Ngày 04/04: Thánh I-si-đô-rô, giám mục, tiến sĩ hội thánh (khoảng 560-636)

  • 17/05/2022
  • Là sử gia (lịch sử dân Goths), là thi sĩ và nhà Phụng Vụ (bộ Sách Lễ và Kinh Nhật Tụng, được cho là của thánh nhân, là cốt lõi cho Phụng Vụ tương lai mozarabe); ngài còn là luật gia (Regula monachorum), nhà thần học và mục tử, nên ngài truyền bá truyền thống Công Giáo và chuyên cần tổ chức Hội Thánh.

     

    I. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

    Thánh Isidore, quê tại Séville theo truyền khẩu, sinh khoảng năm 560 tại Andalousie (Tây Ban Nha) trong một gia đình gia giáo lành thánh: các anh em là hai giám mục Léandre và Fulgence, Người kế vị anh Léandre trên ngai giám mục thành Sévilla năm 601. Còn Florentine là chị Ngài.

    Trong nhiệm kỳ giám mục khá lâu dài, người rao giảng chống lại những kẻ theo bè rối Ario và những người lạc giáo được gọi là nhóm “vô thủ lĩnh”. Họ không chấp nhận Đức Kitô có hai bản tính.

    Gần Sévilla, ngài thành lập một ngôi trường – sau này rất nổi tiếng – để đào tạo các linh mục và giáo dân; ngài cũng là giảng viên tại chính ngôi trường này. Tại Công đồng Tolède lần thứ IV năm 633, ngài yêu cầu Giáo Hội phải thành lập các trường tương tự: đó là nguồn gốc các trường của Hội Thánh và Đan Viện, xuất hiện trước khi có các đại học.

    Là một nhà văn lớn, một học giả uyên thâm về nền văn học ẩn sĩ Đông Phương và rất sùng mộ Origène, thánh nhân đã để lại cho chúng ta nhiều tác phẩm, trong đó: tập Luận đề (Sentences) và ba quyển sách dọn đường cho các “Tổng Luận” thời Trung Cổ để trau dồi kiến thức lẫn tâm linh cho các linh mục, đan sĩ và giáo dân. Nhưng tác phẩm tuyệt tác của người vẫn là cuốn sách mang tựa đề tiếng La Tinh Etymologiae (dịch sang pháp ngữ: Étymologies sur l’origine de certaines choses– nguồn gốc các từ đầu ngành,): đó là một loại từ điển bách khoa (hai mươi quyển) bao gồm mỹ thuật, kỹ thuật, luật, y học, các khoa học tự nhiên, tôn giáo...

    Là sử gia (lịch sử dân Goths), là thi sĩ và nhà Phụng Vụ (bộ Sách Lễ và Kinh Nhật Tụng, được cho là của thánh nhân, là cốt lõi cho Phụng Vụ tương lai mozarabe); ngài còn là luật gia (Regula monachorum), nhà thần học và mục tử, nên ngài truyền bá truyền thống Công Giáo và chuyên cần tổ chức Hội Thánh. Năm 633, với tư cách là một vị chủ trì Công Đồng Quốc Gia lần thứ IV tại Tolède, ngài ấn định một nền Phụng Vụ thống nhất cho toàn Tây Ban Nha và miền Gaule narbonaise. Người ta cho rằng ngài đã soạn lời nguyện Adsumus đọc trong mọi Công Đồng.

    Isidore de Séville chiếm vị trí hàng đầu trong suốt thời Trung Cổ; vào thời này, các tác phẩm La Tinh của thánh nhân được nhiều người đọc và sao chép nhiều nhất. Theo Bède Khả Kính (thế kỷ VIII), thánh nhân là tác giả được ưa chuộng nhất sau Thánh Kinh.

    Qua đời tại Séville năm 636, sau 25 năm làm giám mục và được tôn kính như một vị hiển thánh trong toàn cõi Phương Tây từ thế kỷ IX; ngài được Đức Giáo Hoàng Innocent XIII tôn phong làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1722. Thi hài thánh nhân được sùng kính tại Léôn (Tây Ban Nha). Nghệ thuật ảnh tượng thường biểu hiện hình ảnh ngài cầm bút lông, với đàn ong vây quanh hay bên cạnh tổ ong.

    II BÀI HỌC TỪ CUỘC SỐNG.

    Thánh Isidore đã để lại cho hậu thế rất nhiều Bài học từ cuộc sống của ngài mà bài học quan trọng nhất có lẽ là việc quan tâm đến việc giáo dục. Chính vì sự quan tâm này mà ngài đã lập ra trường đào tạo các linh mục cũng như thành lập các trường tư để giáo dục con người.

    Chúng ta phải nói đây là điểm son trong cuộc đời giám mục của ngài.

    Nếu Chúa Giêsu ngày xưa đã dành nhiều thời giờ để huấn luyện các tông đồ để sau Người về trời các ngài có thể thay thế Chúa trong việc tiếp tục rao giảng Tin Mừng Nước Trời thì các giám mục cũng phải làm tương tự như vậy. Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh về Giáo dục đã nói rất rõ về bổn phận này.

    Giáo Hội từ xưa tới nay đã có những đóng góp to lớn và hiệu quả cho toàn thể nhân loại đang sống trên hành tinh này bằng những hoạt động giáo dục của Giáo Hội. Điều này không còn ai dám phủ nhận.

    Phần chúng ta hôm nay, hỏi chúng ta đã biết quan tâm đủ đến việc giáo dục con em chúng ta?

    Ai cũng biết con người không được giáo dục là con người sẽ trở nên như thế nào.

    Câu chuyện sau đây xảy ra ở xứ Esches miền Vosges nước Pháp, khoảng cuối thế kỷ 19. Một hôm, Cha xứ gặp một bà nọ và bảo:

    - Bà nhớ cho mấy cháu nhỏ đi học giáo lý để chuẩn bị rước lễ vỡ lòng nghe!

    - Cho hay không chẳng quan hệ gì,

    Bà vừa nói vừa chỉ tay về phía rừng thông

    - Cha xem, cây thông đâu cần học giáo lý mà chúng vẫn tươi tốt và phát triển như thường đó !

    - Ờ! vậy con heo trong chuồng cũng thế phải không bà ?

    Sau đó một thời gian vào năm l910, cả xứ Esches xôn xao trước hung tin cậu con trai của người đàn bà nói trên đã bóp cổ giết chết mẹ, vì bà ta không đưa liền cho nó đi tiêu xài nhậu nhẹt. . . mạng lưới pháp luật đã tóm cổ nó và tuyên án tử sau đó mấy ngày.

    Một câu truyện vui khác nhưng cũng thật ý nghĩa.

    Có một nhà quí tộc đến thăm một vị ẩn sĩ nọ. Trước cổng nhà, vị ẩn sĩ nuôi một con két. Khi thấy nhà quí tộc con két liền nói:

    - Chào nhà quí tộc, chắc ngài đi đường xa mệt lắm, vào đây nghỉ ngơi một chút, cứ xem như đây là nhà của quí nhân.

    Vào trong túp lều đơn sơ của vị ẩn sĩ, nhà quí tộc thắc mắc:

    -Thưa ngài, cách đây không xa, một con két đã nói với tôi những lời hoàn toàn có tính rủa xả và đe dọa. Còn con két của ngài chỉ nói những lời lịch sự nhã nhặn.

    Vị ẩn sĩ mỉm cười giải thích:

    - Hai con két này vốn là anh em với nhau.

    Nhà quí tộc ngạc nhiên:

    - Anh em, nhưng sao lại nói năng khác nhau như thế ? Tại sao con két của ngài lịch sự tử tế, còn con két kia lại hung hăng dữ tợn?

    Vị ẩn sĩ trả lời:

    Két thì không có két nào tốt, két nào xấu cả, chúng chỉ học và lặp lại những gì chúng ta đã nghe mà thôi!

    Cây cối trồng nơi đất tốt thì sinh trái tốt, trồng nơi đất xấu thì sinh trái xấu. Thú vật được huấn luyện thì thuần thục, không được huấn luyện thì vẫn giữ nguyên tính dã thú của nó. Kinh nghiệm cho thấy nguyên tắc này lại càng được áp dụng cho loài người: Được dạy dỗ uốn nắn thì nên người, mà chịu ảnh hưởng xấu thì ra hư hỏng.

    Nguyên tắc trên lại càng có giá trị hơn trong lãnh vực đức tin. Không được đức tin soi dẫn, con người dễ rơi vào lầm lạc và mù quáng; sai lầm trong tư tưởng dẫn đến lỗi lầm trong hành động. Một cuộc sống không được đức tin soi dẫn hoặc gạt bỏ ra bên ngoài chiều kích tôn giáo, là một cuộc sống bất hạnh nhất. Con người không những rơi vào lầm lạc mà nhất là không biết mình đang lầm lạc.

    Chúa Giêsu đã quả quyết:

    “Ta là Đường, là Sự thật là là Sự sống, không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Ta”.

     

    Nguồn: tgpsaigon.net

    Bài viết liên quan