Nên thánh đối với giới trẻ

  • 09/05/2022
  • Nên thánh đối với giới trẻ

     

    Giới trẻ là mối quan tâm đặc biệt của Giáo Hội. Như Chúa Giêsu đã có cái nhìn thương mến đối với chàng thanh niên trong Phúc Âm (x. Mc 10,21), Giáo Hội luôn cảm thông và ưu ái các người trẻ, là tương lai của Giáo Hội và của xã hội.

    Nhận định tình hình giới trẻ trong xã hội Việt Nam hôm nay, chúng ta thấy vừa lạc quan vừa bi quan, vừa có những điểm sáng và những điểm tối.

    Điểm sáng: Các bạn trẻ ngày nay được đào tạo tốt hơn, nhiều bạn được đào tạo và đạt được bằng cấp trong các trường danh tiếng tại nước ngoài. Tại nhiều địa phương, ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia những sinh hoạt cộng đồng, nhằm bảo vệ môi trường, làm việc từ thiện giúp người nghèo.

    Điểm tối: Nhiều bạn trẻ sống như không có mục đích, không có tương lai, chìm mình trong nghiện ngập và tệ nạn xã hội. Bạo lực gia tăng trong mọi lĩnh vực. Sự dối trá, lừa đảo và cướp giật tràn lan. Những tệ nạn khác như phá thai, sống thử trước hôn nhân, ly dị, hôn nhân đồng tính... đang trở thành một thứ mốt thời đại nơi một số người trẻ.

    I- Đâu là nguyên nhân? 

    1- Nguyên nhân bản thân

    Do lối sống thiếu ý thức, sống buông thả, đua đòi; đặc biệt là các bạn lạm dụng tự do để làm những chuyện phi đạo đức. Nhiều người trẻ hiểu sai ý nghĩa của tự do. Tự do không phải là làm những gì mình thích, tự do phải là một giá trị để đảm bảo hạnh phúc của mình và người khác. Nói như Jean Cocteau: “cái thảm kịch của giới trẻ, chính là giới trẻ bị đặt vào tình trạng không thể không vâng lời vì sự tự do quá đáng.”

    2- Nguyên nhân từ gia đình

    “Gia đình chính là một phần tử của xã hội, gia đình mà tốt đẹp thì xã hội mới tốt đẹp được”. Thế mà gia đình trong xã hội chúng ta ngày nay có những “lỗ hổng” rất lớn, hầu như người nào sống biết người đó: cha có việc cha, mẹ có việc mẹ, ai cũng phải vật lộn với cuộc sống, với kế sinh nhai. Sau giờ làm, cha bận “tiếp khách” ở quán nhậu, mẹ bận việc nhà, thế là cha mẹ không có thời gian dành cho con cái. Bữa cơm gia đình thường không có đủ mọi thành viên, chưa kể cha mẹ còn xích mích cãi vã, thế là sự “quan tâm” của cha mẹ với con cái chỉ là có tiền cho con đi học, học chính quy, học thêm, học đàn, học nhạc, học võ... Và thay vì khuyên bào thì chỉ là quở trách và la mắng. Dần dà con cái không biết nương tựa vào ai, không biết tâm sự cùng ai. Một số sinh ra cách sống đơn độc, nhút nhát, khó gần; số khác sẽ tụ tập với những kẻ “cùng tâm trạng” để quậy phá xưng hùng xưng bá, sống bất cần đời. Và để lấy “số má” với bạn bè, chúng sẽ làm bất cứ gì, chơi bất cứ thứ chi để chứng tỏ “đẳng cấp”, “thua trời một vạn không bằng kém bạn một ly”.

    3- Nguyên nhân từ nhà trường và xã hội

    Nhà trường cũng không khác gia đình mấy, bởi nhà trường hiện nay cũng chỉ đề cao việc nhồi nhét kiến thức, đề cao việc “đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực của nền kinh tế”. Chính vì chỉ quan tâm đến việc nhồi nhét kiến thức nên trường học chỉ có thể đào tạo ra những con người đầy tri thức, thông thạo các kỹ năng mang tính công cụ nhưng không phải là những người trí thức thật sự. Chính vì không phải là người trí thức nên những “sản phẩm giáo dục” ấy rất “hồn nhiên” gây tổn hại đến người khác và vi phạm pháp luật. Lối sống tha hóa đạo đức của một bộ phận không nhỏ của giới trẻ trong xã hội ta có một nguyên nhân cần nhấn mạnh là do ảnh hưởng của những gì đang diễn ra trong cuộc sống hiện nay.

    Do sống trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường, giới trẻ khó đứng vững được trước những thay đổi chóng mặt của nó. Họ phải chạy theo những giá trị vật chất, những thứ đảm bảo cho một cuộc sống thoải mái hơn về tiện nghi. Với xu thế đó, họ không có thời gian để thưởng thức những giá trị tinh thần cao đẹp như những liều thuốc an thần. Thay vào đó, họ cứ lao đầu vào dòng đời ngược xuôi tốc độ, cạnh tranh. Trong thời đại này, ai bình chân người đó sẽ chết đói, có người cho rằng “thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm”; nếu cứ sống một cách lương thiện thì áo chẳng có mà mặc, cơm chẳng có mà ăn, nói chi là “ăn no mặc ấm, ăn sung mặc sướng”.

    Một lối sống buông thả, gian lận trong thương trường và hưởng thụ quá độ. Nhìn vào thực tế, ta thấy được những hậu quả do sự phát triển của xã hội, do lối giáo dục từ chương, nhồi sọ, và do cơ chế quản lý. Đó là một lối sống buông thả, gian lận trong thương trường và hưởng thụ quá độ. Những vụ việc như “múa kiếm”, tham ô tham nhũng của người lớn được du di cho qua không thể không khiến người trẻ nghĩ rằng “làm sai cũng chẳng sao cả”, vì đâu có thấy những hành vi đó bị trừng phạt thích đáng. Hơn nữa, do hội nhập văn hoá làm cho giới trẻ sống “tây hoá” không còn biết đến nền tảng đạo đức của con người. Từ đó, nẩy sinh ra nhiều kiểu sống bệnh hoạn, làm băng hoại những giá trị truyền thống văn hoá.

    II- Giáo dục Kitô giáo nhằm dẫn người trẻ đến với niềm tin

    1- Bắt đầu bằng việc xây dựng niềm tin tự nhiên

    Đã sinh ra làm người, dù không có hay chưa có được một niềm tin siêu nhiên, không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận những giá trị cao quý, nhân vị của chúng ta, hơn hẳn những loại sinh vật khác. Chúng ta có khả năng nhận thức, có trí thông minh, có sự khôn ngoan hơn hết mọi loài, khiến chúng ta có thể tận dụng và làm chủ cả thế giới, cả vũ trụ. Nhân loại dù còn có nhiều người không tốt, dù còn có nhiều khuyết điểm nơi mỗi cá nhân, nhưng tất cả mỗi người đều mang trong mình một bản chất tự nhiên là biết phân biệt phải trái, tốt xấu, và cùng hướng về chân thiện mỹ. Chính bản chất người ấy đã tạo cho chúng ta một niềm tin tưởng nơi con người, nơi nhân vị cao quý của chúng ta. Nó cũng là động lực giữ gìn và thúc đẩy cho chúng ta biết sống đúng nhân cách, đạo đức của con người. Điều này đã góp phần nâng cao cuộc sống của chúng ta và của người khác. Có như vậy chúng ta sẽ không buông trôi thả lỏng cuộc đời, không gây nên những phiền toái bất lợi cho môi trường sống của nhân loại. Chỉ cần duy trì một niềm tin tự nhiên như trên, cũng có thể tạo cho chúng ta một nếp sống có văn hóa, đạo đức, một nếp sống cần thiết cho chúng ta và mọi người.

    2- Đối với giới trẻ công giáo, nhất thiết chúng ta phải tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, đặt mọi công việc của chúng ta trong bàn tay quan phòng của Ngài

    Chúng ta hãy thử nghĩ xem, trong cuộc đời giả sử chúng ta gặp được một người nào đó yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, thì chắc chắn một điều chúng ta sẽ dễ dàng đặt niềm tin tưởng vào người đó, đồng thời chúng ta cũng yêu thương người đó hết lòng. Như vậy chỉ với một người trần thế mà chúng ta đã có sự tin tưởng, cậy trông và yêu mến như thế, huống chi là Thiên Chúa, Đấng là cha luôn đồng hành và che chở chúng ta trong mọi thử thách và gian nan của cuộc đời. Vì thế, không có lý do gì chúng ta lại không đặt hết tin tưởng vào Người. Niềm tin vào Thiên Chúa rất cần thiết cho mỗi chúng ta, vì nó như ngọn đèn soi dẫn chúng ta trong đêm tối, niềm tin đem lại bình yên cho cũng như sẽ dẫn đưa chúng ta đến với hạnh phúc. Nhưng tin vào Thiên Chúa không có nghĩa là tin chỉ để mà tin suông. Như kiểu nếu không tin thì sẽ bị phạt, tư tưởng như vậy sẽ tạo cho chúng ta một niềm tin mang tính đối phó nhất thời, sẽ không có kết quả tốt. Niềm tin vào Thiên Chúa sẽ giúp cho mỗi người chúng ta có được sự cậy trông, phó thác dù gặp phải bất cứ chuyện gì. Bởi đó, chúng ta cần có niềm tin để sống và sống một cách hăng say, chân thành, không lắng lo, không thất vọng nản lòng, vì có Thiên Chúa ở bên và hỗ trợ chúng ta. Người sẽ bênh vực sự công chính và lẽ phải. Người sẽ giữ gìn và bảo vệ kẻ ngay lành chống lại sự dữ sự bất công. Niềm tin sẽ giúp chúng ta sống tốt, sống xứng đáng là một con người.

    3- Nhiệm vụ của nhà giáo dục Kitô giáo

    Giáo dục nói chung và giáo dục Kitô giáo cho người trẻ nói riêng, cần thiết phải làm cho người trẻ trở thành những công dân không những có một nền tri thức rộng, mà còn có một nền tảng đạo đức tốt, có như vậy, mới mong ước người trẻ trở thành nền tảng là trụ cột của xã hội cũng như Giáo hội. Một sự chuẩn bị tốt sẽ là hành trang để người trẻ vững bước vào đời, với bao điều tốt đẹp đang chờ đón. Chúng ta có quyền tin tưởng vào một thế hệ giới trẻ trong tương lai, nếu đứng trước những thay đổi, những cái mới lạ, giới trẻ biết chọn lọc, không đánh mất bản thân mình.

    III- Nên thánh đối với người trẻ

    Đối với người trẻ, nên thánh dường như một khái niệm xa vời và là một điều không thể. Bởi lẽ người ta thường nghĩ nên thánh là việc của những người sống đời tu trì, hoặc những người đã cao niên. Đức Thánh Cha Phanxicô trấn an chúng ta: “Bạn đừng sợ nên thánh. Sự thánh thiện sẽ không tước đi năng lực, sức sống hay niềm vui của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành con người mà Chúa cha đã nhắm đến khi tạo dựng nên bạn, và bạn sẽ trung thành với bản ngã sâu xa nhất của mình” (Tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỷ, số 32). Ngài cũng khẳng định với chúng ta, nên thánh là bổn phận của mỗi người, qua những dòng sau đây: “Sống trên đời, mỗi người có một sứ mạng phải hoàn thành. Xác định đâu là sứ mạng Chúa trao và cố gắng hoàn thành sứ mạng đó, đó là nên thánh. “Mỗi vị thánh là một sứ mạng được Chúa Cha hoạch định để phản chiếu và thể hiện cụ thể một khía cạnh nào đó của Tin Mừng, ở một thời điểm nào đó của lịch sử” (Tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỷ”, số 19). Nên thánh là sống tốt giây phút hiện tại, với ý thức sâu xa rằng đây là cơ hội Chúa ban cho mình và cũng là hoàn cảnh cụ thể Chúa muốn cho ta làm chứng cho Ngài.

    Một cách cụ thể, người trẻ được mời gọi thực hiện những điều sau để tiến thân trong hành trình nên thánh:

    1- Học giáo lý: vì hoàn cảnh xã hội khó khăn của những thập kỷ trước tại miền Bắc, phần đông các tín hữu coi nhẹ việc học giáo lý. Họ quan niệm về đức tin chỉ sơ sài qua việc đi lễ ngày Chúa nhật. Chính vì thế, khi những bạn trẻ thoát ly gia đình để đi nghĩa vụ quân sự, đi làm hoặc đi học tại các đô thị, đức tin của họ bị phôi phai, thậm chí mất hẳn. Họ không thấy có nhu cầu tìm đến các giáo xứ để tham dự Thánh lễ. Đức tin không được nuôi dưỡng sớm bị lu mờ và bị bóp nghẹt bởi những tư tưởng và khuynh hướng vô thần, phi tín ngưỡng và chống tôn giáo.

    Để tránh nguy cơ mất đức tin, bạn trẻ phải được học giáo lý. Giáo Hội có chương trình giáo lý phù hợp với mọi lứa tuổi, từ những bước chập chững vào đời cho đến khi trưởng thành. Học giáo lý giúp chúng ta hiểu biết Chúa, hiểu biết luật của Giáo Hội và những gì Giáo Hội dạy có liên quan đến đời sống luân lý, công bằng. Nhờ học giáo lý mà bạn trẻ biết đối nhân xử thế cho phù hợp, nhờ đó xây dựng mối tương quan tốt với đồng loại. Ban Giáo lý của Tổng Giáo phận đã soạn thảo một tài liệu ngắn để giúp mọi người, đặc biệt các bạn trẻ học hiểu những điều căn bản của giáo huấn Kitô giáo, giúp họ trưởng thành trong đức tin. 

    Một số người chủ trương sai lầm rằng khi con người được học cao biết rộng thì sẽ mất đức tin. Không phải như vậy. Đức tin không đối lập với lý trí, trái lại, như Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã khẳng định, “Đức tin mở rộng chân trời của chúng ta, giúp chúng ta có thể tìm được câu trả lời cần thiết cho những thách đố ở mỗi thời đại khác nhau” (Trích diễn văn trước Ủy ban Thần học Quốc tế, ngày 5-12-2008).

    Giáo lý đem lại kiến thức cho con người khi họ đến với Thiên Chúa, đem lại lý luận cho niềm tin khi họ phó thác mình cho Thiên Chúa, và đem lại ơn cứu rỗi khi họ sống những gì họ biết và tin. Vì lý do này, giáo lý đóng vai trò trọng yếu trong đời mọi Kitô hữu.

    2- Sống Đạo: Tin vào Thiên Chúa, không phải như tin vào một lý thuyết, cũng không phải tin vào một nhân vật của quá khứ xa vời. “Khởi đầu cho cuộc sống Kitô hữu không phải là một quyết định đạo đức hay một tư tưởng vĩ đại, nhưng là sự gặp gỡ với một biến cố, với một Con Người, Đấng đem lại cho đời sống chúng ta một chân trời mới và từ đó một định hướng dứt khoát” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu, số 1). Chính vì vậy, người tín hữu được mời gọi sống đức tin của mình trong mối kết hợp thâm sâu với Thiên Chúa. Nói cách khác, họ phải thể hiện đức tin của họ trong cuộc sống đời thường. Đức tin không chỉ được tuyên xưng bằng môi miệng hay ngôn từ, nhưng còn được sống và chứng minh qua đời sống cụ thể.

    Trước hết, Đức tin thể hiện qua những thực hành Đức tin: Kitô hữu là người tin vào Chúa. Đức tin dẫn dắt và thôi thúc họ đến gặp gỡ Chúa qua lời cầu nguyện. Nhờ lời cầu nguyện, họ giãi bày với Chúa những nỗi niềm của cuộc sống, trao gửi cho Ngài những nguyện vọng tâm tư, những vui buồn sướng khổ. Từ những dòng tâm tình ấy, họ đón nhận được sức mạnh siêu nhiên và niềm hy vọng, để rồi, khi trở về với cuộc sống thực tại còn đầy những trắc trở, họ vẫn lạc quan vì tin rằng có Chúa đồng hành với mình. Lời cầu nguyện (hay đời sống nội tâm) được thể hiện qua việc năng tham dự Thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích. Lời cầu nguyện cũng không chỉ đóng khung trong nhà thờ, hoặc giới hạn nơi những sinh hoạt có tính cộng đoàn. Tâm tình cầu nguyện có thể được thực hiện mọi nơi, mọi lúc, như người con thảo luôn nhớ đến cha mẹ mình, và không ngại ngần thể hiện tình yêu mến đối với các ngài bằng trăm ngàn cách khác nhau.

    Tiếp đến, Đức tin phải được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Giáo huấn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng nhằm giúp ta tạo mối tương quan hài hòa với tha nhân, cùng nhau xây dựng một thế giới an bình, không còn thù ghét và chia rẽ, nhưng đậm tình huynh đệ và bác ái. Người Kitô hữu chân chính luôn sống hài hòa với mọi người, đồng thời có những nỗ lực để hàn gắn những tổn thương, bất đồng và chia rẽ trong cuộc sống. Dựa trên Lời Chúa, Giáo Hội dạy chúng ta sống công bằng, tôn trọng sự sống của mình và người khác, tôn trọng tiếng nói của lương tâm, tôn trọng phẩm giá và danh dự của tha nhân, tôn trọng công ích và môi trường thiên nhiên. Đối với một số Kitô hữu, những điều này xem ra còn xa lạ và mới mẻ, nhưng thực chất, đó chính là giáo huấn của Chúa, giúp chúng ta trở nên những người có trách nhiệm với hiện tại và tương lai. Khi tuân giữ những điều vừa nói là chúng ta góp phần làm cho Nước Chúa trị đến nơi trần gian. Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong Tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống): “Tìm kiếm Chúa, giữ lời Người, tìm cách đáp lời Người bằng chính đời sống của mình, lớn lên trong các nhân đức, điều này làm cho tâm hồn của những người trẻ trở nên mạnh mẽ. Vì vậy, cần phải giữ “kết nối” với Đức Giêsu, để được “kết hợp trực tuyến” với Người, vì các con sẽ không lớn lên trong hạnh phúc và thánh thiện chỉ với sức mạnh và sự thông minh của mình” (số 158). Trong câu văn trên đây, Đức Thánh Cha đã sử dụng ngôn ngữ của người trẻ, so sánh sự kết nối internet với sự gắn bó với Chúa, để đón nhận sức sống thần thiêng Ngài thông chuyển cho chúng ta.

    3- Nỗ lực làm chứng cho Chúa: Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã khẳng định: “Chính những người trẻ hãy truyền giáo cho người trẻ khác”. Quả vậy, nếu bạn trẻ có đức tin trưởng thành và có tâm huyết truyền giáo, họ sẽ là những tác nhân hữu hiệu cho sứ mạng cao cả này. Bởi lẽ người trẻ sống và hoạt động trong môi trường có những người đồng trang lứa với mình. Một cuộc sống ngay thẳng, tôn trọng tiếng nói của lương tâm, tuân giữ các chuẩn mực đạo đức, sẽ có sức lan tỏa đời sống đức tin nơi các bạn trẻ khác, giúp họ nhận ra gương mặt của Chúa Giêsu, Đấng đang sống giữa chúng ta.

    “Giáo Hội cần đến chúng con với tư cách là người trẻ để làm chứng cho thế giới về khuôn mặt của Đức Kitô... Không có khuôn mặt này, Giáo Hội sẽ cho thấy một khuôn mặt bị biến dạng” (ĐGH Biển Đức 16, bài giảng lễ Đại hội Giới trẻ thế giới Braxin 2007).

    “Hỡi các bạn trẻ yêu dấu, Thầy Giêsu mời gọi các con là những ngôn sứ trong kỷ nguyên mới này, là những sứ giả tình yêu của Người, có khả năng thu hút con người đến với Chúa Cha và xây dựng một tương lai đầy hy vọng cho toàn nhân loại” (Bài giảng của ĐTC Biển Đức 16, Thánh lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ thế giới tại Sydney, 2008).

    Đức Thánh Cha Phanxicô, trong Tông huấn “Hãy vui mừng hoan hỷ” đã trưng dẫn Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận như một chứng từ của nỗ lực nên thánh trong bối cảnh tù đày khó khăn. Ngài đã không lãng phí thời giờ chờ đợi ngày được trả tự do. Thay vào đó, Ngài đã chọn sống giây phút hiện tại, và làm cho giây phút ấy tràn đầy tình thương. Ngài quyết định: “Tôi sẽ tận dụng cơ hội có được mỗi ngày, tôi sẽ hoàn thành các việc thường ngày một cách phi thường” (Số 17).

    Các bạn trẻ thân mến,

    Các bạn đang sống trong nhiều lãnh vực khác nhau: sinh viên, công nhân, nông dân, nghề tự do, sống tại gia đình, sống tại thành phố. Nhiều người trong các bạn cũng đang gặp khó khăn trong cuộc sống: tình yêu hôn nhân, học vấn và nghề nghiệp. Ước chi mỗi người hãy ý thức rằng: môi trường tôi đang sống là nơi Chúa gửi tôi đến để làm chứng cho Ngài. Những khó khăn tôi gặp phải chính là những thử thách giúp tôi nên thánh, như lửa thử vàng, gian nan thử đức. Hãy can đảm và cố gắng. Chúa Giêsu đang sống giữa chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ chúng ta: “Nếu như Người đang sống, thì quả thật Người có thể hiện diện trong cuộc đời của con, ở mọi lúc, để ban ánh sáng chan hòa trên cuộc sống con. Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ còn cô đơn và bị bỏ rơi nữa. Ngay cả khi mọi người bỏ đi, Người vẫn ở đó, như lời Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20) (số 125).

    Ước chi những dòng tâm sự trên đây giúp các bạn tìm thấy nghị lực và niềm vui khi đi theo Đức Giêsu, để chúng ta sống ơn gọi Kitô hữu trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Dù cuộc sống còn nhiều cam go, nhưng chúng ta tin rằng, Chúa Giêsu luôn sống và hiện diện giữa chúng ta.

    +TGM Giuse Vũ Văn Thiên

    Bài viết liên quan