Lời Mở Đầu
Trong lần gặp gỡ ở Denver tháng 8 năm 1993, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã mời gọi các bạn trẻ thế giới làm tông đồ rao giảng Tin Mừng. Ngài nói: "Sứ mạng rao truyền Tin Mừng là một trách nhiệm thiêng liêng, và nếu cần phải đứng trên mái nhà để loan truyền Tin Mừng, các bạn cũng không ngần ngại làm việc đó". Nhưng cũng như ngày xưa, Chúa Giêsu đã ân cần dạy dỗ dặn bảo các tông đồ trước khi các ngài được sai đi, ngày nay, công việc tông đồ cũng cần phải được chuẩn bị và tập luyện để bước chân người đi gieo Lời Chúa chắc chắn thu gặt được hoa mầu tốt tươi. Nhìn vào giới trẻ Việt Nam tại quê nhà cũng như hải ngoại, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam là một trong những đoàn thể trẻ có sức sống mãnh liệt và lòng nhiệt thành cao độ trong cuộc sống chứng nhân Tin Mừng, một trong những đoàn thể trẻ có chương trình huấn luyện kỹ lưỡng về nội tâm cũng như năng khiếu chuyên môn, kết hợp hài hòa đời sống siêu nhiên và tự nhiên. Bài viết này xin được giới thiệu tổng quát về Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, đi từ nguồn gốc, bước tiến đến các nét đặc thù và đường lối sinh hoạt, huấn luyện.
Nguồn Gốc và Bước Tiến
Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam bắt nguồn từ Hội Cầu Nguyện bên Pháp do các linh mục Léonard Cros và Ramadière khởi xướng giữa thế kỷ 19. Lấy tinh thần Đạo Binh Thánh Giá, nhưng thay vì dùng vũ khí vật chất là gươm giáo, Phong Trào dùng vũ khí tinh thần là 4 khẩu hiệu truyền thống: Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và Làm Việc Tông Đồ, thay vì bảo vệ Thánh Địa vật chất, Phong Trào bảo vệ Đền Thờ thiêng liêng là tâm hồn của các em thiếu nhi, tâm hồn của giới trẻ. Bên Pháp thời đó, các em trong Hội Cầu Nguyện được mệnh danh là Đạo Quân riêng của Đức Giáo Hoàng tự nguyện tuân giữ các điều sau:
Mỗi ngày, thinh lặng một giờ dâng cho Chúa, làm việc một giờ, chơi một lần ngay thẳng hoàn toàn... để cầu nguyện theo ý Đức Giáo Hoàng.
Rước lễ mỗi Chúa Nhật để cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng.
Mỗi tối, ghi vào sổ tay những việc đã làm như cầu nguyện hãm mình, dự lễ, rước lễ, giúp đỡ cha mẹ.
Đến đầu thế kỷ 20, nhờ linh mục Bessière dòng Tên, Hội Tông Đồ Cầu Nguyện dành cho giới trẻ chính thức được thành lập tại Pháp năm 1917, với đường lối căn bản: nhắm vào trẻ em (năng rước lễ theo Thông Điệp của Đức Giáo Hoàng Piô X cổ võ và ban phép cho trẻ em chịu lễ sớm), có tính cách quốc tế theo ý Hội Thánh Thể ở Lộ Đức, và nhấn mạnh tính cách truyền giáo.
Khi vào Việt Nam, Phong Trào được thành lập đầu tiên tại Hà Nội năm 1929 do hai linh mục dòng Xuân Bích, mang tên NGHĨA BINH THÁNH THỂ, được hàng giáo phẩm và giáo dân nhiệt liệt hưởng ứng đã phát triển mau chóng khắp nơi trên toàn quốc trong suốt thập niên 30: Huế (1931), Sài Gòn (1931), Phát Diệm (1932), Thanh Hóa (1932), Vinh (1935), Quy Nhơn (1936), Bùi Chu (1937), Thái Bình (1937), Bắc Ninh (1938). Tùy theo lứa tuổi từ nhỏ tới lớn, Nghĩa Binh được chia ra làm Tiền Binh, Trung Binh, và Hậu Binh. Nhận định về Nghĩa Binh thời kỳ này, các vị giám mục trong Công Đồng Đông Dương năm 1934 đã hết lòng khen ngợi: "Riêng đối với trẻ con nam nữ, chúng tôi giới thiệu Hội Nghĩa Binh Thánh Thể, vì không có gì có sức hơn để đốt nóng lên trong các tâm hồn thiếu niên, tinh thần và lòng mộ mến việc tông đồ".
Biến cố di cư 1954 đã làm phát triển rộng lớn hơn nữa Nghĩa Binh Thánh Thể ở miền Nam. Năm 1957, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã bổ nhiệm linh mục Micae Nguyễn Khắc Ngữ làm Tổng Tuyên Úy đầu tiên. Sinh hoạt Nghĩa Binh bắt đầu đòi hỏi đổi mới cho phù hợp với tâm lý giới trẻ. Mười năm sau biến cố 54, khi linh mục Tổng Tuyên Úy Nguyễn Khắc Ngữ được bổ nhiệm làm Giám Mục Giáo Phận Long Xuyên năm 1964, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã cử linh mục Phaolô Nguyễn Văn Thảnh lên thay thế. Với tâm tư yêu mến giới trẻ sâu xa, vị tân Tổng Tuyên Úy đã tổ chức Đại Hội Tuyên Úy để nghiên cứu và thảo luận vạch hướng đi cho Nghĩa Binh Thánh Thể. Cùng lúc với tinh thần đổi mới của Công Đồng Vaticanô II, Phong Trào đã thêm vào sinh hoạt cầu nguyện thuần túy của Nghĩa Binh Thánh Thể một đường lối mới: Giáo dục trẻ, và dùng phương thức sinh hoạt trẻ vào trong các hoạt động. Vì thế, bản Nội Quy Thống Nhất được ra đời và đổi tên Nghĩa Binh Thánh Thể thành Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam.
Mười năm sau đó, năm 1974, linh mục Phaolô Nguyễn Văn Thảnh vì lý do sức khỏe đã từ chức, và linh mục Giuse Vũ Đức Thông lên thay thế. Trong thập niên 70, nhiều biến cố khác đáng được ghi nhớ: Hội Đồng Giám Mục phê chuẩn Bản Nội Quy Mới (1971), Đại Hội Toàn Quốc VỀ ĐẤT HỨA I tổ chức tại Bình Triệu quy tụ khoảng 2 ngàn Huynh Trưởng (1972), Phong Trào đình chỉ mọi hoạt động bên ngoài sau biến cố 1975, nhưng bắt đầu nhen nhúm nẩy mầm theo bước chân người Công Giáo di tản tại Hoa Kỳ.
Cũng mười năm sau, năm 1984, nhân dịp Đại Hội Liên Đoàn Công Giáo tại Hoa Kỳ tại New Orleans, Đại Hội Tuyên Úy và Huynh Trưởng đã bầu linh mục Đaminh Vũ Thanh Tường làm Tổng Tuyên Úy Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ. Nhưng chỉ ít ngày sau, cha Tường đã đột ngột từ trần để lại cho cả Phong Trào niềm thương tiếc. Linh mục Francis Phạm Văn Phương được mời làm Tổng Tuyên Úy thay thế cha Tường năm 1985. Thập niên 80 có nhiều sinh hoạt đáng nhớ: Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng đầu tiên ở Orange County do linh mục Gioakim Vũ Tuấn Tú tổ chức (1980), ở San Jose do các Huynh Trưởng (1980), ở New Orleans do linh mục Nguyễn Đức Huyên (1981), linh mục Giuse Vũ Đức Thông từ Úc sang Hoa Kỳ huấn luyện (1983), Bầu Ban Chấp Hành Trung Ương đầu tiên với chủ tịch là trưởng Phêrô Nguyễn Văn Liêm (1984), Báo Về Đất Hứa bắt đầu phát hành (1987), Sa Mạc Huấn Luyện Viên Sinai I ở Missouri (1989), cuộc diễn hành lịch sử của 1500 em Thiếu Nhi Thánh Thể Miền Tây Nam trong Đại Hội Liên Đoàn Công Giáo Kỳ III tại Orange (1989).
Tháng 7 năm 1992, Đại Hội Toàn Quốc VỀ ĐẤT HỨA II đã được tổ chức tại nhà dòng Dominguez, Los Angeles, quy tụ khoảng 800 người gồm các tuyên úy, trợ úy, trợ tá, huynh trưởng toàn quốc Hoa Kỳ và đại biểu của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Canada và Tổng Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Úc Châu. Các biến cố khác cần ghi nhớ trong bán thập niên 90: Bán Sa Mạc Trợ Tá Samaritanô đầu tiên tại Miền Tây Nam (1990), Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng đầu tiên tại Winnipeg - Canada (1990), Sa mạc Huấn Luyện Viên Cao Cấp Sinai II, Trung Cấp Sinai III và Sơ Cấp Sinai IV được tổ chức tại Missouri (1991), Sa Mạc Huấn Luyện Huynh Trưởng đầu tiên tại Paris - Pháp (1993), Bản Nội Quy Mới cho Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại Hoa Kỳ (1993).
Hiện nay, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam tại Hoa Kỳ (PT/TNTT/VN/HK) được tổ chức theo cách thức của Liên Đoàn Công Giáo, chia làm 8 Miền. Mỗi Miền có Cha Tuyên Úy Miền và Ban Chấp Hành Miền điều hành. Toàn quốc có khoảng 80 Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, gồm 15 ngàn Đoàn Sinh và 1600 Huynh Trưởng.
Mục Đích, Tôn Chỉ, và Phương Pháp Giáo Dục
Theo Nội Quy 1993, ngoài mục đích giáo dục thanh thiếu niên về 2 phương diện: tự nhiên và siêu nhiên - tự nhiên thì đào luyện thành người công dân tốt, siêu nhiên huấn luyện thành người Kitô hữu hoàn hảo -, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể còn đoàn ngũ hóa và hướng dẫn giới trẻ loan truyền Tin Mừng Chúa Kitô và góp phần xây dựng xã hội. Nền tảng giáo dục của Phong Trào là Lời Chúa trong Thánh Kinh và giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo; và, Chúa Giêsu Thánh Thể, đang tiếp tục cách kỳ diệu mầu nhiệm nhập thể và phục sinh trong cuộc đời mỗi người là lý tưởng của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể. Cụ thể hóa mục đích trên, Phong Trào mời gọi mọi đoàn viên sống theo các tôn chỉ sau:
1. Sống Lời Chúa và kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng Cầu Nguyện, Rước Lễ, Hy Sinh và Làm Việc Tông Đồ dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, cách riêng làm tông đồ cho giới trẻ: "Giới trẻ phải làm tông đồ trước tiên và trực tiếp cho giới trẻ". (Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân, Số 12)
2. Yêu mến và tôn kính Đức Maria Mẹ Chúa Cứu Thế, để nhờ Mẹ chúng ta đón nhận Chúa và đem Chúa vào đời một cách tuyệt hảo.
3. Tôn kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam; noi gương và nên chứng tá Tin Mừng Chúa Kitô như các Ngài.
4. Yêu mến và vâng phục vị đại diện Chúa Kitô, là Đức Giáo Hoàng, thủ lãnh của Thiếu Nhi Thánh Thể, đồng thời cầu nguyện và thực hiện những ý chỉ hằng tháng của Ngài.
5. Thăng tiến con người nhân bản. Bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam.
Từ các tôn chỉ này, Phong Trào đã tạo cho mình phương pháp giáo dục siêu nhiên thật độc đáo: Khơi Nguồn Thánh Kinh và Khơi Nguồn Thánh Thể. Nếu Phong Trào Hướng Đạo đã làm say mê bao tâm hồn trẻ với Khung Cảnh Rừng Xanh, thì chắc chắn, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể còn làm mê say và cảm nghiệm sâu xa hơn nữa với Khung Cảnh Thánh Kinh bắt nguồn từ kho tàng Lời Chúa dồi dào và xúc tích. Cuộc đời Chúa Giêsu từ thuở thơ ấu, thời ẩn dật và bước đường rao giảng Tin Mừng đã trở nên nguồn suối chất liệu phong phú trong việc giáo dục giới trẻ trở nên giống Chúa Kitô: Sống Ngoan, sống Hy Sinh, sống Chinh Phục, sống Dấn Thân như ngài. Không những thế, Phong Trào còn mời gọi giới trẻ sống THÁNH, qua phương pháp Khơi Nguồn Thánh Thể, trong đó, Chúa Giêsu Thánh Thể trở thành mặt trời của một ngày sống, trở thành trung tâm điểm của cả cuộc đời người đoàn viên TNTT, qua việc dâng ngày, rước lễ, làm việc lành và dâng đêm liên tục mỗi ngày.
Mặt khác, Phong Trào cũng tận dụng các phương pháp giáo dục tự nhiên như Hàng Đội Tự Trị, Giáo Dục Tiệm Tiến, Vào Sa Mạc (Trại Huấn Luyện), Sinh Hoạt Trẻ, và Hội Họp. Từ một nhóm trẻ ô hợp, Hàng Đội Tự Trị sẽ đưa các em vào đội ngũ trật tự, biết phân công trách nhiệm, nắm vững cơ cấu tổ chức, sống hòa đồng và phục vụ công ích chung. Giáo Dục Tiệm Tiến đáp ứng sự hợp lý trong việc huấn luyện: đi từ dễ đến khó, phân chia lứa tuổi và trình độ, những điều học trước sẽ giúp hiểu biết những điều học sau. Bước chân vào Sa Mạc (trại huấn luyện), các em sẽ học được tinh thần tháo vát, tự lập và khắc phục bản thân vì phải xa rời đời sống tiện nghi hằng ngày, và hơn thế nữa, cảm nghiệm được tinh thần phó thác vào Ban Huấn Luyện, tinh thần đồng đội trong đời sống lều trại và các sinh hoạt huấn luyện. Sinh Hoạt Trẻ đem lại niềm vui cho tâm hồn các em qua những bài hát, vũ điệu, băng reo và trò chơi, trong đó, các em sẽ được nuôi dưỡng bằng những tinh thần lạc quan, yêu đời, bằng những tình cảm thiêng liêng đối với gia đình, học đường, giáo hội và quê hương. Cuối cùng, Hội Họp mang lại bầu khí xum vầy, cùng nhau nhìn lại những gì đã thực hiện, cùng nhau phân công những gì đang thực hiện, cùng nhau chia sẻ những gì sẽ thực hiện, và cùng nhau học hỏi thăng tiến bản thân và đoàn thể.
Tổ Chức, Sinh Hoạt, và Huấn Luyện
Nếu ngày xưa Nghĩa Binh Thánh Thể chia ra làm Tiền Binh, Trung Binh và Hậu Binh, thì ngày nay, Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể dựa theo lứa tuổi chia ra làm Ngành Ấu Nhi, Ngành Thiếu Nhi, Ngành Nghĩa Sĩ, và Ngành Hiệp Sĩ. Ba Ngành Ấu, Thiếu, Nghĩa được huấn luyện theo Chương Trình Thăng Tiến với các bộ môn: Kiến Thức Thánh Kinh, Đời Sống Tôn Giáo, Suy Niệm Phúc Âm, Hiểu Biết Phong Trào, Chuyên Môn, và Việt Ngữ.
Ngành Ấu Nhi
Từ 7 đến 9 tuổi, đeo khăn mầu xanh lá mạ, với châm ngôn NGOAN. Phong Trào dùng cuộc đời thơ ấu của Chúa Giêsu làm khung cảnh huấn luyện Ấu Nhi. Các em sẽ học gương vâng lời của Chúa, sẽ cảm nhận ơn cha nghĩa mẹ và tình anh chị em trong gia đình.
Ngành Thiếu Nhi
Từ 10 đến 13 tuổi, đeo khăn mầu xanh biển, với châm ngôn HY SINH. Cuộc sống ẩn dật của Chúa Giêsu sẽ là khung cảnh huấn luyện Ngành Thiếu. Các em sẽ theo chân Chúa đi lên đền thờ năm 12 tuổi, trở về Nazareth sống "càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan và đạo đức. Tình yêu thương và lòng hy sinh thắt chặt hạnh phúc của thánh gia: Thánh Giuse cần cù lao động nuôi sống gia đình, Đức Maria hiền lành thương người, luôn chăm sóc và hướng dẫn con trẻ, Chúa Giêsu một lòng vâng phục và giúp đỡ cha mẹ.
Ngành Nghĩa Sĩ
Từ 14 đến 17 tuổi, đeo khăn mầu vàng tươi, với châm ngôn CHINH PHỤC. Cuộc đời công khai rao giảng của Chúa Giêsu rất phù hợp cho khung cảnh huấn luyện Ngành Nghĩa. Ở lứa tuổi này, các em đã bước vào đời, cảm nghiệm được tình bạn bè, hàng xóm láng giềng, lòng yêu nước và tinh thần phục vụ tha nhân. Các em sẽ bước theo chân Chúa, học hỏi sự khôn ngoan, lòng nhân từ độ lượng, và nhất là tinh thần dấn thân làm chứng cho chân lý qua đời sống gương mẫu và yêu thương.
Ngành Hiệp Sĩ
Từ 18 tuổi trở lên, đeo khăn mầu nâu, với châm ngôn DẤN THÂN. Bài Giảng Trên Núi tức Tám Mối Phúc Thật trở thành hiến chương của Ngành Hiệp Sĩ. Vào đời, trở nên muối men ướp đời, người hiệp sĩ quảng đại dấn thân phục vụ giáo hội và xã hội. Họ có thể là nhóm người cùng ngành nghề, cùng một trường đại học, hoặc có thể là những công nhân cùng một hãng xưởng xí nghiệp. Với tài năng và tim óc, họ sẵn sàng nhập cuộc kiến tạo cộng đoàn xứ đạo, hoặc xây dựng quê hương.
Huynh Trưởng
Từ 18 tuổi trở lên, đeo khăn mầu đỏ viền vàng, với châm ngôn PHỤNG SỰ. Trước khi bước vào cuộc đời Huynh Trưởng chính thức, người trẻ phải qua thời gian tập sự gọi là Dự Trưởng (đeo khăn mầu hồng viền đỏ). Cuộc đời Thánh Gioan Tẩy Giả là khung cảnh huấn luyện Dự Trưởng. Cũng như thánh nhân, người Dự Trưởng can đảm chọn đời sống "dọn đường cho Chúa đến", sẵn sàng bước vào con đường phụng sự của một người Huynh Trưởng chính thức. Khung cảnh huấn luyện Huynh Trưởng chính thức tức HT Cấp I là cuộc hành trình Về Đất Hứa của dân Do Thái, và cuộc đời của Mai Sen hướng dẫn dân Chúa khỏi ách nô lệ Ai Cập là hình ảnh người Huynh Trưởng dẫn đưa các em thiếu nhi thoát khỏi những tật xấu, thú vui thấp hèn của xã hội mà đến cùng Chúa. Lên đến Cấp II và Cấp III, người huynh trưởng được huấn luyện chuyên Ngành. Khung cảnh huấn luyện Cấp II Ngành Ấu là cánh đồng Bêlem, Cấp II Ngành Thiếu là cuộc hành trình lên Giêrusalem chịu thương khó của Chúa Giêsu, Cấp II Ngành Nghĩa là Biến cố Damas Phaolô ngã ngựa. Khung cảnh huấn luyện Cấp III Ngành Ấu là cuộc hành trình của Ba Vua Phương Đông tìm Chúa Hài Đồng, Cấp III Ngành Thiếu là Cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, Cấp III Ngành Nghĩa là các cuộc hành trình truyền giáo của Thánh Phaolô.
Trợ Tá
Nếu sự tuyển chọn 7 tá viên đã làm Giáo Hội tiên khởi phát triển vững chắc như thế nào, thì ngày nay, ngành Trợ Tá cũng đang giúp phát triển sinh hoạt của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tương tự như thế. Trước đây, phụ tá cho các cha Tuyên Úy, là các thầy sơ Trợ Úy, ngày nay, có thêm Trợ Tá. Với kinh nghiệm dồi dào của đời sống gia đình cũng như cuộc sống xã hội, người Trợ Tá là nguồn tương trợ tuyệt vời mỗi khi người Huynh Trưởng tìm đến. Không những mang vai trò hướng dẫn tinh thần, cố vấn góp ý, người Trợ Tá còn là chiếc cầu nối hữu hiệu giữa Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và phụ huynh cũng như cộng đoàn xứ đạo. Hơn nữa, người Trợ Tá nếu tham dự các Khóa Huấn Luyện của Phong Trào, sẽ trở thành những huấn luyện viên đáng tin cậy và tạo nền móng vững chắc cho các sinh hoạt huấn luyện tại địa phương.
Tuyên Úy
Vì là một đoàn thể Công Giáo Tiến Hành, nếu không có linh mục Tuyên Úy, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể không thể thành hình. Các ngài có nhiệm vụ hướng dẫn đời sống đạo đức và cử hành các nghi lễ Phụng Vụ. Biết bao vị Tuyên Úy đã để lại trong tâm hồn người đoàn viên Thiếu Nhi Thánh Thể sự cảm mến sâu xa vì sự dấn thân tận tụy của các ngài cho Phong Trào. Những Đại Hội Tuyên Úy trong lịch sử Phong Trào đã chứng minh chính các vị Tuyên Úy đã vạch hướng đi chín chắn, đã uốn nắn sự tăng trưởng của Phong Trào một cách sáng suốt và đúng đắn.
Kết Luận
Chúng ta sẽ giật mình khi nhìn lại quá trình huấn luyện một Đoàn Viên Thiếu Nhi Thánh Thể. Nếu gia nhập Phong Trào từ tuổi Ấu, người đoàn viên đó phải trải qua 15 năm huấn luyện để trở thành một Huynh Trưởng Cấp III, và mất khoảng 20 năm để trở thành huấn luyện viên Cao Cấp. Chắc chắn, ít có đoàn thể nào có được sự huấn luyện liên tục và quy củ như vậy.
Nhưng công tác giáo dục giới trẻ không phải là của một số người, mà là của tất cả mọi người chúng ta, nhất là trong cuộc sống ở hải ngoại này, biết bao khó khăn đã làm điên đầu các chuyên gia giáo dục. Phong Trào kêu gọi sự tiếp tay của quý vị phụ huynh, nhất là trong vai trò Trợ Tá. Nhìn đi nhìn lại, Thiếu Nhi Thánh Thể cũng là con em của quý vị, xin hãy tích cực dấn thân hơn nữa. Phong Trào cũng kêu gọi sự tham gia của các bạn trẻ. Đừng để Chúa Giêsu Thánh Thể nhìn bạn cũng như ngày nào Ngài nhìn người thanh niên lặng lẽ quay mặt chối từ lời mời gọi theo chân Chúa.
Trưởng Vincentê Nguyễn Đức Mậu
Trích trong www.tntt.org/tlieu/pt/lspt.html
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 12 | Tổng lượt truy cập: 601,347