BÀI 18 - Cứu thương – Băng bó

  • 12/05/2022
  • BÀI 18 - Cứu thương – Băng bó

    I. CỨU THƯƠNG

    Cứu thương là điều trị tạm thời nhưng rất quan trọng. Cứu thương đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị của bác sĩ được dễ dàng và hiệu qủa. Giúp nạn nhân bớt đau đớn và tránh tật nguyền hay tử vong. Nếu cấp cứu không đúng cách có thể làm tổn thương thêm cho người bị nạn. Cách sơ cứu tuy đơn giả và mau lẹ nhưng an toàn, hợp vệ sinh để khi bác sĩ đến sẽ không mất nhiều thì giờ sửa lại những sai lỗi y tế căn bản.

    Vậy người cứu thương biết phải làm gì và không làm gì khi gặp tai nạn xảy ra.

    1. Để người bị thương nằm thoải mái, đầu và mình bằng nhau. Phải khám nghiệm nạn nhân để biết vết thương nặng hay nhẹ trước khi giúp họ ngồi dậy hay đứng lên.

    2. Tìm xem có xuất huyết, ngừng thở, phỏng, gãy xương, trật khớp... Phải quan sát kỹ vết thương và điều trị đúng cách. Nếu nạn nhân ngừng thở phải hô hấp nhân tạo. Giúp nạn nhân thở lại rồi mới tiến hành những việc băng bó và sơ cứu khác.

    3. Cho người báo cảnh sát, bác sĩ hay xe hồng thập tự.

    4. Giữ bình tĩnh và đừng vội di dời người bị thương nếu không thật cần thiết, tránh làm vết thương thành nặng hơn.

    5. Không bao giờ cho người bất tỉnh uống nước hay bất cứ chất lỏng nào khác.

    6.  Làm cho nạn nhân được thông thoáng, tiện nghi bao nhiêu có thể. Đừng để người xem bu đông quanh nạn nhân.

    7. Đừng để nạn nhân thấy vết thương của mình hay biết tình trạng vết thương của họ. Biết an ủi, khích lệ, tránh để nạn nhân hoảng hốt, lo sợ.

    1. Hô hấp nhân tạo

    Các tế bào trong con người rất cần dưỡng khí, nếu thiếu dưỡng khí trong vài phút chúng có thể chết. Các tế bào bị tổn hại vì thiếu dưỡng khí trong các trường hợp sau :

    - Không khí có ít dưỡng khí như xuống giếng hoặc hố sâu không thoáng gió, những người leo núi quá cao, các phi hành gia.

    - Khi khí quản bị nghẹt nên không khí không vào phổi được như trường hợp thắt cổ, ngộp hơi, chết đuối và một vài trường hợp nhiễm khí độc.

    - Khi tim không bơm đủ máu qua huyết quản như trường hợp xuất huyết, nghẹt tim.

    - Khi động tác thở điều hòa quá ít hay quá yếu do tế bào của hệ hô hấp trung khu trong óc bị tê liệt, hoặc đường thần kinh đến các bắp thịt hô hấp bị nghẹt như trường hợp chết vì rượu, thuốc mê, thuốc ngủ... Trong trường hợp bị gẫy cổ, bị điện giật, bị đập mạnh vào đầu (tai nạn xe, đánh nhau...).

    Phương cách duy nhất để cứu họ là hô hấp nhân tạo.

    A. Phương pháp đè lưng và nhấc cánh tay :

    a. Đặt nạn nhân nằm sấp và đứng ngang mình họ, lòn tay dưới bụng nạn nhân xốc lên để tháo nước dư, vật lạ trong khí quản và phổi ra. Giữ độ nửa phút, rồi thả nạn nhân xuống để đầu nghiêng và gối trên hai bàn tay xấp lại với nhau.

    b. Trong khi ấy nhờ người phụ tháo bỏ quần áo bó mình nạn nhân, lấy mền hay vải phủ lên để họ khỏi bị nhiễm lạnh.

    c. Người làm hô hấp nhân tạo quỳ ở phía đầu nạn nhân, đăt hai bàn tay trên lưng họ, hai ngón tay cái đụng nhau, lòng bàn tay đặt giữa đường chạy hai nách nạn nhân (xem hình).

    d. Từ từ nhón về phía trước, cánh tay thẳng, đè trên lưng nạn nhân (đếm 1,2 theo nhịp đồng hồ) động tác này để tống hơi ra.

    e. Từ từ lùi về phía sau, hai tay nắm cùi chỏ nạn nhân kéo về phía mình, đếm 3. Tiếp tục cho đến khi thấy sức trì kéo của vai nạn nhân, đếm 4,5. Động tác này để nạn nhân hít hơi vô.

    f. Buông hai tay xuống, đếm 6. Làm vậy là trọn một chu kỳ. Mỗi phút ta phải làm 12 chu kỳ như vậy. Tùy nạn nhân lớn hay nhỏ, nam hay nữ mà ấn mạnh hay nhẹ trên lưng.

    B. Phương pháp miệng truyền miệng :

    Phương pháp này rất hiệu nghiệm nhưng người cứu thương có thể thấy khó chịu, buồn nôn vì hơi và vật thực từ bao tử trào ra. Có thể dùng khăn tay mỏng phủ lên miệng nạn nhân trước khi đặt môi ta lên. Phương pháp này được thực hiện như sau :

    a. Để nạn nhân nằm ngửa, móc sạch mọi vật thể lạ ra khỏi miệng nạn nhân.

    b. Để một tay dưới cổ và nâng đầu lên. Dùng tay kia giữ đỉnh đầu và đẩy ngửa ra càng xa càng tốt.

    c. Nâng cằm lên để đầu ngửa ra hoàn toàn.

    d. Kê sát môi ta vào môi nạn nhân, bịt mũi họ lại rồi thổi thật mạnh để ngực họ phồng lên.

    e. Bỏ ra, lắng nghe hơi thở nạn nhân thoát ra. Nếu không thấy hơi thở thoát ra phải kiểm soát lại vị trí đầu và cằm nạn nhân, có thể lưỡi họ thụt vào nên bít đường thông hơi của khí quản, phải kéo lưỡi ra.

    f. Nếu thổi lại mà hơi vẫn không vào, nên nghiêng nạn nhân qua một bên rồi vỗ mạnh vài cái vào giữa hai vai họ để tống vật lạ ra. Nếu nạn nhân là em bé nên ôm ngang bụng, để đầu thòng xuống rồi vỗ mạnh vào vai.

    g. Tiếp tục thổi: cứ 5 giây một lần.

    h. Nếu nạn nhân hồi tỉnh, thở đều, không nên cho nạn nhân ngồi dậy sớm quá vì sẽ bất tỉnh trở lại rất nguy hiểm.

    i. Cho mời bác sĩ hoặc xe cứu thương.

    Lưu ý :

    - Trong mọi trường hợp, đừng ngưng làm hô hấp nhân tạo sớm quá. Có nhiều trường hợp, sau hơn 2 hoặc 3 giờ làm hô hấp như vậy nạn nhân mới tỉnh dậy.

    - Nên kết hợp hai phương pháp: đè ngực (lưng), nhấc cánh tay và miệng truyền miệng hiệu quả sẽ cao hơn.

    II. BĂNG BÓ

    Băng bó nhằm mục đích kiềm giữ và che trở một vết thương hay một phần cơ thể bị thương tích.

    Có 2 loại băng chính :

    Băng cuộn : cuốn thành từng cuộn dài từ 3 đến 5 mét. Băng cuộn còn chia ra 2 thứ khác nhau :

    . Băng ‘GA’ : bằng vải xô, mỏng như vải mùng.

    . Băng ‘NỈ’ : co dãn được, rất tốt.

    Băng tam giác : bằng khăn vuông gấp đôi, hay khăn                                                     quàng ... chỉ dùng để băng tạm thôi.

    A. BĂNG CUỘN

    1) Cách sử dụng:

    Trừ trường hợp ngoại lệ, còn ngoài ra bao giờ cũng phải cầm cuộn băng bên tay phải và phần cuốn băng bao giờ cũng nằm ở phía trên.

    - Khi bắt đầu băng : quấn 2 vòng băng chồng lên nhau (vòng chết) và lật ngược đầu băng cho nằm giữa vòng băng thứ nhất và thứ nhì, nhờ vậy băng sẽ không bị tuột .

    - Khi băng xong : kết thúc bằng 2 vòng băng chồng lên nhau (vòng chết), rồi cột băng lại. Nếu là loại vải thì xé đôi theo chiều dọc của cuối đầu băng và buộc nút lại. Nếu là băng nỉ thì gấp cuối đầu băng lại vài phân và dùng ghim giữ băng để ghim băng lại.

    2) Cách thực hành              

    . Băng nơi tay chân

    Nguyên tắc chung: băng từ phía bàn tay, bàn chân trở vào trong (Vd : băng ở cánh tay thì bắt đầu từ phía bàn tay trở vào vai).

    Băng theo hình trôn ốc nếu dùng băng NỈ

    Băng theo hình chữ nhân nếu dùng băng VẢI

    . Băng ngón tay, ngón chân         

    - Quấn 2 vòng băng (vòng chết) nơi cổ tay hay cổ chân. Căng cuộn băng để đi qua mu bàn tay, đến phủ đầu ngón tay hay ngón chân, và gấp lại 1 hay 2 lớp, rồi quấn 1 vòng băng quanh ngón tay hay ngón chân.

    - Băng theo kiểu số 8 vài loạt và kết thúc bằng 2 vòng băng (vòng chết) nơi cổ tay hay chân.

    . Băng ở chân, băng khớp xương hay mắt cá

    - Quấn 2 vòng băng (vòng chết) quanh gót chân từ trên vòng xuống.

    - Băng theo kiểu số 8 từ bàn chân vào gót và từ gót chân lên cổ chân.

    Kết thúc bằng 2 (vòng chết) quanh cổ chân.

    . Băng khỉu tay, đầu gối

    Cách 1: Băng theo kiểu số 8, nghĩa là: Quấn 2 vòng băng (vòng chết) tại phần dưới của khớp xương.

    . Căng cuộn băng để đi qua phần trên của khớp xương.

    . Làm 1 vòng chết ở trên khớp xương.

    . Cuối cùng lại băng trở lại qua phía trước của khớp xương để trở lại điểm bắt đầu.

    Tiếp tục làm như vậy cho kín phần khớp xương.

    Cách 2 : Băng theo hình qủa trám nghĩa là Quấn 2 vòng băng ngay tại nơi đầu khớp xương.

    . Quấn vòng thứ 3 ở phía dưới khớp xương

    . Quấn vòng thứ 4 ở phía trên của khớp xương.

    Cứ tuần tự như vậy và kết thúc bằng 2 vòng băng ở phía trên của khớp xương.

    4) Băng bả vai

    - Quấn 2 vòng băng tại bắp tay.

    - Rồi băng lần lượt cứ 1 vòng quanh thân thì lại 1 vòng quanh bắp tay.

    5) Băng đầu (băng gấp góc)

    -Quấn 2 vòng chung quanh đầu

    - Quấn nhiều vòng băng từ đỉng đầu qua cằm

    - Kết thúc bằng 2 vòng băng quanh đầu

    -(Dùng 2 cuộn băng) mỗi tay cầm 1 cuộn.Băng từ phía sau ót. Một cuộn đi vòng quanh đầu để giữ đường băng đi trên đỉnh đầu. Một cuộn đi trên đỉnh đầu, để bao phủ kín đầu.

    B. BĂNG TAM GIÁC

    1) Cách sử dụng:

    Lối băng bó này rất thích hợp và nhanh chóng trong việc cấp cứu tai nạn. Chỉ cần đắp lên vết thương một lớp vải mỏng thanh trùng, hoặc một mảnh khăn hay áo sạch cũng được. Sau đó quấn khăn tam giác vào và buộc lại. Khi buộc, đừng bao giờ để nút buộc nằm trên vết thương.

    Băng tam giác có 3 góc: góc đỉnh sẽ gọi là CHÓP KHĂN. Cạnh khăn đối diện với góc đỉnh gọi là TRÉO KHĂN.

    2) Thực hành:

    a. Băng đầu :

    . Trên trán :

    Đặt tréo khăn ngang trên trán. Chóp khăn phủ từ trán ra sau gáy. Kéo 2 góc khăn buộc đè lên chóp khăn phía sau gáy.

    . Sau gáy : Tréo khăn đặt ngang sau gáy.

    Chóp khăn phủ từ sau gáy ra trước trán. Kéo 2 góc khăn buộc đè lên chóp khăn phía trước trán.

    b. Băng khớp xương và tứ chi :

    Nguyên tắc chung :

    Chóp khăn luôn hướng lên trên (hướng về thân thể).

    Tréo khăn sẽ nằn ngang ở dưới (trừ trường hợp ở chân).

    Vai :

    Đặt chóp khăn trên vai, dùng một sợi dây (cà vạt) quấn đè lên chóp khăn (chóp khăn gấp lại 1 lần trên dây đai), lòn qua dưới nách bên kia mà cột lại.

    Vòng tréo - góc khăn quanh cánh tay và buộc lại.

    . Cùi chỏ: Giống như băng đầu gối)

    Đặt chóp khăn lên phần ngoài cùi chỏ, hơi co khỉu tay lại.

    Vòng chéo 2 góc khăn quanh khỉu tay và buộc một nút ngay bên ngoài, xích trên cùi chỏ một chút, kéo chóp khăn xuống cho luồn vào mối buộc.

    Bàn tay :

    Đặt bàn tay lên khăn, chóp khăn nằm ở cổ tay. Gấp tréo khăn lại để phủ kín ngón tay. Vòng tréo 2 góc khăn lại, rồi vòng quanh cổ tay và buộc lại.

    Háng :

    Giống như băng vai. Nhưng dây đai giữ chóp khăn buộc quanh thân mình nơi eo lưng (như dây thắt lưng). Vòng tréo 2 góc khăn quanh đùi rồi buộc lại.

    . Bàn chân : có 2 cách băng :

    Cách 1: Băng kín cả ngón chân, Đặt bàn chân lên khăn. Chóp khăn ra khỏi các đầu ngón chân, xếp ngược chóp khăn lại để phủ kín đầu ngón chân. Tréo khăn kéo về sau quá gót chân một chút. Vòng tréo 2 góc khăn về trước. Quấn quanh cổ chân rồi buộc lại.

    Cách 2 : không băng kín các ngón chân. Đặt bàn chân lên khăn. Chóp khăn nằm về phía sau gót chân. Tréo khăn nằm ngang với các gót chân nhưng không phủ kín các ngón chân. Vòng tréo 2 góc khăn, quấn quanh cổ chân và chóp khăn rồi cột lại.

    c. Băng một phần tay hay chân :

    Băng tam giác có thể băng được thẳng vào cánh tay, bắp tay, đùi và bắp chân.

    . Đặt chóp khăn hướng vô trong thân thể, ngay dưới khớp xương.

    . Đặt một cạnh của khăn nằm dọc theo chân hay tay.

    . Tức là chóp khăn và góc khăn A nằm ngang nhau trên chân hay tay.

    . Còn lại góc khăn BB sẽ quấn vòng tréo quanh chân hay tay.

    . Trường hợp khăn ngắn, 2 góc khăn không cột vào nhau được, thì nhét nó vào ở mối đầu.

    d. Băng mắt cá chân :

    Gấp khăn tam giác lại thành nhiều lần (thường là 2 lần)

    . Đầu chóp khăn gấp xuống, chạm tới chéo khăn.

    . Gấp lại lần nữa cho bằng với tréo khăn.

    Băng tam giác được gấp lại như trên sẽ trở thành một sợi băng dài rất hữu dụng, để:

    . Băng mắt cá chân khi bị trật khớp: Băng theo hình số 8, khởi sự từ lòng bàn chân, rồi tréo qua mắt cá, vòng qua cổ chân rồi buộc lại.

    . Băng khi gẫy xương : Dây băng này giúp cột nẹp cho vết thương gẫy xương thêm an toàn.

    . Băng khi chảy máu nhiều : Nhất là khi đứt hoặc bể mao quản, dây băng này sẽ ép mạnh để cầm máu các vết thương.

    CÁCH CẦM MÁU

                                            Dây thắt mạch (làm Garrot)

    Có nhiều cách cầm máu, tùy vết thương nặng hay nhẹ.

    a. Máu ra ít, nhẹ: chẳng hạn như đứt tay, trầy da, vết thương nhỏ... Em lấy ngón tay đè thẳng vào vết thương (lưu ý: tay phải sạch), các mạch máu nhỏ trong da sẽ được chận lại, máu sẽ bớt ra và ngưng chảy.

    b. Máu ra nhiều và mạnh: nếu nén trực tiếp vào vết thương mà không hiệu quả, em phải chọn mạch máu chảy đến vết thương dọc theo những động mạch, dùng tay ấn mạnh để chặn máu chảy đến vết thương. Nếu ấn vào động mạch không hiệu quả lắm, em phải dùng phương pháp cột garrot. Cột garrot là trường hợp bất đắc dĩ vì để lâu phần chi thể phía dưới sẽ bị chết, vì thế khi cột xong phải đem đi nhà thương ngay. Nếu quãng đường xa, cứ 15 phút mở garrot 1 lần.

    * Những gạch đen ở hình là chỗ có thể cột garrot. Những điểm tròn là chỗ dùng tay ấn mạnh.

    c. Nếu cầm máu bằng phương pháp nén trực tiếp không hiệu quả ta mới dùng đến phương pháp cột dây thắt mạch, cột dây thắt mạch là trường hợp bất đắc dĩ, cột xong phải đưa nạn nhân đến bệnh viện ngay. Vì nếu để lâu, máu không lưu thông được vào phần phía dưới vết thương, do đó phần thân thể này sẽ bị chết, rất có thể sẽ bị cắt bỏ. Khi cột dây thắt mạch ta nên làm một thẻ ghi ngày và giờ làm Garrot để bác sĩ biết.

    Chú ý :

    - Không bao giờ để dây thắt mạch lâu quá 2 giờ.

    - Cứ 15-20 phút phải nới dây thắt mạch để máu lưu thông, nhưng không tháo ra. Nếu máu ngưng chảy cứ để dây thắt mạch lỏng như vậy, nếu máu ra, ta lại gút chặt dây thắt mạch lại.

    - Khi làm dây Garrot xong phải băng vết thương cẩn thận đừng để nhiễm trùng rất nguy hiểm.

    d. Dây thắt mạch: được làm bằng dây cao su hay vải sợi (nhưng không được bén hay nhỏ quá có thể cắt đứt thịt khi cột). Có thể dùng băng cà-vạt, khăn quàng cổ, dây lưng, dây thun xe, khăn tay... Băng phải rộng ít nhất 5cm.

    Có hai chỗ thuận tiện nhất cho việc làm dây thắt mạch:

    - Chung quanh cánh tay, dưới nách chừng một bàn tay.

    - Chung quanh bắp đùi, dưới háng chừng một bàn tay.

    e. Thực hiện cột dây thắt mạch bằng cà-vạt :

    Quấn băng chung quanh tay, chân một hoặc hai vòng (H1),lấy thanh gỗ ngắn và cứng đặt trên nút lỏng (H2) rồi cột một nút dẹt (H3), vặn thanh gỗ thật lẹ thắt chặt dây Garrot ép động mạch để cầm máu. Dùng một băng khác cột ép thanh gỗ với tay để giữ không cho xổ dây thắt mạch ra.

    f. Nếu dây thắt mạch bằng dây cao su chỉ cần cuốn quanh cánh tay hoặc chân xiết chặt, cột hai đầu dây cao su bằng nút dẹt.

    TẢI THƯƠNG

    Di chuyển nạn nhân cho thích hợp là việc rất quan trọng trong môn cấp cứu. Nếu ta chăm sóc chu đáo mà di chuyển không khéo, mọi sự có thể trở nên vô ích và đôi khi còn làm khó khăn hơn cho việc điều trị. Đặc biệt các vết thương nơi đầu, gẫy xương sống, xương sườn, xương đùi, xương ống chân sẽ phải chữa trị khó khăn và bị nguy hiểm hơn nếu nạn nhân không được di chuyển thích hợp. Các trường hợp nặng luôn được di chuyển trong tư thế nằm.

    Ngoại trừ những hoàn cảnh đặc biệt, việc di chuyển nạn nhân phải được một y sĩ đích thân điều khiển hay hướng dẫn. Khi di chuyển nạn nhân không được phép hấp tấp, trước khi di chuyển nạn nhân phải có những biện pháp cấp cứu cần thiết (như hô hấp nhân tạo, làm Garrot,...) và nới lỏng các quần áo nạn nhân.

    Nếu có cáng cứu thương để di tản nạn nhân là tốt nhất. Nhưng cũng có thể dùng các vật liệu tại chỗ như : ghế dài, chăn (mền), bao bố, áo Sơmi, khăn quàng, dây lưng.v.v...

    A. Làm cáng    

    a. Dùng khăn quàng                        

    b. Dùng bao bố: cắt hai góc                                                                            

    đáy bao và xuyên gậy qua.

    c. Dùng 2 áo Sơmi: lộn trái, xuyên gậy qua 2 tay áo, cài cúc áo lại. Hai áo Sơmi phải tương đương nhau, đừng một to một nhỏ.

    * Chú ý : Khi làm cáng xong, phải thử lại bằng cách nhờ một người có sức nặng bằng hay hơn nạn nhân nằm thử để tránh trường hợp khi đặt nạn nhân lên, cáng chịu không nổi, gẫy, tuột rách... do sức nặng của nạn nhân thì đúng là đổ nợ !  

    B. Đặt nạn nhân lên cáng

    - Đặt cáng theo chiều dọc phía trên đầu nạn nhân, trong khi một người nâng phía vai, người kia nâng phía dưới đầu gối nạn nhân một cách nhẹ nhẹ, hai người phụ trách khiêng cáng sẽ lùa cáng vào qua giữa hai chân những người khiêng để cho hai người khiêng từ từ đặt nạn nhân xuống cáng.

    - Luôn luôn để đầu nạn nhân cao hơn chân, trừ trường hợp nạn nhân bị gẫy xương đùi hay bị ngất xỉu. Khi lên dốc,  phải giữ đầu nạn nhân ngang bằng hay thấp hơn chân một chút.

    C. Di chuyển :

    -  Khi khiêng, chân nạn nhân đi trước, người khiêng đàng sau là người điều khiển việc di chuyển, không được la lối ầm ĩ nhưng ra lệnh từ từ và rõ ràng : “Chuẩn bị khiêng... khiêng !”. Khi nghe hô “Chuẩn bị khiêng”, hai người nắm lấy tay cáng, nghe lệnh “khiêng” từ từ đứng lên. (Không bao giờ ngồi xổm khi nhấc cáng, người đàng trước chân phải co gối 900, chân trái co sát gối; người đàng sau chân phải co sát gối, chân trái co gối 900).

    - Các khẩu lệnh như tiến, ngừng, hạ... phải được truyền rõ ràng theo phương thức có dự lệnh và động lệnh.

    - Người đi trước bước đi bằng chân trái, thì người đi sau bắt đầu bước bằng chân phải, bước đi từng bước ngắn. Ngoài nhiệm vụ điều khiển người đi trước, người đi sau còn có nhiệm vụ quan sát nạn nhân để đề phòng các biến chứng.

    - Nếu nạn nhân quá “vĩ đại”, hai người khiêng không xuể, có thể dùng 4 người. Trong trường hợp này, mỗi người khiêng một đầu cáng và đều đi ở phía ngoài cáng. Người đi sau bên trái là người điều khiển.

    D. Tải thương bằng các phương tiện khác

    Việc di chuyển nạn nhân ở trong tình trạng trầm trọng là điều khẩn thiết, đôi khi chúng ta không thể tìm được những vật liệu cần  để tạo một cái cáng tải thương cho đàng hoàng. Sau đây là một vài cách di tản nạn nhân khi không có cáng tải thương.

    a. Dùng ghế :

    Nếu nạn nhân không bị gẫy xương trầm trọng, cho nạn nhân ngồi trên ghế dựa.

    - Một người giữ lưng ghế.

    - Một người nắm hai chân trước của ghế, sát mặt ghế.

    b. Dùng tay :

    Cách I: - Một người bê 2 chân nạn nhân chỗ đầu gối.

    - Một người lòn dưới nách nạn nhân, 2 tay nắm lấy nhau ở trước ngực nạn nhân.

    Cách II

    - Hai người khiêng đứng cạnh nhau. Tay phải người này nắm chặt vai trái người kia và ngược lại. Còn 2 tay kia thì nắm chặt cườm tay của nhau.

    - Nạn nhân sẽ ngồi lọt bàn tọa vào giữa 4 cánh tay. Dựa lưng vào 2 tay người khiêng, 2 tay nạn nhân choàng qua 2 vai người khiêng.

    Bài viết liên quan