Caption

 

I. Nguồn gốc và lịch sử

Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể bắt nguồn từ hội Cầu nguyện bên Pháp do các linh mục Léonard Cros và Ramadière khởi xướng giũa thế kỷ XIX với tinh thần Đạo Binh Thánh Giá theo 4 khẩu hiệu truyền thống: cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm việc tông đồ.

Phong trào được thành lập đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1929 do hai linh mục Léon Paliard và Paul Uzureau (thuộc Tu hội Xuân Bích), mang tên Nghĩa Binh Thánh Thể.

Tuỳ theo lứa tuổi từ nhỏ đến lớn, Nghĩa Binh được chia ra làm Tiền Binh, Trung Binh, Hậu Binh. Năm 1957, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam bổ nhiệm linh mục Nguyễn Khắc Ngự lên tổng Tuyên uý đầu tiên.

Năm 1971, Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn bản “Nội Quy Mới”. Năm 1972, Đại hội toàn quốc Về Đất Hứa I tổ chức tại Bình Triệu quy tụ khoảng 2.000 huynh trưởng.

Sau năm 1975, phong trào lan rộng và phát triển mạnh nơi cộng đồng Công giáo Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới: Pháp, Đức, Úc, Hoa Kỳ, Canada….

II. Mục đích tôn chỉ và phương pháp giáo dục

Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể là đoàn thể Công Giáo Thiếu Nhi quy tụ các em thiếu nhi bên Chúa Giêsu nhằm mục đích giáo dục các em về hai phương diện: Tự nhiên và Siêu nhiên, nghĩa là đào tạo thành người công dân tốt và huấn luyện thành người Kitô hữu hoàn hảo. Nền tảng giáo dục của phong trào là Lời Chúa trong Thánh Kinh và Giáo huấn của Giáo hội Công giáo.

Để cụ thể hoá mục đích trên, phong trào mời gọi đoàn viên sống theo các tôn chỉ sau:

-          Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng cách cầu nguyện, rước lễ, hy sinh, làm việc tông đồ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

-          Yêu mến và tôn kính Đức Maria.

-          Tôn kính các Thánh Việt Nam.

-          Vâng phục vị đại diện Chúa Kitô là Đức Giáo Hoàng.

-          Thăng tiến con người nhân bản, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam.

Về phương pháp giáo dục siêu nhiên, phong trào đã khơi nguồn Thánh Kinh và Thánh Thể: cuộc đời Chúa Giêsu từ thuở thơ ấu, thời ẩn dật và bước đường rao giảng Tin Mừng đã trở nên nguồn suối chất liệu trong việc giáo dục giới trẻ trở nên giống Chúa Kitô: sống ngoan, sống hy sinh, sống chinh phục, sống dấn thân, sống phụng sự như Người.

Mặt khác, phong trào cũng tận dụng các phương pháp giáo dục tự nhiên như Hàng đội tự trị, Giáo dục tiệm tiến, Vào sa mạc (Trại Huấn luyện), Sinh hoạt Trẻ và Hội họp.

Việc hội họp mang lại bầu khí sum vầy, cùng nhau nhìn lại những gì đã thực hiện, phân công, chia sẻ và cùng nhau học hỏi thăng tiến bản thân và đoàn thể…

III. Tổ chức sinh hoạt và huấn luyện

1. Các cấp Thiếu Nhi

Nếu ngày xưa Nghĩa Binh Thánh Thể chia ra làm Tiền Binh, Trung Binh, Hậu Binh thì ngày nay phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể dựa theo lứa tuổi chia ra làm các ngành: Ấu Nhi, Thiếu Nhi, Nghĩa Sĩ và Hiệp Sĩ.

- Ngành Ấu Nhi : từ 7 đến 9 tuổi, quàng khăn màu xanh lá mạ, với châm ngôn: Ngoan. 

- Ngành Thiếu Nhi: từ 10 đến 13 tuổi, quàng khăn màu xanh biển với châm ngôn: Hy sinh. 

- Ngành Nghĩa Sĩ: từ 14 đến 17 tuổi, quàng khăn màu đỏ tươi với châm ngôn: Chinh phục. 

- Ngành Hiệp Sĩ: từ 18 tuổi trở lên, quàng khăn màu đỏ màu nâu với châm ngôn: Dấn thân.

2. Huấn luyện Huynh Trưởng

Khung cảnh huấn luyện Huynh Trưởng (HT) chính thức, tức HT cấp I, là cuộc hành trình “Về Đất Hứa” của dân Do Thái. Người có trách nhiệm dẫn đưa các em thiếu nhi thoát khỏi những tật xấu, thú vui thấp hèn của xã hội để đến cùng Chúa.

Lên đến HT cấp II và cấp III, người HT được huấn luyện chuyên ngành. Khung cảnh huấn luyện cấp II Ngành Ấu là cánh đồng Bêlem; cấp II Ngành Thiếu là cuộc hành trình lên Giêrusalem chịu thương khó của Chúa Giêsu; cấp II Nghành Nghĩa là biến cố Phaolô ngã ngựa ở Damas.

Khung cảnh huấn luyện HT cấp III Nghành Ấu là cuộc hành trình của Ba Vua Phương Đông tìm Chúa Hài Đông; cấp III ngành Thiếu là Cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu; cấp III Ngành Nghĩa là các cuộc hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô.

3. Trợ tá

Với kinh nghiệm dồi dào của đời sống gia đình cũng như cuộc sống xã hội, Người trợ tá không những mang vai trò hướng dẫn tinh thần, cố vấn góp ý, mà còn là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa đoàn TNTT và phụ huynh cũng như cộng đồng xứ đạo.

Người Trợ tá nếu tham dự các khoá huấn luyện của phong trào, sẽ trở thành những huấn luyện viên đáng tin cậy và tạo nền móng vững chắc cho các sinh hoạt huấn luyện tại địa phương.

4. Tuyên uý

Vì là một đoàn thể Công giáo Tiến hành, Đoàn TNTT cần có linh mục Tuyên uý. Tuyên uý là người có nhiệm vụ hướng dẫn đòi sống đạo đức và cử hành nghi lễ phụng vụ cho các đoàn viên TNTT.

 

Người phụ trách: Phanxicô X. Trần Ngọc Lợi

Linh mục Tổng TU: Giuse Phạm Đức Tuấn