Các bước để thực hiện một Giờ Chầu Thánh Thể

  • 15/05/2022
  • Kính thưa quý Trưởng, quý Giáo lý viên, trong những năm trở lại đây, tại hầu hết các xứ đoàn trong toàn giáo phận, đã nở rộ phong trào Thiếu Nhi Chầu Thánh Thể vào các tối thứ Năm hàng tuần. Đó quả là một hồng ân lớn lao mà Chúa Giê-su Thánh Thể đã thương ban cho giáo phận Thái Bình. Tuy nhiên, ở một vài xứ đoàn, quý Trưởng còn cảm thấy lúng túng trong việc tổ chức một giờ chầu Thánh Thể như thế nào cho đúng với Phụng Vụ của Hội Thánh. Nhằm đáp ứng như cầu thực tế này cũng như để thống nhất trong toàn giáo phận về cách thức tổ chức giờ chầu cho TNTT, Liên đoàn TNTT Giu-se Khang Gp. Thái Bình hân hạnh giới thiệu tới quý Trưởng và Giáo lý viên hình thức của một giờ chầu để quý Trưởng và Giáo lý viên tham khảo và áp dụng cho đúng. Xin trân trọng cảm ơn.

    Giờ chầu của TNTT thường chỉ nên kéo dài khoảng 30 phút. Gồm các bước sau:

    1 - Dấu Thánh Giá

    2 – Hát xin ơn Chúa Thánh Thần

    3 – Hát về Thánh Thể

    4 - Tin Mừng

    Khi công bố Lời Chúa, có thể chọn Lời Chúa: Theo ngày thường, theo nhu cầu hoặc theo chủ đề của ngày lễ

    5 - Bài Suy niệm 1

    6 - Thinh lặng (Đây là sự Thinh lặng thánh cần phải có)

    Sự thinh lặng có 2 chức năng:

    Như nhịp nghỉ để giúp cộng đoàn có khả năng chuẩn bị tâm hồn.
    Giúp cộng đoàn cảm nếm được phần nào đó đoạn Lời Chúa mà mình vừa mới nghe (trong Phụng vụ gọi là nội tâm hóa Lời của Chúa). Nếu cứ đọc liên tục, mọi người sẽ mất cơ hội để nghe Chúa nói.
    Sự thinh lặng sau bài suy niệm là điều cần thiết, tuy nhiên, thời gian thinh lặng không nên quá dài, chỉ khoảng 2 – 3 phút. Bởi nếu dài hơn, các em sẽ cảm thấy khó chịu, dẫn đến ngọ nguậy và làm mất trật tự.

    7 – Hát Thánh Ca

    Hát Thánh Ca trong giờ chầu Thánh Thể là điều cần thiết và quan trọng. Giúp cộng đoàn vừa thay đổi bầu khí vừa suy niệm Lời Chúa bằng một hình thức sinh động hơn. Như lời Thánh Au-gút-ti-nô: Hát đúng, hát hay bằng cầu nguyện hai lần.

    8 - Bài Suy niệm 2

    9 – Thinh lặng 2 – 3 phút

    10 – Hát về Chúa:

    11 – Kinh dâng Mình cho trái tim Chúa (hoặc một lời kinh khác tương tự)

    12 – Hát: “Này con là đá”, “Cầu Cho Đức Giáo Hoàng”, “Cầu cho Đức Giám mục”.

    13 - Hát  Cất Mình Thánh (Tantum Ergo)

    14 - Lời Nguyện Và Phép Lành Thánh Thể

    15 – Chủ sự cất Mình Thánh

    16 - Hát về Đức Mẹ (hoặc một bài ca ý lực)

    KẾT THÚC

    Lưu ý:

    Hát “Này con là đá”. “Cầu cho Đức Giáo Hoàng hay Ta hãy sấp mình… chỉ dùng khi kết thúc giờ chầu.

    Trong trường hợp Tuần chầu lượt hoặc chầu ngày thứ 5 Tuần Thánh có nhiều hội đoàn cùng chầu Thánh Thể, thì không hát “Cầu xin Chúa Thánh Thần” lúc khởi đầu nếu như trước đó đã có một hội đoàn khác; cũng không hát “Ta hãy sấp mình” vào lúc cuối giờ chầu của hội đoàn của mình, nếu sau đó còn có các hội đoàn khác nữa.

    Trong giờ chầu Thánh Thể, cộng đoàn có thể đọc: Các Kinh về Thánh Thể, Kinh Thánh Tâm Chúa, Kinh Cầu Trái Tim.

    Có thể đọc kinh Mân Côi trước Thánh Thể, bởi vì bản chất, các mầu nhiệm kinh Mân Côi là những mầu nhiệm chính yếu trong cuộc đời Chúa Giê-su, nhưng không được hát các bài thánh ca (hoặc đọc kinh) về Đức Mẹ hoặc về các thánh. Tất cả các bài thánh ca đều quy về Chúa Kitô. Dĩ nhiên, không nên đặt Mình Thánh chỉ để đọc kinh Mân Côi.

    Ngoài việc đọc các kinh thông thường, Giáo Hội khích lệ nên đọc một giờ Kinh Phụng vụ nào đó. Vì Giờ Kinh Phụng Vụ là phụng vụ chính thức của Hội Thánh để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người. Sau khi linh mục đã đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ, xông hương và công bố Lời Chúa, thì mới bắt đầu Giờ Kinh Phụng Vụ. Khi đọc kinh Phụng Vụ, thì bỏ câu: Lạy Chúa Trời xin tới giúp con và Thánh Thi, mà đọc Ca Vịnh ngay cho đến hết Lời Nguyện, vì Giờ chầu đã được mở đầu và được kết thúc bằng Phép Lành Thánh Thể.

    LIÊN ĐOÀN TNTT GIUSE NGUYỄN DUY KHANG

    Nguồn: Gioitre-tnttgptb.org

    Bài viết liên quan