Trong tập 3 của chương trình “Cha mẹ thay đổi” là câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Liên (Văn Lâm, Hưng Yên) trên hành trình thay đổi để dạy dỗ và yêu thương cậu con trai cả tên Tí (9 tuổi).
Chị Liên vốn là một người phụ nữ mạnh mẽ và quyết đoán trong cách dạy con. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống, chị lại thường xuyên quát mắng, dọa nạt, thậm chí là đánh con khi con không làm theo ý mình.
Còn Tí (9 tuổi) luôn cảm thấy chán ghét mỗi khi bị mẹ sai bảo. Những câu nói của mẹ với cậu thường xuyên là những lời mệnh lệnh: “Mang quần áo đi phơi đi. Nhanh, khẩn trương”; “Có phơi không? Đếm đến 3 không xuống thì cứ liệu hồn”. Rồi chị chỉ tay vào mặt con, vừa chậm rãi đếm.
Dù vùng vằng chống đối nhưng trước sự quyết liệt của mẹ, Tí vẫn phải miễn cưỡng làm, vừa làm vừa khóc. Cậu bé liên tục trách mẹ: “Mẹ là đồ nói dối”, “Mẹ suốt ngày bắt con làm”, “Mẹ chẳng cho con cái gì, tốn sức”, “Từ lúc con sinh ra tới giờ, mẹ chẳng mua cho con đồ chơi gì cả”,…
Trong khi đó, người mẹ vẫn tiếp tục đe nạt: “Phơi nhanh không tao cho ăn đòn đấy”.
Người mẹ liên tục dọa “cho ăn đòn” khi con không nghe lời
Sau khi những cảm xúc bị dồn nén được bộc phát, Tí mặc kệ việc phơi đồ mẹ giao và bỏ đi lên phòng riêng. Đến cầu thang, thấy em trai đang lò dò đứng, cậu chẳng suy nghĩ gì mà đập luôn vào người em như một vật trút giận để giải tỏa những bức bối, khó chịu trong lòng.
Người mẹ vội vàng chạy lên dỗ em trai đang khóc: “Thằng bé làm gì mà đánh nó?”.
“Cho nó chết luôn đi. Đập chết thằng bé đi. Giỏi thì để nó làm đi”, Tí đáp trả lại mẹ.
Người mẹ lúc này chỉ ôm và vỗ về cậu em trai nhưng không hề nhìn thấy nỗi đau trong lòng của người anh. Và chị đã quay lưng bỏ đi.
Không nhận được sự đồng cảm từ mẹ, Tí càng trở nên buồn bực và tức giận. Cậu bắt đầu khóc, ném đồ và tự hành hạ bản thân trong bóng tối.
Vẫn không có ai đến an ủi Tí. Cậu không có cách nào để giải tỏa cảm xúc. Tâm trạng bị tích tụ lâu dần giống như một quả bom có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Không nhận được sự đồng cảm từ mẹ, Tí càng trở nên buồn bực và tức giận. Cậu bắt đầu khóc, ném đồ và tự hành hạ bản thân trong bóng tối.
Hàng ngày, những tiếng quát mắng của mẹ, những lời cãi cọ và tiếng khóc lóc của Tí khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng.
Chị Liên sai con trai đi nấu cơm, cậu bé vùng vằng: “Nấu cơm có phải việc của con đâu. Mẹ toàn bắt con nấu ăn thôi”.
Rồi người mẹ lại sai con trai rửa bát. Cậu bé lại tiếp tục khóc lóc và ấm ức: “Cái nhà gì chỉ toàn chửi với mắng. Chẳng làm gì sai cũng chửi. Mẹ tự đi mà rửa”.
Đáp lại sự bực tức của con, chị Liên tiếp tục mắng: “Nói một câu mày cãi một câu. Mày không câm cái miệng vào, mở miệng ra là cãi”.
Và một lần nữa, sự tức giận lên đỉnh điểm, Tí quở trách mẹ: “Mẹ là đồ ích kỷ” và tỏ ra bất cần: “Chả cần học nữa. ‘Mụ kia’ không cho học thì học làm gì. Học bài không cho đốt luôn quyển sách đi”.
Cậu bé ấm ức: “Cái nhà gì chỉ toàn chửi với mắng. Chẳng làm gì sai cũng chửi".
Bản thân chị Liên cũng ý thức được cách dạy con của mình đang có vấn đề nhưng không tìm được ra hướng giải quyết. “Nhiều khi mình cũng chán. Mình cảm giác đi làm còn sướng hơn ở nhà”.
Chị cũng thừa nhận, khi không thể giải quyết bằng lời nói, “que củi, cán chổi, dây điện,… là những thứ có thể sử dụng để đánh con, gặp cái gì là quật cái đấy”. Nhưng cách làm này của chị đã khiến Tí trở thành một cậu bé bất cần.
Khi được hỏi: “Có khi nào con cảm thấy yêu em không?”, cậu bé lắc đầu dứt khoát: “Không”.
“Có khi nào con cảm thấy bố mẹ yêu con không?”, cậu bé vẫn lập tức trả lời: “Không”.
“Khi ở nhà con chỉ thích ngủ thôi. Thường khi đi chơi thì mới vui vẻ, còn về nhà lại thấy chán ngán”, Tí nói.
Và cách đối xử với em trai của Tí cũng chính là hệ quả của tâm trạng bị dồn nén quá lâu bị bùng phát. Khi em làm sai, Tí túm lấy cổ áo, xô ngã, tát khi bực bội và mắng mỏ em như cách mẹ vẫn làm với mình.
Tí túm lấy cổ áo, xô ngã, tát khi bực bội và mắng mỏ em như cách mẹ vẫn làm với mình.
Theo dõi câu chuyện của chị Liên và con, GS. Peck Cho (ĐH Hàn Quốc, Ủy viên Hội đồng cố vấn chính sách – Bộ Giáo dục Hàn Quốc) cho rằng: “Thường bố mẹ sẽ có 2 công cụ là roi ở bên tay này và kẹo hoặc tiền ở bên tay kia. Nếu làm không tốt sẽ bị phạt. Nếu làm tốt, học hành chăm chỉ sẽ được thưởng kẹo, tiền.
Cách giáo dục của chị Liên là phải cứng rắn để dạy con. Tuy nhiên, việc chị đánh con chỉ có thể khiến trẻ trở nên cứng rắn chứ không trở nên kiên cường. Vì vậy, trẻ dễ bị “gẫy” khi gặp vấn đề”.
GS. Peck Cho khẳng định, cha mẹ thường đánh trẻ vì nó rất tiện và miễn phí. Tuy nhiên, điều này không thể khiến đứa trẻ cảm thấy hạnh phúc và thành công trong tương lai, đồng thời nó còn gây ra những tác hại khôn lường cho sự phát triển về tính cách của trẻ.
Lắng nghe những lời góp ý từ chuyên gia, chị Liên quyết tâm thay đổi bằng cách thường xuyên khích lệ và chơi với con. Thay vì quát mắng, sai bảo, chị sẵn sàng đưa ra lời khen.
Chẳng hạn khi Tí biết tự nấu cơm, người mẹ đưa ra lời khen một cách hào hứng: “Con tự biết cách chăm sóc bản thân rồi. Tuyệt vời”.
Mỗi khi con về đến nhà, chị không ngần ngại có những kết nối về cơ thể.
Mỗi khi con về đến nhà, chị không ngần ngại có những kết nối về cơ thể như mát xa, ôm, hôn. Nhờ vậy, cậu bé từng không muốn về nhà giờ đây đã thích được nói chuyện với mẹ, thậm chí cậu con trông chờ được chơi với mẹ và em trai vào mỗi buổi tối.
“Chính những kết nối tốt với cơ thể của người mẹ đã khiến cậu bé đến bên mẹ một cách tự nhiên”, GS. Peck Cho nói.
Ông cho rằng, điều quan trọng nhất chị Liên cần duy trì và ghi nhớ trong suốt hành trình đồng hành cùng con tiếp theo là phải luôn lắng nghe cảm xúc của con, tôn trọng trẻ để tìm được sự đồng cảm.
Thúy Nga
Vietnamnet.vn
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 110 | Tổng lượt truy cập: 707,622