HUYNH TRƯỞNG THIẾU NHI THÁNH THỂ
TRƯỚC NHỮNG THÁCH ĐỐ CỦA THỜI ĐẠI HÔM NAY
Năm 1865, từ Hội Tông Đồ Cầu Nguyện, hai linh mục Léonard Cross và Henri Ramière đã qui tụ các em thiếu nhi thành một đoàn thể có tổ chức với tên gọi là Đạo quân riêng của Đức Giáo Hoàng, nhằm mục đich bảo vệ tâm hồn các em thiếu nhi khỏi bị cuốn theo phong trào tục hóa đang lan tràn trong các trường học công giáo ở Pháp lúc bấy giờ.
Năm 1910, qua sắc lệnh Quam Singulari, Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X khuyến khích lòng tôn sùng Thánh Thể và cho phép các thiếu nhi được rước lễ sớm. Từ đó phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể được chính thức thành lập tại Pháp năm 1917 do một linh mục dòng Tên là cha Albert Bessière, như để đáp ứng lại lòng mong muốn của Đức Thánh Cha. Phong trào lấy tinh thần Nghĩa Binh Thánh Giá thời Trung cổ, nhưng thay vì bảo vệ thánh địa vật chất, phong trào muốn bảo vệ thánh địa và đền thờ thiêng liêng là tâm hồn các em thiếu nhi, bằng vũ khí là cầu nguyện, rước lễ, hy sinh và làm tông đồ.
Nhìn thấy kết quả giáo dục thiếu nhi do phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể tại Pháp, năm 1929 hai linh mục hội Xuân Bích đã đưa phong trào này vào Việt Nam và thành lập đoàn đầu tiên tại Hà Nội, sau đó tại Huế và Sài Gòn (1931), tại Phát Diệm và Thanh Hóa (1932), tại Vinh và Vĩnh Long (1935), tại Qui Nhơn (1936) và tiếp đến các giáo phận khác. Từ năm 1965, phong trào được gọi là Thiếu Nhi Thánh Thể.
1. BỐI CẢNH TỤC HÓA TẠI VIỆT NAM
Phòng trào tục hóa phát triển mạnh tại Pháp từ cuộc cách mạng 1789, tràn lan khắp Âu châu, theo chân các thực dân xâm nhập vào Việt Nam. Tiếp đến là cuộc cách mạng 1917 tại Nga đề cao chủ trương duy vật vô thần lý thuyết, cũng xâm nhập vào Việt Nam. Người ta cho rằng người có niềm tin là những kẻ lạc hậu, phản khoa học. Chủ trương này khiến cho nhiều người công giáo đặt lại vấn đề đức tin và đi đến chỗ bỏ đạo. Chủ nghĩa vô thần lý thuyết này còn được tiếp tay bởi chủ nghĩa vô thần thực tiễn, đề cao hưởng thụ, khiến cho nhiều người công giáo cũng chạy theo vật chất, sống như thể không có Thiên Chúa, mặc dù không minh nhiên bỏ đạo.
Đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của phong trào tục hóa do chủ trương vô thần lý thuyết và thực tiễn gây ra chính là giới trẻ. Trong khi người già cố bám víu vào lối giữ đạo truyền thống để giữ đức tin, thì những người trẻ dễ bị lôi cuốn vào phong trào tục hóa nhiều nhất. Chúng ta có thể tìm thấy những lý do sau:
- Xã hội thay đổi: nếp sống cổ truyền với bối cảnh làng xóm dần dần bị phá vỡ.
- Thực trạng đô thị hóa và di dân ngày càng ồ ạt, nhu cầu học hành và tìm kiếm công ăn việc làm khiến người trẻ dễ ra đi.
- Nếp sống hưởng thụ lôi cuốn giới trẻ một cách mạnh mẽ và trở thành một thứ thời thượng.
- Những nguồn thông tin quá nhiều và trái chiều, khiến giới trẻ dễ rơi vào chủ trương tương đối hóa tôn giáo và đạo đức. Những chuẩn mực đạo đức không còn hoặc bị đánh giá thấp trong chợ trời bát nháo thượng vàng hạ cám cùng nằm chung một túi.
- Nhờ khoa học, người ta phát huy sức mạnh của mình đến độ không cần đến Thiên Chúa và dần dần đi tới chỗ chối bỏ Thiên Chúa, như một thứ chuyện cổ tích dành cho thời thơ ấu.
2. NHỮNG THÁCH ĐỐ HIỆN NAY CỦA HUYNH TRƯỞNG THIẾU NHI THÁNH THỂ
Thách đố bao hàm những khó khăn, nhưng không đồng nghĩa với khó khăn. Những câu đố là những câu khó hiểu, nhưng là phương thế để phát triển tài năng trí tuệ. Do đó thách đố không mang một nghĩa tiêu cực khiến người ta thất vọng buông xuôi, nhưng có tính tích cực giúp người ta tìm tòi khám phá. Sau đây là một số thách đố cho người hoạt động tông đồ nói chung và cho các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể nói riêng.
2.1. Vượt qua thái độ tiêu cực để luôn hăng say nhiệt thành
Chủ nghĩa thế tục, văn hóa hưởng thụ và chủ nghĩa tương đối rốt cuộc đã khiến một số người hoạt động tông đồ mất hết nhiệt tình, trở nên nguội lạnh đối với sứ vụ của mình. Đứng trước thực trạng đó, từ những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Giáo Hội đã phát động một công cuộc tân Phúc Âm hóa trên toàn thế giới, tức là một cuộc loan báo Tin Mừng với những nét mới đặc trưng: mới trong nhiệt tình tông đồ, mới trong các phương pháp được sử dụng và mới trong các lối diễn tả phù hợp với thời đại và hoàn cảnh mới. Làm mới lại nhiệt tình tông đồ là điểm mới thứ nhất trong công cuộc tân Phúc Âm hóa và cũng là một thách đố đối với những người làm công tác tông đồ. Vì vậy Đức Phanxicô đã mời gọi những người làm việc tông đồ hãy nói không với ích kỷ và nguội lạnh thiêng liêng để tìm lại nhiệt tình tông đồ ấy.
Khi nhìn vào một số người đang làm việc tông đồ trong Giáo Hội, Đức Phanxicô đã đau lòng ghi nhận: "Khi mà chúng ta đang cần nhiều nhất một năng động truyền giáo để đem muối và ánh sáng cho đời, thì nhiều giáo dân lại sợ rằng có thể họ sẽ được yêu cầu đảm nhận một hoạt động tông đồ nào đó, và họ tìm cách tránh né mọi trách nhiệm có thể lấy mất thì giờ rảnh rỗi của họ. Ví dụ, ngày nay tại các giáo xứ thật khó tìm được những giáo lý viên đã được huấn luyện mà sẵn sàng kiên trì trong công việc này trong một thời gian dài... Một số người hoàn toàn từ chối hiến thân cho truyền giáo và rốt cuộc đi đến một tình trạng tê liệt và nhàm chán thiêng liêng" (EG 81).
Có người lúc đầu rất hăng say nhiệt tình, nhưng với thời gian, nhiệt tình ấy bị giảm sút đến độ rơi vào tình trạng nguội lành lúc nào cũng không biết. Sự nguội lạnh thiêng liêng ấy không phát sinh từ tình trạng hoạt động quá tải, nhưng thường là do những hoạt động mục vụ được thực hiện không tốt, không có động lực thích hợp và nhất là không được hướng dẫn bởi một linh đạo đúng đắn và đầy thú vị, khiến cho công việc trở nên nặng nề như một gánh nặng mà người ta chỉ chờ cơ hội để trút bỏ (x. EG 82). Đó là chưa kể đến sự nhàm chán trong công việc, những vướng bận việc gia đình, nghề nghiệp hay học hành, những thất bại trong việc tông đồ, sự bất đồng giữa anh chị em huynh trưởng với nhau, sự bất mãn với bề trên. Tất cả góp phần tạo nên một sự nguội lạnh thiêng liêng nơi người huynh trưởng.
Để vượt qua sự nguội lạnh thiêng liêng này, chúng ta hãy ý thức lại hồng ân tình yêu mà Chúa Giêsu đã ban cho mỗi người chúng ta. Có ai được yêu mà không cảm thấy nhu cầu chia sẻ niềm vui cho kẻ khác. Nếu giờ đây chúng ta cảm thấy con tim mình đã trở nên nguội lạnh, thì hãy cầu xin Chúa khuấy động cuộc sống ơ hờ lạnh nhạt của chúng ta và ban lại cho chúng ta niềm vui thuở ban đầu. Ngoài ra, để lấy lại nhiệt huyết chia sẻ Tin Mừng cho kẻ khác, chúng ta cần phải suy niệm Tin Mừng bằng tình yêu, để khám phá lại vẻ đẹp của nó, vẻ đẹp đã khiến các tông đồ ngày xưa mau mắn lên đường rao giảng Tin Mừng. (x. EG 264).
Sau cuộc gặp gỡ Đức Giêsu bên bờ sông Giôđanô, ông Anrê đã vội vàng dẫn anh mình là Simon đến giới thiệu với Người, và Philipphê cũng đã làm như thế đối với bạn mình là Nathanael. Kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô cũng là cảm nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa: "Với mỗi người tuỳ theo cách của mình, tất cả các niềm vui này đều bắt nguồn từ tình thương vô biên của Thiên Chúa, Đấng tự mặc khải cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô" (EG 7). Chính tình thương ấy là điều đánh động các tông đồ nhiều nhất, khiến các ngài hân hoan lên đường rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Chính thánh Phaolô đã khẳng định như thế trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô: "Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi" (2Cr 5,14). Đó là câu mà chúng ta đã chọn làm chủ đề của Đại hội hôm nay, để nhắc nhở các huynh trưởng nhận biết đâu là nguồn động lực thúc đẩy người huynh trưởng dấn thân phục vụ.
2.2. Luôn tin tưởng, lạc quan và vui tươi
Theo lời khuyên của Đức Phanxicô trong tông huấn Evangelii Gaudium, số 84, những điều xấu của thế giới và ngay cả của Giáo Hội không thể là cái cớ để chúng ta giảm bớt sự dấn thân và nhiệt tình, vì nghĩ rằng mình có cố gắng cho lắm cũng chẳng tới đâu, một cánh én chẳng làm nên mùa xuân! Chúng ta hãy coi chúng như là những thách đố có thể giúp chúng ta lớn lên và thêm vững mạnh. Với con mắt đức tin và dựa vào Lời Chúa, chúng ta hãy luôn luôn lạc quan, vì Thiên Chúa không chịu thua sức mạnh của sự ác và Người có thể từ sự dữ rút ra sự lành để mọi sự đều sinh ích cho những kẻ tin vào Người.
Nhiều lúc chúng ta bị cám dỗ bỏ cuộc, trốn tránh; chúng ta trở thành những con người mệt mỏi, thận trọng, thích nói về các giới hạn hơn là các khả năng, đề cập đến những gì không thể làm hơn là những gì có thể làm, tiết kiệm sức lực thay vì liều mình vì Chúa Kitô. Để ra khỏi thái độ bi quan vô bổ, Đức Phanxicô quả quyết: "Các thách thức xuất hiện là để bị vượt qua! Chúng ta hãy là những con người thực tế, nhưng không để mất niềm vui, sự táo bạo và sự dấn thân trong hi vọng tràn trề của chúng ta. Đừng để mình bị cướp mất nhuệ khí truyền giáo" (EG 109).
"Sự khiếm khuyết của chúng ta không thể là cái cớ để tránh né; trái lại, truyền giáo là một kích thích để chúng ta không ở yên trong tình trạng tầm thường nhưng phải tiếp tục lớn lên. Chứng tá đức tin mà mỗi người Kitô hữu được kêu gọi cống hiến khiến chúng ta có thể nói cùng với Thánh Phaolô: 'Không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được đức Kitô Giêsu chiếm đoạt' (Pl 3,12-13)" (EG 121).
Thái độ lạc quan tin tưởng trước mọi khó khăn và sẵn sàng đối diện với mọi thách đố trong việc loan báo Tin Mừng không phát xuất từ bản thân người rao giảng, nhưng từ sức mạnh của mầu nhiệm Phục sinh đang hiện diện và của Đức Kitô phục sinh đang đồng hành với Giáo Hội trên con đường sứ vụ. Thật vậy, sau khi ban cho các tông đồ mệnh lệnh truyền giáo, Đức Kitô phục sinh đã nói với các ông: "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,20).
Trong bối cảnh thế giới hiện nay, Đức Phanxicô "muốn khích lệ các tín hữu đi vào một chương mới của công cuộc loan báo Tin Mừng ngập tràn niềm vui này" (EG 1). Niềm vui tự nó có sức thu hút. Do đó loan báo Tin Mừng bằng niềm vui là một phương pháp vừa phù hợp với bản chất luôn luôn mới mẻ của Tin Mừng, vừa dễ được đón nhận bởi một thế giới đang cần đến niềm vui để sống, nhất là giới trẻ là những người thích vui vẻ.
2.3. Luôn gắn bó với Đức Kitô
Đức Phanxicô "kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ cá vị và mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình" (EG 3). "Chỉ nhờ sự gặp gỡ này... chúng ta tìm thấy nguồn mạch và cảm hứng cho mọi nỗ lực Phúc Âm hoá của chúng ta. Bởi nếu chúng ta đã nhận được tình yêu phục hồi ý nghĩa cho cuộc đời mình, làm sao chúng ta có thể không chia sẻ tình yêu ấy với người khác?" (EG 8). Như ánh sáng phát đi từ mặt trời để soi sáng và sưởi ấm trần gian, nhưng vẫn luôn luôn gắn liền với mặt trời, thì các huynh trưởng cũng phải luôn gắn bó với Đức Kitô, mới có thể đem lại kết quả trong sứ vụ tông đồ, như lời Chúa đã dạy.
Ở số 120 của tông huấn, Đức Phanxicô đã lặp lại ý tưởng ngài đã chia sẻ với các Giám mục Mỹ Châu La tinh khi viết: "Do phép rửa tội, mọi thành viên của Dân Chúa phải trở nên những môn đệ truyền giáo (x. Mt 28,19)". Môn đệ là người theo học với Chúa Giêsu, gắn bó với Người, chia sẻ thân phận của Người. Còn người truyền giáo là người ra đi rao giảng Đức Kitô và chia sẻ cho mọi người kinh nghiệm mình có về Người. Như vậy bất cứ người môn đệ nào cũng được mời gọi trở thành nhà truyền giáo và muốn làm nhà truyền giáo thì trước và luôn luôn phải là người môn đệ. Trong bài nói chuyện với các Giám mục tại Seoul vào ngày 17.08.2014, Đức Phanxicô cũng đã mời gọi Giáo Hội đối thoại với các dân tộc Á Châu bằng cách nói về Đức Kitô (truyền giáo) và từ Đức Kitô (môn đệ). Người môn đệ đang có Đức Kitô sống nơi mình sẽ trở thành nhà thừa sai. Chính hai chữ "thừa sai" cũng nói lên ý tưởng xuất phát từ Đức Kitô, chứ không xuất phát từ chính mình.
Một phương tiện hữu hiệu giúp các huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể dễ dàng gắn bó với Chúa Giêsu là thường xuyên suy niệm Lời Chúa và yêu mến bí tích Thánh Thể. Từ đó họ sẽ có thể nhận ra sự hiện diện của Chúa nơi các em nhỏ để hết lòng phục vụ chúng. Như thế việc gắn bó với Đức Kitô là một thách đố mà huynh trưởng phải thực hiện bằng mọi giá để có thể phục vụ các em thiếu nhi.
2.4. Hoạt động với tinh thần siêu nhiên
Khi tự nguyện làm huynh trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể, chúng ta không hoạt động vì lợi ích cá nhân hay vì sở thích, nhưng hoàn toàn với một ý hướng siêu nhiên là tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa và lợi ích thiêng liêng cho các thiếu nhi mà chúng ta hết tình yêu mến và muốn phục vụ. Đó cũng là một thách đố đối với các huynh trưởng. Trong thực tế có nhiều người tham gia công tác tông đồ không vì ý hướng siêu nhiên đó, nhưng chỉ để tìm kiếm chính mình, "sáng danh tôi, tối danh Chúa". Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cho biết có người nhân danh Chúa làm phép lạ, nhưng vẫn bị xua đuổi ra ngoài trong ngày sau hết, vì họ làm không với mục đích làm vinh danh Chúa. Đó là một cám dỗ của tính thế tục thiêng liêng của những người làm việc của Chúa nhưng không làm việc cho Chúa, khiến Đức Phanxicô đã phải đau lòng thốt lên:
"Núp dưới dáng vẻ của lòng đạo đức và thậm chí lòng yêu đối với Hội Thánh, tính thế tục thiêng liêng hệ tại việc không tìm kiếm vinh quang Thiên Chúa mà là tìm vinh quang loài người và sự thoả mãn của bản thân. Đó là điều Chúa mắng những người Biệt phái: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin?” (Ga 5,44)." (EG 95).
"Nếu chúng ta muốn dấn thân hoàn toàn và cho đến cùng, chúng ta cần bỏ lại đàng sau mọi động cơ khác. Đây là động cơ dứt khoát, sâu nhất và mạnh nhất của chúng ta, lý do và ý nghĩa tối hậu đàng sau tất cà những gì chúng ta làm: vinh quang của Cha mà Đức Giêsu tìm kiếm từng giây từng phút trong cuộc đời Ngài" (EG 267). Người huynh trưởng phải luôn cộng tác vào việc xây dựng nước Thiên Chúa nơi các tâm hồn bằng sự chăm sóc, dạy dỗ, hướng dẫn các em thiếu nhi được giao phó cho mình.
2.5. Tận tâm trong việc đào tạo đức tin cho các em
Trong tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô viết: "Mệnh lệnh truyền giáo của Chúa bao hàm một lời kêu gọi lớn lên trong đức tin: “Hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,20). Vì vậy, rõ ràng việc rao giảng đầu tiên cũng đòi hỏi sự đào luyện thường xuyên và sự trưởng thành" (EG 160). Các huynh trưởng có trách nhiệm gieo mầm Lời Chúa trong lòng các em bằng việc giảng dạy giáo lý và bằng chứng từ đời sống gương mẫu, đồng thời luôn theo dõi giúp các em đạt tới sự trưởng thành Kitô giáo, bằng sự đồng hành với các em trên lộ trình đức tin.
"Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu" (EG 24). "Ngày nay hơn bao giờ hết, chúng ta cần những người nam người nữ biết dựa trên kinh nghiệm bản thân trong việc đồng hành với người khác, những người thành thạo trong các tiến trình đòi hỏi sự thận trọng, cảm thông, kiên nhẫn và ngoan ngoãn vâng nghe Chúa Thánh Thần, để họ có thể bảo vệ chiên khỏi sói dữ làm tan tác đàn chiên. Chúng ta cần phát triển nghệ thuật lắng nghe, chứ không chỉ là nghe suông. Trong lãnh vực truyền thông, lắng nghe là sự mở lòng để có được thái độ gần gũi mà thiếu nó thì không thể có sự gặp gỡ thiêng liêng. Lắng nghe giúp chúng ta tìm ra cử chỉ và lời nói thích hợp để chứng tỏ chúng ta không chỉ là những khách qua đường. .. Thế nên cần có 'một khoa sư phạm dẫn đưa người ta từng bước một tới sự lãnh hội đầy đủ mầu nhiệm'[1]" (EG 171).
Để thực hiện sứ mệnh cao cả này, các huynh trưởng hôm nay phải có một vốn giáo lý phong phú, một linh đạo vững chắc và một cuộc sống đạo gương mẫu. Hơn nữa, việc giáo dục đức tin và các đức tính của con người không phải là điều dễ dàng và cũng không thể thực hành trong ngắn hạn được. Ngày nay người ta hay nhắc đến kế sách nổi tiếng của ông Quản Trọng: "Trăm năm trồng người". Quản Trọng là một vị tướng quốc nổi tiếng của Tề Hoàn Công trong thời Chiến Quốc ở Trung Hoa cách đây khoảng 2700 năm. Là một nhà chiến lược kiệt xuất và có tài kinh bang tế thế, ông đã đệ trình lên Tề Hoàn Công một sách lược vừa ngắn hạn vừa dài hạn như sau: "Nhất niên chi kế mạc nhi thụ cốc, thập niên chi kế mạc nhi thụ mộc, bách niên chi kế mạc nhi thụ nhân". Tạm dịch là: Kế hoạch một năm không gì bằng trồng ngũ cốc, kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây, kế hoạch trăm năm không gì bằng trồng người". Vì vậy các huynh trưởng cần phải có nhiều kiên nhẫn. Chính Chúa Giêsu ngày xưa đã rất kiên nhẫn khi giảng dạy các môn đệ. Phải luôn tìm kiếm những phương cách mới, chứ không thể cứ rập khuôn, bản cũ sao lại. Cuối cùng, người huynh trưởng phải có tấm lòng, đời sống nội tâm sâu sắc, siêng năng cầu nguyện và kết hiệp với Chúa Giêsu Thánh Thể.
2.6. Tâm huyết với việc đào tạo các em thành những tông đồ giới trẻ
Đức Phanxicô cũng đã viết: "Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo, và sẽ là bất cập nếu chỉ nghĩ đến một kế hoạch truyền giáo được thực hiện bởi những nhà truyền giáo chuyên nghiệp trong khi số các tín hữu khác chỉ là những người thụ hưởng thụ động. Tân Phúc Âm hoá đòi hỏi sự dấn thân thực sự của từng cá nhân tín hữu" (EG 120). "Đương nhiên tất cả chúng ta được kêu gọi phải chín chắn trong công việc của người loan báo Tin Mừng. Chúng ta muốn có một sự đào luyện tốt hơn, một tình yêu sâu hơn và một chứng tá Tin Mừng rõ hơn" (EG 121).
Tuổi trẻ là tuổi của hoài bão, của xây dựng tương lai và tìm kiếm lý tưởng. Tuổi trẻ cũng như buổi sáng báo hiệu một ngày. Căn cứ vào buổi sáng người ta có thể đoán được trọn ngày như thế nào. Cũng vậy, căn cứ vào tuổi thanh xuân hiện tại của một người, người ta có thể phần nào đoán được tương lai của người ấy. "Người già cống hiến những ký ức và sự khôn ngoan của kinh nghiệm để cảnh giác chúng ta tránh lặp lại những lỗi lầm của chúng ta trong quá khứ. Người trẻ kêu gọi chúng ta đổi mới và mở rộng niềm hi vọng, vì họ biểu thị những hướng đi mới cho loài người và mời gọi chúng ta hướng tới tương lai, để chúng ta khỏi bám víu vào một sự tiếc nuối những cơ cấu và những tập quán cũ không còn đem lại sức sống cho thế giới hôm nay" (EG 108). Nếu người trẻ nói chung là tương lai của xã hội, thì giới trẻ công giáo là tương lai của Giáo Hội. Chính họ là những tác nhân quan trọng trong công cuộc rao giảng Tin Mừng, cũng như nhóm tông đồ trẻ của Đức Giêsu ngày xưa.
Vì thế trong Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, công đồng Vaticanô II đã dạy: "Trong xã hội ngày nay, giới trẻ làm thành một sức mạnh rất quan trọng... Người trẻ phải trở nên những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của giới trẻ, trong khi chính họ hoạt động tông đồ giữa người trẻ và nhờ người trẻ, tùy theo môi trường xã hội họ đang sống... Người lớn hãy thúc đẩy giới trẻ làm tông đồ, trước hết bằng gương sáng và tùy dịp bằng ý kiến khôn ngoan và giúp đỡ thiết thực" (TĐ 12).
Đào tạo các em thiếu nhi làm tông đồ cho giới thiếu nhi là bản chất của phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể, vốn được biết đến như một đoàn thể công giáo tiến hành, một trường giáo dục đức tin và hướng dẫn các em làm việc tông đồ. Để giới trẻ trở thành những tông đồ giáo dân, cần phải quan tâm đến việc huấn luyện họ: "Việc huấn luyện làm tông đồ phải bắt đầu ngay từ lúc mới giáo dục các trẻ em. Nhưng đặc biệt phải tập cho các thanh thiếu niên biết làm tông đồ và thấm nhuần tinh thần này... Các linh mục phải luôn nhớ đến việc huấn luyện tông đồ này trong khi giảng dạy giáo lý, trong các bài giảng, trong việc coi sóc các linh hồn cũng như trong tất cả mọi hoạt động mục vụ khác" (TĐ 30).
Theo đường hướng của công đồng, việc đào tạo giới trẻ trở thành một chương trình quan trọng trong hoạt động của Giáo Hội. Tuy nhiên đây không phải là công việc dễ dàng, vì thế giới ngày nay đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, và giới trẻ là thành phần bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự thay đổi đó. Vì thế, Đức Phanxicô đã viết:
"Thừa tác vụ giới trẻ, như được tổ chức theo truyền thống, cũng đã chịu tác động bởi các thay đổi xã hội. Giới trẻ thường không thể tìm thấy những giải đáp cho các mối quan tâm, nhu cầu, vấn đề và các thương tổn của họ trong các cơ cấu bình thường. Là người lớn, chúng ta cảm thấy khó kiên nhẫn lắng nghe họ, trân trọng các mối quan tâm và đòi hỏi của họ, và nói với họ bằng một ngôn ngữ họ có thể hiểu. Cùng một lý do ấy, các cố gắng của chúng ta trong lãnh vực giáo dục không tạo ra những kết quả mong muốn. Sự xuất hiện và phát triển của các hiệp hội và các phong trào mà đa phần là giới trẻ có thể được nhìn như là công trình của Chúa Thánh Thần, Đấng mở ra những lối đi mới để đáp ứng các mong đợi của họ và cuộc tìm kiếm một đời sống thiêng liêng sâu xa và một ý thức thực tế hơn về tư cách thuộc về. Tuy nhiên vẫn cần bảo đảm rằng các hiệp hội này tham gia một cách tích cực vào các cố gắng mục vụ toàn thể của Hội Thánh" (EG 105)
Cần phải đặc biệt lưu tâm đến giới trẻ, tìm hiểu não trạng, những suy nghĩ và ước muốn của chúng, tìm cách qui tụ chúng trong những đoàn thể thích hợp với độ tuổi, xu hướng và khả năng của chúng, để dễ đào tạo. Tuổi trẻ thích vui và do đó để lôi cuốn giới trẻ chúng ta cần phải tổ chức những chương trình mục vụ dành riêng cho các thanh thiếu nhi, với những nét vui tươi, năng động.
Nhìn chung giới trẻ ngày nay dường như không thể sống mà thiếu internet. Những phương tiện tham gia hệ thống internet như điện thoại di động mà họ gọi là “dế yêu”, iphone, ipad,… là vật bất li thân của giới trẻ. Đặc biệt, họ thích các mạng xã hội như như facebook, twitter, hoặc dùng Blog, Vblog (tức Video Blog) và thường xuyên truy cập. Họ sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, như để biết thông tin, liên lạc, chia sẻ suy tư, để học hỏi, để bày tỏ ý kiến, để làm bạn, lập nhóm fan riêng...
Dĩ nhiên hiện tượng này của giới trẻ cũng có những mặt tiêu cực của nó, nhưng chúng ta cũng có thể tìm thấy ở đó những phương tiện thích hợp và hữu hiệu cho việc đào tạo giới trẻ, nhất là hướng dẫn họ sử dụng các phương tiện hiện đại này vào việc loan báo Tin Mừng cho các nhóm bạn, hay những "đoàn thể" được hình thành từ "không gian kỹ thuật số" của thời @. Nếu được hướng dẫn tốt từ những người có đủ khả năng chuyên môn trong lãnh vực này, giới trẻ có thể tìm thấy một nội dung hết sức phong phú để học hỏi và một phương tiện hết sức hữu hiệu và nhanh chóng cho việc loan báo Tin Mừng mà chúng không cảm thấy nhàm chán, trái lại rất thích thú.
+ Matthêô Nguyễn Văn Khôi
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
Copyright © 2022 Bản quyền thuộc về Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Đang online: 143 | Tổng lượt truy cập: 707,981