đức Giáo Hoàng Clement XI tôn phong lên làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1720. Là nhà triết học, thần học, đan sĩ và là mục tử, ngài còn được gọi là “nhà kinh viện hạng nhất”. Quả thật, ngài thiết lập trào lưu tư tưởng và phương pháp mà Abélard và Tôma Aquinô sẽ bảo vệ sau này. Các nhà viết tiểu sử về thánh Anselmô cũng gợi lại cho chúng ta nỗi băn khoăn của ngài hằng muốn hiệp thông với Rô-ma. Để đáp lại câu nói của vua nước Anh là Guillaume le Roux:

    - Thưa ngài Giám mục, xin hãy nhớ điều này: không bao giờ ngài có thể liên kết lòng tuân phục của ngài đối với tôi, với lòng tuân phục của ngài đối với Giáo Hoàng, nghịch lại ý muốn của tôi được”,

    Anselmô liền nói:

    Thưa hoàng thân, tôi thà bị lưu đày khỏi vương quốc của ngài hơn là bất tuân với Đấng kế vị thánh Phêrô, cho dù chỉ trong một giờ thôi”. (A.Ragey, Hạnh Sử Thánh Anselmô).

    II. TẤM GƯƠNG ANH HÙNG CỦA THÁNH ANSELMO.

    Thánh Anselmô là tấm gương sáng chói cho chúng ta về lòng trung thành với Giáo Hội Roma.

    Giáo hội là do Chúa thiết lập. Chúa Giêsu khi thiết lập Giáo Hội đã muốn cho Giáo Hội luôn được hiệp nhất và bình an.

    Đây là điểm son nổi bật nhất của thánh Anselmo nhất là trong hoàn cảnh lúc bấy giờ.

    Sau này chúng ta thấy, trong Giáo hội cũng có những con người quả cảm như thế. Luôn giữ được lòng trung thành với Giáo Hội của Chúa. Một trong những con người đó là thánh Thomas More.

    Thánh Tôma More là người rất danh tiếng.Ngài đã gây được chú ý của vua Henry VIII. Nhà vua với ngài vào triều để giữ chức chưởng ấn. Ngài được phong làm hiệp sĩ năm 1523. Nhưng tới năm 1527, khi nhà vua muốn ly dị hoàng hậu Catarina và cưới Anna Belyn. Thomas More đã phản đối nhà vua, cho đó là một hành vi trái luật đạo. Thomas More bị thải hồi. Bá tước Norfolk thấy ngài bị nguy hiểm, có thể bị án tử hình, nên khuyên ngài dè giữ, thì ngài đã trả lời:

    - Thưa ngài có thế thôi sao, thực sự nếu tôi bị tử hình thì có điều này khác biệt giữa tôi và ngài là: hôm nay tôi chết, còn ngày mai ngài chết.

    Ngày 12 tháng 4 năm 1534 Thomas More được mời đến tuyên thệ nhận Anna Belyn là hoàng hậu, và phải tuyên thệ vâng phục quyền bính nhà vua chứ không vâng phục tòa thánh. Ngài từ khước.

    Ngày 17 tháng 4 năm 1534, ngài bị tống giam, và 14 tháng bị giam trong tù, ngài đã sống như một tu sĩ: suy gẫm và âm thầm cầu nguyện.

    Trước toà, ngài nói:

    - Như người con không thể không vâng phục cha mình, thì vương quốc Anh không thể không vâng phục Tòa Thánh.

    Khi nghe bị tuyên án tử hình, ngài nói:

    - Tuy thánh Phaolô đồng lô trong việc kết án tử hình thánh Stêphanô, nhưng rồi lại được hiệp nhất với thánh Stêphanô trong cuộc sống vĩnh cửu; thì tôi cầu nguyện tha thiết cho các lãnh chúa đã lên án tôi, cũng sẽ cùng tôi, sau này được hiệp nhất trên nước trời. Tôi cũng cầu xin Chúa toàn năng bảo vệ Đức vua, và xin gửi tới Đức vua những lời khuyên tốt đẹp.

    Tômas More bình thản đi tới pháp trường. Khi bước lên đoạn đầu đài, ngài còn nói khôi hài:

    - Lúc xuống, chỉ mình tôi là có lợi.

    Ngài ôm người đao phủ và bảo hắn:

    - Hãy can đảm lên, đừng sợ, nhưng cổ tôi hơi ngắn, hãy cẩn thận vì danh dự của anh đó.

    Ngài tự bịt mắt, nằm trên đoạn đầu đài, vén râu lên, ngài nói:

    - Bộ râu này nó không phạm tội phản bội.

    Thomas More đã bị tử hình ngày 6 tháng 7 năm 1535 với lòng yêu nước thiết tha, và lòng trung thành vâng phục Giáo Hội.

    Đó là những tấm gương còn để lại cho muôn đời.

    Xin được kết thúc bằng: Lời nguyện của thánh Anselmo

    Lạy Chúa là tất cả tình yêu
    Con cầu xin vì Con chí ái Chúa:
    Cho lòng con ngập tràn đức từ tâm,
    Cho con yêu mọi điều Ngài mời gọi,
    Biết sẻ chia những người đang sầu khổ
    Biết nâng đỡ những kẻ đang ngặt nghèo.

    Xin cho con ủi an người khốn khó,
    Cho náu nương những kẻ thiếu mái nhà,
    Biết xoa dịu những ai buồn tủi,
    Khích lệ người bị bức bách bao phen.

    Xin cho con làm vui người nghèo đói,
    Đỡ nâng ai khóc lóc đau buồn,
    Với những ai còn nần nợ gì con,
    Cho con biết bỏ qua và xí xoá.

    Người xúc phạm, cho con biết thứ tha,
    Kẻ căm thù, cho con hằng yêu mến,
    Đã mắc oán, xin cho biết đền ơn,
    Chẳng khinh khi,
    nhưng một lòng kính trọng.

    Người tốt lành, xin cho con bắt chước,
    Kẻ xấu xa, miễn lui tới chuyện trò,
    Đức hạnh nào,
    cũng dày công luyện tập,
    Nết xấu kia, vội xa tránh không buồn

    Trời bão tố, xin cho con kiên nhẫn,
    Lúc sáng tươi, xin đừng để sa đà,
    Lưỡi họng con, xin giúp con làm chủ,
    Môi miệng này, xin đặt kẻ trông coi.

    Của phù du, con coi khinh, lạy Chúa
    Phúc muôn đời,
    con khao khát chẳng nguôi.

    (Thánh Anselme, 1033-1109).

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan