Êlia: Cầu nguyện là xin Chúa thực hiện điều Chúa muốn

  • 09/05/2022
  • Êlia: Cầu nguyện là xin Chúa thực hiện điều Chúa muốn

    (Bài giảng Giáo lý của Đức Nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI)

    Anh chị em thân mến,

    Trong lịch sử tôn giáo của Israel thời cổ đại, các tiên tri giữ một vai trò quan trọng qua giáo huấn và việc rao giảng. Trong số các tiên tri, có Êlia là người được Chúa kêu gọi để đưa dân trở về với Chúa. Êlia nghĩa là “Chúa là Thiên Chúa của tôi” và ông đã trọn đời sống đúng với ý nghĩa tên gọi đó. Ông tận hiến đời mình cho sứ mạng kêu gọi dân nhận biết Chúa là Thiên Chúa duy nhất. Sách Huấn ca nói về Êlia: “Tiên tri Êlia xuất hiện như lửa, lời của ông bừng cháy như một ngọn đuốc” (Hc 48, 1). Với ngọn lửa này, dân Israel tìm thấy con đường mình đi đến với Thiên Chúa.

    Khi loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngôn sứ Êlia từng cầu xin Chúa cho con trai của người góa phụ tiếp đón ông được sống lại (x. 1 V 17, 17-24), kêu với Chúa ông quá mệt mỏi và lo âu khi phải trốn chạy vào hoang địa vì bị hoàng hậu Giêzaben truy lùng và khép án tử (x. 1 V 19,1-4), nhưng đặc biệt hơn cả, trên núi Carmel, ông đã cho thấy tất cả sức mạnh của một người cầu xin khi ông cầu nguyện trước toàn thể dân Israel, nài xin Chúa tỏ mình ra và làm cho tâm hồn dân chúng được hoán cải.

    Đó chính là câu chuyện được trần thuật trong chương 18 sách Các Vua, Quyển I.

    Chúng ta trở về với vương quốc miền Bắc thế kỷ IX trước Công nguyên, vào thời vua Akhap, giữa lúc trào lưu chủ trương pha trộn tôn giáo với dân ngoại bắt đầu lan tràn trong dân Israel. Ngoài Chúa, dân còn tôn thờ ngẫu tượng Baal, tin rằng Baal sẽ làm cho mưa xuống, ruộng đất được phì nhiêu, con người và súc vật sống được. Trong khi tự nhận vẫn theo Chúa, một Thiên Chúa vô hình và mầu nhiệm, dân còn tìm nương tựa nơi một vị thần có thể hiểu và đoán biết được, chỉ cần đổi chác lễ vật là họ sẽ có đất đai mầu mỡ và sống thịnh vượng. Israel không cưỡng được cám dỗ thờ ngẫu tượng, một cám dỗ mà người tín hữu liên tục gặp phải, cho rằng mình có thể làm tôi hai chủ (x. Mt 6, 24; Lc 16, 13) và tránh khó tìm dễ, bằng cách bỏ con đường khó là tin vào Đấng Toàn năng, mà đi con đường dễ là tin vào một vị thần không có quyền thế do con người tạo ra.

    Vạch trần sự lầm lạc mê muội này, Êlia đã tập họp dân Israel trên núi Carmel và buộc họ phải lựa chọn: “Nếu Chúa là Thiên Chúa thì hãy theo Ngài; còn nếu Baal là Chúa thì cứ theo hắn” (1V 18, 21). Và vị tiên tri, con người cưu mang tình yêu Thiên Chúa, không bỏ mặc dân mình đang phải lựa chọn, nhưng đã ra tay giúp họ, bằng cách cho thấy dấu chỉ của sự thật: một bên là Êlia còn bên kia là các ngôn sứ của Baal, hai bên sẽ chuẩn bị một lễ vật sát tế và cầu nguyện. Vị Thiên Chúa thật sẽ tỏ hiện bằng cách lấy lửa thiêu đốt của lễ.

    Thế là bắt đầu cuộc chạm trán giữa tiên tri Êlia và các môn đệ của Baal, mà thực chất chính là cuộc đối đầu giữa Chúa của dân Israel là Thiên Chúa cứu độ và hằng sống với ngẫu tượng câm lặng và không vững bền, chẳng làm được điều gì dù tốt hay xấu (x. Gr 10, 5). Đồng thời cũng bắt đầu cuộc chạm trán giữa hai cách hướng về Thiên Chúa và hai lối cầu nguyện khác nhau.

    Các ngôn sứ của Baal kêu van, lắc mình, nhảy khập khiễng, rơi vào trạng thái kích động đến mức cào xước cả người “bằng gươm giáo đến chảy máu” (1 V 18, 28). Họ dùng thân mình mà kêu nài thần linh, tin mình có khả năng khiến vị chúa ấy đáp lời.

    Việc đó cho thấy tính chất lừa mị của ngẫu tượng: ngẫu tượng do con người nghĩ ra, là sản phẩm do con người xếp đặt và dùng sức riêng mình mà cai quản, ngẫu tượng phát xuất từ chính con người và con người dùng nội lực của mình mà đạt đến.

    Thay vì mở lòng đón Thiên Chúa, là Đấng Khác với con người, đón nhận mối tương giao đem lại sự giải thoát và đưa ra khỏi không gian chật chội của sự ích kỷ mà vươn đến các chiều kích của tình yêu và quan hệ hỗ tương, thì sự tôn thờ ngẫu tượng giam cầm nhân vị trong vòng kim cô của cuộc đi tìm cái tôi độc đoán và đầy thất vọng.

    Sự lầm lạc khi tôn thờ ngẫu tượng là, con người thấy mình buộc phải hành động cực đoan, trong một nỗ lực ảo tưởng là bắt ngẫu tượng tuân theo ý mình. Chính vì thế các ngôn sứ của Baal lao vào hành động gây hại cho bản thân, làm thương tổn thân xác bằng cử chỉ nực cười đến thảm hại: mong thần linh đáp lời để chứng tỏ chúa của mình sống động, họ đã phải để máu mình chảy ra, theo ý nghĩa biểu tượng là khoác lấy sự chết.

    Đó là một thái độ cầu nguyện hoàn toàn khác hẳn với Êlia. Ông bảo dân đến gần, như vậy, dân sẽ tham gia vào hành động và lời cầu nguyện của ông. Mục tiêu thách thức ông đặt ra cho các ngôn sứ của Baal là đem dân đã lầm lạc đi theo ngẫu tượng về lại cho Chúa: chính vì thế ông muốn Israel liên kết với ông, dự phần vào và là nhân vật chính trong việc cầu nguyện của ông và trong những gì đang xảy đến. Rồi vị tiên tri dựng một bàn thờ, như bản văn Kinh Thánh trần thuật “dùng mười hai phiến đá, theo số các chi tộc con cái Giacob, người đã được Chúa phán bảo: ‘Tên ngươi sẽ là Israel” (c. 31). Những phiến đá này đại diện cho tất cả dân Israel và là những ký ức hữu hình về lịch sử của sự tuyển chọn, yêu thương cách riêng và ơn cứu độ được dành cho dân. Cử chỉ phụng vụ của Êlia có một ảnh hưởng quyết định: bàn thờ là nơi thánh nói lên sự hiện diện của Chúa, còn những phiến đá dựng bàn thờ thể hiện dân đang hiện diện, qua sự trung gian của vị tiên tri, được đặt một cách biểu tượng trước Thiên Chúa, trở thành “bàn thờ”, nơi dâng của lễ và hy tế.

    Nhưng biểu tượng cần phải trở thành hiện thực, dân Israel phải nhận biết Thiên Chúa thật và phải tìm lại căn tính là dân của Chúa. Đó là lý do tại sao Êlia xin Chúa tỏ mình ra, và 12 phiến đá nhắc cho dân nhớ họ thật sự là ai, đồng thời, khi nài xin cùng Chúa, vị tiên tri cũng nhắc Chúa nhớ lại lòng trung tín.

    Những lời cầu khẩn của Êlia dồi dào ý nghĩa và chứa đầy sự tin tưởng: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Isaac và Israel! Ước chi hôm nay người ta biết rằng trong Israel Chúa là Thiên Chúa và con là tôi tớ của Chúa. Cũng vì lời Chúa phán mà con đã làm tất cả các việc này. Xin đáp lời con, lạy Chúa, xin đáp lời con, để dân này nhận biết Chúa là Chúa, là Thiên Chúa thật, và Chúa đã làm cho trái tim họ được hoán cải” (1V 18, 36-37; x. St 32, 36-37).

    Êlia hướng về Chúa, kêu cầu Chúa là Thiên Chúa các Tổ phụ, và như vậy có ý nhắc lại những lời Chúa đã hứa và lịch sử tuyển chọn, thiết lập giao ước liên kết bất khả phân ly giữa Chúa và dân của Ngài. Chúa tham dự vào lịch sử con người đến nỗi từ nay Danh Ngài gắn liền với tên của các Tổ phụ. Tiên tri Êlia xướng Danh này để nhắc Chúa nhớ lại và thể hiện sự trung tín của Ngài, đồng thời cũng giúp dân Israel nhận thấy mình được Chúa gọi đích danh, hãy quay về mà giữ sự tín trung.

    Do đó, thật đáng ngạc nhiên khi nghe Êlia xướng lên Danh Chúa. Thay vì dùng cách gọi quen thuộc “Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và Giacob”, Êlia lại dùng cách xướng Danh ít thông dụng “Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Israel”.

    Dùng Israel thay vì Giacob, có ý nhắc lại cuộc chiến đấu của Giacob ở suối Jabbok và việc đổi tên được người kể chuyện giải thích tường minh (x. St 32, 31) - tôi đã đề cập điều này trong bài giáo lý trước. Việc thay danh xưng, trong lời cầu xin của Êlia, có một ý nghĩa quan trọng. Vị tiên tri đang cầu nguyện cho dân thuộc Vương quốc miền Bắc, nói chính xác là Israel, để phân biệt với Giuđa, Vương quốc miền Nam. Lúc này hầu như dân đã quên mất cội nguồn và mối liên hệ đặc biệt của mình với Chúa, vì thế Êlia đã nhắc cho dân nhớ, bằng cách nêu rõ trong lời xướng Thiên Chúa của Tổ phụ và của Dân: “Lạy Chúa là Thiên Chúa [...] của Israel, chớ gì hôm nay người ta biết Chúa chính là Thiên Chúa trong Israel”.

    Dân tộc đang được Êlia cầu xin cùng Chúa đã bị đặt trước sự thật về chính mình, đồng thời ông cũng cầu xin cho chân lý của Chúa được thể hiện và nài van Chúa can thiệp để Israel được hoán cải, biết từ bỏ ngẫu tượng lừa mị, nhờ đó dân được đưa đến ơn cứu độ.

    Cuối cùng ông cầu xin cho dân được nhận biết ai đích thực là Thiên Chúa, rồi biết chọn lựa dứt khoát mà đi theo Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Bởi chỉ như thế Thiên Chúa mới được nhận biết đích thực là Đấng Tuyệt đối và Siêu việt, không thể đặt Ngài sánh ngang các thần khác, điều này sẽ phủ nhận Chúa là Tuyệt đối và biến Ngài trở nên tương đối.

    Đó chính là đức Tin làm cho Israel trở nên Dân của Chúa; là niềm Tin được công bố trong bản văn Shema nổi tiếng của Israel: “Hãy nghe, hỡi Israel: Chúa là Thiên Chúa của chúng ta, là Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Chúa là Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết tâm hồn, và hết sức ngươi” (Đnl 6, 4-5). Người tin Chúa phải đáp lại sự tuyệt đối của Thiên Chúa bằng tình yêu tuyệt đối, toàn vẹn, trọn đời, hết sức, hết lòng.

    Tiên tri Êlia cũng cầu xin cho dân biết hoán cải lòng dạ: “Xin cho dân nhận biết chính Chúa là Thiên Chúa và là Đấng làm cho lòng dạ họ được hoán cải” (1V 18, 37). Qua lời cầu xin của mình, Êlia xin với Thiên Chúa điều mà chính Chúa muốn thực hiện, muốn tỏ mình ra qua lòng xót thương hải hà, thực sự là Chúa của sự sống đang ban ơn tha thứ, hoán cải và biến đổi.

    Và đó là điều sắp diễn ra: “Bấy giờ lửa của Chúa ập xuống, thiêu rụi của lễ toàn thiêu, củi, đá và bụi, cả nước trong mương cũng hút cạn luôn. Toàn dân thấy vậy, liền phủ phục sát đất và nói: ‘Chúa quả thật là Thiên Chúa! Chúa quả thật là Thiên Chúa!” (1V 18, 38-39). Lửa, yếu tố cần thiết và đáng sợ, liên quan đến việc Thiên Chúa tỏ mình ra nơi bụi gai bốc cháy và ở núi Sinai, giờ đây được dùng để chỉ tình yêu của Thiên Chúa đang đáp lại lời cầu nguyện và tỏ cho dân được biết Chúa.

    Baal, ông thần lặng câm và bất lực, đã không đáp lời cầu khẩn các ngôn sứ của mình, trái lại, Thiên Chúa đã đáp lời, và rõ ràng không chỉ qua việc thiêu hủy của lễ toàn thiêu, Chúa còn làm khô hết nước đổ quanh bàn thờ. Dân Israel không nghi ngờ gì được nữa: lòng thương xót của Thiên Chúa đã đáp lại sự yếu hèn, nghi ngờ và thiếu đức tin của họ.

    Giờ đây, Baal, ngẫu tượng vô dụng đã bị đánh bại, và dân chúng, những kẻ tưởng chừng đã bị lạc đường, nay tìm thấy con đường chân lý và đã tìm lại được chính mình.

    Anh chị em thân mến,

    Chuyện ngày xưa muốn nói gì với chúng ta? Câu chuyện vừa ôn lại còn mang ý nghĩa hiện thực không?

    Trước hết, phải đặt điều răn thứ nhất lên hàng đầu: chỉ tôn thờ một mình Chúa. Nơi nào không có Thiên Chúa, con người sẽ lâm vòng nô lệ thờ các ngẫu tượng, như các chế độ toàn trị trong thời đại ngày nay cũng như các hình thái khác nhau của chủ nghĩa hư vô đã cho thấy, chúng làm cho con người lệ thuộc các ngẫu thần, những thói thờ ngẫu tượng làm cho con người trở thành nô lệ.

    Thứ hai, mục đích chính của cầu nguyện là hoán cải: lửa của Thiên Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta, làm cho chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa, và như vậy có thể sống theo ý Chúa và sống cho tha nhân.

    Thứ ba, các giáo phụ cho rằng bản thân câu chuyện của vị tiên tri đã mang ý nghĩa tiên báo, là hình bóng của tương lai, về Đức Kitô tương lai; đó là một bước trên hành trình hướng đến Đức Kitô. Và các ngài cho chúng ta biết ở đó chúng ta nhìn thấy ngọn lửa thật sự của Thiên Chúa, là tình yêu dẫn Chúa đến tận thập giá, đến việc hoàn toàn tự hiến. Vì vậy, việc thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực là tự hiến chính mình cho Thiên Chúa và con người. Sự thờ phượng đích thực chính là tình yêu. Và sự thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực thì không phá hủy nhưng đổi mới và biến cải.

    Quả thật, lửa của Thiên Chúa, ngọn lửa của tình yêu thì đốt cháy, biến đổi, thanh luyện. Nói một cách chính xác, ngọn lửa ấy không hủy diệt mà làm nên sự thật về hiện hữu của chúng ta, tái sinh tâm hồn chúng ta. Do đó, khi thực sự sống nhờ ngọn lửa của Thánh Thần và tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta trở nên những người thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý.

    Cảm ơn anh chị em.

    Ngày 15.6.2011

    Đức Nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

    Nguồn: Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN số 66 (Tháng 7 & 8 năm 2011)

    Bài viết liên quan