Tìm Hiểu Chúa Nhật Áo Hồng

  • 10/05/2022
  • Trong Thánh Lễ Chúa nhật thứ III mùa Vọng và Chúa nhật thứ IV mùa Chay, linh mục có thể mặc áo lễ màu tím hoặc màu hồng, theo như hướng dẫn chữ đỏ của Sách lễ Rôma: “In hac Missa adhibetur color violaceus vel rosaceus” (Trong Thánh Lễ này, có thể sử dụng áo tím hoặc áo hồng). Vì thế hai Chúa nhật này còn gọi là Chúa Nhật Áo Hồng.

     

    Ca Nhập Lễ Chúa nhật thứ III mùa Vọng thúc giục: “Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa” (Phil 4,4).

    Ca Nhập Lễ Chúa nhật thứ IV mùa Chay mời gọi: “Mừng vui lên, hỡi Giêrusalem” (Is 66,10).

    Như thế, màu hồng là màu của hừng đông, của niềm vui háo hức chờ mong.
    Hai Chúa nhật này còn được gọi là Chúa Nhật Vui Mừng, với khung cảnh phụng vụ bừng sáng lên.

    Chúa Nhật Vui Mừng là chút dừng chân tạm nghỉ trong cuộc hành trình dài màu tím, để thêm hân hoan trên chặng đường mới.

    Chúa Nhật Áo Hồng giữa các tuần áo tím cho ta nếm hưởng trước hương vị của Niềm Vui ngày Sinh Nhật Chúa và của Chúa Nhật Phục Sinh.
    Vì thế, Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma” (số 305) dạy: “Trong mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm Niềm Vui trọn vẹn của Sinh Nhật Chúa. Mùa Chay không được chưng hoa trên bàn thờ, trừ Chúa Nhật IV mùa Chay (tức Chúa Nhật Mừng Vui), các lễ trọng và lễ kính".

    Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mặc áo hồng trong Lễ Mở cửa Năm Thánh tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan Latêranô sáng ngày 13-12-2015, Chúa nhật thứ III mùa Vọng. Trước hết là áo choàng (cappa) hồng; và sau đó là áo lễ (casula) hồng.

    Phêrô Nguyễn Đình Diễn

    Bài viết liên quan