Ngày 13 tháng 4
Thánh Martinô I, Giáo hoàng Tử đạo
I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ.
Máctinô hoặc Martinô (Tiếng Latinh: Martinus I) là vị giáo hoàng thứ 74 của Giáo hội Công giáo. Ngài đã được giáo hội suy tôn là thánh sau khi qua đời. Theo niên giám tòa thánh năm 1806 thì ngài đắc cử Giáo hoàng vào năm 649 và ở trên ngai Giáo hoàng trong 6 năm 2 tháng 12 ngày Niên giám tòa thánh năm 2003 xác định triều đại của ngài kéo dài từ ngày 5 tháng 7 năm 649 cho tới ngày 16 tháng 9 năm 655.
Martinus I sinh tại Todi miền Ombre, nước Ý trong một gia đình đạo đức. Ngài kết án các Giám mục Đông Phương cậy vào thế lực của hoàng đế Byzantine. Ngay từ nhỏ, ngài đã được tiếp thu một nền giáo dục tốt về mọi mặt và được Giáo hoàng bổ nhiệm làm đặc sứ tại Constantinopolis. Vào năm 649 ngài được bầu lên ngôi Giáo hoàng kế nhiệm Giáo hoàng Theodore I. Ngay những ngày đầu tiên ngự trên ngai Giáo hoàng, Martinus I đã cố gắng thuyết phục các anh em lạc giáo, bè rối và ly giáo, nhất là nhóm ly khai Phaolô đệ Constantinople được Hoàng Đế Constance bao che, đỡ đầu, đang hoành hành và lan tràn khắp nơi trở về với Giáo Hội. Nhóm lạc giáo giải thích là Ðấng Kitô có hai bản tính, là thần tính và nhân tính, nhưng chỉ có một ý chí là thần tính hướng dẫn mọi hành động của Chúa Kitô mà thôi.
Tu sĩ Maxime là một linh mục liền rời tu viện đến Roma báo động cho Giáo hoàng tình trạng lạc giáo ở Constantinople. Để làm công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi phải thật can đảm, hăng say và đầy cương quyết, Giáo hoàng Martinus I cùng với Maxime đã triệu tập công đồng chung (Công đồng Latran) từ ngày 5 tới ngày 31 tháng 10 năm 649, gồm 500 Giám mục để lên án lạc giáo và ly giáo. Khi công đồng chung đang họp, Hoàng Đế Constance không chịu nhìn nhận sự sai lầm của mình mà còn lên án Martinus I là rối đạo và đã lên ngôi Giáo hoàng bất hợp pháp.
Ông sai Olympus tới để đuổi Đức Giáo hoàng và giải tán công đồng. Tuy nhiên Olympus bị bệnh chết cách thảm thương. Constance không chịu chùn bước, Hoàng Đế lại sai Théodore Calliopas đến tiến chiếm đền thờ Latran, cung điện Giáo hoàng và lôi vị Giáo hoàng tuổi cao này ra khỏi Vương cung thánh đường Lateran, dẫn tới tòa án để cách chức ngài. Chúng bắt ngài giam ở đảo Naxos năm 653, sau đó đưa về Constantinople.
Trong cuộc hành trình dài, binh lính đã hành hạ ngài rất tàn nhẫn. “Trong bốn mươi ngày dài họ không cho tôi một chút nước để tắm rửa. Họ để tôi lạnh lẽo trong khi tôi đang sốt vì bệnh kiết lỵ, họ cho tôi ăn những đồ ăn làm cho tôi nôn mửa.” Ðến Constantinople thì họ đem giam ngài vào nơi bí mật trong 93 ngày rồi lên án tử hình. Họ đem ngài ra ngoài công trường, hạ nhục bằng cách lột áo Giáo hoàng và xé rách nát, họ choàng vào cổ ngài một chiếc xích sắt nặng nề, rồi kéo lê ông cụ yếu ớt qua các đường phố. Trước sự đối xử quá mức tàn nhẫn, giáo chủ thành Constantinople dù là thuộc phe của hoàng đế cũng cảm thấy quá dã tâm nên đã xin giảm án tử hình cho ngài rồi thay vào đó lưu đày ngài ra đảo Crimée.
Giáo hoàng Martin I đã chết tại đó vào năm 655 vì bị giam giữ cay nghiệt và bị đối xử thật tàn bạo. Maxime, người tu sĩ Byzantine vì cảm mến và vì cùng chung một chí hướng nên đã đi theo săn sóc ngài trong tình huynh đệ.
Thời gian lưu đày của giáo hoàng Martinô I kéo dài hai năm. Ngài qua đời khoảng năm 656. Giáo hoàng Martinô I được tôn phong là thánh tử đạo vì những đau khổ khủng khiếp ngài đã chịu. Martinô I là vị Giáo hoàng cuối cùng chịu tử vì đạo.
II. CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH.
Con đường nên thánh của ĐGH Martinô I là chịu Tử đạo mặc dầu cái chết của ngài không đau đớn bi thương như các thánh Tử đạo khác.
Ý nghĩa chính của sự Tử đạo là làm chúng. Sách Giáo Lý Mới của GH số 2473 viết. “Sự tử đạo là việc làm chứng cao cả nhất cho chân lý đức tín; đó là sự làm chứng cho đến nỗi phải chết. Vị tử đạo làm chứng cho Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, mà họ được liên kết với Người bằng đức mến. Vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tín và đạo lý Kitô giáo. Vị tử đạo chịu chết bằng hành vi của đức can đảm. “Hãy để tôi trở nên mồi ngon cho ác thú, nhờ chúng mà tôi được đến với Thiên Chúa”.
Chính vì thế khi chúng ta mừng kính các thánh Tử đạo là “Chúng ta không chỉ kính nhớ các Thánh trên trời vì gương sáng của các ngài, nhưng hơn thế nữa, còn để sự hợp nhất của toàn thể Hội Thánh trong Thần Khí được tăng cường nhờ việc thực thi đức mến huynh đệ. Thật vậy, cũng như sự hiệp thông giữa những người đi đường đưa chúng ta tới gần Đức Kitô hơn, thì sự liên kết với các Thánh cũng kết hợp chúng ta với Đức Kitô, tự nơi Người, với tư cách là nguồn mạch và là Đầu, tuôn chảy mọi ân sủng và sự sống của chính dân Thiên Chúa” (GLHTCG số 957)
Vâng! Tử đạo là việc làm chứng. Thánh GH Martinô I đã làm chứng bằng cái chết nơi chốn bị lưu đày của ngài. Còn tôi, thử hỏi tôi có thể làm chứng cho Chúa, cho niềm tin của tôi bằng cách nào trong thế giới hôm nay?
Xin được chia sẻ bằng kinh nghiệm bản thân của Đức cha Bùi Tuần vị Giám mục mà mọi người chúng ta đều quen biết
“Riêng tôi, tôi còn thấy một cách nữa, có nhiều khả năng làm chứng cho Chúa, mà hiện nay xem ra ít được nhắc tới. Cách đó là thinh lặng để cầu nguyện, thinh lặng để suy gẫm, thinh lặng để học hành, và nhất là thinh lặng để chu toàn công việc bổn phận của mình. Sở dĩ hôm nay tôi nhắc lại cách làm chứng đó, bởi vì cách đó đã lôi cuốn tôi nhiều nhất. Trong chuyến đi các nước ngoài tháng qua, cái đã làm cho tôi xúc động nhiều nhất, cái đã lôi cuốn tâm hồn tôi mạnh nhất, cái còn ghi lại trong tôi sâu đậm nhất, không phải là những cuộc rước linh đình, cũng không phải là những cuộc lễ tưng bừng, mà chính là những hình ảnh của những con người thinh lặng: Thinh lặng cầu nguyện, thinh lặng suy nghĩ, thinh lặng học hành, thinh lặng chu toàn bổn phận của mình.
Tôi còn nhớ rất rõ những đám đông người, đứng thinh lặng trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Tôi không thấy họ đọc kinh gì, nhưng mắt họ nhìn lên tượng Đức Mẹ với cái nhìn đăm chiêu suy nghĩ, với một thái độ cầu nguyện.
Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh những người thanh niên, những cô thiếu nữ, tay cầm tràng hạt đứng dựa vào những gốc cây, bên hang đá Lộ Đức và cầu nguyện âm thầm.
Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh những vợ chồng trẻ, quỳ thinh lặng cầu nguyện trước mộ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu.
Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh những giáo dân âm thầm chia sẻ Lời Chúa, hợp từng nhóm nhỏ để cầu nguyện chung với nhau trong những căn nhà chật chội vắng vẻ.
Hình ảnh tôi nhớ nhất, là hình ảnh Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, trong những lần tôi được đồng tế với Ngài tại nhà cầu nguyện riêng. Tuy bao giờ cũng có nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân tham dự, nhưng tôi thấy không bao giờ Đức Thánh cha đã giảng, mà Ngài cũng chẳng nói lời gì trước lễ, trong thánh lễ và sau lễ. Trái lại, trước lễ, tôi thấy Đức Thánh cha quỳ thinh lặng rất lâu để suy gẫm. Sau khi đọc Phúc Âm, tôi lại thấy Đức Thánh cha ngồi và suy gẫm rất lâu. Sau khi rước Mình Máu Thánh rồi, Đức Thánh cha lại quỳ xuống, cảm ơn Chúa rất lâu trong thinh lặng. Và sau lễ, khi đã cởi y phục thánh lễ, Đức Thánh cha lại quỳ cám ơn Chúa rất lâu trong thinh lặng.
Sự thinh lặng cầu nguyện và suy gẫm của Đức Thánh cha, chính là một bài giảng rất hùng hồn. Nó khuyên bảo tôi hãy bắt chước Ngài, để cầu nguyện, để suy nghĩ. Và, đó là một hình ảnh rất đẹp, tôi không bao giờ quên được.
Nguồn: tgpsaigon.net
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 116 | Tổng lượt truy cập: 709,005